Xuồng Metal Shark 45 Defiant được thiết kể để thực hiện các nhiệm vụ của quân đội, lực lượng hành pháp, có thể lắp đặt các thiết bị tuần tra và tìm kiếm cứu nạn.
Trực thăng vũ trang Trung Quốc bị chê 'đẹp mã, tính năng kém'
- Cập nhật : 20/05/2017
Giới quân sự cho rằng trực thăng vũ trangZ-19E Trung Quốc mới công bố có vẻ ngoài đẹp mắt, nhưng tính năng chiến đấu không thực sự nổi bật.
Tập đoàn công nghiệp máy bay AVIC ở Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc hôm 18/5 thực hiện lần bay thử nghiệm đầu tiên đối với trực thăng tấn công Z-19E mới nhất. Truyền thông Trung Quốc cho biết Z-19E là trực thăng dành riêng cho xuất khẩu đầu tiên được chế tạo đặc biệt cho nhiệm vụ tấn công, theo Sputnik.
Trang bị ít nhất 8 tên lửa chống tăng và diệt thiết giáp, Z-19E được cho là có thể lấp chỗ trống về năng lực tấn công mặt đất của nhiều quốc gia. Máy bay cũng được trang bị công nghệ kết nối với lực lượng đặc nhiệm trong các nhiệm vụ trinh sát. Nhà sản xuất khẳng định Z-19E có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm, khả năng cơ động và độ an toàn cao, bảo đảm sinh mạng cho tổ lái. Bên cạnh đó, trực thăng này còn được trang bị giao diện tiếng Anh, phù hợp với nhiều quốc gia.
Các nhà phân tích tại kênh truyền hình quốc phòng Nga Zvezda thể hiện sự ấn tượng với vẻ ngoài của mẫu Z-19E, nhưng cũng đặt nhiều dấu hỏi về tính năng của loại trực thăng này. Chuyên gia Dmitri Yurov khẳng định Z-19E trông giống một máy bay không người lái tàng hình hơn là trực thăng tấn công.
"Liệu có chỗ đứng nào cho một cỗ máy đầy vẻ tương lai như vậy ngoài Trung Quốc không? Nhu cầu mua trực thăng vũ trang hiện đại được quyết định bởi ba yếu tố cơ bản, đó là khả năng phòng vệ, vũ khí tấn công và chi phí (PAC)", ông Yurov cho biết.Trong điều kiện chiến tranh hiện đại, trực thăng vũ trang cần được bảo vệ ở mức tối đa. Ngay cả những cuộc xung đột nhỏ có thể chứng kiến sự xuất hiện của những vũ khí nguy hiểm, đủ sức tiêu diệt trực thăng hiện đại như pháo phòng không và tên lửa vác vai. Tuy nhiên, nhà sản xuất trực thăng Trung Quốc dường như đã quên bài học này.
Z-19E có thiết kế thân dài và hẹp, được cho là chế tạo từ vật liệu composite nhẹ. Điều này khiến nó giống mẫu Eurocopter Tiger do Pháp và Đức hợp tác sản xuất, vốn được quảng cáo là đủ sức chống đạn 23 mm phòng không của Liên Xô. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ này chưa bao giờ được kiểm chứng trong chiến đấu thực tế.
Đại tá Yuri Pogrebnyak, cựu phi công Mi-24 từng tham chiến tại Afghanistan, cho rằng cần đặt dấu hỏi về việc sử dụng giáp phòng vệ nhẹ trên trực thăng tấn công. Ông khẳng định công nghệ vật liệu vỏ giáp composite đã tiến bộ rất nhiều, nhưng không có gì bảo đảm việc Z-19E sẽ chịu được các phát đạn bắn thẳng từ pháo 23 mm hoặc 12,7 mm.
Các chuyên gia Nga đánh giá hệ thống động cơ, cánh quạt ẩn trong đuôi và vẻ ngoài tàng hình của Z-19E đều giống với dự án Eurocopter Tiger ra đời cách đây gần 30 năm, không còn đáp ứng được nhu cầu của chiến tranh hiện đại.Họ khẳng định Z-19E có tính năng kém xa WZ-10, trực thăng tấn công chủ lực trong biên chế Trung Quốc. Sự ra đời của Z-19E có thể chỉ là cách Bắc Kinh thăm dò thị trường trực thăng vũ trang trên thế giới, nhưng các khách hàng nhiều khả năng sẽ ít bị hấp dẫn bởi loại máy bay này.
Những khách hàng lớn muốn nâng cấp không quân thường tập trung vào trực thăng vũ trang được trang bị vỏ giáp và vũ khí hạng nặng, có khả năng tiêu diệt tăng thiết giáp và chống chịu được khí tài phòng không đối phương. Z-19E tập trung vào khả năng tàng hình có thể sẽ không gây ấn tượng với họ.
Trực thăng thân dài hẹp chế tạo từ vật liệu composite, trang bị giáp Kevlar chịu được đạn 12,7 mm như Z-19E sẽ chỉ phù hợp với các cuộc đột kích nhỏ, chứ không dành cho những chiến dịch quân sự có quy mô, chuyên gia Yurov kết luận.
Tử Quỳnh
Theo Vnexpress