Kinh tế thì thân Trung, an ninh quốc phòng thì thân Mỹ, vậy ông cho rằng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại ASEAN thì Việt Nam sẽ xử lý thế nào?
Tin Biển Đông: Trung Quốc có phương án 'không cần đánh cũng thắng Mỹ'
- Cập nhật : 05/11/2017
Giới chức Mỹ thừa nhận, Trung Quốc có phương án "không cần đánh cũng thắng Mỹ"; Trung Quốc muốn thay đổi trật tự thế giới bằng thế thống trị châu Á; Ông Duterte tin Trung Quốc giữ lời hứa ở Biển Đông là những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông.
Không cần đánh, Trung Quốc vẫn có thể thắng Mỹ
Giới chức quân sự Mỹ thừa nhận, Triều Tiên hiện không phải là vấn đề lớn nhất của Mỹ mà Trung Quốc mới là mối đe dọa thực sự với Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Đáng nói, Trung Quốc có sẵn phương án giành chiến thắng mà không cần chiến tranh với Mỹ.
Phát biểu với kênh truyền hình NBC, một số quan chức quân sự Mỹ giấu tên nhấn mạnh, mối đe dọa từ Triều Tiên không đáng quan ngại bởi "chỉ cần tấn công quân sự là có thể giành phần thắng". Tuy nhiên, với Trung Quốc, chuyện này hoàn toàn khác.
"Trung Quốc hiện là mối đe dọa thường trực nhất ở Thái Bình Dương. Trung Quốc có cách để giành chiến thắng mà không cần tấn công quân sự", vị quan chức Mỹ giấu tên chia sẻ.
Cũng theo người này, mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh là nắm thế trung tâm ở Thái Bình Dương để từ đó tạo ra những thay đổi trong trật tự thế giới.
Điển hình, Trung Quốc "đã thay đổi luật pháp quốc tế" trong những năm gần đây bằng việc cải tạo và xây dựng trái phép hàng loạt đảo nhân tạo trên Biển Đông. Những khu vực nằm "cách hàng trăm dặm so với đất liền đại lục".
Theo NBC, các quan chức Mỹ cũng khẳng định những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở bãi Chữ Thập và đảo Phú Lâm đã tạo nền tảng giúp Trung Quốc đủ sức tấn công toàn bộ căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có một chiến lược khác gọi là "chiến tranh lai" bằng cách sử dụng các tàu cá để tấn công tàu của quốc gia khác.
Dù cho rằng nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa Bắc Kinh và Washington là khá thấp nhưng theo các quan chức quân sự Mỹ, nguy cơ va chạm vẫn tiềm tàng.
Chủ cuộc chơi trong khu vực
Theo Tiến sĩ Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách chiến lược Australia, tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc đã được bộc lộ rõ nét. Đặc biệt, Bắc Kinh đã sử dụng cả sức quyền lực cứng và mềm để đạt được tham vọng và mục tiêu của mình.
"Phương thức của Trung Quốc là sử dụng sức mạnh quân sự thông qua các hành động "vùng xám". Đây là cấp độ thấp của một cuộc chiến tranh nhưng lại từ từ tái định hình trật tự để phù hợp với mục tiêu an ninh quốc gia và tham vọng chiến lược của Trung Quốc. Trung Quốc muốn vượt Mỹ ở khu vực châu Á bằng cách kết hợp giữa các hành động quân sự lai ở những khu vực như Biển Đông và quyền lực mềm thông qua sáng kiến 'Vành đai và Con đường'", ông Davis nói.
Cũng theo ông Davis, Trung Quốc sử dụng cách thức trên để "giành chiến thắng mà không cần phải tấn công quân sự" về lâu dài.
Tiến sĩ Davis nhấn mạnh thêm, ngay tại Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã bày tỏ tham vọng biến quốc gia này thành "nhà lãnh đạo toàn cầu" bằng việc mở rộng tầm ảnh hưởng trong 30 năm tới.
"Ông Tập đã trình bày rõ ý định trong bài phát biểu dài 3 tiếng rưỡi tại Đại hội 19. Trung Quốc muốn xây dựng một trật tự kinh tế, chính trị và an ninh do Trung Quốc dẫn dắt ở châu Á chứ không phải Mỹ cũng như làm suy yếu hoặc chấm dứt sự thống trị chiến lược của Mỹ mà thay vào đó là vị thế trung tâm của Trung Quốc", ông Davis chia sẻ.
Tại đại hội 19, ông Tập đã có bài phát biểu gắn kết những nỗ lực xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông với các sáng kiến đối ngoại do chính nhà lãnh đạo Trung Quốc khởi xướng bao gồm dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nằm trong sáng kiến "Vành đai và Con đường".
Còn trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã âm thầm tiếp tục xây dựng một số hòn đảo nhân tạo cùng một trạm do thám dưới mặt nước ở Biển Đông.
Cụ thể, hồi tháng Bảy, Bắc Kinh thông báo nước này đang cho xây dựng một hệ thống quan sát dưới mặt nước dọc các vùng biển phía đông và nam nước này.
Kênh truyền hình CCTV còn đưa tin "mạng lưới này sẽ được dùng làm nền tảng cung cấp dữ liệu quan sát lâu dài và hỗ trợ các nghiên cứu về môi trường biển ở Biển Đông và biển Hoa Đông".
Tuy nhiên, dự án trị giá 400 triệu USD này bị giới chuyên gia xem là phục vụ mục đích do thám hoạt động di chuyển của các tàu thuyền nước ngoài đồng thời chuyển dữ liệu thông tin về đại lục.
Tổng thống Philippines tới Nhật để bàn Biển Đông
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho hay, vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là một trong số nội dung được ông này đưa ra thảo luận trong các cuộc họp song phương với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Phát biểu trước giới báo chí hôm 31/10, sau chuyến thăm 2 ngày tới Nhật Bản, ông Duterte cho biết ông đã thảo luận vấn đề Biển Đông với giới chức Nhật Bản bởi Tokyo là một trong những bên nhấn mạnh đảm bảo quyền tự do hàng hải.
Ông Duterte còn khẳng định, ông tin Trung Quốc sẽ đưa ra giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp chủ quyền.
"Trung Quốc đã hứa với chúng tôi không xây dựng bất cứ công trình nào ở bãi cạn Scarborough và tôi hy vọng Bắc Kinh giữ lời hứa", Tổng thống Duterte nói.
Hồi tháng Tám, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Nhật Bản, Mỹ, Australia đã cùng lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết hồi tháng 7/2016 của tòa trọng tài quốc tế phủ nhận chủ quyền phi lý "đường chín đoạn" mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố ở Biển Đông. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã khẳng định không công nhận phán quyết của tòa trọng tài quốc tế.
Minh Thu (lược dịch)
Theo Infonet.vn