Vốn nổi tiếng với những phát ngôn bạo miệng ngay từ khi ra tranh cử Tổng thống Philippines cho tới khi thắng cử và trở thành nhà lãnh đạo của quốc gia Đông Nam Á này, song những tuyên bố mới nhất của ông Duterte về những phần tử khủng bố vẫn khiến mọi người phải ớn lạnh.
ASEAN sẽ ưu tiên bàn thảo tranh chấp hàng hải
- Cập nhật : 27/04/2017
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về việc Biển Đông sẽ được đề cập thế nào tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 tại Manila, Philippines từ ngày 26 - 29.4.
TS Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế ĐH KHXH-NV (TP.HCM), cho rằng ngoài việc thúc đẩy các vấn đề như chống chủ nghĩa khủng bố, buôn bán ma túy, đoàn kết giữa các quốc gia ASEAN, nước chủ nhà Philippines sẽ đề cập đến Biển Đông nhưng mềm mỏng hơn.
Khó có tuyên bố mạnh mẽ về Biển Đông
“Tổng thống Duterte luôn thể hiện quan điểm muốn xích gần Trung Quốc. Vì thế, mối quan hệ Philippines - Trung Quốc hiện nay bớt căng thẳng hơn nhiều so với nhiệm kỳ tổng thống trước. Tôi nghĩ khó có khả năng sẽ ra được một tuyên bố mạnh mẽ nào đó về vấn đề Biển Đông”, ông Trung nói.
Về việc gây ảnh hưởng đến vấn đề Biển Đông trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN lần này của Philippines, TS Lê Vĩnh Trương (Quỹ nghiên cứu Biển Đông) cho biết cuộc tập trận Balikatan giữa Philippines và Mỹ được thông báo vẫn diễn ra (sau đó chuyển thành một cuộc diễn tập cứu hộ) bất chấp những tuyên bố trước đây của Tổng thống Duterte. Điều này cho thấy Philippines sẽ tận dụng sự kiện này để nâng sức mạnh đàm phán với cả Mỹ và Trung Quốc thông qua việc tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN.
Ngoài ra, Hãng tin AP cho hay nội dung bản dự thảo “tuyên bố của chủ tịch” mà hãng tin này có được vào ngày 25.4 không đề cập đến phán quyết hồi tháng 7.2016 của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS) trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, đồng thời bày tỏ những mối quan ngại nghiêm trọng “của một số nhà lãnh đạo” liên quan đến “tình trạng leo thang các hoạt động trong khu vực”. Bản dự thảo tuyên bố cho thấy các nhà lãnh đạo sẽ sử dụng cách diễn đạt nhẹ nhàng về những tranh chấp, theo AP.
Sẽ ưu tiên vấn đề an ninh hàng hải
Hợp tác để thay đổi, gắn kết thế giới
Hôm nay 27.4, các quan chức cấp cao ASEAN tiến hành cuộc họp trù bị chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 và các hội nghị liên quan.
Với chủ đề: “Hợp tác để thay đổi, gắn kết thế giới”, các lãnh đạo ASEAN sẽ thảo luận việc thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025, quan hệ đối ngoại và tương lai của ASEAN cũng như trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, các cuộc họp tiểu vùng: Khu vực tăng trưởng đông ASEAN gồm Brunei - Indonesia - Malaysia - Philippines (BIMP-EAGA) và Tam giác tăng trưởng Indonesia - Malaysia - Thái Lan (IMT-GT) cũng sẽ diễn ra tại hội nghị lần này.
TS Nguyễn Thành Trung cho rằng vấn đề Biển Đông sẽ được đề cập, nhưng hội nghị khó có thể đưa ra một giải pháp chung cho vấn đề chủ quyền.
“Vấn đề chủ quyền sẽ được bàn luận, nhưng tôi dự đoán không có kết quả. Hội nghị có thể hợp tác giải quyết một số vấn đề an ninh hàng hải khác ở Biển Đông như đánh bắt cá trộm, hải tặc...”, ông Trung nói.
Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, với vai trò là Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2017, Philippines đang đứng trước vấn đề nan giải là tìm cách giảm căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và sự không rõ ràng trong chính sách đối với Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bên cạnh đó, Tổng thống Duterte có khả năng sẽ hạ thấp những nội dung về tranh chấp ở Biển Đông, thay vào đó tập trung cho vấn đề hợp tác kinh tế, chống khủng bố và chống buôn lậu ma túy trong khu vực.
Dù là bên có lợi thế sau phán quyết hồi tháng 7.2016 của Tòa trọng tài, nhưng Manila hiện nay có vẻ đang tìm cách dung hòa mối quan hệ tay ba Philippines - Trung Quốc - Mỹ hơn là gây căng thẳng thêm với Trung Quốc.
“Vì thế, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần này, các tranh chấp hàng hải sẽ được ưu tiên đưa ra bàn thảo hơn là vấn đề chủ quyền hoặc những vấn đề hậu phán quyết của Tòa trọng tài”, ông Phúc nhận định.
Lam Yên
Theo Thanh Niên