Đâu là những động lực thúc đẩy Bắc Kinh quan tâm đến Bắc Cực xa xôi lạnh giá? Trung Quốc đã chuẩn bị như thế nào cho chiến lược vươn ra Bắc Băng Dương?
Bầu cử Tổng thống Mỹ: Cuộc đọ sức trên mặt trận kinh tế
- Cập nhật : 12/10/2016
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa cuộc bầu cử lựa chọn “ông chủ” kế tiếp của Nhà Trắng sẽ diễn ra. Trong lúc này, cả 2 ứng cử viên Obama và Mitt Romney đều đang ra sức chinh phục cử tri với cùng một một tiêu: Thể hiện sự khác biệt về chính sách kinh tế để vực dậy nền kinh tế Mỹ.
Để đánh giá tầm ảnh hưởng và sự tín nhiệm của cộng đồng doanh nhân đối với cả 2 ứng cử viên này, mới đây tạp chí The Economist đã tiến hành khảo sát trên 1.700 chủ doanh nghiệp lớn trên thế giới với câu hỏi: Barack Obama hay Mitt Romney sẽ mang đến hy vọng cải thiện kinh tế toàn cầu? Kết quả, ông Obama nhận được 42% số phiếu chọn còn ứng cử viên của đảng Cộng hòa chỉ dành được số phiếu bằng 1/2 (21%) so với đối thủ của mình.
Ứng cử viên Barack Obama (đảng Dân chủ) và ứng cử viên Mitt Romney (đảng Cộng hòa) đang đấu tranh với nhau rất quyết liệt trong cuộc đua tiến đến chức Tổng thống Mỹ. |
Nhưng đó là với các doanh nhân nước ngoài, trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, hiện tại ông Mitt Romney lại nhận được sự tin tưởng cao hơn: Gần 40% cho rằng ông Romney sẽ cầm lái con tàu kinh tế Mỹ tốt hơn còn ông Obama chỉ nhận được 31%.
Dù vậy, với người dân Mỹ, ông Obama vẫn là sự lựa chọn ưa thích của họ. Ngay sau khi các cuộc đại hội của cả 2 đảng kết thúc, thăm dò dư luận cho thấy ý định bỏ phiếu cho ông Obama nổi trội hơn. Đại diện của đảng Dân chủ bỏ xa đối thủ tới 5 điểm.
Căn cứ vào nghiên cứu do viện Rasmussen thực hiện được công bố hồi giữa tháng 9 vừa qua, ông Obama nhận được sự ủng hộ của khoảng 50% số cử tri Mỹ còn ông Romney chỉ nhận được 45%. Kết quả thăm dò của viện Gallup cũng cho ra kết quả tương tự khi Obama dẫn trước 5 điểm so với Romney. Một cuộc thăm dò khác do tổ chức CNN- Opinion Research tiến hành, thậm chí ông Obama còn vượt trên đối thủ của mình tới 6 điểm. Nói một cách tổng quan nhất, trong mọi cuộc đối đầu ứng cử viên của đảng Dân chủ đều tỏ ra trội hơn ứng viên của đảng Cộng hòa.
Theo nhận xét của các nhà bình luận chính trị Mỹ, sở dĩ ông Obama nhận được sự tín nhiệm cao hơn bất chấp việc tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện nay đã cao hơn so với thời điểm ông này mới nhậm chức Tổng thống (năm 2009) tới 3%, là do ông “thật thà và thẳng thắn” hơn.
Hồi năm 2009, khi ông Obama lên nắm quyền cũng là lúc cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế đang ở giai đoạn đỉnh điểm. Ông cam kết sẽ đem lại nhiều hơn công ăn việc làm cho người dân Mỹ ngay trong năm đầu nhiệm kỳ nhưng thực tế lại diễn ra hoàn toàn trái ngược. Có lúc, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã vọt lên mức 10% và trong suốt 4 năm qua, chưa lúc nào xuống dưới 8%.
Trong tháng 8/2012, kinh tế Mỹ tạo thêm được 96.000 việc làm, thấp hơn nhiều so với con số mục tiêu 125.000. Thống kê của Bộ Lao động Mỹ cho biết, trong tháng 7/2012, nền kinh tế Mỹ đã tuyển dụng thêm 140.000 người. Điểm sáng duy nhất là tỷ lệ thất nghiệp của tháng 8 thấp hơn so với tháng 7/2012 (8,1% và 8,3%). Đây cũng chính là những yếu huyệt để đảng Cộng hòa tấn công vào các chính sách kinh tế của ông Obama.
GDP của Mỹ hiện đại khoảng 16.000 tỷ USD/năm. Chi tiêu của chính phủ chiếm gần 25% song chỉ thu ngân sách khoảng 15% (bội chi ngân sách 10%). Tính đến ngày 5/9/2012, gánh nặng trái phiếu đã vượt GDP khoảng 16.000 tỷ USD trong đó có khoảng 5.000 tỷ là món nợ của 4 năm qua do các biện pháp tăng chi để kích cầu mà không hiệu quả. |
Trên con đường tiến vào Nhà Trắng, ứng cử viên Romney và đảng Cộng hòa chú trọng khai thác 2 nhược điểm lớn của chính quyền ông Obama là: Tăng trưởng kinh tế kém và tình trạng nợ nần chồng chất của Mỹ. Trong 4 năm cầm quyền của ông Obama, nợ công của nước Mỹ đã tăng thêm 6.000 tỷ USD và đạt ngưỡng 16.000 tỷ USD hay tương đương với 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Trong cuộc đua này, cả 2 đối thủ đều hiểu rằng kinh tế là chiếc chìa khóa quan trọng nên dù chiến dịch tranh cử là gì thì Obama và Mitt Romney đều phải cố gắng đưa ra những giải pháp nhằm vực dậy nền kinh tế và giải quyết bài toán thất nghiệp. Nhưng đâu là sự khác biệt giữa 2 ứng cử viên này?
Có một điểm đặc biệt là trong năm nay, cử tri Mỹ sẽ bầu chọn người đứng đầu cơ quan hành pháp và Tổng thống và Phó tổng thống nhưng họ cũng sẽ phải đi bầu để chọn lại 435 dân biểu tại Hạ viện, 33 ghế tại Thượng viện và 13 Thống đốc bang hay đặc khu hành chính. Trong khi dư luận chỉ chú ý đến cuộc tranh cử Tổng thống thì quyền hành của vị trí này lại khá hạn chế về kinh tế và xã hội. Trái với lầm tưởng của nhiều người, về nội chính, cơ quan hành pháp Mỹ không có nhiều quyền hạn bằng cơ quan lập pháp như Thượng viện và Hạ viện (lớn nhất là Hạ viện). Thêm vào đó, Tổng thống Mỹ cũng không thể can thiệp vào các quyết định của các định chế tiền tệ và tín dụng như Ngân hàng trung ương và còn bị chi phối bởi phán quyết của Pháp viện tối cao.
Hiện tại, đảng Cộng hòa đang chiếm đa số 204/190 tại Hạ viện và hy vọng bảo vệ được đa số đó trong Quốc hội khóa 113 sau cuộc bầu cử tháng 11 tới. Ngược lại đảng Dân chủ vẫn kiểm soát Thượng viện Mỹ với đa số rất mỏng là 4 ghế dân chủ và 2 ghế độc lập nên họ vẫn có thể bác bỏ các đạo luật của đảng Cộng hòa. Đây cũng chính là một lý do gây nên sự khủng hoảng chính trị tại Mỹ.
Phan Sương
Theo Infonet