Bất chấp sự phản đối của người dân Thái Lan và giới môi trường, Trung Quốc đã bắt đầu khảo sát chuẩn bị việc đặt thuốc nổ phá các thác ghềnh, cồn lớn nhỏ nhằm thông dòng cho các tàu hàng lớn của Bắc Kinh xuôi xuống Đông Nam Á.
Tờ Nhật báo quốc tế Mỹ (tiếng Trung) ngày 22/4 cho rằng, gần đây Mỹ đặc biệt coi trọng triển khai chính sách đối với Triều Tiên. Trước hết là từ khi bước vào tháng 3 đến nay, trong chuyến thăm ba nước châu Á, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson mạnh mẽ tuyên bố chính sách "kiên nhẫn chiến lược" do chính quyền Barack Obama áp dụng đã kết thúc. Mỹ sẽ đặt mọi phương án kể cả quân sự "lên bàn", thậm chí không loại trừ tiến hành tấn công quân sự đánh đòn phủ đầu đối với Triều Tiên.
Sau đó bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục 5 lần đưa ra tuyên bố trên Twitter có liên quan đến Triều Tiên, chỉ trích Triều Tiên đang "tìm lấy phiền phức". Quân đội Mỹ cũng đang phô trương thanh thế, không khí căng thẳng, hầu như cho thấy việc Mỹ "ra tay" với Triều Tiên đã như tên đang được giương trên cung.
Nhưng, sau đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster lại nhấn mạnh rằng vấn đề hạt nhân Triều Tiên cần "giải quyết hòa bình". Điều này gây thắc mắc cho dư luận rằng, rốt cuộc chính sách Triều Tiên của Donald Trump như thế nào?
Theo bài viết, sau khi ông Barack Obama lên làm Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2009, khi đó, Mỹ và Triều Tiên đã "đấu nhau" trong vấn đề "đàm phán" hay "không đàm phán".
Về tiến trình thanh sát "loại bỏ chức năng" của các cơ sở hạt nhân Triều Tiên giai đoạn 2 thuộc Hội đàm sáu bên, khi đó Mỹ muốn "biết toàn bộ", còn Triều Tiên chỉ để "biết một phần".
Phó Tổng thống Mỹ thị sát Khu phi quân sự hai miền Triều Tiên, có sự tháp tùng của Tư lệnh quân Mỹ tại Hàn Quốc, tướng Vincent Brooks. Ảnh: AP
Những hành động cuối cùng làm đổ vỡ Hội đàm sáu bên – một là cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ hai của Triều Tiên diễn ra vào tháng 6/2009, hai là "sự kiện tàu Cheonan" và vụ tấn công đảo Yeonpyeong bằng pháo của Triều Tiên diễn ra vào tháng 3/2010. Điều này làm cho chính quyền Barack Obama hạ quyết tâm "không tiếp tục để bị Triều Tiên lừa gạt lần thứ ba".
Chính sách "kiên nhẫn chiến lược" có 3 yếu tố lớn: Một là, không giảm "hàng rào" tiếp xúc ngoại giao và đối thoại với Triều Tiên, nhấn mạnh điều kiện của đối thoại Mỹ - Triều Tiên hoặc Hội đàm sáu bên là Triều Tiên phải có thiện chí "hoạt động từ bỏ vũ khí hạt nhân có thể kiểm chứng".
Hai là tăng cường cô lập và gây sức ép với Triều Tiên, tìm cách ngăn chặn nguồn vốn, thiết bị và vật liệu cần thiết cho phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Ba là tăng cường răn đe quân sự đối với Triều Tiên, ngăn chặn và đáp trả các hành động “khiêu khích quân sự” của Triều Tiên.
Đến nay, chính quyền Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh chính sách "kiên nhẫn chiến lược" đã kết thúc.
Một là, đối với Washington, "kiên nhẫn chiến lược" là một chính sách thiếu hiệu quả. Sau khi Triều Tiên hai lần thử hạt nhân trong năm 2016, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết 2270 và nghị quyết 2321 để trừng phạt Triều Tiên, đã tạo ra kỷ lục lịch sử áp dụng biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất đối với một nước.
Mặc dù vậy, trong ngắn và trung hạn vẫn không thể đạt được mục tiêu làm cho thái độ của Triều Tiên mềm đi, quay trở lại nghĩa vụ từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Ngày 18/4/2017, tại Tokyo, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Chinatimes
Hai là chính sách "kiên nhẫn chiến lược" đã kéo dài 8 năm, đã bị cho là một chính sách nguy hiểm. Trong 8 năm này, Triều Tiên đã 4 lần tiến hành thử hạt nhân, trên 65 lần thử tên lửa các loại. Công nghệ hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã có tiến bộ mang tính thực chất.
Đối với chính quyền Donald Trump, từ bỏ chính sách "kiên nhẫn chiến lược" hoàn toàn không có nghĩa là trực tiếp khởi động "tấn công quân sự" đối với Triều Tiên.
Hiện nay, khi Triều Tiên đã sở hữu vũ khí hạt nhân, "phương án tấn công quân sự" đối với Triều Tiên đã "nói thì dễ, làm thì khó". Từ lâu, Mỹ thiếu quyết tâm trong việc triển khai hành động chiến tranh đối với Triều Tiên, không phải là do Mỹ và đồng minh không có khả năng tấn công này, mà do thiếu phương án khả thi để "có lời" giữa "chi phí và thu lợi".
Điều này được quyết định bởi cấu trúc địa - chính trị, kinh tế và chiến lược trong và ngoài bán đảo Triều Tiên.
Phong Vân
Theo Viettimes