Nhiều phát ngôn "gây sốc" về Biển Đông của Tổng thống Rodrigo Duterte cho thấy chính sách "xa Mỹ, thân Trung" của ông Duterte ngày càng rõ ràng, "thỏa thuận ngầm" giữa Trung Quốc và Philippines lộ rõ.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tại Canberra ngày 24/3/2017. Ảnh: Tân Hoa xã
Nhiều tờ báo các nước những ngày qua cho hay, Australia đã từ chối kết nối chính thức giữa Quỹ hạ tầng cơ sở quốc gia trị giá 5 tỷ USD của Australia với kế hoạch Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc. Lý do là Australia lo ngại điều này sẽ “gây thiệt hại cho quan hệ Australia - Mỹ khi yêu cầu Mỹ triển khai nhiều hoạt động hơn ở khu vực”.
Thông tin này được đăng trên tờ Thời báo Tài chính Anh ngày 23/3. Một quan chức Australia cho biết khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Australia, hai bên không ký kết bản ghi nhớ về vấn đề này.
Tuần trước, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop kêu gọi chính quyền Mỹ do ông Donald Trump đứng đầu cần mở rộng vai trò của Mỹ ở châu Á để bảo đảm hòa bình và ổn định của khu vực này.
Tờ Đài tiếng nói Đức ngày 21/3 cũng cho biết, cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang cho rằng Trung Quốc và Australia “còn có rất nhiều cơ hội và không gian” để hợp tác với nhau trong chiến lược “Một vành đai, một con đường”. Ông Quang tin chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ đạt được thành quả tích cực.
Năm 2014, khi thăm Australia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đề xuất: Miền bắc Australia có thể là điểm đến đầu tư tiềm năng của “Một vành đai, một con đường”.
Tuy nhiên, trên mặt báo Trung Quốc hai ngày qua, trong các cuộc hội đàm, hội kiến với phía Australia của ông Lý Khắc Cường trong chuyến thăm lần này, hai bên không hề nói gì đến chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tại cuộc họp báo ở Thủ đô Canberra, Australia ngày 24/3/2017. Ảnh: Tân Hoa xã
Một nguồn tin của Đài tiếng nói Đức cho rằng hiện nay Australia đang giữ thái độ “xem chừng”, quan sát xem các nước lớn, chủ yếu phương Tây khác đưa ra phản ứng thế nào với chiến lược này của Trung Quốc.
Trước đó, ngày 21/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Diễn đàn hợp tác quốc tế “Một vành đai, một con đường” do Bắc Kinh tổ chức vào tháng 5/2017 sẽ là diễn đàn hợp tác quan trọng tăng cường hợp tác quốc tế, kết nối chiến lược phát triển của các nước với nhau.
Bà Oánh cho biết thêm: “Hiện nay đã có hơn 20 nhà lãnh đạo các nước, hơn 50 nhà lãnh đạo các tổ chức quốc tế, hơn 100 quan chức cấp Bộ trưởng và tổng cộng hơn 1.200 đại diện các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới xác nhận tham gia”.
Trung Quốc xác định, Diễn đàn hợp tác quốc tế “Một vành đai, một con đường” là một hoạt động ngoại giao “sân nhà” quan trọng trong năm 2017. Trung Quốc mong muốn mời được càng nhiều nước tham gia càng tốt. Nhưng, dư luận phương Tây vẫn nghi ngờ về ý đồ của Trung Quốc trong chiến lược này.
Theo báo chí Anh, năm 2014, dưới sự hối thúc của Mỹ và Nhật Bản, Australia cuối cùng quyết định không tham gia Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu. Nhưng sau khi một số nước phương Tây khác gia nhập AIIB, Australia cũng đã gia nhập.
Cựu Đại sứ Australia tại Trung Quốc Geoff Raby cho rằng trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh của Australia, các sáng kiến như AIIB và “Một vành đai, một con đường” đều được xem là Trung Quốc tìm cách mở rộng vai trò ảnh hưởng, thay thế Mỹ.
Theo ông Geoff Raby, quan hệ Australia - Trung Quốc “dao động bất định”, bởi vì Canberra ngày càng dùng nhiều phương pháp của chủ nghĩa lý tưởng để xử lý quan hệ với các nước khác, tập trung vào quan niệm giá trị, chứ không phải sử dụng phương pháp thiết thực hơn để nâng cao quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất.
Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, hai nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do với nội dung rộng lớn.
Nhưng, Australia trước sau vẫn là đồng minh tin cậy của Mỹ, cho dù quan hệ Australia - Mỹ xuất hiện hiện tượng “không hài hòa” sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ. Chẳng hạn, Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng thống Mỹ Donald Trump còn gọi thỏa thuận trao đổi người tị nạn giữa Mỹ và Australia là “ngu xuẩn”.
Cách đây không lâu, Trung Quốc phê phán Australia tiến hành hoạt động bay do thám trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông. Canberra kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ tiêu chuẩn đi lại quốc tế ở vùng biển chiến lược quan trọng này.
Tuần trước, tại Singapore, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop tuyên bố, trừ phi Trung Quốc đã thực hiện dân chủ, nếu không Trung Quốc không thể khai thác được toàn bộ tiềm năng của mình.
Đối với phát biểu này, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang cho rằng 45 năm qua, Australia và Trung Quốc sở dĩ xây dựng được quan hệ song phương thành công là do tôn trọng chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau của đối phương.
“Trong tương lai, chúng tôi (Trung Quốc) hy vọng những người bạn trên các lĩnh vực khác nhau ở Australia tiếp tục dựa trên tinh thần này, từ bỏ thành kiến của ý thức hệ và “trò chơi cả hai cùng thiệt hại” – Trịnh Trạch Quang nói.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn