Trung Quốc phải học hỏi cẩn thận bài học lịch sử của chính quyền nhà Thanh về việc tiến hành cải cách xã hội và chính trị toàn diện, nếu không quá trình hiện đại hóa quân sự có thể trở thành một thảm họa đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Người phải thay đổi Trung Quốc
- Cập nhật : 12/10/2016
Thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc (TQ) có thể chính danh hô hào một cuộc cải cách sâu rộng và mạnh mẽ trước hiện trạng của ba thập kỷ đổi mới đã trở nên lỗi thời.
Cơ hội cuối cùng
Ngay sau khi bế mạc Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản TQ, bắt đầu tại Bắc Kinh vào ngày 8/11, các lãnh đạo mới của TQ sẽ bước lên thảm đỏ trong một căn phòng tại Đại lễ đường Nhân dân để ra mắt với toàn thế giới. Đi hàng đầu sẽ là Tập Cận Bình, người được bổ nhiệm giữ chức Tổng Bí thư Đảng, tiếp sau đó, vào tháng Ba cũng sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Ông Tập sẽ trở thành lãnh đạo quyền lực nhất của cường quốc đông dân nhất thế giới, thừa hưởng gia tài của ba thập kỷ cải cách thần kỳ. Đặng Tiểu Bình khởi xướng công cuộc cải cách kinh tế và đã tạo ra tốc độ tăng trưởng phi thường của đất nước tỷ dân: TQ đã thay thế Mỹ để trở thành nước đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng toàn cầu, chiếm 17% tăng trưởng sản lượng hàng hóa thế gới năm 2010 và tăng lên thành 30% năm 2011. Ở vị trí nền kinh tế lớn thứ hai, TQ là quốc gia giàu nhất về dự trữ ngoại hối với hơn 3.200 tỷ USD...
Tuy nhiên, TQ hiện phải đối mặt với một loạt mối đe dọa từ kinh tế đến bất ổn xã hội. Người nghèo nổi giận vì bất bình đẳng, bị chiếm đất đai, tham nhũng lan tràn, hủy hoại môi trường... trở thành những gánh nặng kéo nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây.
Các học giả miêu tả tổng quan về hiện trạng TQ ngày nay: “Không ổn định ở cấp cơ sở, thất vọng ở những tầng lớp trung lưu và ngoài tầm kiểm soát ở phía trên”.
Đứng trước hiện trạng này, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã hơn một lần cảnh báo: “Sự phát triển của TQ không cân bằng và không bền vững”, đồng thời kêu gọi “thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu của hệ thống chính trị”, “nếu không TQ sẽ quay trở lại thảm kịch của Cách mạng Văn hóa”. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp TQ đặt mức độ cảnh báo “thảm kịch” trước những đòi hỏi về cải cách vì những vấn đề của xã hội TQ tích lũy quá lâu, quá sâu, đã tới mức vô cùng nghiêm trọng.
Những lời hô hào cải cách thể chế chính trị của Thủ tướng Ôn Gia Bảo cùng với các học giả TQ được đưa ra trong lúc nhiều người cho rằng tình hình bế tắc hiện nay không khác gì mấy so với tình hình của năm 1992, khi ông Đặng Tiểu Bình thực hiện chuyến thị sát các thành phố miền Nam và tuyên bố tiếp tục theo đuổi con đường đổi mới: “cải cách hay là chết”.
Thập kỷ tiếp theo chính là cơ hội cuối cùng để TQ theo đuổi cải cách và thế hệ lãnh đạo của ông Tập Cận Bình sẽ phải tận dụng được điều đó. Theo The Economist, tương lai của TQ sẽ được xác định bằng câu trả lời cho câu hỏi: “Ông Tập có can đảm và đủ tầm nhìn để thấy rằng nhằm đảm bảo sự thịnh vượng và ổn định của đất nước trong tương lai, ông phải phá bỏ nhiều rào cản của quá khứ?”.
Cải cách thể chế
Những người ủng hộ cải cách đang hối thúc ông Tập cắt bỏ những ưu ái dành cho khối doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho người dân di cư từ nông thôn ra thành phố có thể ổn định cuộc sống đồng thời sửa chữa hệ thống tài khóa để có thể khuyến khích các chính quyền địa phương giảm bớt hoạt động trưng dụng đất đai. Đồng thời, ông nên bắt đầu nới lỏng sự quản lý kinh tế của Đảng. Xây dựng một nền báo chí tự do để tạo ra một đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng...
Nhưng quan trọng hơn cả, sau hơn 30 năm cải cách, Đảng Cộng sản TQ đứng trước một cải cách quan trọng khác: cải cách thể chế chính trị. Bởi vì, nút thắt trong chuyển đổi mô hình kinh tế TQ hiện nay chính là do thể chế chính trị lạc hậu.
Vấn đề của mọi vấn đề hiện nay, theo Francis Fukuyama, thuộc Viện Các vấn đề quốc tế Freeman Spogli, Đại học Stanfords/Mỹ, chính là: TQ chưa phát triển được thể chế chính trị pháp quyền cũng như định chế giải trình và chịu trách nhiệm chính trị công khai.
Để góp vào 5,5% GDP thế giới, TQ tiêu hao 40% than đá, hơn 50% ximăng, khoảng 60% gang thép, trên dưới 70% dầu/khí đốt tự nhiên của thế giới. Sản lượng dầu mỏ và quặng sắt của TQ chỉ còn đủ dùng trên dưới 10 năm, khí đốt tự nhiên chỉ còn được 39 năm. Các nhà nghiên đã chỉ ra: ăn uống, đi lại và du lịch hằng năm của các quan chức “xài tiền chùa” (nạn tam công) tốn hơn 1.000 tỷ NDT, chiếm hơn 1/3 thu nhập thuế. Mỹ là nước chi tiêu chính phủ cao 9,9%, TQ là 37%, gấp khoảng 4 lần Mỹ. |
Rõ ràng, thế hệ lãnh đạo thứ sáu của TQ sẽ mang gánh nặng trọng trách này. Giáo sư Vương Chiêm Dương, Học viện Xã hội Chủ nghĩa Trung ương, cũng cho rằng: “Động lực cải cách hiện nay rất lớn. Phe cải cách và phe bảo thủ cần phải thỏa hiệp để tránh tình trạng chết cả đám”.
Trước những tín hiệu “bật đèn xanh” từ giới lãnh đạo cao nhất, sức ép từ dư luận, ông Tập có thể chính danh hô hào một cuộc cải cách sâu rộng chưa từng có. Thời gian gần đây, Tập Cận Bình cũng đưa ra những dấu hiệu cho thấy ông hiểu rằng các biện pháp cải cách đang được mong chờ.
Trong một cuộc nói chuyện với Hồ Đức Bình, con trai của nhà cải cách Hồ Diệu Bang, Tập Cận Bình cho biết ông khuyến khích cải cách một cách vững chắc. Những lời đồn đại cho rằng Ban Thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc muốn rút số thành viên từ 9 người xuống chỉ còn 7 người cũng là dấu hiệu phản ánh mong muốn quá trình đưa ra các chính sách được rút ngắn.
Tuy nhiên, cũng không ít hoài nghi rằng ông Tập cũng sẽ đặt sự thận trọng lên hàng đầu và khó có thể phá bỏ lợi ích nhóm của khu vực nhà nước đang hùng mạnh với các tập đoàn nhà nước khổng lồ và hưởng quá nhiều đặc lợi. Ông Tập cũng còn dưới hai cái bóng của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào – những người vẫn có tiếng nói quan trọng đổi với các cải cách và vẫn có xu hướng thận trọng trước những cải cách lớn.
Những vấn đề mà TQ đang gặp phải không thể được giải quyết chỉ trong một thập kỷ. Tuy nhiên, thế hệ lãnh đạo mới của TQ cần phải thể hiện rằng họ thực sự muốn cải cách và đang đi đúng hướng.