Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Ông Duterte và chính sách với Trung Quốc
Đông Nam Á tăng cường hợp tác an ninh biển
- Cập nhật : 16/05/2017
Nhiều quốc gia lần đầu gửi chiến hạm đến Singapore dự duyệt binh quốc tế và triển lãm hải quân cho thấy xu hướng cởi mở và hợp tác vì an ninh biển.
Tham dự lễ khai mạc diễu binh hải quân quốc tế (IMR) ngày 15.5 tại quân cảng Changi có 30 tư lệnh và phó tư lệnh hải quân, tư lệnh lực lượng cảnh sát biển và hơn 40 tướng lĩnh từ 44 quốc gia. Đoàn Hải quân Nhân dân VN do Tư lệnh, Chuẩn đô đốc Phạm Hoài Nam dẫn đầu. Hiện diện tại Changi là 16 chiến hạm Singapore, 28 chiếc từ 20 nước khác cùng 2 tàu cảnh sát biển và 4 chiến đấu cơ của không quân nước chủ nhà.
IMR được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thành lập lực lượng hải quân Singapore và diễn ra ngay trước triển lãm - hội thảo an ninh biển quốc tế (IMDEX Asia 2017) từ 16 - 18.5. Là diễn đàn thảo luận các vấn đề an ninh biển, triển lãm khí tài và công nghệ hải quân, sự kiện 2 năm một lần này luôn thu hút sự tham gia của nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương cũng như các tập đoàn công nghiệp quốc phòng thế giới.
Đặc biệt, IMDEX 2017 vượt xa những lần trước với sự hiện diện “kỷ lục” của số chiến hạm nước ngoài, số quốc gia tham dự cũng như quy mô triển lãm khí tài. Có đến 230 công ty từ 29 quốc gia đưa sản phẩm - từ truyền thống như chiến hạm, vũ khí, đến các công nghệ mới như an ninh mạng hải quân và hệ thống không người lái - đến triển lãm.
Đặc biệt, các công ty Trung Quốc lần đầu tiên thuê hẳn một khu, trong khi mặt bằng khu vực của Ấn Độ rộng gấp đôi so với năm 2015.
Bộ Quốc phòng Singapore cho biết các chiến hạm nước ngoài đã lần lượt vào quân cảng Changi từ ngày 9 - 13.5 từ 2 hướng, qua eo Malacca và Biển Đông. Trong quá trình di chuyển, hải quân các quốc gia trong khuôn khổ hội thảo Hải quân các nước Tây Thái Bình Dương (WPNS) đã tiến hành diễn tập đa phương (WMSX) lần thứ sáu tại Biển Đông. Trong đó, các bên diễn tập thực hành bộ Quy tắc ứng xử tránh các va chạm bất ngờ trên biển (CUES) được áp dụng từ năm 2015. WPSN gồm 21 thành viên ven bờ Thái Bình Dương như VN, Úc, Indonesia, Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Thái Lan, Mỹ... cùng 6 quan sát viên.
Trong số này, có nhiều nước đưa tàu đến Singapore trình diễn lần đầu như VN, Nhật Bản, Nga, Myanmar và Canada. Nhật Bản triển khai tàu khu trục chở trực thăng Izumo, chiến hạm lớn nhất của nước này từ sau Thế chiến 2, cùng khu trục hạm Sazanami; Nga đưa tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Varyag, Canada mang tàu tên lửa Ottawa còn Myanmar điều động tàu hộ vệ King Sin Phyu Shin.
Hải quân VN tham dự với tàu hộ vệ tên lửa 011 Đinh Tiên Hoàng. Tàu Đinh Tiên Hoàng với 137 sĩ quan và thủy thủ do đại tá Lê Hồng Chiến, Phó tư lệnh Vùng 4 Hải quân chỉ huy, rời Cam Ranh hôm 8.5. Ngoài tham gia các hoạt động quốc tế, chuyến hải trình cũng giúp tàu Đinh Tiên Hoàng tuần tra vùng biển phía nam, huấn luyện đi biển đường dài, nâng cao năng lực chỉ huy, trình độ khai thác, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, tiến sĩ Oh Ei Sun, Cố vấn trưởng của Trung tâm nghiên cứu Thái Bình Dương (Malaysia), nhận định sự tham dự đông đảo của hải quân các nước khẳng định “một phần của thế giới vẫn quan tâm đến an ninh ở Biển Đông” trong bối cảnh một số nhà quan sát cho rằng Mỹ có phần buông lơi sự hiện diện tại khu vực. Sự tham gia lần đầu của nhiều nước cũng cho thấy “các quốc gia Đông Nam Á ngày càng cởi mở hơn trong vấn đề hợp tác an ninh biển với những cường quốc quân sự”, ông Oh nói.
Thục Minh (từ Singapore)
Theo Thanhnien.vn