Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Singapore, ASEAN sắp tập trận chung với Trung Quốc trên Biển Đông
Đô đốc Harris: Washington đang mất dần kiên nhẫn với Trung Quốc về Biển Đông
- Cập nhật : 26/10/2017
Đô đốc Harry Harris, Bộ Tư lệnh Hải quân Thái Bình Dương (Hoa Kỳ), cho rằng, Trung Quốc đã tạo dựng sức mạnh chiến đấu để đòi hỏi chủ quyền với những thực thể xây dựng trái phép trên Biển Đông và hủy diệt trật tự luật pháp quốc tế.
Theo vị tư lệnh hải quân gốc Á này, thách thứ thứ hai mà khu vực Ấn Độ - châu Á – Thái Bình Dương phải đối mặt hiện nay chính là Trung Quốc chứ không phải điều gì khác.
“Một vài người có thể thấy hơi lạ rằng tôi kêu gọi sự trợ giúp của Trung Quốc đối với Triều Tiên, nhưng ở mặt khác lại nói Trung Quốc là một khó khăn”, ông Harris nói.
Vị đô đốc của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương giải thích, có thể ca ngợi nỗ lực của Trung Quốc để giúp giải quyết vấn đề Triều Tiên, giống như Tổng Thống Trump nói trong bài diễn văn gần đây tại Liên Hợp Quốc: “Ngay cả khi chúng ta công kích và bắt Trung Quốc có trách nhiệm cho những hành động đi ngược với các quy định và quy tắc quốc tế thì chúng ta vẫn phải loại bỏ mối đe dọa đối với quốc gia có chủ quyền, từ Ukraine cho đến Biển Đông. Chúng ta phải ủng hộ việc tôn trọng luật pháp, tôn trọng biên giới, văn hóa, và những cam kết hòa bình”.
Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ Trưởng Quốc phòng James Mattis đã nói, Trung Quốc có động cơ mạnh mẽ để theo đuổi cùng mục tiêu như Hoa Kỳ đối với vấn đề Triều Tiên. Hành động của Bình Nhưỡng và triển vọng phát triển hay xung đột hạt nhân đã đe dọa an ninh kinh tế, chính trị và quân sự mà Bắc Kinh đã tạo dựng hàng thập niên. Hành vi của Bình Nhưỡng còn đe dọa đến lợi ích lâu dài của Bắc Kinh về hòa bình và ổn định trọng khu vực.
“Lá phiếu tại Hội đồng Bảo an gần đây của Trung Quốc là những bước theo đúng hướng, nhưng khu vực và thế giới cần và mong Trung Quốc quyết tâm nhiều hơn nữa”, Đô đốc Harris nhận định.
Tuy nhiên, Washington muốn Bắc Kinh quyết tâm hơn để dừng những hành động khiêu khích tại Biển Đông. Cụ thể, theo đô đốc Harris, tại đây, Trung Quốc đã tạo dựng sức mạnh chiến đấu và lợi thế về vị trí để cố gắng đòi chủ quyền trên thực tế đối với các đặc điểm hàng hải đang tranh chấp, nơi họ thay đổi về cơ bản bối cảnh địa lý và chính trị bằng cách tạo nên và quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo, nơi họ đang dùng sức mạnh quân đội và kinh tế để hủy diệt trật tự quốc tế dựa theo các quy định.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho thấy dường như Washington dần mất kiên nhẫn với chính sách của Trung Quốc về các vấn đề Triều Tiên và Biển Đông.
“Tôi nghĩ điều quan trọng là Trung Quốc biết. Chúng tôi đã bàn bạc về những vấn đề này trong suốt 6 tháng qua. Mỹ mong muốn tình hình hiện tại có thể thay đổi, Mỹ hy vọng sẽ có biến chuyển, cho dù đó là tình hình Triều Tiên, Biển Đông hay vấn đề thương mại”, ông Tillerson nói.
Phát biểu này được đưa ra một ngày sau khi ông Tillerson công khai chỉ trích hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông đang thách thức trực tiếp tới các quy định và luật pháp quốc tế.
Ông Tillerson cho biết, Mỹ và Trung Quốc đã bàn bạc về những điều mà ông chia sẻ trong bài phát biểu và ông cho rằng đến một thời điểm thích hợp nào đó, ông muốn công khai phần còn lại của thế giới về những điều mà hai nước trao đổi.
Đối phó với Trung Quốc theo thực tế
Hồi đầu năm nay, Trung Quốc đã đưa tàu thu thập tình báo hoạt động gần Alaska tại đặc khu kinh tế của Mỹ. Trung Quốc hành động theo luật quốc tế, do đó không có chỉ trích gì ở đây. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, Trung Quốc tiếp tục khiếu nại về tự do hoạt động hàng hải hợp pháp và hòa bình tại vùng biển quốc tế và về các chuyến bay của Mỹ trong không phận quốc tế.
Tư lệnh Hải quân Mỹ cho rằng, Trung Quốc không thể có hai thứ. “Theo ý kiến của tôi, mong muốn kén chọn của Bắc Kinh khi nói về luật quốc tế là chứng minh hùng hồn về loại quốc gia mà Trung Quốc đang và sẽ trở thành trong những thập niên sắp tới. Do đó tôi đã tán thành đối phó với Trung Quốc theo thực tế”, ông Harris nói.
Chỉ mới tháng trước, Chủ tịch Tham mưu Trưởng Phối hợp, Tướng Joe Dunford đã nói trong phiên điều trần tại Quốc Hội Mỹ rằng Trung Quốc sẽ là mối đe dọa lớn nhất cho Hoa Kỳ vào 2025. Tuy nhiên, Tướng Dunford gần đây cũng đã đến thăm Trung Quốc và ký thỏa thuận với các đồng nhiệm quân đội Trung Quốc để tăng cường liên lạc và giảm khả năng "va chạm nhầm".
Đây là đối phó với Trung Quốc về thực tế, theo nhận định của ông Harris. Theo đó, Hoa Kỳ, cũng như tất cả quốc gia tại Ấn Độ - châu Á - Thái Bình Dương, nên hợp tác với Trung Quốc khi có thể, và nền tảng của việc hợp tác này nên bắt đầu và kết thúc bằng luật pháp quốc tế.
Trong vài tháng qua, đã có nhiều đối thoại mới diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Những đối thoại này đề cập nhiều chủ đề bao gồm ngoại giao, kinh tế, giáo dục, phát triển xã hội, văn hóa, thực thi luật pháp, và an ninh mạng. Những nỗ lực này nâng cao cam kết ngoại giao và quốc phòng, giúp hai nước thu hẹp khác biệt để mở rộng hợp tác.
Đối với Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ (PACOM), mục tiêu vẫn là thuyết phục Trung Quốc rằng tương lai tốt nhất sẽ đến từ việc hợp tác hòa bình và tham gia có ý nghĩa vào trật tự quốc tế dựa theo quy định hiện tại, và thực hiện các cam kết quốc tế.
“Nhưng tôi cũng biết rõ rằng chúng ta sẽ không cho phép lãnh thổ chung bị đóng cửa đơn phương. Do vậy chúng ta sẽ hợp tác khi cần, nhưng vẫn sẵn sàng đối đầu khi buộc phải vậy”, Tư lệnh Harris khẳng định.
Tuệ Minh (tổng hợp)
Theo Infonet.vn