Đài Loan xử nghi can gián điệp đại lục; Tổng thống Trump: Quan hệ Mỹ - châu Âu 'đang phát triển mạnh mẽ'; Trung-Ấn căng thẳng, báo TQ đổ thêm dầu vào lửa; Pháp điều tra bữa tiệc 456.000 USD liên quan đến Tổng thống Macron
Tin thế giới đáng chú ý 08-07-2017
- Cập nhật : 08/07/2017
Đài CNN: Gián điệp Nga ở Mỹ 'đông như quân Nguyên'
Gián điệp Nga hiện diện tại Mỹ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác và ngày càng tự tin thu thập thông tin tình báo, theo đài truyền hình CNN.
"Người Nga vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động thu thập thông tin một cách xông xáo ở Mỹ. Thành công của họ khi can thiệp vào cuộc bầu cử chưa đủ để cản bước chân của họ lại", đài CNN dẫn lời ông Steve Hall, cựu quan chức Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), khẳng định.
Matxcơva sẽ còn tiếp tục thu thập các thông tin từ chính quyền Donald Trump mà họ cho là mới mẻ và khó dự đoán, ông Hall cảnh báo.
Quan hệ giữa Mỹ và Nga trong khi đó đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh vì những nghi kị và bất đồng xung quanh nhiều vấn đề, theo nhận định của giới quan sát.
"Khi mối quan hệ giữa các quốc gia bắt đầu thoái trào, gián điệp và các hoạt động thu thập tình báo bắt đầu trở thành những phần quan trọng trong nỗ lực đoán định các kế hoạch và ý định của kẻ thù", cựu quan chức CIA lập luận.
Theo đài CNN, kể từ sau cuộc bầu cử hồi tháng 11-2016, các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật của Mỹ đã phát hiện sự gia tăng đáng kể số lượng các quan chức tình báo Nga ra vào Mỹ dưới vỏ bọc "làm ăn".
Các nguồn tin của CNN cảnh báo rằng Matxcơva đang nỗ lực tổ chức lại mạng lưới tình báo ở Mỹ sau vụ 35 nhà ngoại giao Nga bị Washington trục xuất hồi cuối năm ngoái theo quyết định của tổng thống Barack Obama với cáo buộc hỗ trợ can thiệp vào hoạt động bầu cử của Mỹ. Hai cơ sở ngoại giao của Nga ở Mỹ khi đó cũng bị đóng cửa với lý do tương tự.
"Chuyện đáng lo nhất là số lượng người Nga đang tới Mỹ. Matxcơva có mạng lưới gián điệp dày đặc ở Mỹ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào họ triển khai. Ít nhất 150 người Nga bị nghi là gián điệp của Matxcơva đang ở Mỹ", một cựu quan chức tình báo Mỹ giấu tên cho biết.
Mục tiêu của gián điệp Nga ở Mỹ rất đa dạng, theo đài CNN, nhưng chủ yếu nhắm vào các đối tượng có thể cung cấp cho họ những thông tin tuyệt mật, song song với việc tấn công mạng các cơ quan chính phủ Mỹ. Trong một số trường hợp, Matxcơva sẽ tổ chức cho các điệp viên xâm nhập sâu vào các cơ quan và công việc tiếp xúc với những thông tin mật, nhạy cảm của Mỹ.
Biết rõ sẽ có gián điệp Nga xâm nhập, song các cơ quan tình báo Mỹ, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, không thể chặn dòng người này vào Mỹ.
Vậy nên, các nỗ lực phản gián chỉ được tiến hành khi đã có các dấu hiệu của đối phương "bị lộ" trên đất Mỹ, theo đài CNN. Trách nhiệm lúc này thuộc về Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Bộ an ninh nội địa Mỹ.
Một mối quan ngại khác là các phần mềm bảo mật an ninh của Nga được sử dụng trong các cơ quan công quyền Mỹ. Điển hình như các sản phẩm của Kaspersky - một tập đoàn bảo mật của Nga, được cài đặt sẵn và sử dụng phổ biến trong các thiết bị được chính phủ Mỹ mua. Nhiều quan chức Mỹ lo ngại điều này sẽ mở đường cho các hoạt động gián điệp xâm nhập vào mạng lưới bảo mật của Mỹ.
Đại diện Kaspersky luôn phủ nhận các cáo buộc, nhấn mạnh là một công ty tư nhân không bao giờ giúp đỡ hay hỗ trợ chính phủ trong các hoạt động gián điệp.(Tuoitre)
-----------------------------------
Campuchia đóng 43 chốt biên giới với Thái Lan
Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng đã ra lệnh đóng cửa 43 chốt biên giới tạm thời với 3 huyện thuộc tỉnh Sa Kaeo của Thái Lan, theo tờ The Bangkok Post hôm qua.
Sắc lệnh nêu rõ động thái này là nhằm ngăn chặn lao động Campuchia không có giấy tờ hợp pháp đến Thái Lan làm việc và có nguy cơ bị bắt, đối mặt hình phạt nặng nề theo luật mới ban hành của nước láng giềng.
Bộ trưởng Sar Kheng cho biết đóng cửa chốt biên giới là biện pháp khuyến cáo để người Campuchia muốn đến Thái Lan làm việc phải đăng ký làm hộ chiếu và những giấy tờ cần thiết.
Trong khi đó, lực lượng cảnh sát và binh sĩ Thái Lan cũng đang tăng cường tuần tra khu vực biên giới ở Sa Kaeo.
Luật lao động mới có hiệu lực từ ngày 23.6, nhưng chính quyền Thái Lan ngày 4.7 tuyên bố tạm hoãn áp dụng trong vòng 180 ngày.
Trong khoảng thời gian này, lao động nước ngoài có thể trở về quê nhà xin giấy phép hoặc chủ doanh nghiệp Thái Lan phải làm thủ tục đăng ký cho họ.(thanhnien)
----------------------------
Qatar sắp lãnh thêm đòn trừng phạt mới
Bốn quốc gia Ả Rập gồm Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã rút danh sách yêu cầu đối với Qatar và thông báo ý định trừng phạt nước này. Trong khi đó, Ngoại trưởng Qatar kêu gọi đối thoại để giải quyết khủng hoảng.
Theo hãng tin Sputnik, bốn quốc gia Ả Rập gồm Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) thông báo cuộc đàm phán với Qatar đã thất bại bởi Doha từ chối đáp ứng các yêu cầu của họ. Theo lẽ đó, các quốc gia này đã thu hồi danh sách 13 yêu cầu đối với Qatar và đã thông báo ý định trừng phạt Doha của họ.
Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và UAE đánh giá việc Qatar từ chối đáp ứng các yêu cầu của họ là bằng chứng cho thấy Doha có liên kết với các nhóm khủng bố và Hồi giáo cực đoan. Vì lẽ đó, các nước trên sẽ đưa ra biện pháp chính trị, kinh tế để trừng phạt chính phủ Qatar, theo thông cáo chung được truyền thông nhà nước được các quốc gia trên đưa ra.
Lãnh đạo các nước Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và UAE nhóm họp ở Ai Cập hôm 5-7. Ảnh: REUTERS
Thông cáo cho biết thêm Doha đã cố ý phá hoại nỗ lực ngoại giao hàn gắn mối bất hòa giữa các quốc gia Ả Rập, cũng như các chính sách của Qatar tiếp tục làm suy thoái các nỗ lực mang hòa bình và ổn định cho khu vực.
“Sự ngang bướng của chính phủ Qatar, việc Qatar từ chối chấp nhận các yêu cầu đưa ra từ bốn nước Ả Rập nói trên chứng minh rằng nước này có quan hệ với các tổ chức khủng bố, cho thấy ý muốn phá hủy và làm suy yếu ổn định và an ninh ở vịnh Ba Tư và ở Trung Đông” – hãng thông tấn MENA của Ai Cập trích thông cáo.
13 yêu cầu đối với Qatar được bốn nước Ả Rập trên đưa ra vào ngày 23-6. Trong đó yêu cầu Qatar chấm dứt tất cả quan hệ ngoại giao với Iran – đối thủ chính của Saudi Arabia; cắt quan hệ ngoại giao với “các tổ chức khủng bố” như Al Qaeda, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Hezbollah, Anh em Hồi giáo và các nhóm khủng bố khác; đóng cửa kênh Al-Jazeera và các cơ quan thông tấn khác của Qatar cùng các yêu cầu khác.
Qatar trong 10 ngày phải thực hiện các yêu cầu đó và sau đó có thêm 48 giờ đồng hồ nữa. Tuy nhiên, chính phủ Qatar đã từ chối tuân thủ tất cả yêu cầu và gọi chúng là “sự sỉ nhục” đối với chủ quyền Qatar.
Trong khi khủng hoảng ở vùng Vịnh đã bước sang tuần thứ 5 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cho biết Doha sẽ làm “bất cứ điều gì có thể để bảo vệ người dân của chúng tôi”, đồng thời cáo buộc các quốc gia vùng Vịnh áp lệnh phong tỏa vào Doha đang cố gắng phá hoại chủ quyền của nước này, theo Al Jazeera.
Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani. Ảnh: AFP
Nói với viện chính sách Chatham House (Anh) hôm 5-7, ông Mohammed bin Abdulrahman cho biết Qatar tiếp tục kêu gọi đối thoại để xử lý khủng hoảng trong bối cảnh Saudi Arabia và các nước đồng minh nhóm họp ở Ai Cập để thảo luận bước đi tiếp theo.
“Chúng tôi hoan nghênh mọi nỗ lực giải quyết những bất đồng với các nước láng giềng của chúng tôi. Chúng tôi không chấp nhận sự can thiệp vào công việc của riêng chúng tôi.” – Ngoại trưởng Qatar nói. Ông còn tố cáo Riyadh và các đồng minh khu vực đã ép Qatar bán đứng chủ quyền để chấm dứt khủng hoảng.(PLO)
------------------------
Tổng thống Putin bất ngờ sa thải 8 tướng lĩnh
Theo Sputnik, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh sa thải tám tướng lĩnh đang làm việc trong Bộ Nội vụ, Bộ Tình trạng Khẩn cấp (EMERCOM) và Cơ quan Thi hành án hình sự Liên bang (FSIN) của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: SPUTNIK
Cụ thể, nhà lãnh đạo Nga đã ký một sắc lệnh sa thải Phó cục trưởng thứ nhất của Ban điều hành Vận tải thuộc Bộ Nội vụ Nga - Thiếu tướng Andrey Andreyev và lãnh đạo Vụ Kiểm toán và Kiểm soát Nội bộ thuộc Bộ Nội Vụ Nga - Thiếu tướng Yevgeny Barikayev.
Trong khi đó, tại EMERCOM, ông Putin đã cho thôi việc Thiếu tướng Andrei Zelensky, trưởng Phụ trách khu vực Sverdlovsk. Trung tướng Sergey Smirnov, trưởng Phụ trách khu vực Rostov, cũng bị buộc rời khỏi vị trí tại FSIN.
Ngoài bốn tướng này, còn bốn tướng khác cũng thuộc các cơ quan trên bị sa thải. Tuy nhiên, văn bản ký không nói lý do tại sao ông Putin sa thải các tướng lĩnh này.(PLO)