Cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, giáo sư Kerry K Gershaneck đã phân tích ngoài việc ráo riết quân sự hóa Biển Đông một cách phi pháp, Trung Quốc còn sử dụng một vũ khí rất quan trọng của mình hòng chiếm được sự ủng hộ của dư luận thế giới và trong nước nếu xảy ra một cuộc đụng độ quân sự trong khu vực. Vũ khí đó được gọi là chiến tranh chính trị, AsiaTimes cho biết.
Biển Đông trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Cập nhật : 18/06/2018
Trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, liệu Biển Đông sẽ đứng ở đâu?
Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Song Young Moo (trái) và người đồng cấp Mỹ James Mattis, Nhật Bản Itsunori Onodera tại Đối thoại Shangri-La 2018 - Ảnh: Reuters
Non một tuần sau sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp gỡ, một bức tranh lớn hơn đã lờ mờ hiện ra với dấu hỏi lớn: chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ tác động gì tới tình hình Triều Tiên và Biển Đông?
Thúc đẩy hợp tác
Ngày 11-6, trong lúc dư luận đang ngóng chờ sự kiện gặp gỡ Trump - Kim, tại Diễn đàn quốc tế về tương lai châu Á do Hãng Nikkei (Nhật Bản) tổ chức, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố kế hoạch 50 tỉ USD thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Hai sự kiện quốc tế lớn đã diễn ra liên tiếp tại Singapore chỉ trong nửa đầu tháng 6-2018 cũng không phải ngẫu nhiên.
Tại Đối thoại Shangri-La 2018 tổ chức từ ngày 1 tới 3-6, Mỹ và Ấn Độ dẫn đầu việc quảng bá ý tưởng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chiến lược này được nhiều nhà quan sát xem như viên gạch tiếp theo để củng cố ý tưởng hợp tác "bộ tứ" gồm Mỹ - Nhật - Ấn - Úc, bất kể vẫn còn những tranh cãi về tính sẵn sàng của những thành viên như Ấn Độ và Úc đối với khái niệm này.
Nhưng sau một số cam kết ban đầu từ cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong Un, những hứa hẹn về tương lai Triều Tiên được mở cửa cấm vận đã xuất hiện.
Kịch bản lý tưởng là Triều Tiên sẽ thực hiện các cam kết, đổi lại nhận sự hỗ trợ kinh tế từ các bên. Sự hỗ trợ kinh tế ấy cũng nằm trong khu vực mà ông Abe đã tuyên bố.
Và thêm nữa, nó cũng phù hợp với chuyện Mỹ nhiều lần yêu cầu Hàn Quốc và Nhật Bản san sẻ gánh nặng.
Cạnh tranh ảnh hưởng
Thực tế khi đề cập tới chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, không phải ai cũng vội tin vào những lập luận xuôi tai của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Đối thoại Shangri-La.
Nói như TS Patrick Cronin, giám đốc cấp cao tại Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (trụ sở Washington), Mỹ cần thể hiện cụ thể những cam kết cho khu vực Đông Nam Á bằng những chương trình phát triển kinh tế, công nghệ, con người.
Điều này xuất phát từ việc một số nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) còn hoài nghi về vai trò của mình trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông vừa đi ngược lại tinh thần "tự do và mở cửa" của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vừa khiến các nước có lợi ích ở Biển Đông phải suy nghĩ về lợi ích của mình trong chiến lược này.
Trả lời Tuổi Trẻ về quan điểm của Việt Nam trong mối lo ngại này, trung tướng Nguyễn Đức Hải, viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng Việt Nam, cho biết: "Việc chuyển trọng tâm từ châu Á - Thái Bình Dương sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, thì đòi hỏi các nước lớn phải thể hiện đúng trách nhiệm của mình, không những giữa các nước lớn với nhau, mà phải bảo đảm lợi ích các nước vừa, nước nhỏ như tuyên bố của Bộ trưởng Mattis".
Trong khi đó, đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink cũng khẳng định chuyến thăm của Tổng thống Trump đến Việt Nam cuối năm 2017 đã một lần nữa chứng tỏ cam kết của Washington đối với mối quan hệ quan trọng cùng Việt Nam và các quốc gia ASEAN.
"Các bạn sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều hoạt động cấp cao giữa Hoa Kỳ và ASEAN. Tôi nghĩ tầm nhìn của chúng tôi đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đơn giản là phản ánh thực tế. Đây là khu vực rộng lớn nhất, phát triển nhanh nhất và năng động nhất thế giới, và Ấn Độ cũng là một phần của khu vực này. Nhưng đừng nhầm lẫn, ASEAN vẫn nằm ở vị trí trung tâm của khu vực, theo quan điểm của chúng tôi", đại sứ Kritenbrink nói với Tuổi Trẻ.
Khi được hỏi về việc liệu vấn đề Triều Tiên có khiến Mỹ nghĩ tới chuyện hi sinh lợi ích của các nước nhỏ ở Biển Đông hay không, trong bối cảnh Trung Quốc được hiểu đã muốn thể hiện vai trò trong đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên, ông Kritenbrink khẳng định Biển Đông là vấn đề hoàntoàn tách biệt.
Nói về quan điểm của Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông Nguyễn Đức Hải cho biết: “Đây là một trong những nội dung chiến lược mới mà bốn nước đang định hình trong khu vực là Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ. Một chiến lược mới được định hình thì chưa thể nói ngay về những giá trị to lớn hoặc vai trò ảnh hưởng ngay trong khu vực, bởi chúng ta vẫn phải tiếp tục theo dõi về nội hàm của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở là như thế nào. Tuy nhiên trên tinh thần chung, chúng ta ủng hộ chiến lược này, với mục tiêu rõ ràng là bảo đảm một môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực, bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng ta cũng như các nước trong khu vực”.
NHẬT ĐĂNG
Theo Tuoitre.vn