Trong nhiều năm qua, Cục An ninh tình báo Canada đã giám sát các nhà báo Trung Quốc thường trú ở Ottawa vì nghi ngờ họ làm gián điệp cho Bắc Kinh.
Đại tá Lê Thế Mẫu: Triều Tiên phóng tên lửa, ai được lợi?
- Cập nhật : 19/05/2017
Vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên (tiến hành vào ngày 14/5) đã bị nhiều nước phản ứng. Tất nhiên, Triều Tiên là nước được hưởng thành quả lớn nhất từ sự thành công của vụ thử. Còn các nước khác, nhất là các quốc gia trong khu vực thì rất lo ngại. Nhưng vẫn có nước được lợi qua vụ thử này.
Lãnh đạo Triều tiên Kim Jong ung thị sát teeh lửa đạn đạo Hwangsong -12, loại tên lửa được thử ngày 14/5 vừa qua. Ảnh:Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên
Theo tin từ giới truyền thông trên khắp thế giới, phớt lờ mọi nghị quyết cấm vận của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, ngày 14/5/2017 Triều Tiên đã tiến hành thành công cuộc thử nghiệm một phiên bản tên lửa tầm trên trung bình mà theo Bình Nhưỡng tuyên bố là "nhằm xác minh các thông số kỹ thuật và chiến thuật của tên lửa đạn đạo mới có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân cỡ lớn".
Theo CNN, phía Mỹ ước tính quả tên lửa của Triều Tiên đã rơi xuống vùng biển nằm cách cảng Vladivostok, nơi có căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, khoảng 96km về phía nam. Cuộc thử nghiệm này ngay lập tức gây ra phản ứng từ nhiều phía và gây tranh cãi trong giới phân tích chính trị quốc tế.
Phản ứng của các bên có liên quan
Theo Reuters, Tổng thống Nga V.Putin đã bày tỏ lo ngại về vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên. Trong cuộc gặp ở Bắc Kinh bên lề Diễn đàn “Vành đai và Con đường”, Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng bày tỏ quan ngại về việc Triều Tiên phóng tên lửa.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên vừa thử nghiệm “không đe dọa an ninh quốc gia của Nga”. Hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa của Nga đã theo dõi sát đường đi của tên lửa này trong suốt hành trình bay kéo dài 23 phút kể từ khi phóng cho tới khi nó rơi xuống khu vực trung tâm biển Nhật Bản, cách lãnh thổ Nga khoảng 500 km. Cũng theo tin từ phía Nga, sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo mới, các đơn vị thuộc lực lượng Không quân vũ trụ Nga tại vùng Viễn Đông đã bị đặt trong tình trạng báo động, bởi theo Chủ tịch Ủy ban quốc phòng an ninh Nga Viktor Ozerov, Nga phải sẵn sàng đối mặt với mối đe dọa thật sự vì trong các cuộc phóng tên lửa có thể xảy ra những sai lầm.
Từ phía Hàn Quốc, tân Tổng thống Moon Jae-in đã lên án cuộc thử nghiệm tên lửa mới này của Triều Tiên và coi đây là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với vấn đề an ninh khu vực, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Tại cuộc họp khẩn của Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc diễn ra ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Tổng thống Moon Jae-in lấy làm tiếc vì hành động trên của Triều Tiên, đồng thời khẳng định sẽ cương quyết đáp trả hành động này.
Từ phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump nhận định:"Không thể tưởng tượng được rằng Nga hài lòng với vụ thử mới nhất của Triều Tiên khi tên lửa rơi gần Nga hơn là Nhật” và ra lời kêu gọi: "Hãy coi sự khiêu khích này là lời kêu gọi mọi quốc gia áp đặt những lệnh trừng phạt mạnh hơn nữa đối với Triều Tiên".
Từ phía Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố rằng vụ thử tên lửa mới của Triều Tiên là “mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nhật Bản và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc”. Từ Liên Hợp quốc, ngày 16/5/2017, Hội đồng Bảo an nhóm họp để thảo luận về vụ phóng mới nhất của Triều Tiên theo đề nghị của Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ai là người được lợi từ vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên?
Nếu căn cứ vào phản ứng của các bên có liên quan thì xem ra vụ thử tên lửa vừa qua của Triều Tiên chẳng có lợi cho ai cả. Nhưng nếu phân tích kỹ mọi nhẽ thì bản chất câu chuyện lại không hẳn như vậy. Trước hết, cần phân tích bối cảnh tình hình Đông Bắc Á sau cuộc bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc được tổ chức vào ngày 9/5/2017 với chiến thắng thuộc về ứng viên Moon Jae-in. Đây là cuộc bầu cử có ý nghĩa hết sức quan trọng với Hàn Quốc và điều đáng chú ý là Triều Tiên thử tên lửa ngay sau cuộc bầu cử lịch sử này.
Theo nhận định của ông Kim Gi-jeong, Giám đốc Trường hành chính công thuộc Đại học Yonsei và cũng là cố vấn chủ chốt về chính sách đối ngoại và an ninh của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, thời điểm hiện nay là rất nhạy cảm, trong đó tân Tổng thống Moon Jae-in đang trong tiến trình hoạch định chính sách đối ngoại, có thể đưa Hàn Quốc bước sang một trang sử mới.
Trong các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo của Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản ngay sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Hàn Quốc đều đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và liên minh Mỹ-Hàn Quốc. Ông Moon Jae-in tin rằng liên minh Hàn-Mỹ đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo an ninh cho Hàn Quốc và mang lại ổn định cho khu vực Đông Bắc Á và bán đảo Triều Tiên nhưng cần phải điều chỉnh trong hoàn cảnh chiến lược mới, trong đó Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Hàn Quốc phải trả tiền cho việc triển khai THAAD.
Vậy quan hệ Hàn-Mỹ cần thay đổi theo hướng nào? Theo ông Kim Gi-jeong, trước đây, định dạng của liên minh Mỹ-Hàn Quốc là mối quan hệ giữa "người bảo vệ và người được bảo vệ". Còn lúc này, liên minh này cần có một định dạng mới dựa trên quan điểm về vai trò mà cả hai nước có thể gánh vác ở bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á, trong đó, tân Tổng thống Moon Jae-in cho rằng, Hàn Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát vận mệnh của bán đảo Triều Tiên chứ không thể chiều theo ý những người khác.
Theo tân Tổng thống Moon Jae-in, đã tới lúc Hàn Quốc không thể chấp nhận vai trò “người quan sát thụ động” trước việc các nước lớn định đoạt số phận bán đảo Triều Tiên, mà sẽ đóng vai trò ngoại giao chủ động hơn vì nền hòa bình của bán đảo Triều Tiên. Để làm được như vậy, Hàn Quốc cần một không gian ngoại giao độc lập trong mối quan hệ liên Triều nhằm hướng tới mục tiêu là hòa bình trên bán đảo này. Theo hướng đó, cùng với Triều Tiên, Hàn Quốc cần phải đóng vai trò lãnh đạo trong một cơ cấu đồng thuận với các cường quốc, trong đó mối quan hệ liên Triều sẽ đóng vai trò quan trọng.
Đây là điểm khởi đầu cho cách nhìn nhận của ông Moon Jae-in đối với bán đảo Triều Tiên. Theo ông Kim Gi-jeong, tân Tổng thống Moon Jae-in sẽ xem xét lại chương trình THAAD mặc dù khó có thể quyết định đóng băng hay hủy bỏ hệ thống này. Theo giới phân tích chính trị Hàn Quốc, Mỹ đang sử dụng lãnh thổ Hàn Quốc để bố trí THAAD nhằm vụ lợi ích chiến lược toàn cầu của Mỹ ở Đông Bắc Á, chứ không có lợi ích gì đối với Hàn Quốc.
Đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên, tân Tổng thống Moon Jae-in sẽ chủ trương thông qua phương thức đối thoại với các quốc gia xung quanh như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ để hối thúc Bình Nhưỡng giải quyết vấn đề theo con đường hòa bình. Chủ trương này là hoàn toàn có cơ sở bởi năm 2016 Cục tình báo trung ương Mỹ đã dự định đưa ra một báo cáo đối về bản chất vấn đề hạt nhân Triều Tiên, trong đó khẳng định vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không dùng để tấn công mà là chỉ là giải pháp đáp trả đối với chính sách thù địch của Mỹ nhằm vào Bình Nhưỡng.
Chính phủ mới của Hàn Quốc có thể ý thức được điểm này. Do đó, chính phủ mới của tân Tổng thống Moon Jae-in có thể đưa ra đề nghị Mỹ cải thiện quan hệ và từ bỏ chính sách thù địch với Triều Tiên. Nếu điều này được Mỹ chấp nhận, sẽ mở ra kỷ nguyên mới trên bán đảo Triều Tiên [1,2].
Như vậy, chính sách của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể sẽ làm đảo lộn toàn bộ toan tính của Mỹ trong chiến lược toàn cầu ở Đông Bắc Á. Chiến lược này của Mỹ nhằm mấy mục đích chủ yếu sau:
Một là, sử dụng nguy cơ tên lửa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên để buộc Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục tình nguyện nằm dưới “ô bảo đảm an ninh” của Mỹ. Sau Chiến tranh lạnh, hai đồng minh này ở Đông Bắc Á có xu hướng ly khai khỏi quỹ đạo của Mỹ, do đó Washington bằng mọi cách trì hoãn tất cả các sáng kiến đối thoại với Bình Nhưỡng, không chịu ký kết hiệp ước hòa bình với Triều Tiên, đồng thời ra sức khiêu khích buộc Triều Tiên phải gia tăng sức mạnh quốc phòng, thậm chí phải gấp rút phát triển vũ khí hạt nhân, tạo cho Mỹ cái cớ đó rất tiện lợi để tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Bắc Á và buộc Hàn Quốc cũng như Nhật Bản tiếp tục phụ thuộc an ninh vào Mỹ.
Hai là, sử dụng nguy cơ tên lửa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên để xúc tiến xây dựng lá chắn tên lửa THAAD, thực chất không chỉ nhằm đối phó với nguy cơ hạt nhân từ Triều Tiên mà còn nhằm vô hiệu hóa tiềm lực hạt nhân của Nga từ phía Viễn Đông (cũng có nhiều ý kiến cho rằng THAAD nhằm đối phó Trung Quốc). Cùng với lá chắn tên lửa ở châu Âu, THAAD ở Hàn Quốc là yếu tố rất quan trọng trong chiến lược giáng đòn hạt nhân chớp nhoáng và phủ đầu nhằm vào Nga, thậm chí cả Trung Quốc [3].
Ba là, mượn cớ thực hiện nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc về cấm vận Triều Tiên, Mỹ đang thực hiện chiến lực kiểm soát các căn cứ quân sự của Nga ở Viễn Đông. Ngày 4/5/2017, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật thắt chặt các lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên, theo đó Mỹ không chỉ kiểm soát các tàu thuyền nước ngoài ở Triều Tiên mà còn kiểm soát các hoạt động của số lượng lớn các hải cảng ở Trung Quốc, Iran, cảng Latakia và Tartus của Syria và các hải cảng Vladivostok, Nakhodka và Vanino của Nga ở Viễn Đông.
Bình luận về quyết định của Hạ viện Mỹ ngày 4/5/2017, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Liên bang Nga K.Kosachev cho biết, việc Mỹ sử dụng sức mạnh để thực thi Dự luật này nhằm kiểm soát các hải cảng của Nga ở Viễn Đông được nhìn nhận như là lời tuyên bố chiến tranh với Nga. Theo K.Kosachev, theo Hiến chương Liên Hợp quốc, không một quốc gia nào cũng như không một tổ chức quốc tế nào, kể cả Liên Hợp quốc, trao cho Mỹ quyền kiểm soát quá trình thực thi bất kỳ một nghị quyết nào của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc. Chính quyền Mỹ đã từng nhiều lần đặt luật pháp của Mỹ lên trên luật pháp quốc tế [4,5]
Như vậy, cuộc thử nghiệm tên lửa ngày 14/5 vừa qua đã giáng một đòn mạnh vào chủ trương về chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được thể hiện ở mấy điểm: (1) điều chỉnh quan hệ liên minh Hàn-Mỹ theo hướng độc lập hơn, tự quyết định hơn đối với vận mệnh của mình, không thể chấp nhận vai trò “người quan sát thụ động”; (2) xem xét lại hiệp định về THAAD mà Hàn Quốc đã ký với Mỹ; (3) tìm kiếm mọi khả năng đối thoại để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Như vậy, người được lợi duy nhất trong vụ thử tên lửa của Triều Tiên, không ai khác chính là Mỹ. Điều đó nghĩa là, Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng “lò thuốc súng” trên bán đảo Triều Tiên để thực hiện những toan tính nhằm đạt được những mục tiêu đề ra trong chiến lược toàn cầu của họ ở Đông Bắc Á như đã trình bày trên đây. Ngoài ra, còn có một lợi ích khác rất quan trọng đối với Mỹ là việc Triều Tiên phóng tên lửa hướng về vùng biển Viễn Đông gần với Nga buộc Matxcơva phải khởi động hệ thống báo động sớm về các cuộc tấn công hạt nhân. Đây là cơ hội cực kỳ hiếm có để Mỹ thăm dò khả năng phản ứng của Nga trong trường hợp Mỹ bất ngờ phát động đòn tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào hệ thống vũ khí hạt nhân chiến lược của quốc gia này.
Tài liệu tham khảo:
[1] Chiến lược đối ngoại của tân chính quyền Hàn Quốc. Tài liệu tham khảo của TTXVN ngay 14/5/2017
[2] Ba vấn đề then chốt của tân Tổng thống Hàn Quốc. http://vnanet.vn/webdichvu/vi-VN/54/Default.aspx?news=I10L/aQfspk=
[3] Paul Craig Roberts warns Washington plans to nuke Russia and China. https://personalliberty.com/paul-craig-roberts-warns-washington-plans-nuke-russia-china/
[4] В Москве отреагировали на законопроект США о контроле портов России. http://vneshpol.ru/news/u65/2017/05/05/6584
[5] 2. Введение контроля США над портами Приморья — это объявление войны. http://politobzor.net/show-130968-vvedenie-kontrolya-ssha-nad-portami-primorya-eto-obyavlenie-voyny.html
Tác giả: Đại Tá Lê Thế Mẫu
Theo Viettimes.vn