Giới chức lãnh đạo Trung Quốc vừa đưa ra đề nghị với Triều Tiên về việc ngừng phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo "(IS), lần đầu tiên trong lịch sử của mình lên tiếng chống lại Trung Quốc. Trong một clip mới được các phần tử cực đoan dàn dựng, chân dung của Chủ tịch Tập Cận Bình xuất hiện rồi dần dần chuyển thành một ngọn lửa cuồn cuộn. Bằng cách đó chúng muốn phát đi một thông điệp: sẽ “tắm máu” Trung Quốc.
Trong trường hợp này, IS có vẻ như muốn hỗ trợ những kẻ ly khai Duy Ngô Nhĩ. Cũng phải nói thêm rằng, hiện có tới vài trăm tay súng đã và đang tham gia chiến đấu trong các nhóm khủng bố khác nhau ở Iraq và Syria.
Vấn đề khủng bố Hồi giáo và ly khai đã tồn tại ở Trung Quốc trong hơn hai thập kỷ. Khu tự trị Tân Cương - Duy Ngô Nhĩ đã trở thành điểm nóng xung đột giữa mô hình cộng sản "bản địa Trung Quốc" và lối sống Hồi giáo.
Đã nhiều lần người ta thấy những phần tử ly khai Duy Ngô Nhĩ đứng trong hàng ngũ của những kẻ khủng bố chiến đấu ở Trung Đông. Vào năm 2016, nhà nghiên cứu nổi tiếng Nate Rosenblatt, trong một công trình nghiên cứu "Các file của IS nói gì về các tay súng của mình" cho biết, có khoảng một trăm chiến binh Duy Ngô Nhĩ đang đứng trong hàng ngũ của IS. Phía Bắc Kinh thì cho rằng, số lượng công dân của họ tại Syria nhiều gấp ba lần số đó. Trong video mới có sự xuất hiện cảnh những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ huấn luyện tại quê nhà và ở Syria, chuẩn bị tấn công Trung Quốc.
Trong khi đó, sau một loạt vụ công kích Trung Quốc, Washington tái khẳng định ý định tăng cường quan hệ song phương. Nhìn chung, những điểm tương đồng chính trị giữa hai nước hiện rất ít, nhưng giá trị chung của cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế đã được cả hai bên ghi nhận.
Báo Svobodnaya Pressa (Nga) đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với ông Aleksandr Lomanov, Cộng tác viên khoa học chính của Trung tâm nghiên cứu và dự báo quan hệ Nga -Trung (Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga)
- Mối đe dọa của bọn khủng bố đối với Trung Quốc nghiêm trọng đến mức nào? Có thật là nó có thể thúc đẩy Trung Quốc gia nhập liên minh chống Nhà nước Hồi giáo do Mỹ đứng đầu không?
- Người Trung Quốc từng phải đối phó với những mối đe dọa nghiêm trọng đến từ Khu tự trị Tân Cương - Duy Ngô Nhĩ ở biên giới phía Tây. Tất cả đều có nguyên do lịch sử của nó. Vấn đề này càng trở nên cấp bách sau khi Liên Xô sụp đổ. Bởi tấm gương giành độc lập của các nước cộng hòa xô viết có tính lan tỏa mạnh đối với một số lãnh thổ của Trung Quốc đang khát khao độc lập. Đối với Khu tự trị Tân Cương - Duy Ngô Nhĩ lại càng như vậy, bởi nó tiếp giáp với các nước Cộng hòa Trung Á. Nhưng thời điểm đó Trung Quốc đã giải quyết được vấn đề này, vì trong nhiều lý do có một nguyên nhân là nước này có hệ thống hành chính, lãnh thổ khác với Liên Xô. Nước này không hề có những cơ cấu lãnh thổ nào được quyền tách ra khỏi Trung Quốc một cách hợp pháp. Kết quả là, các dân tộc thiểu số có rất ít sự lựa chọn. Vì thế một số người tìm cách bảo tồn những truyền thống văn hóa, tôn giáo. Một số khác thì cho rằng cần phải giành độc lập bằng bất cứ cách nào, trong đó có cả cách sử dụng đến bạo lực và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Dù bằng cách nào đi nữa thì những người ủng hộ thành lập một quốc gia theo sắc tộc của người Duy Ngô nhĩ tại khu vực này cũng khá đông đảo.
- Có thể nói rằng, các hoạt động khủng bố tại khu vực này đang tăng lên không?
- Những đợt bùng phát hoạt động khủng bố đầu tiên do những kẻ ly khai Duy Ngô Nhĩ tiến hành xảy ra vào những năm 90 thế kỷ trước. Đến những năm 2000, vẫn có những cuộc tấn công xảy ra. Vấn đề đã trở nên gay gắt thường xuyên. Chính phủ Trung Quốc theo dõi sát sao vụ này. Không thể nói những mối đe dọa khủng bố ở Trung Quốc tự dưng xuất hiện. Mối đe dọa về chủ nghĩa khủng bố mang màu sắc tôn giáo và sắc tộc luôn có tính thời sự đối với Trung Quốc ít nhất là 25 năm qua. Trong quá khứ đã có nhiều cuộc tấn công cảnh sát, quân đội tại Khu tự trị này. Ví dụ đơn giản nhất: vài người cầm dao xông vào tấn công các nhân viên cảnh sát trong đồn. Chuyện xảy ra tiếp theo là phần lớn những kẻ đó bị cảnh sát dùng súng tiêu diệt tại chỗ. Tuy nhiên, những kẻ xông vào đồn cũng kịp sát hại hoặc gây thương tích cho một số nhân viên công vụ. Hoặc cũng có trường hợp bọn khủng bố có ý định dùng xe tải lao vào đội hình binh lính quân đội đang đi trên đường phố. Những chuyện như vậy không còn là điều không thể hình dung tại Trung Quốc bây giờ.
Tuy vậy, điều mới trong “chương trình nghị sự” của những kẻ khủng bố Duy Ngô Nhĩ là ở chỗ, bây giờ chúng công khai tuyên bố sẵn sàng tấn công khủng bố không chỉ đối với các lực lượng có vũ khí, mà còn cả đối với thường dân Duy Ngô Nhĩ. Mục đích của chúng là để gieo rắc nỗi sợ hãi trong tất cả những người không chia sẻ tư tưởng hồi giáo cực đoan. Tức là chúng sẽ hành động tương tự như những tổ chức khủng bố ở các quốc gia khác. Vấn đề này xuất hiện tại Trung Quốc mấy năm trước.
Nhiều chuyên gia cho rằng điều này có liên quan đến việc nhiều kẻ khủng bố và ly khai người Duy Ngô nhĩ đã bắt đầu quay trở về quê nhà từ các lãnh thổ Trung Đông, nơi IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác đang hoạt động. Thực ra, người ta đã nói tới những mối liên hệ giữa những kẻ cực đoan Tân Cương và IS từ lâu rồi. Vấn đề này đã được thảo luận rất nghiêm túc. Chính quyền Trung Quốc đã sử dụng những biện pháp mang tính phòng ngừa để không cho những kẻ khủng bố trở về ồ ạt từ các vùng chiến sự ở Trung Đông. Điều này là rất cần vì những kẻ đó sẽ đem những kinh nghiệm và kỹ năng chiến đấu về áp dụng tạo Trung Quốc. Đó thật sự là thách thức nghiêm trọng.
- Tại sao đúng vào lúc này các phần tử Hồi giáo cực đoan lại có tuyên bố cứng rắn như vậy đối với Trung Quốc?
- Có một số nguyên nhân. Trước hết, “Nhà nước Hồi giáo” hiện đang gánh chịu những thất bại nặng nề ở Trung Đông. Trong bối cảnh này việc tuyên bố rằng, cuộc chiến chưa chấm dứt và sẽ xuất hiện mặt trận mới ở đâu đó chính là việc hợp thời. Cũng có thể, đó chỉ là những lời đe dọa làm lạc hướng, còn những cuộc tấn công thực sự có thể lại xảy ra ở một nước khác, nơi mà lực lượng bảo vệ luật pháp yếu kém hơn chẳng hạn.
Cũng có thể, nguyên nhân nằm trong ý đồ của những kẻ Hồi giáo cực đoan là gieo rắc sự căng thẳng trong lãnh đạo Trung Quốc. Nguyên nhân là vào cuối năm nay, tại nước này sẽ diễn ra Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Như vậy là chỉ còn khoảng nửa năm, và trong những dịp thế này, người ta thường cố gắng để giảm thiểu những sự cố. Số các cuộc thảo luận trong xã hội trên phương tiện truyền thông và các diễn đàn khác đều giảm đi. Đời sống chính trị xã hội Trung Quốc sẽ trầm lắng hơn. Bởi chính quyền mong muốn Đại hội diễn ra trong không khí ổn định, đoàn kết với tinh thần “cộng sản trào dâng”. Vậy mà bọn khủng bố lại tuyên bố, chúng sẽ nhằm vào Trung Quốc và chắc sẽ không dừng lại khi chưa đạt được mục đích của mình. Nói cách khác, đó là dấu hiệu gửi đến chính quyền: Trước một Đại hội quan trọng của những người cộng sản Trung Quốc, bọn khủng bố sẽ tập trung nỗ lực để gây bất ổn tình hình.
- Vậy có thể giả định rằng, mối đe dọa của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” sẽ đẩy Trung Quốc tới chỗ, tạm gác lại những bất đồng đang gia tăng với Mỹ để tham gia vào liên minh chống khủng bố quốc tế?
- Tôi không nghĩ như vậy. Mặc dù cũng không thể phủ nhận hoàn toàn khả năng này. Nếu có thể xảy ra những vụ khủng bố mới, Trung Quốc trước tiên sẽ giải quyết các công việc nội bộ của mình, tăng cường các biện pháp an ninh. Với Mỹ, hiện nay, nếu không có tình hình khẩn cấp, thì việc Trung Quốc gia tăng liên hệ với Mỹ hoàn toàn chẳng mang lại điều gì. Có thể, Trung Quốc sẽ tham gia đấu tranh với Nhà nước Hồi giáo IS, nếu như Donald Trump thành công trong việc lập ra một liên minh các quốc gia bình đẳng.Hà Khoa
Theo Viettimes.vn