Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ra lệnh đưa người đến mọi thực thể địa lý mà nước này tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Tân Hoa xã ngày 5/4 dẫn nguồn tin từ Singapore cho hay, tháng 3/2017, quân đội Trung Quốc điều nhiều máy bay trong đó có máy bay ném bom cùng các tàu chiến đi qua eo biển Miyako để tiến hành diễn tập đối kháng thực binh. Khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã điều các máy bay chiến đấu khẩn cấp cất cánh ứng phó.
Trong khi đó, theo thông tin từ báo chí Trung Quốc, ngày 2/4, 2 tàu hộ vệ Type 054A (tàu Hoàng Cương 577 và tàu Dương Châu 578) và 1 tàu tiếp tế tổng hợp Type 903A (tàu Cao Bưu Hồ 966) của biên đội hộ tống tốp thứ 26 hải quân Trung Quốc đã cố tình chạy qua eo biển Miyako để phô trương, sau đó tiếp tục đến vùng biển Somalia, vịnh Aden.
Theo tờ Chinatimes (Đài Loan), tàu chiến của đội hộ vệ 11 và máy bay tuần tra P-3C của cụm hàng không 5, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã chụp được 3 tàu chiến này xuất hiện ở vùng biển lân cận đảo Miyako. Sau đó, biên đội tàu chiến hải quân Trung Quốc chạy theo hướng đông nam.
Trước đây, biên đội hộ tống của Hạm đội Đông Hải, hải quân Trung Quốc thường đi qua eo biển Đài Loan để đi xuống phía nam, sau đó đi qua Biển Đông và tiến đến vịnh Aden, thực hiện nhiệm vụ “hộ tống và tấn công cướp biển” ở vịnh Aden. Hoạt động hộ tống này được bắt đầu từ năm 2008.
Eo biển Miyako là một tuyến đường hàng hải quan trọng kết nối duyên hải Trung Quốc với Tây Thái Bình Dương, nằm giữa đảo Miyako và đảo Okinawa thuộc quần đảo Ryukyu.
Đảo Senkaku cùng các đảo lân cận, đảo Kuba, đảo Taisho đều ở lân cận eo biển này. Tuyến đường hàng hải này rất rộng, tàu Trung Quốc đến Nam Thái Bình Dương và các nước như Australia hoặc chạy xuyên qua Thái Bình Dương đến các khu vực Trung Mỹ, Nam Mỹ, lựa chọn đi qua eo biển Miyako sẽ rất "kinh tế".
Tàu tiếp tế tổng hợp Cao Bưu Hồ số hiệu 966 Type 903A Hạm đội Đông Hải, hải quân Trung Quốc đi qua eo biển Miyako. Ảnh: qianlong
Phong Vân
Theo Viettimes.vn