Sự gắn kết của ASEAN được “thử lửa” trước sự "tấn công” của Trung Quốc đối với những quốc gia ASEAN không liên quan trực tiếp tới tranh chấp về Biển Đông đã và đang nhận các khoản viện trợ "không hoàn lại" lớn từ Bắc Kinh.
Trung Quốc 'thích' ông Romney trở thành tổng thống Mỹ?
- Cập nhật : 12/10/2016
Hai tuần trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ, ứng viên Mitt Romney liên tục có những lời “đao to búa lớn”, có thể khiến Trung Quốc cau mày.
Ông Romney nói các lãnh đạo của Trung Quốc là “những kẻ gian lận”, giữ giá đồng nhân dân tệ thấp hơn thực tế để hàng hóa của nước này rẻ hơn trên thị trường quốc tế.
Ông tuyên bố, nếu đắc cử tổng thống, trong ngày đầu tiên nhậm chức, sẽ tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ - hành động mà Mỹ không thực hiện suốt 18 năm qua.
“Trong ngày đầu tiên, tôi sẽ tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Điều này sẽ cho phép tôi với tư cách tổng thống, trong trường hợp cần thiết, áp thuế trong những lĩnh vực mà tôi tin rằng họ đang lợi dụng các nhà sản xuất của chúng ta”, ông Romney nói.
Về vấn đề châu Á, ứng viên Romney cũng có những phát ngôn khiến Trung Quốc nóng mặt. Ông nói Mỹ nên tăng cường sự hiện diện ở khu vực tây Thái Bình Dương, mà không cần phải giải thích cho Bắc Kinh về chính sách an ninh châu Á của Washington.
Trong báo cáo của mình về chính sách đối với Trung Quốc và Đông Á, ông Romney viết “sẽ áp dụng chiến lược khiến tham vọng bá chủ khu vực của Trung Quốc hao tiền tốn của hơn rất nhiều con đường thay thế là trở thành một đối tác có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế”.
Trong khi chính quyền Obama từ chối bán máy bay chiến đấu thế hệ mới cho Đài Loan, ông Romney ngụ ý rằng, nếu trở thành tổng thống, ông sẽ bán chiến đấu cơ F-16 cho hòn đảo này.
Dù ứng viên Romney phát ngôn cứng rắn như vậy, nhưng Trung Quốc có thể vẫn thích ông chiến thắng trong cuộc đua tới Nhà Trắng.
Mạnh miệng về vấn đề tiền tệ của Trung Quốc, nhưng ông Romney chưa chắc đã dám động thủ.
Liệu ông có dám chấp nhận hy sinh vô số việc làm ở Mỹ, chấp nhận Trung Quốc trả đũa thương mại, thậm chí chấp nhận khả năng Mỹ suy thoái kinh tế nếu Trung Quốc dừng mua trái phiếu của Mỹ?
Ngoài ra, nếu trở thành chủ nhân Nhà Trắng, ông Romney cũng phải nghĩ cho nhiệm kỳ hai của mình.
Hai hôm trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008, ông Obama thông báo sẽ xem xét coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, để bảo vệ doanh nghiệp dệt may của Mỹ.
Sau khi ông Obama đắc cử, chính quyền của ông mất gần 4 tháng để điều tra xem Trung Quốc có thực sự thao túng tiền tệ hay không và kết luận cuối cùng là “không”. Khả năng là ông Romney sẽ nối gót ông Obama trong chuyện này.
Về chính sách đối với khu vực châu Á, những ý kiến của ông Romney sặc mùi khói súng, trái ngược quan điểm của ông Obama, nhưng có thể Trung Quốc vẫn “kết” ứng viên đảng Cộng hòa hơn.
Bởi dù sao, ván bài lật ngửa vẫn dễ chơi hơn, đỡ mất thời gian, công sức suy đoán, tránh được sự hiểu nhầm cũng như rủi ro.
Đến nay, ông Obama vẫn phải giải thích với phía Trung Quốc rằng, chiến lược trọng tâm châu Á của ông không nhằm kiềm chế Trung Quốc, mà nào Bắc Kinh đã tin. Từ cuối năm 2009, quan hệ Mỹ - Trung nhạt dần.
Một lý do nữa để Bắc Kinh có khả năng “chấm” ông Romney là một thực tế rằng mỗi khi thành viên đảng Cộng hòa trở thành chủ nhân Nhà Trắng, xét về tổng thể, quan hệ Mỹ - Trung tốt hơn.
Phe Cộng hòa luôn ủng hộ thương mại tự do, doanh nghiệp tự do và hạn chế luật lệ. Đặc điểm này ít nhiều phù hợp triết lý kinh tế của Trung Quốc hiện nay về thương mại, đầu tư, phát triển, doanh nghiệp và hiệu quả.
Gia Tùng
Tiền Phong