Những ngày gần đây, quốc gia bí ẩn Triều Tiên đã quay trở lại trên trang nhất của các hãng truyền thông giữa lúc nguy cơ về một cuộc xung đột địa chính trị ngày càng gia tăng.
Tờ Nikkei Nhật Bản bản tiếng Trung ngày 17/4 cho rằng trong tình hình Mỹ đang tăng cường gây sức ép, ngày 16/4 Triều Tiên vẫn tiếp tục phóng một quả tên lửa đạn đạo, nhưng thất bại. Điều này cho thấy Triều Tiên chưa có dấu hiệu ngừng "khiêu khích".
Triều Tiên làm như vậy là để phô trương khả năng hạt nhân và tên lửa, gây cảm giác khủng hoảng, thăm dò "giới hạn cuối cùng" của Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phô diễn thực lực quân sự mang tính áp đảo, muốn ngăn chặn Triều Tiên "khiêu khích". Chiến lược của Mỹ đối với Triều Tiên đang bị thách thức.
Mỹ đã điều cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson đến vùng biển lân cận bán đảo Triều Tiên. Có tin cho hay ngày 14/4, cụm tấn công tàu sân bay này đã đến vùng biển lân cận Triều Tiên.
Cùng với việc tăng cường gây sức ép quân sự đối với Triều Tiên, Mỹ cũng đã phát đi tín hiệu thúc đẩy Triều Tiên giữ kiềm chế. Theo báo chí Mỹ, chính quyền Donald Trump đã xác định phương châm không lật đổ chính quyền Kim Jong-ul.
Mỹ hy vọng sử dụng biện pháp kết hợp cả "mềm" và "rắn" để thúc đẩy Triều Tiên thay đổi, nhưng Triều Tiên hầu như đang coi thường Mỹ, vẫn bắn tên lửa đạn đạo.
Mục đích của Triều Tiên là gì? Ngày 15/4/2016, trong lễ kỷ niệm tròn 104 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, Triều Tiên được cho là đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan, kết quả thất bại.
Trong thời gian tương tự của năm 2017, Triều Tiên cũng đã phóng một quả tên lửa nhằm khẳng định sức mạnh quốc gia và quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong-ul. Kết quả cũng thất bại.
Triều Tiên tiến hành "kiềm chế" Mỹ có thể khái quát thành một câu được cấp cao Đảng Lao động Triều Tiên đưa ra trong Lễ diễu binh ngày 15/4/2017: "Nếu Mỹ phát động khiêu khích không tính hậu quả đối với chúng tôi, quân đội cách mạng của chúng tôi sẽ lập tức đáp trả bằng cuộc tấn công mang tính hủy diệt”.
“Chúng tôi sẽ dùng chiến tranh toàn diện để đáp trả chiến tranh toàn diện, dùng phương thức của chúng tôi như lấy tấn công hạt nhân để đáp trả chiến tranh hạt nhân".
Đối với Mỹ, nước đang tăng cường gây sức ép, Triều Tiên đã thể hiện phương châm sử dụng hạt nhân và tên lửa để đáp trả các căn cứ quân đội Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Địa điểm Triều Tiên bắn thử tên lửa lần này giống như lần trước, đó là Sinpo, tỉnh South Hamgyeong, phía đông Triều Tiên. Có phân tích cho rằng loại tên lửa được phóng là tên lửa đạn đạo tầm trung.
Tuy nhiên hoạt động phóng này không được thực hiện trên đất liền, mà ở Sinpo, khu vực duyên hải. Triều Tiên được cho là đã tính đến rủi ro thất bại. Họ có khả năng đã phóng tên lửa mới.
Ngoài ra, còn có phân tích cho rằng, bối cảnh liên tiếp khiêu khích của Triều Tiên trong ngắn hạn là họ đang phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đưa lãnh thổ Mỹ vào tầm bắn.
Loại tên lửa này được coi là "ranh giới đỏ" của Mỹ. Có quan điểm cho rằng Triều Tiên có ý đồ thăm dò giới hạn có thể dẫn đến việc Mỹ áp dụng các hành động quân sự. Mặt khác, ngày 16/4, Triều Tiên đã từ bỏ thử nghiệm hạt nhân.
Trưởng phòng nghiên cứu chiến lược thống nhất Cheong Seong-chang, Viện nghiên cứu Sejong, Hàn Quốc cho rằng: "Nếu Trung Quốc hỗ trợ Mỹ tiến hành trừng phạt đối với Triều Tiên, Triều Tiên sẽ bị tổn thất to lớn về kinh tế”.
“Hiện nay, Triều Tiên sẽ không tiến hành thử hạt nhân và phóng tên lửa xuyên lục địa - hành động bị Mỹ coi là ranh giới đỏ, mà sẽ không ngừng phóng tên lửa tầm trung, thứ mà Trung Quốc không coi là vấn đề nghiêm trọng".
Điều thu hút sự chú ý là "hành động tiếp theo" của Mỹ. Trong thời gian nghỉ Lễ Phục sinh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ở lại biệt thự riêng tại bang Florida, miền nam nước Mỹ, hưởng thụ kỳ nghỉ chơi golf.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đi qua Alaska, sau đó đáp máy bay đến Hàn Quốc, đã nghe báo cáo về việc Triều Tiên phóng tên lửa.
Mỹ đã thông qua triển khai cụm tấn công tàu sân bay ở vùng biển lân cận bán đảo Triều Tiên hình thành thể chế ứng phó với các tình huống bất trắc bất cứ lúc nào.
Do Triều Tiên phóng tên lửa thất bại, ngày 16/4, quân đội Mỹ hoàn toàn không có hành động gì rõ ràng. Theo báo chí Mỹ, nếu Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân, quân đội Mỹ đã sẵn sàng tiến hành tấn công "đánh đòn phủ đầu" bằng vũ khí thông thường.
Để ngăn chặn hành vi "khiêu khích" của Triều Tiên, chính quyền Donald Trump thông qua các hành động như điều tàu sân bay và bom siêu lớn sử dụng ở Afghanistan trước đó để phô trương sức mạnh quân sự mang tính áp đảo. Trong bối cảnh Triều Tiên coi thường cảnh cáo nhiều lần của cộng đồng quốc tế, phán đoán của chính quyền Donald Trump sẽ được quan tâm.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn