Việc Trung Quốc vừa hạ thủy một tàu nạo vét mới mà truyền thông nước này gọi là "công cụ tạo đảo mạnh nhất châu Á" gây quan ngại Bắc Kinh sẽ mở rộng xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.
Tin thế giới đáng chú ý 04-11-2017
- Cập nhật : 04/11/2017
VN đề nghị giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng luật pháp quốc tế
Trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đề nghị giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc bắt tay với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hà Nội chiều 2-11 - Ảnh: HOÀNG ĐÌNH NAM
Chiều 2-11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 2-4 tháng 11.
Theo tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại hội đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định Đảng, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và chân thành mong muốn phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, ủng hộ Trung Quốc tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Về vấn đề trên biển, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị hai bên nghiêm túc tuân thủ các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc".
Phát huy các cơ chế đàm phán và hợp tác hiện có để xây dựng lòng tin, kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Thực hiện đầy đủ và hiệu quả "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), cùng các nước ASEAN thúc đẩy tiến trình xây dựng "Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông" (COC).
Kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khẳng định việc Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước đến Việt Nam ngay sau Đại hội Đảng XIX thể hiện sự coi trọng cao độ việc phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Việt Nam.
Hai bên nhất trí thực hiện các biện pháp hữu hiệu thúc đẩy thương mại song phương phát triển ổn định, cân bằng, bền vững, triển khai hiệu quả các khoản tín dụng, viện trợ của Trung Quốc dành cho Việt Nam, tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong - Lan Thương, trao đổi dữ liệu thủy văn sông suối biên giới, mở rộng hơn nữa giao lưu nhân dân và hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện tốt các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền, thúc đẩy mở và nâng cấp các cặp cửa khẩu đã thỏa thuận, áp dụng các biện pháp thuận lợi hóa thông quan, thúc đẩy phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới. Tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp về những vấn đề hai bên cùng quan tâm tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Bộ trưởng Vương Nghị khẳng định việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình lựa chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên đi thăm sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc thể hiện Đảng, Nhà nước Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình coi trọng cao độ việc phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Việt Nam.(Tuoitre)
--------------------------
Tình báo Hàn Quốc phát hiện hàng loạt dấu hiệu Triều Tiên sắp thử vũ khí
CNN dẫn nguồn tin tình báo Hàn Quốc cho biết có khả năng Triều tiên đang chuẩn bị thử nghiệm thêm vũ khí hạt nhân và tên lửa đúng dịp Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm châu Á.
Theo CNN, báo cáo về khả năng Triều Tiên chuẩn bị thử nghiệm vũ khí được Kim Byung-kee và các thành viên của Ủy ban tình báo Quốc hội Hàn Quốc đưa ra sau cuộc họp kín của Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) ngày 2/11.
Theo báo cáo, có những hoạt động di chuyển phương tiện gần cơ quan nghiên cứu tên lửa ở Bình Nhưỡng, dự báo khả năng một thử nghiệm tên lửa sắp xảy ra.
Báo cáo cũng nói thêm, NIS dự đoán Triều Tiên sẽ tiếp tục thực hiện thêm thử nghiệm hạt nhân và đẩy mạnh phát triển đầu đạn hạt nhân thu nhỏ.
Dự kiến, các thử nghiệm được triển khai sâu dưới lòng đất trong một loạt đường hầm ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri, quận Bắc Hamgyong.
Trước đó, Triều Tiên đã bác bỏ thông tin đường hầm tại bãi thử hạt nhân bị sập khiến hàng trăm công nhân thiệt mạng được truyền hình Nhật Bản đưa tin.
Đầu tháng 9/2017, Triều Tiên tuyên bố thực hiện thành công thử nghiệm bom nhiệt hạch có sức mạnh khủng khiếp gây ra cơn địa chấn mạnh 6,3 độ richter. Sau 10 tháng đầu năm, Triều Tiên phóng tổng cộng 22 tên lửa, đồng thời đe dọa tấn công đảo Guam của Mỹ và thử nghiệm bom hạt nhân ở Thái Bình Dương.
Bên cạnh thử nghiệm hạt nhân, Triều Tiên cũng được cho là đang phát triển phiên bản cải tiến của tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-20 có khả năng vươn tới Mỹ, chỉ chưa đến 6 tháng sau khi nước này phóng tên lửa ICBM đầu tiên.
Một quan chức Mỹ cho biết, các cải tiến có thể bao gồm nhiên liệu hạt nhân, hệ thống phóng, hệ thống dẫn đường và xác định mục tiêu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định không chấp nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân và tất cả vũ khí hạt nhân Triều Tiên sử dụng sẽ phải đối mặt với đáp trả quân sự khổng lồ.(VTC)
---------------------
Bất chấp Trung Quốc phản đối, lãnh đạo Đài Loan thăm đảo Guam
Thống đốc lãnh thổ Guam Edward B. Calvo tuyên bố chuyến thăm của bà Thái Anh Văn "mang tính riêng tư và không chính thức".
Theo Reuters, lãnh đạo Đài Loan thăm lãnh thổ Guam của Mỹ ngày 3.11 trên đường trở về từ chuyến công du một số nước ở khu vực Thái Bình Dương.
Bà Thái được một đội cảnh sát hộ tống khi tới nơi. Ngoài ra, các nghị viên tại đảo này cũng tham dự lễ đón lãnh đạo Đài Loan. Bà Thái chia sẻ Guam là hòn đảo nhiệt đới rất hấp dẫn và là địa điểm lý tưởng để tới thăm. "Tôi tin rằng chúng ta có thể đưa Guam và Đài Loan tới gần nhau hơn", bà nói.
Trong khi đó, dù chủ trì lễ đón lãnh đạo Đài Loan, nhưng Thống đốc Edward B. Calvo khẳng định đây là chuyến thăm riêng và không chính thức.
Trước đó, Trung Quốc kêu gọi Mỹ không cho phép bà Thái quá cảnh trong lãnh thổ, bao gồm cả ở Hawaii và Guam. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố việc lãnh đạo Đài Loan quá cảnh là không chính thức và dựa trên thực tiễn quan hệ lâu năm giữa Washington và Đài Bắc. Dù vậy, phía Mỹ vẫn nhấn mạnh đây là mối quan hệ "không chính thức".
Theo Reuters, với vị trí là nơi đồn trú lớn của lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, đảo Guam sẽ là chìa khóa cho bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía nước này đối với Đài Loan nếu xảy ra xung đột.
Cũng liên quan đến đảo Guam, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster mới đây cũng cảnh báo Bắc Kinh về các hoạt động triển khai máy bay chiến đấu gần đảo Guam.
Chuyến thăm của bà Thái diễn ra chỉ ít ngày trước thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm chính thức Trung Quốc trong khuôn khổ chuyến công du dài ngày tại châu Á. Vấn đề Đài Loan cũng có thể là nội dung được đưa ra thảo luận khi lãnh đạo hai nước gặp nhau.(Thanhnien)
---------------------------
Trung Quốc đạt bước đột phá về công nghệ phát triển tàu sân bay?
Trung Quốc được cho là đã phát triển thành công một hệ thống mới giúp tàu sân bay có thể sử dụng hệ thống phóng máy bay bằng điện từ (EMALS) mà không cần dùng tới điện hạt nhân.
Tờ South China Morning Post tối 1.11 dẫn một số nguồn tin quân sự Trung Quốc cho hay kỹ sư hải quân hàng đầu nước này Mã Vĩ Minh vừa phát triển thành công hệ thống lực đẩy tích hợp (IPS). Hệ thống này sẽ làm cho tàu sân bay nội địa thứ 2 Type 002 của Trung Quốc sử dụng được EMALS mà không cần phải dùng tới điện hạt nhân. Việc sử dụng IPS sẽ cho phép tàu Type 002 hoạt động hiệu quả hơn, cung cấp điện nhiều hơn cho EMALS, theo nguồn tin.
Bước tiến mới giúp khắc phục một trở ngại lớn trong việc phát triển tàu sân bay của Trung Quốc. “Trở ngại là liệu một tàu sân bay chạy bằng điện-dầu diesel, không phải điện hạt nhân, có thể hỗ trợ EMALS hay không nhưng vấn đề này giờ đây đã được giải quyết”, một nguồn tin gần gũi với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) khẳng định với South China Morning Post.
Tàu sân bay Liêu Ninh mua từ Ukraine và tàu sân bay tự đóng đầu tiên Type 001A (đang được đóng) của Trung Quốc là loại hàng không mẫu hạm sử dụng hệ thống phóng kiểu nhảy cầu thời Liên Xô. Nếu EMALS được gắn cho Type 002, điều này sẽ cho phép nhiều chiến đấu cơ trên tàu được phóng trong thời gian ngắn hơn so với hệ thống phóng kiểu nhảy cầu. Theo nguồn tin nói trên, Quân ủy trung ương Trung Quốc (CMC) muốn sử dụng EMALS cho chiếc Type 002 nên sẽ sớm triển khai dự án đóng chiếc tàu sân bay thứ 3 này sau thời gian dài trì hoãn.
Từ bước tiến mới, một chuyên gia hải quân Trung Quốc nhận định với South China Morning Post: “Trung Quốc không cần bắt chước Mỹ sử dụng các lò phản ứng hạt nhân để hỗ trợ EMALS và những loại vũ khí cần năng lượng khác trên tàu, vì nước này giờ đây đã sở hữu công nghệ tiên tiến hơn để có thể giải quyết vấn đề… PLA đang thu hẹp khoảng cách với Mỹ”. Cũng theo chuyên gia này, Mỹ dùng IPS cho chiếc khu trục hạm lớp Zumwalt đầu tiên, đã được đưa vào hoạt động từ tháng 10.2016, nhưng nó không tiên tiến bằng hệ thống thế hệ thứ 2 do kỹ sư hải quân Trung Quốc Mã Vĩ Minh phát triển.
Hồi tháng 3, kỹ sư Mã phát biểu trên truyền hình Trung Quốc rằng mục tiêu cuối cùng của ông trong việc phát triển công nghệ IPS là giải quyết vấn đề triển khai vũ khí ngốn nhiều năng lượng trên các loại chiến hạm. Sau đó, bên lề Đại đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua, ông Mã nói rằng công nghệ EMALS của nước này tiên tiến và đáng tin cậy hơn hệ thống cùng loại được sử dụng trên siêu tàu sân bay USS Gerald Ford, được đưa vào biên chế cho hải quân Mỹ hồi tháng 7, theo South China Moring Post. (Thanhnien)