Tập Cận Bình được biết đến như một nhà lãnh đạo toàn tài của Trung Quốc. Ông là người đưa ra mọi quyết sách về kinh tế, quân sự, đối ngoại, nhân quyền... Tuy nhiên, có một điều khiến ông bế tắc, đó là chính sách về Triều Tiên.
Donald Trump không cần nói xoay trục, hành động của Mỹ vẫn mạnh mẽ tái cân bằng
- Cập nhật : 09/07/2017
Nhà Trắng cũng khiến Bắc Kinh khó có thể hành động phiêu lưu, liều lĩnh trên các vùng biển Trung Quốc nhảy vào tranh chấp và quân sự hóa bất hợp pháp.
2 máy bay ném bom Mỹ bay qua Biển Đông đến Hoa Đông để "cảnh cáo Trung - Triều"?
Đài CNN ngày 7/7 đưa tin, hai máy bay ném bom B-1 của Hoa Kỳ đã bay qua bầu trời khu vực tranh chấp trên Biển Đông để tới Hoa Đông diễn tập hôm thứ Năm 6/7 với máy bay quân sự Nhật Bản.
Động thái này diễn ra giữa lúc căng thẳng đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên, cũng như xu hướng "tuần trăng mật" trong quan hệ Trung - Mỹ hậu hội nghị Mar-a-Lago đã kết thúc.
Theo tuyên bố của lực lượng không quân Thái Bình Dương, Hoa Kỳ, 2 chiếc B-1 đã bay từ căn cứ ở đảo Guam qua Biển Đông đến Hoa Đông để diễn tập chung với chiến đấu cơ (F-15) Nhật Bản trong đêm.
Đáng chú ý, động thái này diễn ra ngay trước thềm cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Đức.
Và nó diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ thực hiện việc tuần tra tự do hàng hải bên trong 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, Hoàng Sa (thuộc Đà Nẵng, Việt Nam, hiện quần đảo bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp) hôm 2/7. [1]
Đài BBC tiếng Trung Quốc ngày 7/7 đặt câu hỏi, 2 máy bay ném bom Mỹ bay qua Biển Đông phải chăng để cảnh cáo Trung - Triều?
Bài báo trên BBC dẫn tuyên bố của không lực Thái Bình Dương, Hoa Kỳ cho biết, 2 chiếc B-1 Lancer đã bay qua Biển Đông đến Hoa Đông tập trận ban đêm lần đầu tiên với máy bay Nhật Bản.
Kết thúc tập trận, 2 chiếc máy bay ném bom Mỹ lại bay theo đường cũ qua Biển Đông về căn cứ ở Guam. Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc và Triều Tiên là mục tiêu các hoạt động quân sự này nhắm tới.
Tuyên bố của không lực Thái Bình Dương, Hoa Kỳ cho biết:
"Hoạt động diễn tập chung với Nhật Bản cho thấy sự đoàn kết nhất trí giữa 2 nước Mỹ - Nhật, phòng ngừa nhăn chặn những hành vi khiêu khích và phá hoại hòa bình, ổn định trong khu vực Thái Bình Dương.". [2]
Qua rồi tuần trăng mật, vẫn "áp lực ôn hòa"
2 hoạt động phô diễn sức mạnh quân sự Hoa Kỳ trên Biển Đông và Hoa Đông với đồng minh Nhật Bản xuất hiện trong tuần, đúng lúc quan hệ Trung - Mỹ đang căng thẳng.
Các nhà phân tích nói rằng, "tuần trăng mật" Donald Trump - Tập Cận Bình đã chấm dứt.
Ông Tập Cận Bình đã nói với ông Donald Trump trong cuộc điện đàm hôm 2/7 rằng, quan hệ Trung Quốc với Hoa Kỳ "đã có một số yếu tố tiêu cực".
Tuy nhiên, Mỹ vẫn tiếp tục không từ bỏ hy vọng vào Trung Quốc tiếp tục thực hiện các biện pháp để giải quyết tình hình bán đảo Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gọi đó là một chiến dịch gây áp lực ôn hòa. Ông nói:
"Đây là một chiến dịch dẫn dắt chúng tôi giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Bởi nếu điều này thất bại, chúng tôi không còn nhiều lựa chọn tốt.
Trung Quốc đã có hành động đáng kể và sau đó tôi nghĩ, vì nhiều lý do khác nhau họ tạm dừng hành động thêm, sau đó họ đã tiến hành một số bước rồi lại tạm dừng.
Chúng tôi vẫn rất gắn bó với Trung Quốc thông qua các cuộc đối thoại, cả mặt đối mặt lẫn qua các cuộc điện đàm.
Có một sự hiểu biết rõ ràng giữa hai nước về ý định của chúng tôi.
Tôi nghĩ rằng việc trừng phạt được thực hiện trong tuần trước chắc chắn sẽ khiến họ chú ý và hiểu quyết tâm của chúng tôi để gây áp lực nhiều hơn với các doanh nghiệp làm ăn với Bắc Triều Tiên, bất kể họ ở đâu.". [1]
Miệng không nói "xoay trục", Mỹ vẫn "tái cân bằng"
Đài CNBC ngày 6/7 nhận định, quan hệ Trung - Mỹ có thể đã đạt đến một bước ngoặt, chứ không phải là đã cải thiện.
Cuộc gặp thân thiện giữa ông Donald Trump với ông Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago hồi tháng Tư dường như đã trở thành "kỷ niệm xa vời".
CNBC thống kê lại các bước mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã làm từ cuối tháng Sáu:
- Hoạt động hải quân Mỹ ở Biển Đông: ngày 2/7, Hoa Kỳ tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải lần thứ 2 trên Biển Đông kể từ khi Tổng thống Donald Trump vào Nhà Trắng.
- Bán vũ khí cho Đài Loan chỉ vài ngày trước khi Trung Quốc kỷ niệm 20 năm thu hồi Hồng Kông.
- Mỹ đơn phương áp đặt lệnh trừng phạt 1 ngân hàng, 1 doanh nghiệp và 2 công dân Trung Quốc vì làm ăn với Bắc Triều Tiên.
- Ông Donald Trump tuần ngày gợi ý trên Twitter rằng, chính quyền của ông đang nỗ lực bảo vệ ngành thép Hoa Kỳ.
Động thái này diễn ra sau khi 3 quan chức cấp cao Mỹ giấu tên nói với Reuters tuần trước:
Ông Donald Trump thất vọng với Trung Quốc và đang cân nhắc các hành động thương mại có thể với Bắc Kinh.
Các lựa chọn này bao gồm thuế quan đối với thép nhập khẩu.
Sự thay đổi lập trường của Mỹ đối với Trung Quốc là bởi Washington thất vọng về việc Bắc Kinh không thực sự hành động ngăn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo.
Guo Yu, một chuyên gia phân tích về Trung Quốc từ Verisk Maplecroft nhận định:
"Những động thái gần đây của Washington ở Biển Đông, kế hoạch đánh thuế thép nhập khẩu và việc bán vũ khí cho Đài Loan là bằng chứng cho thấy:
Donald Trump đang chuyển sang hướng tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc.".
Josef Jelinek, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc từ Frontier Strategy Group bình luận:
"Những gì chúng ta thực sự thấy là một sự hùng biện trong mấy tháng qua (sau hội nghị thượng đỉnh ở Mar-a-Lago) vì tôi nghĩ rằng Tổng thống Donald Trump đã từng thực sự tin tưởng ông Tập Cận Bình có thể làm gì đó với Triều Tiên.
Tôi nghĩ những gì xảy ra có một sự tính toán sai lầm.
Donald Trump quá nhấn mạnh quan hệ cá nhân với Tập Cận Bình.
Trong khi đó Trung Quốc đã phán đoán sai về những điều tối thiểu họ phải làm để có thể 'mua chuộc' Donald Trump.
Có thể họ nghĩ, một vài động tác gây chú ý như tạm dừng nhập khẩu than từ Triều Tiên sẽ giúp họ làm được điều đó.". [3]
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo không chỉ ảnh hưởng đến cục diện an ninh Đông Bắc Á, mà còn tác động trực tiếp đến Đông Nam Á. Ảnh: AP.
Cá nhân người viết nhận thấy, chính quyền Tổng thống Donald Trump không nói nhiều về "xoay trục" hay "tái cân bằng" sang châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên hành động của Mỹ dưới thời ông Donald Trump cho thấy sự hiện diện mạnh mẽ của Hoa Kỳ ở khu vực, nổi bật hơn thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.
Nói cách khác, chiến lược của Mỹ không thay đổi.
Ngược lại, Donald Trump đã có sự kế thừa rồi phát triển chính sách xoay trục, hay tái cân bằng sang châu Á - Thái Bình Dương trên thực tế, sau những chỉ trích và than phiền của dư luận vì ông rút nước Mỹ ra khỏi TPP.
Mặc dù mọi đường đi nước bước ở châu Á - Thái Bình Dương của Washington đều không ngoài mục đích tối đa hóa lợi ích cho nước Mỹ, nhưng hành động của Hoa Kỳ thực sự rõ ràng, sắc nét và mạnh mẽ hơn.
Tác động ảnh hưởng của những diễn biến này đến cục diện an ninh khu vực như thế nào cần có thêm thời gian kiểm nghiệm.
Nhưng rõ ràng sự hiện diện lớn hơn và nổi bật hơn của Hoa Kỳ, đặc biệt là thông qua các hành động duy trì luật pháp quốc tế, tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông có tác dụng tích cực trong việc duy trì hòa bình, ổn định và lòng tin của các nước trong khu vực.
Thông điệp mạnh mẽ của Nhà Trắng cũng khiến Bắc Kinh khó có thể hành động phiêu lưu, liều lĩnh trên các vùng biển Trung Quốc nhảy vào tranh chấp và quân sự hóa bất hợp pháp.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://edition.cnn.com/2017/07/07/politics/us-bombers-japan-training-south-china-sea/index.html
[2]http://www.bbc.com/zhongwen/trad/world-40533700
Hồng Thủy
Theo Giáo Dục Việt Nam