Nguyên tắc và qui phạm pháp luật xác lập chủ quyền lãnh thổ đã được hình thành trên cơ sở thực tiễn quốc tế, trong đó có các phương thức thụ đắc lãnh thổ.
Cận cảnh các cơ sở quân sự Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa
- Cập nhật : 28/03/2017
Trung Quốc đã gần hoàn thành các cơ sở phòng thủ và tấn công tại ba đảo nhân tạo phi pháp lớn nhất ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, máy bay quân sự Trung Quốc nay có thể hoạt động gần như toàn bộ Biển Đông.
Bộ ba đảo nhân tạo phi pháp kể trên bao gồm đá Xu Bi, đá Vành Khăn và đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nơi Trung Quốc cấp tập xây dựng phi pháp các công trình quân sự trong thời gian qua.
Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) hôm 27.3 đã công bố các hình ảnh vệ tinh chụp hồi đầu và giữa tháng 3, theo dõi việc xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo kể trên,.
Tổng thể các công trình quân sự Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Xu Bi, ảnh vệ tinh DigitalGlobe chụp ngày 14.3.2017 AMTI
Các hình ảnh mới của AMTI cho thấy hầu hết các công trình quân sự của Trung Quốc đều sắp hoàn thành, giúp Trung Quốc có thể triển khai hàng loạt khí tài quân sự đến các đảo nhân tạo phi pháp này vào bất kỳ lúc nào, bao gồm cả máy bay chiến đấu và bệ phóng tên lửa di động. Hầu hết các công trình radar, cơ sở phòng thủ trên biển và trên không của Trung Quốc đều đang ở giai đoạn cuối cùng.
Theo đánh giá của AMTI, với các căn cứ không quân tại 3 đảo nhân tạo trên và thêm một căn cứ ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, máy bay quân sự của Trung Quốc sẽ có thể hoạt động gần như trên toàn bộ Biển Đông. Tầm hoạt động của radar Trung Quốc cũng bao phủ gần cả Biển Đông rộng lớn. Lý do là vì trong thời gian qua Trung Quốc đã lắp đặt phi pháp hệ thống radar giám sát và cảnh báo sớm ở đá Chữ Thập, Xu Bi và Châu Viên (thuộc quần đảo Trường Sa) cũng như trên đảo Phú Lâm. Hệ thống radar với quy mô nhỏ hơn được lắp đặt ở nhiều nơi khác trên Biển Đông.
Đá Vành Khăn cũng là nơi Trung Quốc tập trung xây dựng các cơ sở quân sự phi pháp, ảnh vệ tinh Digital Globe chụp ngày 11.3.2017 AMTI
Tại đảo Phú Lâm, Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 trong hơn một năm qua, chưa kể ít nhất một lần từng triển khai tên lửa hành trình chống hạm đến đây.
Hiện việc xây dựng tại bộ ba đảo nhân tạo phi pháp nói trên ở quần đảo Trường Sa tập trung cho các nhà chứa bệ phóng tên lửa di động được gia cố vững chắc và có mái che.
Đá Chữ Thập
Tất cả các nhà chứa máy bay trên đá Chữ Thập nay đã hoàn tất, đủ chỗ cho 24 máy bay chiến đấu và 4 máy bay lớn hơn như máy bay vận tải, tiếp dầu, ném bom...
Hồi tháng 1.2017 vừa qua, các mái vòm che radar đã được Trung Quốc lắp đặt trên 3 tháp lớn ở phía đông bắc của đá Chữ Thập cũng như trên một tháp ở đầu phía bắc đường băng tại đây. Tính tổng thể, một loạt mái vòm che radar được phát hiện ở phía bắc của đường băng cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt cả một hệ thống radar, cảm biến ở đây.
Đá Vành Khăn
Nhà chứa cho 24 máy bay chiến đấu đã hoàn thành xong. Đến đầu tháng 3, công trình 5 nhà chứa máy bay lớn hơn cũng đã ở giai đoạn cuối cùng. Ở giữa đá Vành Khăn nay sừng sững một tháp radar đã xây xong. Ở góc tây nam của đảo nhân tạo phi pháp này, thêm 3 tháp radar lớn đang được xây dựng.
AMTI nhận định rằng việc xây dựng tương tự cũng sẽ được tiến hành trên đá Chữ Thập và Xu Bi.
Đá Xu Bi
24 nhà chứa máy bay chiến đấu và 4 nhà chứa dành cho máy bay lớn hơn đã được xây xong. Các hình ảnh chụp gần đây cho thấy mái vòm trên 3 tháp radar cũng đã ở giai đoạn xây dựng cuối cùng. Sát đường băng ở đá Xu Bi, một tháp radar đã hoàn tất.
Đá Xu Bi là nơi đặt radar tần số cao nhất trong ba đảo nhân tạo phi pháp Trung Quốc xây dựng trên Biển ĐôngAMTI
Đá Xu Bi cũng là nơi Trung Quốc đặt hệ thống radar tần số cao, ở mức độ vượt trội trong bộ ba đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa. Cùng với hệ thống radar trên các đá khác, radar tần số cao nhằm mục đích bảo vệ các công trình Trung Quốc xây phi pháp trước các cuộc tấn công từ trên không và tấn công bằng tên lửa.
Kiều Oanh
Theo thanhnien.vn