Trung Quốc đổi sang chiến thuật mới với khái niệm "Tứ Sa" không có nghĩa là nước này từ bỏ đường lưỡi bò.
Muốn chống đường lưỡi bò bành trướng, Indonesia nên hợp tác đa phương
- Cập nhật : 12/09/2017
Indonesia cùng các nước có yêu sách ở Biển Đông và bị Trung Quốc xâm hại các lợi ích hợp pháp, cần hợp tác với nhau, cùng Nhật-Mỹ xây dựng cơ chế hợp tác.
The New York Times ngày 10/9 có bài phân tích đáng chú ý, tờ báo nhận đinh: Indonesia lâu nay vẫn đứng ngoài, giờ đã bắt đầu đối đầu với yêu sách chủ quyền bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. [1]
Các bước chuẩn bị chống lại đường lưỡi bò bành trướng và nguy cơ trong tương lai
Indonesia đã công khai đổi tiên khu vực vùng đặc quyền kinh tế của nước này xác định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 ở khu vực quần đảo Natuna trên vùng biển phía Nam Biển Đông thành "Biển Bắc Natuna".
Nhiều người nhận xét Jakarta đã ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Tuy nhiên đây chỉ là một trong cả chuỗi hoạt động của Indonesia nhằm củng cố năng lực phòng thủ của mình trong khu vực, bao gồm tăng cường tích tụ quân sự tại quần đảo Natunar và triển khai kế hoạch tuần tra hải quân trong khu vực.
Trong năm 2016, Indonesia đã có 3 lần phải đương đầu với tàu Trung Quốc, trong đó có một lần giáp mặt tàu chiến Bắc Kinh khi tàu chức năng Indonesia bắt giữ một tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế nước này.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo lên ngồi thử buồng lái máy bay Su-30 sau khi được bố trí tại Natuna. Ảnh: The Australian.
Jakarta đang thách thức (yêu sách bành trướng của) Bắc Kinh, một trong những nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia, đồng thời cũng là đối thủ đang tìm cách kiểm soát cả Biển Đông với tài nguyên dồi dào, nhất là dầu khí và cá.
Các hoạt động của Indonesia trực tiếp chống lại yêu sách đường lưỡi bò (đường chữ U, đường 9 đoạn, đường nét đứt) mà Trung Quốc theo đuổi ở Biển Đông.
Sau vụ va chạm thứ 3 giữa lực lượng chức năng 2 nước (trong vùng đặc quyền kinh tế quần đảo Natunar) vào tháng Sáu 2016, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lần đầu tiên chính thức tuyên bố:
Bắc Kinh có (cái gọi là) "ngư trường truyền thống" trong vùng đặc quyền kinh tế Indonesia (trong phạm vi đường lưỡi bò).
Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Joko Widodo đặt trọng tâm chính sách phát triển Indonesia thành cường quốc hàng hải.
Ông đã ra lệnh bắt giữ, xét xử và đánh chìm hàng trăm tàu cá nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế nước này.
Năm 2015 khi thăm chính thức Nhật Bản, Tổng thống Joko Widodo nói với báo giới rằng, đường lưới bò Trung Quốc không có cơ sở pháp lý quốc tế.
Ông cũng chủ trì một cuộc họp nội các trên chiến hạm ngoài khơi Natuna chỉ vài ngày sau vụ chạm trán tàu hải quân Trung Quốc tháng Sáu năm ngoái.
Ngày 14/7 năm nay, Bộ Hàng hải và Thủy sản Indoneisa tổ chức họp báo giới thiệu bản đồ lãnh thổ quốc gia đầu tiên, trong đó đổi tên vùng đặc quyền kinh tế Natuna thành Biển Bắc Natuna.
Cùng ngày, lực lượng vũ trang Indonesia cùng với Bộ Năng lượng và Khoáng sản nước này đã ký biên bản ghi nhớ về việc điều động các tàu chiến bảo vệ các hoạt động thăm dò dầu khí và đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Tướng Gatot Nurmantyo, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia thời điểm đó cho biết:
Hoạt động thăm dò dầu khí và đánh bắt cá của Indonesia trong vùng đặc quyền kinh tế nước này đã thường xuyên bị quấy rầy bởi một số tàu mang cờ nước ngoài, một ám chỉ nhằm vào Trung Quốc.
Phá đường lưỡi bò bành trướng, quyết không chấp nhận thủ đoạn biến không thành có
Tiến sĩ Ian Storey J., một thành viên cao cấp Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore được The New York Times dẫn lời bình luận:
"Indonesia đã là một bên tham gia tranh chấp, và nước này nên chấp nhận thực tế đó càng sớm càng tốt, để tăng tiếng nói của mình."
Lâu nay Jakarta nhất quán quan điểm chính thức rằng, Indonesia không phải một bên tranh chấp của bất kỳ tranh chấp nào với Trung Quốc trên Biển Đông.
Năm ngoái đã xảy ra 3 cuộc chạm trán giữa lực lượng chức năng 2 nước ngoài khơi Borneo, nằm hoàn toàn trong 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Aaron Conne lly, một nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách quốc tế Lowy, Sydney, Australia bình luận:
"Các hoạt động của Indonesia ở Natuna không biến quốc gia này thành một bên tranh chấp ở Biển Đông.
Indonesia chưa bao giờ thừa nhận tính hợp pháp của đường chữ U (đường lưỡi bò).
Đó là lý do tại sao họ nói chẳng có vùng chồng lấn nào (giữa đường lưỡi bò Tủng Quốc) với vùng đặc quyền kinh tế Indonesia.
Trung Quốc nói rằng họ có quyền đánh cá truyền thống, nhưng Indoneisa hiện đang hành động bằng con đường pháp lý.
Đây là một giải pháp hiệu quả hơn là thách thức nó (hành động của Trung Quốc)."
Evan A. Laks mana, một nhà nghiên cứu cấp cao về các vấn đề an ninh tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế tại Jakarta đồng ý rằng, việc đặt tên Biển Bắc Natuna không kích hoạt một cuộc tranh chấp với Trung Quốc.
"Nhưng cơ sở pháp lý quốc tế để Indonesia công bố bản đồ mới (với tên gọi Biển Bắc Natuna) là rõ ràng.
Chúng tôi không công nhận tuyên bố của Trung Quốc trong vùng biển Natuna.
Chúng tôi không cảm thấy cần phải đàm phán với Bắc Kinh về bản đồ của mình, hay phải có sự đồng ý của họ." [1]
Indonesia nên tăng cường hợp tác đa phương, cùng chống đường lưỡi bò bành trướng trên Biển Đông
Cá nhân người viết cho rằng, quan điểm của Tiến sĩ Ian Storey và một số chuyên gia khác kêu gọi Indonesia thừa nhận mình là một bên tranh chấp ở Biển Đông có thể dẫn đến những hiểu lầm tai hại.
Mặc dù ông Ian Storey hoàn toàn có ý tốt, với mong muốn Indonesia tăng tiếng nói và trọng lượng trong việc giữ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế ở Biển Đông, chống lại những tham vọng và yêu sách bành trướng.
Có thể Tiến sĩ Ian Storey tin rằng, làm như vậy sẽ tạo nên sự đoàn kết giữa 5 nước ASEAN để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, tăng thêm sức mạnh trước sức mạnh quân sự - kinh tế ngày càng lớn của Bắc Kinh.
Tuy nhiên nếu làm như lời Tiến sĩ Ian Storey khuyên, thì vô hình chung Jakarta đã trúng bẫy của Trung Nam Hải, biến không thành có.
Nó giống chuyện Indonesia bị kẻ khác giật lấy bát cơm trên tay, nếu không phản ứng hoặc phản ứng yếu ớt thì mất hẳn.
Nếu chấp nhận "bát cơm" kia là "có tranh chấp", thì mặc nhiên Jakarta phải chấp nhận "chia đôi", trong khi "bát cơm" ấy là của mình, được luật pháp quốc tế bảo vệ.
Trong khi đó Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã ra phán quyết Trọng tài ngày 12/7/2016, trong đó bác bỏ các yêu sách về "quyền lịch sử" trong phạm vi đường lưỡi bò.
Nay nếu Indonesia nhận mình là một bên "tranh chấp", chẳng phải tự tay đập bỏ một nội dung trọng yếu của Phán quyết bảo vệ lợi ích hợp pháp của tất cả các quốc gia ven Biển Đông hay sao?
Điều này cũng tương tự như cái bẫy pháp lý Trung Quốc giăng ra cho Việt Nam trong vụ cài đặt giàn khoan 981 bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hoàn toàn không có tranh chấp.
Trung Quốc lập luận đây là một phần của "vùng biển Hoàng Sa", ám chỉ vùng đặc quyền kinh tế tự đặt cho quần đảo Hoàng Sa (thuộc Đà Nẵng, Việt Nam, mà họ đang chiếm đóng bất hợp pháp).
Trong khi cả quần đảo này lẫn các thực thể trong đó không có vùng đặc quyền kinh tế.
Đó là một thủ đoạn biến không thành có, nếu không tỉnh táo là mắc bẫy Trung Quốc.
Chính việc tăng cường năng lực phòng thủ trên quần đảo Natuna, tăng cường hợp tác hàng hải với Hoa Kỳ, Nhật Bản đã cho thấy, Jakarta thấu hiểu dã tâm độc chiếm Biển Đông mà Trung Quốc theo đuổi.
Một báo cáo gần đây của Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Hoa Kỳ đã tiết lộ, Trung Quốc gần như đã hoàn thành việc xây dựng 20 tòa nhà trên 7 đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Những đảo nhân tạo này được cho là đã trang bị xong hệ thống phòng thủ, bao gồm tên lửa phòng không và các bệ phóng tên lửa tầm xa. [2]
Chúng tôi cho rằng, để tăng hiệu quả trong việc chống lại âm mưu thôn tính Biển Đông và vô hiệu hóa luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, Indonesia nên chủ động và tích cực hơn trong hợp tác với ASEAN.
Đây cũng là cách Indonesia và các nước có quyền, lợi ích hợp pháp ở Biển Đông, được hưởng lợi từ Phán quyết Trọng tài bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình, bên cạnh việc tăng cường phòng thủ.
Đặc biệt trong các diễn đàn, kỳ họp của ASEAN hay do ASEAN tổ chức, Jakarta nên có tiếng nói mạnh mẽ và kiên quyết hơn nữa bảo vệ Phán quyết Trọng tài 12/7/2016.
Ngoài ra, nên chăng Indonesia cùng các nước có yêu sách ở Biển Đông và bị Trung Quốc xâm hại các lợi ích hợp pháp, cần hợp tác với nhau, cùng Nhật-Mỹ xây dựng cơ chế hợp tác tuần tra chung.
Trung Quốc đang thúc đẩy chiêu bài phân hóa và chia rẽ thì các nước cần tăng cường đoàn kết và hợp tác.
Bắc Kinh muốn đẩy Washington và Tokyo ra khỏi Biển Đông, đặc biệt là với con bài Triều Tiên, thì các nước càng phải hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, Anh...bảo vệ tự do và an ninh hàng hải, hàng không, bảo vệ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://www.nytimes.com/2017/09/10/world/asia/indonesia-south-china-sea-military-buildup.html
Hồng Thủy
Theo Giáo Dục Việt Nam