Các nước thành viên EU đã buộc phải nghe theo Mỹ áp đặt các biện pháp cấm vận Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine chẳng khác gì chuyện “tự vác đá ghè chân mình”. Theo Tổng thống Nga V.Putin, các biện pháp cấm vận không chỉ gây thiệt hại cho Nga khoảng 50 tỷ USD mà còn gây thiệt hại cho EU khoảng 100 tỷ USD.
FONOP của Mỹ ở Biển Đông và nước cờ ở Shangri-La
- Cập nhật : 26/06/2017
Ngày 24/5 vừa qua, tàu khu trục lớp Arleight Burke của Hải quân Mỹ, chiếc USS Dewey, đã di chuyển vào khu vực 12 hải lý xung quanh 1 đảo nhân tạo mà Trung Quốc dựng lên ở Biển Đông. Đặc biệt, tàu khu trục này đã di chuyển đến gần Đá Vành khăn, một thực thể mà Trung Quốc đã xây dựng thành đảo nhân tạo.
Chuyến đi của USS Dewey đã đánh dấu hoạt động tự do hàng hải đầu tiên mà Chính quyền ông Trump thực hiện kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2017, và cũng là hoạt động đầu tiên kiểu này kể từ sau chuyến đi của tàu USS Decatur đến quần đảo Hoàng Sa hồi tháng 10/2016. Sự kiện này xảy ra chỉ 1 tuần trước khi các chính phủ trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương cử đại diện đến tham dự Diễn đàn thường niên Shangri-La tại Singapore- một diễn đàn quốc phòng quan trọng của khu vực châu Á- Thái Bình Dương, nơi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng sẽ tham dự.
FONOP này cũng diễn ra vài tuần sau khi nhật báo New York Times và một số tờ báo khác đưa tin rằng các đề xuất của Tư lệnh Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ về việc tiến hành các hoạt động tương tự như vậy đã bị Nhà Trắng bác bỏ với lý do đang tìm kiếm một sự trợ giúp của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.
Trung Quốc từ lâu vẫn phản đối các FONOP của Mỹ ở Biển Đông, gọi đó là một bằng chứng cho việc Mỹ đang quân sự hóa vùng biển này. Mặc dù Hải quân Mỹ đã tăng cường sự hiện diện của mình bằng các hoạt động như vậy ở Biển Đông từ năm 2016 và kéo dài sang 2017, song các FONOP của Mỹ vẫn luôn là chủ đề nóng trên truyền thông, không chỉ bởi những phản ứng mà Trung Quốc thể hiện sau đó mà còn vì các hoạt động đó chính là phép thử để nhận biết quan niệm của Trung Quốc đối với vùng hải phận gần các đảo nhân tạo. Ngoài ra, Mỹ cũng đã áp dụng phương pháp này với vùng không phận xung quanh các đảo nhân tạo và các máy bay do thám, máy bay ném bom, máy bay chiến đấu mà Mỹ điều đến khu vực cũng đã nhận những cảnh báo tương tự từ các sĩ quan thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang đồn trú ở thực địa.
FONOP lần này diễn ra cách FONOP trước đó 214 ngày, một sự gián đoạn dài nhất giữa hai hoạt động tương tự kể từ khi Chính quyền Obama ra lệnh cho tàu USS Lassen đi vào vùng 12 hải lý xung quanh Đá Subi và các thực thể khác ở quần đảo Trường Sa trong một chuyến FONOP đầu tiên đến gần 1 hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc. Tuy nhiên, thời điểm đó, các tàu và các máy bay quân sự của Hải quân Mỹ chỉ thực hiện những hoạt động tuần tra thường lệ ở Biển Đông.
Những người chỉ trích hoạt động tự do hàng hải của Mỹ cho rằng cường độ bất thường của các hoạt động này đã làm tăng tầm quan trọng của hoạt động này trong tổng thể bức tranh không chỉ mối quan hệ Mỹ-Trung, mà cả sự hiện diện của Hải quân Mỹ ở Biển Đông.
Hải quân Mỹ không coi các FONOP là một công cụ răn đe mà là cách thức để đưa ra các tín hiệu mang tính pháp lý. Mỗi FONOP đều được chỉ đạo kỹ lưỡng với những luận điểm pháp lý đằng sau. Ngay cả ở Biển Đông, Washington cũng không chỉ chọn các thực thể mà Trung Quốc đang kiểm soát làm mục tiêu cho các FONOP. Kể từ sau chuyến đi năm 2015 của tàu USS Lassen, các tuyên bố chủ quyền lãnh hải quá đáng của tất cả các bên tranh chấp khác - bao gồm cả đồng minh của Mỹ là Philippines- đều được Mỹ xem xét. Chẳng hạn, Đá Vành khăn là một lựa chọn đáng quan tâm đầu tiên dành cho FONOP của Chính quyền Trump.
Năm ngoái, Tòa Trọng tài Quốc tế trong phán quyết của mình đã khẳng định rằng Đá Vành khăn là một thực thể nửa nổi nửa chìm, vì vậy theo luật quốc tế, thực thể này không tạo ra bất cứ vùng lãnh hải ngoài một khu vực an toàn 500 m. Mặc dù các thực thể khác như Đá Subi, nơi Mỹ từng tiến hành một FONOP, và Đá Tư Nghĩa, cũng có chung đặc tính với Đá Vành khăn, nhưng chỉ có Đá Vành khăn là không nằm trong khu vực 12 hải lý của bất cứ thực thể nào được hưởng một vùng lãnh hải.
Sự khác biệt giữa một FONOP ngoài khơi các vùng biển và một FONOP qua lại không gây hại không phải là một sự phân biệt mang tính hàn lâm. Trong trường hợp FONOP đầu tiên, một tàu quân sự tiến hành hoạt động này theo một cách không thích hợp với Điều khoản 19 trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), trong đó quy định một loạt hoạt động hợp pháp dành cho các tàu quốc tế thực hiện qua lại không gây hại trong vùng biển hợp pháp của một quốc gia duyên hải.
Một hoạt động ngoài khơi có thể là việc một tàu tiến hành một số hoạt động, từ công khai các chiến dịch như tập trận đạn thật cho đến kích hoạt hệ thống ra-đa điều khiển hỏa lực, hay thậm chí triển khai các máy bay chiến đấu, trực thăng hay máy bay không người lái từ tàu sân bay.
Ngược lại, có thể nhận ra rằng chiếc USS Dewey đã tuân thủ các quy định qua lại không gây hại nhằm phản đối các yêu cầu trước đó của Trung Quốc trong khu vực 12 hải lý xung quanh Đá Vành khăn. Yêu sách quá mức của Bắc Kinh có thể được củng cố bởi hoạt động này được hiểu là sự nhượng bộ ngầm về quyền được thực hiện trong một vùng lãnh hải. Đáng tiếc, trong những gì mà truyền thông nói về hoạt động của USS Dewey từ đó đến nay, các chi tiết này khá ít và đôi khi có thể không được biết đến. Bộ Quốc phòng Mỹ được báo chí dẫn lời cho biết không có ý định công khai các chi tiết của hoạt động này cho đến khi có báo cáo về Tự do hàng hải trong tài khóa 2017, dự kiến đưa ra vào đầu năm sau.
Tuy nhiên, phản ứng chính thức của phía Trung Quốc trước FONOP hôm 24/5 vừa qua lại phần nào tiết lộ các chi tiết đó. Nếu tàu Mỹ đã tiến hành các hoạt động hợp pháp ở vùng biển ngoài khơi, nhưng hoạt động đó không thể hiện rõ ràng trong vùng lãnh hải nào, thì Bắc Kinh sẵn sàng phản ứng với những giọng điệu mạnh mẽ hơn các lần trước. Thế nhưng, phản ứng của Bắc Kinh thực chất được đã được điều hòa bởi cách tiếp cận toàn diện của họ với Chính quyền Trump. Thực tế, ngoài hoạt động FONOP lần này ra, Chính quyền Trump đã thể hiện một sự im lặng đáng chú ý trong vấn đề Biển Đông, bất chấp sự quan tâm tương đối từng áp dụng trong giai đoạn chuyển giao chính quyền.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 4 vừa qua, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã tiến triển tương đối suôn sẻ. Một sự phản ứng gay gắt của Trung Quốc đối với một hoạt động FONOP như vậy có thể phá hoại xu hướng này. Nhìn chung, phản ứng của Bắc Kinh có cứng rắn hơn hay không còn phụ thuộc vào việc ông Mattis sẽ lựa chọn đưa ra các vấn đề liên quan đến Biển Đông như thế nào trong cuộc Đối thoại Shangri-La.
Theo “The Diplomat”
Hùng Sơn (gt)
Theo Nghiên Cứu Biển Đông