rss - tinkinhte.com

Tin nhanh 22-9-2012

  • Cập nhật : 22/09/2012


Trung Quốc đặt tên các khu vực ở Senkaku/Điếu Ngư

 Bộ Nội vụ và Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc (SOA) hôm 21-9 đã phối hợp đưa ra danh sách các tên gọi tiêu chuẩn cho các thực thể địa lý trong vùng đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản.

Tân Hoa xã cho hay danh sách này được Quốc hội Trung Quốc thông qua, liên quan đến những hòn đảo nhỏ và vùng biển xung quanh khu vực Senkaku/Điếu Ngư.

Danh sách các địa danh này viết bằng tiếng Trung, phiên âm quốc tế theo hệ chữ Latin. Kèm theo đó là mô tả cũng như vị trí chính xác gồm vĩ độ, kinh độ của các đảo, núi, mũi đất, thung lũng, lạch… trên bản đồ Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Ban biên soạn cũng đưa ra bản đồ hai chiều và ba chiều về khu vực đảo tranh chấp.

Trước đó, hôm 20-9, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc phát hành cuốn sách bỏ túi bằng tiếng Trung, Anh, Nhật có các thông tin do Trung tâm Thông tin hải dương Trung Quốc biên soạn về khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc về khu vực đảo này.

Hãng tin Jiji hôm nay 22-9 cho hay ngày 24-9, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và Ngoại trưởng Koichiro Gemba sẽ đến New York để tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhằm nêu quan điểm về các đảo đang tranh chấp với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong chuyến đi này, Nhật Bản sẽ sắp xếp một cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Gemba với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Trong cuộc họp báo ngày 21-9, Ngoại trưởng Gemba đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại trong vấn đề giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cho rằng cần làm dịu tình hình giữa hai bên.

PHAN ANH// Tuổi Trẻ
---------------
ASEAN cần ưu tiên xác định COC

Hội thảo quốc tế “Hòa bình, ổn định tại biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương: Sự đoàn kết của ASEAN và can dự của các nước lớn tại khu vực” đã diễn ra ở Jakarta hôm 20-9.

Tham dự hội thảo có các diễn giả, học giả và nhà nghiên cứu chính trị, pháp luật đến từ Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Úc…

Phát biểu tại hội thảo, theo TTXVN, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro nhấn mạnh nhiệm vụ của ASEAN là phải tái khẳng định sự đồng thuận đối với nguyên tắc 6 điểm về biển Đông vừa đạt được. Theo ông Purnomo, trong thời gian trước mắt, điều quan trọng là các nước ASEAN dành ưu tiên cao cho việc xác định Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) và làm việc với Trung Quốc càng sớm càng tốt.

Tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ hy vọng COC sẽ được hoàn thành và có hiệu lực vào thời gian sớm nhất. Các đại biểu cũng cho rằng trong thời gian tới, các bên liên quan cần cam kết kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; không có những hoạt động có thể làm phức tạp tình hình.
Phương Võ// NLĐ
----------------------
Thủ tướng Medvedev công khai chỉ trích ông Putin

 Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vừa đưa ra những chỉ trích hiếm hoi đối với Tổng thống Vladimir Putin về cách thức ứng xử với những lãnh đạo doanh nghiệp.

Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin  chỉ trích dự thảo kế hoạch tài chính 3 năm của chính phủ không thực thi các sắc lệnh do ông ký ban hành ngày 7-5, ngay sau khi quay lại Điện Kremlin, Thủ tướng Dmitry Medvedev hôm 21-9 cũng đã lên tiếng chỉ trích người đứng đầu nhà nước Nga. Động thái này làm gia tăng sự nghi ngờ về rạn nứt quan hệ giữa cặp đôi quyền lực hàng đầu nước Nga.

Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở thành phố Sochi bên bờ Biển Đen, ông Medvedev đã đề cập tới sự cố năm 2008, khi đó ông Putin đang giữ chức vụ Thủ tướng đã có một hành động không được lòng giới doanh nhân khi tuyên bố sẽ "cử một bác sỹ và một công tố viên" tới nhà tỷ phú sở hữu tập đoàn sản xuất thép và than Mechel - ông Igor Zyuzin khi ông cáo ốm và không tham dự một hội nghị về công nghiệp.
 
Theo các cơ quan thông tấn, những lời tấn công khắc nghiệt của ông Putin nhằm vào tỉ phú Igor Zyuzin - một trong những người vẫn công kích ông mạnh mẽ nhất đã khiến cho chứng khoán công ty này giảm mạnh.

Ông Medvedev phát biểu hôm 21-9: “Tôi nghĩ rằng trong một nước Nga hiện đại, nếu chúng ta nói về những vấn đề kinh doanh, các chỉ thị không rõ ràng đang được đưa ra theo các cách khác nhau, ví dụ như lời đề nghị gửi bác sỹ cho việc chữa trị bệnh tật. Các doanh nghiệp Nga hiểu những gì tôi nói có nghĩa... Tôi mong muốn chúng ta sẽ bắt đầu học một cách sống khác”.
Linh San (Theo Reuters, NLĐ)
------------------
Israel cố gắng làm tan băng mối quan hệ với Mỹ

Nhật báo "Maariv" ngày 21/9 đưa tin Israel đang cố gắng làm tan băng mối quan hệ giữa Thủ tướng Benjamin Netanyahu với Nhà Trắng và dàn xếp một cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Israel với Tổng thống Barack Obama.

Theo báo trên, Cố vấn An ninh quốc gia Israel, ông Yaakov Amidror đã có mặt tại Washington và "gặp các quan chức cấp cao của Nhà Trắng trong hai ngày qua nhằm đạt được nhận thức nhất định liên quan đến giới hạn đỏ đối với chương trình hạt nhân của Iran."

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak cũng đã gặp Thị trưởng thành phố Chicago, cựu Chánh văn phòng Tổng thống của ông Obama, Rahm Emanuel để chuyển một thông điệp hòa dịu đến Tổng thống Obama và có thể dàn xếp một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào cuối tháng này.

Tờ báo nhấn mạnh "đây không phải là lần đầu tiên vị bộ trưởng quốc phòng này gặp ông Emanuel để chuyển thông điệp tới ông Obama."

Theo AFP, những người chỉ trích cho rằng việc ông Netanyahu liên tục đòi hỏi Tổng thống Obama ấn định "giới hạn đỏ" rõ ràng đối với Iran đã khiến Nhà Trắng giận giữ, đồng thời gây bất lợi cho ông Obama trong cuộc vận động tái tranh cử tổng thống và "tiếp tay" cho ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Mitt Romney.

Tuần trước, một quan chức Israel cho biết ông Obama sẽ không tiếp ông Netanyahu tại New York do chương trình nghị sự bận rộn, một động thái mà dư luận rộng rãi xem là lạnh nhạt sau khi căng thẳng giữa hai nước gia tăng liên quan đến cách đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Iran./.

(Vietnam+)
-----------------------------------
Tổng thống Hàn Quốc đồng ý điều tra con trai

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak hôm qua đồng ý cho tiến hành cuộc điều tra độc lập về những cáo buộc rằng có gian lận trong các hợp đồng mua bán đất mà con trai ông tham gia.

Đảng Saenuri của ông Lee Myung-bak và đảng Liên minh Dân chủ đối lập thông qua quyết định mở cuộc điều tra độc lập đối một dự án xây dựng khu nhà nghỉ hưu cho tổng thống ở ngoại ô Seoul. Dự án này hiện đã bị hủy bỏ.

Một công tố viên đặc biệt sẽ được chỉ định để tiến hành cuộc điều tra kéo dài 30 ngày, Yonhap cho hay.

Báo chí địa phương năm ngoái đưa tin khu đất có diện tích 462 m2 được thiết kế để làm nơi nghỉ ngơi cho tổng thống Lee khi ông nghỉ hưu. Khu đất này được mua dưới tên của con trai ông, Lee Si-hyung, làm dấy lên nghi ngờ trong dư luận rằng con trai tổng thống trốn thuế và đầu cơ bất động sản.

Đảng Liên minh Dân chủ đã kiện ông Lee Si-hyung và cáo buộc một hợp đồng mua bán đất nhiều thủ đoạn. Tuy nhiên, hồi tháng 6 các công tố viên bác bỏ những cáo buộc chống lại ông Lee Si-hyung và các nhân viên phủ tổng thống.

Hồi tháng 7, anh trai của Tổng thống Lee bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ tổng cộng nửa triệu đôla từ hai chủ tịch ngân hàng nhằm gây ảnh hưởng để tránh cho ngân hàng khỏi bị kiểm toán và trừng phạt.

Ông Lee sau đó đã xin lỗi dân chúng, lần thứ 6 trong nhiệm kỳ 5 năm. Ông Lee sẽ mãn nhiệm vào tháng 2/2013.

Vũ Hà// VNexpress
---------------
EU và Trung quốc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược

 Như Báo Nhân Dân đưa tin, ngày 20-9, Hội nghị cấp cao EU- Trung Quốc lần thứ 15 đã kết thúc tại Brúc-xen (Bỉ), ra tuyên bố chung khẳng định hai bên cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện EU - Trung Quốc bền chặt hơn.

Các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc cam kết tăng cường các nỗ lực chung đối phó những thách thức toàn cầu, như khủng hoảng kinh tế, tài chính; phát triển bền vững; chống biến đổi khí hậu; an ninh lương thực, năng lượng và hạt nhân...; cũng như tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế. Hai bên cũng nhất trí khởi động các cuộc đàm phán song phương về Thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, trong đó có công nghệ vũ trụ; giao thông vận tải; viễn thông... EU và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận chính trị về kế hoạch cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục thảo luận nhằm thu hẹp những bất đồng, trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau...
(NDĐT)
--------------------
Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi phản ứng Trung Quốc ở biển Đông

Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb đã thúc giục chính quyền Mỹ “phản ứng một cách chu đáo và toàn diện” với các hành động của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông, nơi Bắc Kinh leo thang tranh chấp chủ quyền trong những năm qua.

Ông Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, kêu gọi chính phủ Mỹ sử dụng tầm ảnh hưởng để ngăn cản việc sử dụng vũ lực hoặc đơn phương mở rộng các tuyên bố chủ quyền ở Đông Á.

“Những gì chúng ta chứng kiến trong các năm qua không đơn giản là một loạt những tranh chấp chiến thuật. Chúng là sự tích lũy các mưu chước được vạch ra nhằm theo đuổi một mưu đồ chiến lược lớn hơn. Gần như mọi nước trong khu vực hiểu rõ điều này. Mỹ có trách nhiệm phản ứng một cách chu đáo và toàn diện việc này”, ông Webb phát biểu tại phiên điều trần của tiểu ban vào hôm 20.9.

Về chuỗi động thái thiết lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” ở biển Đông, Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ nói: “Mọi nước ở Đông Á đang theo dõi phản ứng của Mỹ trước những hành động gần đây của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông, đặc biệt là các nước ASEAN mà chúng ta có mối quan hệ ngày càng được mở rộng, và Nhật cùng Philippines, hai nước chúng ta có các cam kết đồng minh hiệp ước long trọng”.
 
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật đã leo thang trong tuần qua xung quanh vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Vào tuần trước, Trung Quốc đã cử nhiều tàu hải giám đến vùng biển xung quanh quần đảo sau quyết định quốc hữu hóa quần đảo của chính phủ Nhật.

Vào hôm 18.9, sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt nói Bắc Kinh bảo lưu quyền hành động xa hơn để chống Nhật.

“Mối đe dọa này có hậu quả trực tiếp với Mỹ”, ông Webb phát biểu.

Ông này cũng nhắc lại tuyên bố của chính quyền Tổng thống George W. Bush hồi năm 2004 rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc phạm vi nghĩa vụ an ninh của Mỹ, theo Reuters.

“Trước sự xâm nhập gần đây của Trung Quốc vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, việc chúng ta tiếp tục tuyên bố rõ ràng nghĩa vụ theo hiệp ước là điều quan trọng”, ông Webb nói.

Sơn Duân// Thanh Niên
----------------------
Tín hiệu mới trong quan hệ Trung - Nhật

Các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết, nước này đã bắt đầu tìm kiếm đối thoại với Trung Quốc nhằm hàn gắn các mối quan hệ rạn nứt liên quan đến vụ tranh chấp chủ quyền quần đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư. Thủ tướng Nhật Bản Y-ô-si-hi-cô Nô-đa (Yoshihiko Noda) và Ngoại trưởng Cô-i-chi-rô Gêm-ba dự kiến sẽ đến Niu Y-oóc vào cuối tháng 9 này để tham dự khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ). Theo nguồn tin trên, ông Gêm-ba đang xem xét sắp xếp một cuộc gặp chính thức với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì bên lề ĐHĐ LHQ.

Trước đó, Trung Quốc ngày 20-9 đã kêu gọi Nhật Bản đối thoại và đàm phán để giải quyết những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền quần đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư.

Theo TTXVN
-------------------------------------
Mỹ đóng cửa đại sứ quán tại Ấn Độ và Malaysia

Theo AFP/Đài Tiếng nói nước Nga, ngày 21/9, Đại sứ quán Mỹ tại Ấn Độ đã đóng cửa và các nhân viên ngoại giao được yêu cầu không ra khỏi phạm vi đại sứ quán do lo ngại làn sóng biểu tình phản đối bộ phim có nội dung báng bổ đạo Hồi.

Theo môt nhân viên đại sứ quán, quyết định đóng cửa Đại sứ quán là nhằm đề phòng "sự vụ không hay" xảy ra gần khu ngoại giao đoàn được canh phòng cẩn mật này.

Trong khi đó, Sứ quán Mỹ tại Malaysia cũng phải đóng cửa do nghìn người Hồi giáo tụ tập trước cửa Đại sứ quán, hô vang những khẩu hiệu lên án bộ phim Mỹ cũng như bức biếm họa Nhà tiên tri Mohamed trên một tạp chí Pháp.

Hàng trăm cảnh sát đã được triển khai để đảm bảo cuộc biểu tình không biến thành bạo lực. Mọi tuyến đường vào sứ quán Mỹ cũng bị phong tỏa trong vài giờ.

Cùng ngày, các cơ quan đại diện ngoại giao, trung tâm văn hóa của Pháp và Mỹ tại hơn 20 quốc gia Hồi giáo đã đóng cửa để đảm bảo an ninh.

Ở thủ đô Islamabad của Pakistan, đội đặc nhiệm đã phong tỏa tất cả các ngả đường dẫn đến Đại sứ quán Mỹ và đóng cửa tất cả các trạm xăng.

Chính quyền nước này cũng đang xem xét khả năng vô hiệu hóa mạng liên lạc điện thoại di động ở nhiều thành phố.

Trước đó ở Islamabad, một nhóm thanh niên hung hăng đã cố đột nhập Đại sứ quán Mỹ, buộc cảnh sát phải dùng dùi cui và hơi cay để đẩy bật số này ra khỏi tòa nhà.

Tuy nhiên, nhà chức trách cho hay ít nhất đã có bốn người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương trong các cuộc biểu tình tại nhiều thành phố trên khắp Pakistan./.

(Vietnam+)
-----------
Tổng thống Hàn Quốc cho phép điều tra con trai

Theo Đài KBS, chính giới Hàn Quốc ngày 21/9 đã hoan nghênh việc Tổng thống Lee Myung-bak thông qua dự luật đặc biệt cho phép điều tra vụ con trai ông mua đất giá rẻ ở phường Naegok, quận Seocho, Seoul.

Người phát ngôn Đảng Saenuri (Thế giới mới) tại Quốc hội Lee Cheol-woo đánh giá việc Tổng thống chấp thuận dự luật chứng tỏ sự tôn trọng thỏa thuận giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập tại Quốc hội, đồng thời thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, tính thẳng thắn chính trực của tổng thống.

Ông Lee kêu gọi Đảng Dân chủ Thống nhất thảo luận cụ thể với Đảng Thế giới mới về việc đề cử công tố viên đặc biệt trung lập và khách quan.

Đảng Dân chủ Thống nhất cùng ngày cũng đánh giá cao quyết định này của Tổng thống Lee Myung-bak.

Người phát ngôn đảng này tại Quốc hội Lee Eon-ju khẳng định sẽ đề cử một số luật sư có kinh nghiệm làm công tố viên đặc biệt dựa theo thỏa thuận giữa các chính đảng để hóa giải nghi ngờ của người dân về một cuộc điều tra minh bạch và công bằng./.

(Vietnam+)
----------------
Đánh bom xe hơi ở Thái Lan, 5 người chết

Những tay súng Hồi giáo đã kích hoạt một quả bom cài trên xe hơi ở miền nam Thái Lan khiến 5 người thiệt mạng hôm nay (21.9), sau khi các cơ sở kinh doanh nhận cảnh báo không được hoạt động trong ngày linh thiêng của Hồi giáo, theo hãng tin AP.

Cảnh sát cho biết, các nghi can nói trên đã nổ súng vào một tiệm vàng ở huyện Sai Buri thuộc tỉnh Pattani nhưng không gây thương vong rồi bỏ chạy. Khi lực lượng an ninh đến hiện trường, hai quả bom giấu trong bình gas trên một chiếc xe tải nhỏ mui trần gần đó phát nổ.

Một quan chức chính quyền và 4 dân thường đã thiệt mạng. Nhiều sĩ quan cảnh sát nằm trong số 20 người bị thương.

Vụ nổ đã làm cháy một số tòa nhà ở cả hai bên đường trong khu vực kinh doanh thương mại của địa phương, phá hủy nhiều dãy cửa hàng bằng gỗ.

Chính quyền cho biết các tay súng đã phát tờ rơi trong hai tuần qua để cảnh báo thương nhân địa phương không hoạt động vào những ngày thứ Sáu.

Vụ tấn công xảy ra sau việc gần 100 tay súng Hồi giáo đầu thú với chính quyền Thái Lan.

Pattani, Yala và Narathiwat là 3 tỉnh có đông người Hồi giáo nhất tại Thái Lan, nơi Phật giáo là tôn giáo chính. Hơn 5.000 người đã thiệt mạng trong khu vực kể từ khi phong trào ly khai Hồi giáo nổ ra vào năm 2004.

Trùng Quang
-----------------
 6 bộ trưởng Ấn Độ từ chức do bất đồng cải cách

Ngày 21/9, 6 bộ trưởng thuộc một đảng khu vực trong liên minh cầm quyền của Ấn Độ đã từ chức do bất đồng về những cải cách kinh tế.

Trước đó, đảng Quốc đại Trinamool có trụ sở tại bang Tây Bengal đã rút khỏi liên minh cầm quyền do đảng Quốc đại lãnh đạo liên quan đến tranh cãi về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn Độ và tăng giá năng lượng.

Tuần trước, chính phủ của thủ tướng Manmohan Singh đã công bố một loạt các biện pháp cải cách, trong đó cho phép các nhóm nước ngoài đầu tư vào ngành bán lẻ và hàng không của nước này cũng như tăng giá dầu diesel lên 12%.

Gói cải cách này có thể sẽ khiến Ấn Độ phải đối mặt với 50 triệu người biểu tình, từ nhân viên bán hàng, lái xe tải cho đến các thương nhân để phản đối cải cách ngành bán lẻ của chính phủ.

Người lao động và giới chủ doanh nghiệp nhỏ tại Ấn Độ lo sợ việc chính phủ cho xây dựng chuỗi các siêu thị trên quy mô lớn sẽ khiến nhiều người mất việc làm do chuỗi cung ứng và thói quen mua sắm của người tiêu dùng bị thay đổi.

Trong thời gian qua, các chương trình và chính sách cải cách nhằm thúc đẩy kinh tế của ông Manmohan Singh liên tiếp phải đối mặt với sự phản đối của các đảng phái đối lập cũng như của người dân, sau khi một loạt những vụ bê bối về tham nhũng của chính phủ bị phanh phui.
Theo Vietnam+
-------------------
Thủ tướng Medvedev: Nga đã ra khỏi khủng hoảng

Nga đã ra khỏi khủng hoảng và trở thành một nước có khả năng cạnh tranh, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố như vậy tại Diễn đàn đầu tư quốc tế lần thứ 11 Sochi 2012 tại thành phố nghỉ mát Sochi (Liên bang Nga) ngày 21/9.

Nhà lãnh đạo Nga đưa ra những chỉ số chứng tỏ điều đó là tăng trưởng GDP đạt 4,3%, một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc, nợ quốc gia 5,3 nghìn tỉ rúp (khoảng 30 rúp = 1 USD), một trong mức nợ thấp nhất thế giới, nợ nước ngoài 1,3 nghìn tỉ rúp, lạm phát giảm 6,2 lần, tỉ lệ thất nghiệp 5,5%, thấp hơn mức trước khủng hoảng.

Ông Medvedev cho rằng trong thời gian tới, Nga có thể sẽ chiếm một trong những vị trí dẫn đầu trong nền kinh tế thế giới nếu cải thiện được môi trường kinh doanh cũng như các qui định hoạt động của doanh nghiệp tại Nga.

Trong vài năm tới, Nga cần lọt vào tốp 40 nền kinh tế phát triển nhất thế giới, sau đó vào tốp 20 từ vị trí 67 hiện nay.

Các vấn đề chính của kinh tế Nga là khả năng cạnh tranh của hàng hóa thấp, tham nhũng, sự cần thiết phải hiện đại hóa hoạt động của bộ máy quản lý.

Một trong những xu hướng tích cực chính trong nền kinh tế Nga là tiềm năng đầu tư cao của Nga. Năm 2011, Nga thu hút 53 tỉ USD vốn đầu tư, đứng thứ 8 trên thế giới.

Cũng tại diễn đàn này, Thủ tướng Nga kêu gọi cộng đồng thế giới "cùng nhau hành động" để đề ra một chiến lược phát triển mới sau khủng hoảng.

Đánh giá tình hình kinh tế thế giới, ông không loại trừ một làn sóng khủng hoảng thứ 2 và cho rằng các xu hướng kinh tế tiêu cực hiện đang dẫn tới các vấn đề chính trị, do đó cần có một chiến lược phát triển mới sau khủng hoảng.

Trong một tin khác, Bộ trưởng Tài chính Brazil Gidu Mantega đưa ra cảnh báo trên tờ "Thời báo Tài chính" của Anh số ra ngày 21/9 rằng quyết định của Mỹ tung ra gói cứu trợ thứ 3 (QE3) phát hành đồng USD không được bảo đảm bằng tài sản là một biện pháp bảo hộ và có thể làm tái diễn cuộc chiến tranh tiền tệ với những hậu quả nặng nề cho thế giới./.

(TTXVN)
--------------------
Trung Quốc cấm phát hành sách liên quan đến Nhật Bản

Trung Quốc gần đây đã thể hiện các biện pháp cứng rắn để trả đũa Nhật Bản khi ra lệnh một số nhà xuất bản ở thủ đô Bắc Kinh không phát hành các sách liên quan đến Nhật Bản.

Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã ra lệnh cho một số nhà xuất bản ở thủ đô của Trung Quốc không phát hành các sách liên quan đến Nhật Bản, một nguồn tin có quan hệ với cả hai bên cho biết vào ngày 21/9.

Quyết định này được đưa ra vào ngày 14/9 và được xem là một động thái trả đũa chống lại việc quốc hữu nhóm đảo Senkaku/ Điếu Ngư mà cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền.

Ngoài các cuốn sách của tác giả người Nhật Bản, các nhà xuất bản đã được yêu cầu không phát hành sách liên quan đến Nhật Bản do các nhà văn Trung Quốc viết hoặc tổ chức các sự kiện văn hóa và quảng cáo.

Lệnh cấm được đưa ra 3 ngày sau khi Nội các của Thủ tướng Yoshihiro Noda đã thông qua một quyết định mua lại các hòn đảo ở biển Hoa Đông.

Sự bất mãn của Trung Quốc về việc quốc hữu hóa này đã làm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong số các biện pháp khác, Trung Quốc gần đây đã gây khó dễ đối với các thủ tục hàng hóa nhập khẩu từ các công ty Nhật Bản.

Lo âu của Tokyo đang ngày càng gia tăng trong ngành công nghiệp xuất bản khi các lệnh cấm tương tự có thể được đưa ra cho các nhà xuất bản tại các địa điểm khác ngoài Bắc Kinh, phụ thuộc vào sự phát triển liên quan đến tranh cãi trên nhóm đảo Senkaku/ Điếu Ngư.

Thống kê thương mại của Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy xuất khẩu sách, tạp chí và các ấn phẩm khác từ Nhật Bản đến Trung Quốc lên tới khoảng 1 tỷ yên vào năm 2011.

Anh Vũ (Nguồn Kyodo, GDVN)

------------------------
Tàu Đài Loan cũng đã đi vào vùng biển tranh chấp

Căng thẳng trên biển Hoa Đông liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tiếp tục gia tăng khi một chiếc tàu đăng ký ở Đài Loan cũng đã xuất hiện trên vùng biển tranh chấp vào ngày 21/9, tiếp theo sau vụ 11 chiếc tàu Trung Quốc xuất hiện tại đây.

Theo thông báo của lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản thì chiếc tàu đăng ký tại Đài Loan đã neo đậu cách đảo Uotsurijima 44 km. Đây chính là hòn đảo lớn nhất trong nhóm đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

"Chiếc tàu này không thuộc sở hữu của chính quyền. Chúng tôi đã đưa ra lời cảnh báo qua sóng điện đàm yêu cầu chiếc tàu không được tiến vào vùng biển có chủ quyền của chúng tôi," người phát ngôn lực lượng bảo vệ bờ biển Okinawa cho hay.

Theo luật quốc tế, vùng lãnh hải có chủ quyền có chiều rộng 12 hải lý.

Theo người phát ngôn trên thì chiếc tàu đáp lại rằng quần đảo "nằm trong vùng thuộc chủ quyền của họ." Trên tàu có chăng những biểu ngữ mang dòng chữ "Bảo vệ Điếu Ngư", "Hãy lấy lại Điếu Ngư" viết bằng tiếng Hoa.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng Bảy, một chiếc tàu của Đài Loan đi vào vùng biển tranh chấp gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Hôm 4/7, một chiếc tàu chở các nhà hoạt động thân Trung Quốc, gồm người Đài Loan và Hong Kong cũng đã cắm cờ trên đảo Senkaku, trước khi bị lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản bắt giữ rồi trục xuất.

Trong tuần này, lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản cho hay có hơn một chục chiếc tàu của Trung Quốc, gồm cả tàu Hải giám và tàu cá đã tiến vào vùng biển tranh chấp này. Bốn chiếc tàu trong số đó đã đi vào vùng tiếp giáp với lãnh hải, ngoài khơi đảo Taishojima./.

(Vietnam+)
--------------
Trung Đông không còn như cũ

Tổng thống Mỹ Barack Obama khi mô tả chính phủ Ai Cập do Tổ chức Anh em Hồi giáo lãnh đạo không phải là đồng minh cũng không phải là kẻ thù của Mỹ đã gửi đi một thông điệp rõ ràng:

Mỹ không có trách nhiệm phải chống lại hay ủng hộ chính phủ Ai Cập, và các nhà lãnh đạo ở Cairo cần tiền của Mỹ nhiều hơn là Mỹ cần thiện chí của họ. Một lần nữa, Mỹ khẳng định sẽ không can thiệp sâu vào những xáo trộn ở Trung Đông mà sẽ giữ một khoảng cách nhất định. Xu hướng ít dính líu trực tiếp này đang được Mỹ thực thi ở khắp khu vực.

Ở Trung Đông, trong nhiều thế kỷ qua, ổn định thường do áp đặt từ bên ngoài - châu Âu, đế chế Ottoman, Nga và Mỹ. Nhưng ngày nay, không có nước nào muốn và có thể chấp nhận những chi phí và nguy cơ đi kèm vai trò này. Người Mỹ đang lo lắng về việc làm và nợ nần và chính sách đối ngoại của Mỹ chuyển sự tập trung vào châu Á. Người châu Âu đang bận rộn với cuộc khủng hoảng lòng tin ngay trên mảnh đất của họ. Nga thì thiếu sức mạnh như thời Liên Xô cũ, còn Trung Quốc đang bận chuyển giao thế hệ lãnh đạo và lo lắng về tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế.

Do đó, làn sóng chống Mỹ mới nhất lan khắp thế giới Hồi giáo chỉ càng làm tăng sự miễn cưỡng của nước ngoài. Trước khi bị lật đổ, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từng cảnh báo Washington nhiều lần rằng, thay thế chế độ độc tài của ông chỉ làm bùng nổ một dòng chảy của các phần tử cấp tiến. Cơn ác mộng đó đã được chứng minh qua vụ các nhà ngoại giao Mỹ ở Libya bị giết hại. Không những thế, cơn giận dữ đã lan rộng sang cả Tunisia, Yemen Sudan, Iraq và nhiều nước khác. Cộng thêm tình hình Syria, có vẻ những xung đột khu vực sẽ còn kéo dài nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài.

Tuy nhiên, chính phủ các nước bên ngoài Trung Đông hiện đang ít muốn đánh cược hơn bao giờ hết vào các vấn đề của khu vực. Kết quả là nước lớn trong khu vực buộc phải tự giải quyết mọi việc. Trong bối cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Saudi Arabia - ba nước với ba hệ thống chính trị, cấu trúc xã hội, thế giới quan và tầm nhìn về khu vực khác nhau - sẽ phải cạnh tranh nhau để giành ảnh hưởng. Những hình thức xung đột khác nhau giữa ba nước này sẽ định hình khu vực trong nhiều năm tới.

Các nước khác sẽ đóng vai trò quan trọng. Ai Cập sẽ phải giữ cân bằng giữa việc xoa dịu cơn giận trên đường phố nhằm vào Mỹ và bảo vệ mối quan hệ với Washington vốn đem lại khoản viện trợ quân sự 1,3 tỉ USD/năm. Nhưng Tổng thống Mohamed Morsi khó mà hoàn thành nhiệm vụ này, nên bất ổn của Mỹ, Israel và phần còn lại của khu vực sẽ gia tăng. Qatar sẽ tiếp tục chi nhiều tiền hơn để mở rộng ảnh hưởng, đặc biệt ở Syria. Cuối cùng, dù Israel không có khả năng tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran trong năm nay, căng thẳng do leo thang "khẩu chiến" từ hai phía sẽ khiến chính phủ và thị trường ở vào thế bấp bênh.

Chào mừng một Trung Đông mới, nơi các giả định cũ phải bị "đặt vấn đề", còn các cuộc khủng hoảng mới đang thành hình. Về lâu dài, ổn định khu vực sẽ chỉ mang lại lợi ích khi các chính phủ ở đây buộc phải nhận trách nhiệm lớn hơn với các hành động khiêu khích. Nhưng con đường từ nay tới lúc đó sẽ chạy qua một đất nước mà chưa ai biết là nước nào.
Theo Phương Nguyên
Việt Nam & Thế giới/IHT// Dân Trí
-----------------
Mỹ tuyên bố với Trung Quốc sẽ bảo vệ Nhật ở Senkaku/Điếu Ngư

 Một nguồn tin quốc phòng Mỹ tiết lộ Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panettta đã nói với Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi của hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.

Đài truyền hình NHK dẫn lời một quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ cho biết phát biểu được ông Panetta đưa ra khi gặp ông Tập tại Bắc Kinh vào hôm 19.9.

Ông Panetta bày tỏ hy vọng tranh chấp sẽ được giải quyết hòa bình thông qua đối thoại giữa Trung Quốc và Nhật.

Theo tường thuật, người đứng đầu Lầu Năm Góc đã nói rằng Mỹ có nghĩa vụ về an ninh theo hiệp ước song phương với Nhật, ám chỉ về khả năng can dự của Mỹ nếu Nhật và Trung Quốc đối đầu về quân sự.

Được biết, ông Panetta cũng nêu rõ lập trường của Mỹ với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt.

Cũng liên quan đến phạm vi của Hiệp ước Hợp tác và An ninh song phương Mỹ - Nhật, vào hôm 20.9, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell đã khẳng định trước một tiểu ban của Thượng viện rằng Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật nếu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Tokyo kiểm soát bị tấn công, theo Reuters.

Nhật vốn kiểm soát quần đảo từ năm 1895, ngoại trừ giai đoạn Mỹ chiếm đóng Okinawa thời hậu chiến từ năm 1945 đến 1972.

Ông Campbell nói những cuộc biểu tình bạo lực chống Nhật gần đây ở Trung Quốc và các hành động gia tăng căng thẳng khác là mối lo ngại với Mỹ.

Sơn Duân// Thanh Niên



 

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Thiết kế web Phát triển Portal

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal  chuẩn SEO, chất lượng cao

Nhanh chóng quảng bá, triển khai kinh doanh hiệu quả trên môi trường trực tuyến

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958