Mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên đang đẩy Mỹ và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn. Bình Nhưỡng còn trở thành con bài mặc cả mới trong tiến trình gây dựng quan hệ song phương Washington - Bắc Kinh.
Biển Đông nóng ván cờ địa chính trị mới của Mỹ, Trung?
- Cập nhật : 26/02/2017
Mỹ triển khai nhóm tàu tuần tra Biển Đông giữa lúc rộ tin Trung Quốc “gần như hoàn thành” các công trình “có thể chứa tên lửa”. Phải chăng một ván cờ địa chính trị mới đang thành hình?
Sputnik dẫn nhận định của một số nhà phân tích chính trị cho biết, Mỹ đang chơi một trò chơi địa chính trị trong khu vực, nhằm gia tăng áp lực với Trung Quốc và với cả các nước ASEAN.
Ngày 18/2, nhóm tàu Hải quân Mỹ bắt đầu chiến dịch được Hải quân Mỹ gọi là “các chiến dịch thông thường” tại Biển Đông. Dẫn đầu nhóm tàu này là tàu sân bay USS Carl Vinson lớp Nimitz. Ngoài ra, nhóm tàu còn có tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer (DDG 108) lớp Arleigh Burke...
Ngày 22/2, Reuters dẫn hai người giấu tên của quan chức Mỹ cho biết “Trung Quốc đã gần như hoàn thành việc xây dựng (bất hợp pháp) hàng chục cấu trúc trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, có vẻ như được thiết kế để chứa tên lửa đất đối không tầm xa”.
Một quan chức tình báo Mỹ đánh giá Trung Quốc không có vẻ chỉ xây các công trình ở Biển Đông mà không có dụng ý gì. Bởi vì những cấu trúc này giống như các nhà chứa tên lửa đất đối không nên theo quan chức tình báo Mỹ giấu tên này, “kết luận hợp lý là đó chính là mục đích của công trình này”.
Một quan chức khác cho biết các cấu trúc trong diện nghi vấn tên lửa này dài khoảng 20 m và cao 10 m.
Phản ứng lại việc Mỹ tiến hành tuần tra ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 22/2 cho biết đã nắm thông tin này, tuyên bố cuộc tuần tra đe dọa cái gọi là chủ quyền và an ninh của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong khi đó, các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có cuộc gặp ở Boracay, Philippines ngày 21/2 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại giảm căng thẳng ở vùng biển có tranh chấp tại Biển Đông, đồng thời quan ngại khả năng quân sự hóa một số địa điểm trong khu vực.
Bình luận về những diễn biến trong khu vực, Konstaintin Sivkov, chủ tịch của Viện Các vấn đề Địa Chính trị ở Moskva nhấn mạnh sự trùng hợp về mặt thời điểm các sự kiện Mỹ tuần tra ở Biển Đông, các cuộc gặp cấp bộ trưởng của ASEAN và thông tin về các công trình của Trung Quốc, có thể phản ánh áp lực Mỹ đồng thời tạo ra với cả Trung Quốc và ASEAN.
Theo chuyên gia này, nhằm kiềm chế Trung Quốc, Mỹ triển khai các hoạt động quân sự. Việc này dẫn đến mối quan ngại của các nước ASEAN về nguy cơ cao của một cuộc đụng độ trong khu vực với sự tham gia của Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Chuyên gia này cho biết dù nguy cơ của một cuộc đụng độ quy mô lớn khó có khả năng xảy ra, có thể có một cuộc chạm trán quân sự trong khu vực giữa một bên là hạm đội của Mỹ và Nhật Bản với một bên là hạm đội của Trung Quốc.
Cũng theo chuyên gia này, Mỹ đang tiến hành một trò chơi địa chính trị trong khu vực và thông tin về việc Trung Quốc xây dựng các công trình trên các đảo nhân tạo là công cụ của Mỹ trong cuộc khắc chế Trung Quốc.
Dẫu vậy, chuyên gia Nga cho rằng, Washington thừa biết Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp trong vấn đề này cho dù Mỹ có gây áp lực như thế nào đi nữa.
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Vì vậy, mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa không có sự đồng ý của Việt Nam đều là "bất hợp pháp và vô giá trị".
Vũ Anh
Theo Baotintuc.vn