Đâu là những động lực thúc đẩy Bắc Kinh quan tâm đến Bắc Cực xa xôi lạnh giá? Trung Quốc đã chuẩn bị như thế nào cho chiến lược vươn ra Bắc Băng Dương?
Những diễn biến có thể xảy ra ở Senkaku/Điếu Ngư
- Cập nhật : 12/10/2016
Nếu liên minh Mỹ-Nhật không còn khả năng trụ vững trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, sự cân bằng chiến lược trong khu vực sẽ bị đảo lộn theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.
Ngày 2/10, 4 tàu hải giám của Trung Quốc đã tiến vào vùng lãnh hải của Nhật quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó, hôm qua, cảnh sát biển Nhật Bản cũng phát hiện thấy tàu Đài Loan và tàu Trung Quốc di chuyển trong vùng tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Tàu cá Đài Loan cũng được phát hiện gần tàu tuần tra.
Tàu Hải giám Trung Quốc xuất hiện gần Senkaku/Điếu Ngư
Những sự kiện này cho thấy rõ Trung Quốc quyết tâm mạnh tay trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Giới quan sát dự đoán diễn biến tranh chấp có thể phát triển theo hai chiều hướng:
Thứ nhất, Nhật Bản và Mỹ sẽ củng cố sức mạnh và công khai đối đầu với Trung Quốc. Như vậy, cả ba bên sẽ lâm vào tình thế sẵn sàng chiến đấu. Thế nhưng, trên bình diện quân sự, Trung Quốc hiện chưa thể nào đọ sức được với liên minh Nhật-Mỹ. Do đó, có khả năng Bắc Kinh sẽ chùn bước và quần đảo Điếu Ngư/Senkaku rất có thể sẽ trở lại hiện trạng ban đầu (trên thực tế là hiện nay Nhật Bản đang nắm quyền kiểm soát các đảo nhỏ đó).
Tình huống này sẽ giống như những gì xảy ra năm 1996, khi Trung Quốc bắn một loạt tên lửa vào vùng lãnh hải của Đài Loan nhằm phản đối cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên trên hòn đảo mà Trung Quốc vẫn coi là một tỉnh của nước này. Sự khiêu khích đó đã tạo cớ cho Mỹ gửi hai hàng không mẫu hạm đến Đài Loan, buộc Trung Quốc phải vừa đánh vừa lui. Nếu như giả thuyết này xảy ra, tình hình quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có lẽ sẽ giữ nguyên trạng trong vài năm, cho đến khi Bắc Kinh cảm thấy đủ sức để đối đầu quân sự với cặp liên minh Mỹ-Nhật. Khi đó, họ có thể quay trở lại với một lực lượng mạnh hơn.
Thứ hai, những khó khăn mà Mỹ đang gặp phải tại khu vực Trung Đông rất có thể khiến cho Mỹ trở nên nhún nhường. Nếu điều này xảy ra, Nhật Bản sẽ cảm thấy e dè vì không có sự hỗ trợ của Mỹ, Tokyo có thể phải lùi bước. Như thế, các tàu thuyền Trung Quốc có thể xâm nhập vùng lãnh hải của Nhật Bản, thậm chí người Trung Quốc có thể đặt chân lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tạo ra một hiện trạng mới. Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku sẽ rơi vào tay của người Trung Quốc. Nếu đúng như vậy, điều đó cũng có nghĩa là kế hoạch trở lại châu Á của Mỹ chỉ là chuyện viễn tưởng. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ được dịp chế nhạo thất bại của Nhật cũng như liên minh Mỹ-Nhật. Bắc Kinh sẽ không có đối trọng tại Đông Á và thậm chí cả ở khu vực châu Á. Xem như Trung Quốc đã "đuổi" được Mỹ ra khỏi khu vực. Cuối cùng, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng phương pháp này trong vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia Nga không nên vì những căng thẳng hiện nay ở Senkaku/Điếu Ngư mà vội vã đưa ra những dự đoán xấu. Ông Valery Kistanov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông, tin chắc rằng căng thẳng Trung-Nhật sẽ không leo thang thành cuộc chiến kinh tế. Nhật Bản và Trung Quốc trên thực tế là hai nửa của một khối kết kinh tế khổng lồ. Ông nói: “Đó là hai nền kinh tế lớn nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những đầu máy kinh tế thế giới. Sự xáo trộn quan hệ kinh tế giữa họ sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau đó tác động đến kinh tế thế giới. Như vậy, một hậu quả toàn cầu là điều có thể”.
Các nhà phân tích của Nga không thấy có khả năng các nước khác bị lôi kéo vào cuộc xung đột. Ông Alexander Larin, nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói: “Ngay cả đồng minh chính của Nhật Bản là Mỹ cũng hiểu điều đó quá mạo hiểm. Các quốc gia khác trong khu vực cố gắng tránh bị cuốn vào cuộc xung đột này bởi sự lôi kéo có nguy cơ gây bất ổn nghiêm trọng tình hình ở Đông Á, với những hậu quả chính trị và kinh tế khủng khiếp. Đó là chưa kể tới những động thái quân sự”.
Giới phân tích chính trị Nga nhận định rằng tranh cãi gay gắt giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh các đảo tranh chấp sẽ được duy trì trong thời gian dài, nhưng dần dần, xung khắc sẽ chuyển sang âm ỉ bởi chưa có lối thoát nào khác cho tình hình này.
Võ Vân
Theo Tổ Quốc