Lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Trung Quốc khiến nền kinh tế Triều Tiên rơi vào cảnh lao đao. Nhưng trên hết, Bình Nhưỡng vẫn sẽ quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân bằng mọi giá bởi sức mạnh quân sự được xem là nền tảng tồn tại của Triều Tiên.
Phó Tổng thống Mỹ đang thăm 4 nước châu Á, trong đó có Hàn Quốc bàn cách ứng phó Triều Tiên. Ảnh: Internet
Tân Hoa xã ngày 16/4 dẫn lời quan chức Mỹ tiết lộ, qua hai tháng nghiên cứu, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác định chính sách đối với Triều Tiên, gây sức ép tối đa, nếu Triều Tiên thay đổi hành vi thì tiếp tục tiếp xúc với họ.
Theo quan điểm của quan chức Nhà Trắng, mục tiêu của ông Donald Trump trong chính sách đối với Triều Tiên là phi hạt nhân hóa, không phải là "thay đổi chính quyền".
Không tìm cách "thay đổi chính quyền"
Hãng AP Mỹ ngày 14/4 dẫn lời nhiều quan chức chính phủ cho hay để hối thúc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, các trợ lý của ông Donald Trump đã cân nhắc một loạt phương án chính sách, vừa bao gồm tấn công quân sự, lật đổ chính quyền Triều Tiên, vừa bao gồm thừa nhận Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Cuối cùng, chính quyền Donald Trump lựa chọn gây sức ép với Triều Tiên. Theo tờ Thời báo Washington, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ đã đồng ý với chính sách mới "gây sức ép tối đa" này.
"Gây sức ép tối đa" nhằm thông qua trừng phạt kinh tế và các biện pháp ngoại giao để Triều Tiên chấm dứt các hoạt động hạt nhân và tên lửa, đồng thời không tìm cách "thay đổi chính quyền". Nếu Triều Tiên thay đổi hành vi, Mỹ sẽ "tiếp xúc" với phía Triều Tiên.
"Mục tiêu ưu tiên của chính phủ khóa này là loại bỏ mối đe dọa từ việc chính quyền Triều Tiên trang bị vũ khí hạt nhân. Đây là mục tiêu của chúng tôi" - Một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết.
Quan chức này cho biết thêm: "Lợi ích an ninh của Mỹ trên phương diện này ở chỗ (xóa bỏ) mối đe dọa mà chính quyền Triều Tiên gây ra cho chúng tôi và đồng minh khu vực. Vì vậy, đây là trọng tâm của chúng tôi".
Quan chức này cho hay nếu Triều Tiên thực sự xảy ra "thay đổi chính quyền", khi đó Mỹ sẽ ứng phó, "nhưng hiện nay chúng tôi tập trung cho mối đe dọa ngắn hạn".
Yêu cầu Triều Tiên từ bỏ hạt nhân
Quan chức cấp cao Nhà Trắng cho hay mục tiêu của ông Donald Trump trong chính sách Triều Tiên là phi hạt nhân hóa, chứ không chỉ là để Triều Tiên chấm dứt hoặc đóng băng một phần hoạt động hạt nhân và tên lửa.
Quan chức này nói: "Gây sức ép tối đa cũng yêu cầu tiến hành trừng phạt đối với các doanh nghiệp và tổ chức tài chính của Triều Tiên. Quan chức chính phủ Mỹ còn cho biết mục tiêu "tiếp xúc" là phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Theo các quan chức này, chính quyền Donald Trump không có ý định đạt được một thỏa thuận kiểm soát quân bị với Triều Tiên hoặc hiệp định cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, bởi vì điều đó sẽ có nghĩa là Mỹ thừa nhận Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Những quan chức này cho biết nếu Triều Tiên tiến hành các hoạt động thử hạt nhân mới, Mỹ tin rằng các nước liên quan sẽ ủng hộ tăng cường trừng phạt.
Tờ Bưu điện Washington Mỹ cho rằng chính sách Triều Tiên của chính quyền Donald Trump vẫn có không ít vấn đề cần trả lời, bao gồm: Làm thế nào để cung cấp bảo đảm cho các nước trong khu vực hợp tác giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên? Nếu Triều Tiên sẵn sàng thay đổi, Triều Tiên phải có các hành động cụ thể như thế nào? "Tiếp xúc" theo hình thức cụ thể nào? Các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc có chấp nhận không?
Sẽ áp dụng hành động quân sự?
Chính sách Triều Tiên của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama là "nhẫn nại chiến lược", đã bị phê phán, cho rằng chính sách như vậy chẳng khác gì “bỏ mặc”. Sau khi trúng cử và lên nắm quyền, ông Donald Trump nhiều lần thể hiện lập trường cứng rắn đối với Triều Tiên.
Liên tưởng đến các động thái quân sự gần đây của Mỹ ở Syria và Afghanistan, một số người phỏng đoán Mỹ có thể tiến hành tấn công "đánh đòn phủ đầu" đối với Triều Tiên.
Một số quan chức chính phủ Mỹ cho biết nếu Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6, chính quyền Donald Trump đã chuẩn bị tốt các loại phương án ứng phó.
Tuy nhiên, một quan chức quân đội Mỹ giấu tên cho biết, Mỹ hoàn toàn không dự định dùng vũ lực đáp trả Triều Tiên thử hạt nhân và phóng thử tên lửa đạn đạo.
Nhưng, quan chức này cho hay, nếu tên lửa Triều Tiên nhằm vào Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc lãnh thổ Mỹ, thì Mỹ có thể sẽ thay đổi kế hoạch, nhưng khả năng Triều Tiên có hành động như vậy là rất thấp.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn