Hacker Indonesia deface 27 trang web của Malaysia sau sự cố quốc kỳ lộn ngược
Nhóm hacker ExtremeCrew tại Indonesia đã deface (thay đổi giao diện) 27 trang web của Malaysia, như là một phản ứng trước sự cố nghiêm trọng trong ấn phẩm lưu niệm chính thức của SEA Games 2017 ở Kuala Lumpur in quốc kỳ Indonesia bị lộn ngược.
Giao diện các trang web bị thay bằng hình ấn phẩm kèm theo thông điệp "Bendera Negaraku Bukanlah Mainan" - nghĩa là "lá cờ quốc gia chúng tôi không phải là một trò chơi"
Giao diện các trang web nói trên bị thay bằng hình ấn phẩm kèm theo thông điệp "Bendera Negaraku Bukanlah Mainan" - nghĩa là "lá cờ quốc gia chúng tôi không phải là một trò chơi" dưới nền bài hát yêu nước Tanah Air Beta” - quốc ca Indonesia.
Được biết, Lễ khai mạc SeaGames diễn ra rất hoành tráng, nhưng lại xảy ra một sự cố nghiêm trọng, đó là Ban Tổ chức đã đặt nhầm quốc kỳ của Indonesia - thay vì dải màu đỏ ở trên, dải trắng ở dưới mới đúng, thì lại bị đặt thành trắng trên, đỏ dưới - lẫn sang quốc kỳ của Ba Lan.
Ngay sau lễ khai mạc, Malaysia đã làm công văn chính thức xin lỗi qua con đường ngoại giao, và sau đó cũng xin lỗi qua báo chí.
Sau khi Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Indonesia Imam Nahrawi đưa vấn đề này ra hôm thứ Bảy, Ngoại trưởng Malaysia Seri Anifah Aman nói, nước ông rất lấy làm tiếc vì sự cố trên và lỗi này thuộc về Ủy ban Tổ chức Malaysia (Masoc).
Chủ tịch Masoc, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Khairy Jamaluddin cũng đã đăng một lời xin lỗi trên Twitt.
Trang web tin tức Indonesia Elshianta.com có danh sách đầy đủ các trang web bị tấn công - chủ yếu là các trang blog, không được biết đến nhiều và cũng không liên quan tới bất kỳ cơ quan chính thức hoặc tập đoàn lớn nào.
Báo The Star đang liên hệ với CyberSecurity Malaysia và các nhà cung cấp bảo mật để họ đưa ra các bình luận về vấn đề này.(Viettimes) --------------------------
Việt Nam và Indonesia: Đối tác chiến lược, lợi ích song trùng
Tiếp nối chuỗi hoạt động đối ngoại sôi động trong năm 2017, từ ngày 22 - 24/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm chính thức Indonesia theo lời mời của Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Chuyến thăm được đánh giá mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng do đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến Indonesia kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 62 năm vào ngày 30/12/1955, hứa hẹn mở ra tương lai phát triển của mối quan hệ tốt đẹp và sâu rộng giữa Việt Nam với Indonesia - đối tác truyền thống và quan trọng của Việt Nam trong ASEAN.
Trải qua hơn 6 thập kỷ kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno thiết lập và vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc, trải qua những biến động của lịch sử, quan hệ Việt Nam - Indonesia đang ngày một phát triển mạnh mẽ và thiết thực, đóng góp vào thịnh vượng, phát triển cũng như phát huy vai trò quan trọng của mỗi nước trong khuôn khổ các diễn đàn của ASEAN.
Với Việt Nam, thực tế 62 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đã minh chứng Indonesia là đối tác quan trọng, giàu tiềm năng đối với Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng được Indonesia đánh giá cao với vị thế là một trong những quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trong khối ASEAN. Hai nước đã cụ thể hóa quan hệ song phương tốt đẹp bằng việc ký kết Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia vào năm 2013.
Kể từ đó đến nay, quan hệ song phương Việt Nam - Indonesia ngày một khởi sắc trên nhiều lĩnh vực với các chuyến thăm của nhiều đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội hai nước.
Hai nước đã và đang tích cực thúc đẩy việc cụ thể hóa quan hệ đối tác chiến lược; lãnh đạo hai bên thường xuyên tiếp xúc, trao đổi tại các cuộc gặp song phương và tích cực hợp tác chặt chẽ, hiệu quả tại nhiều diễn đàn đa phương và quốc tế. Hai nước đã ký trên 30 Hiệp định và thỏa thuận, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc thúc đẩy, tăng cường hợp tác hơn nữa.
Các địa phương hai nước cũng đã chủ động thiết lập quan hệ hợp tác nhằm khai thác thế mạnh và bổ sung lẫn nhau, điển hình là quan hệ đối tác giữa tỉnh Kiên Giang và tỉnh Tây Kalimantan, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Padang; thành phố Đà Nẵng và thành phố Somarang.
Về quan hệ kinh tế, thương mại hai chiều Việt Nam - Indonesia trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 3,19 tỷ USD (tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái) trong đó xuất sang Indonesia đạt 1,42 tỷ USD (tăng 12%) và nhập khẩu từ Indonesia đạt 1,77 tỷ USD (tăng 37,4% so với cùng kỳ), chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, nông sản với mặt hàng chủ đạo là gạo, linh kiện điện tử và điện thoại di động, vật liệu xây dựng.
Tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia còn rất lớn và hai nước nhất trí đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Indonesia lên 10 tỷ USD vào năm 2018.
Tính đến tháng 4/2017, Indonesia đứng thứ 5 trong ASEAN và thứ 30/105 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 59 dự án, tập trung vào các lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác than, ngân hàng, khách sạn, chế biến xuất khẩu gỗ, sản xuất sợi và may mặc. Hiện Việt Nam cũng có 7 dự án đầu tư sang Indonesia với số vốn trên 100 triệu USD trong các lĩnh vực khai khoáng, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa và thông tin truyền thông.
Ngoài ra, Việt Nam và Indonesia còn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh với việc duy trì Nhóm làm việc chung về Hải quân hai nước; thúc đẩy thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp, triển khai các hoạt động chung về tìm kiếm cứu nạn, thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước, tìm được giải pháp tổng thể có lợi cho cả hai bên trong trường hợp xảy ra các tranh chấp trên biển.
Bên cạnh đó, phát huy lập trường chung và sự hợp tác song phương chặt chẽ, trong nhiều năm qua Việt Nam và Indonesia kiên trì nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông; duy trì đồng thuận với lập trường chung là giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và các tiến trình ngoại giao và pháp lý khác; phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN khác trong việc thực hiện hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).
Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, chuyến thăm chính thức Indonesia lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, củng cố tin cậy, hiểu biết giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước; nâng cao chiều sâu hợp tác trên cơ sở quan hệ đối tác, vì lợi ích và sự phát triển của mỗi nước, đồng thời góp phần vì hòa bình, ổn định, đoàn kết, hợp tác trong ASEAN, khu vực và trên thế giới.(VTC) -------------------------
Nhật Bản đối phó với cao điểm "mùa" học sinh tự tử
Kết thúc đợt nghỉ hè cũng là “mùa” tự tử của học sinh Nhật Bản. Các tổ chức phi lợi nhuận tại nước này đang nỗ lực phòng chống trẻ em và thanh thiếu niên tự tử, tờ Japan Times đưa tin 21-8.
Học sinh phải đối mặt với nhiều áp lực khi quay lại trường sau một kỳ nghỉ dài. Ảnh: Tổ chức bảo vệ quyền trẻ em Humanium
Theo số liệu của Văn phòng Nội các Nhật Bản vào năm 2015, từ năm 1972 đến 2013 những ca tự tử đối với thanh thiếu niên dưới 18 tuổi tập trung chủ yếu xung quanh ngày 1-9 hằng năm.
Đây cũng chính là thời điểm nhiều trường học ở Nhật bắt đầu học kỳ mới sau kỳ nghỉ hè khá dài.
Tổ chức cung cấp tư vấn qua điện thoại Childline, đặt trụ sở tại Tokyo, dự tính kéo dài thời gian làm việc trong giai đoạn cuối tháng 8 và đầu tháng 9 nhằm hỗ trợ những học sinh đang lo lắng việc tựu trường ở tám tỉnh thành trên khắp đất nước.
Đồng thời, tổ chức này cũng dự định đưa vào hoạt động tư vấn online trong chín ngày bắt đầu từ 29-8.
“Dịch vụ tư vấn một nhân viên – một học sinh sẽ hoàn toàn miễn phí và có thể sử dụng trên điện thoại thông minh hay máy tính. Sẽ không cần thiết phải nhận diện người gọi hay trường học của họ. Chúng tôi sẽ giữ bí mật”, người đại diện tổ chức Childline chia sẻ trên Japan Times.
Một tổ chức phi lợi nhuận khác cũng đang có kế hoạch mở ra các trụ sở giành cho những đứa trẻ không muốn đi học vào cuối kỳ nghỉ hè tại sáu tỉnh thành ở Nhật Bản.
“Chúng tôi muốn càng nhiều trẻ biết rằng họ có cơ hội khác bên cạnh việc đi học, và rằng có cách để vượt qua chuyện này” - lãnh đạo tổ chức này, Hiroyuki Matsushima, giải thích.
Ngoài ra, Tổ chức Khuyến khích Trưởng thành Toàn diện của Trẻ em đã phối hợp với 4.600 trung tâm trên khắp nước Nhật để phối hợp và tiếp nhận những trẻ đang có nguy cơ tự tử.
“Vào thời điểm này của năm, khi mà nguy cơ trẻ tự tử là cao nhất, chúng tôi muốn người lớn phải đặc biệt cẩn trọng và không bỏ lỡ một dấu hiệu kêu cứu nào từ các em”, Hironobu Koguma, lãnh đạo tạp chí phi lợi nhuận cho trẻ Zenkoku Futoko Shimbunsha, chia sẻ.
Một mùa cao điểm khác rơi vào tháng Tư và tháng Năm, sau kỳ nghỉ Tuần lễ vàng. Điều này cho thấy khó khăn của học sinh trong việc quay lại trường sau một kỳ nghỉ dài, đặc biệt là đối với những đứa trẻ bị uy hiếp, bắt nạt.
Vào năm 2015, Tokyo đã có văn bản yêu cầu các tổ chức, trường học và gia đình có những hướng giải quyết chủ động hơn sau những kỳ nghỉ dài, khẳng định rằng “trẻ nhỏ sau một kỳ nghỉ dài thường bị gia tăng áp lực và mất tinh thần.”
Theo số liệu năm 2015, số người tự tử tại Nhật Bản cao hơn 60% so với số liệu trung bình trên toàn cầu.
Tự tử là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở trẻ dưới 18 tuổi tại Nhật Bản.(Tuoitre) --------------------------------
Bảo vệ nhà Tổng thống Trump quá tốn kém, Mật vụ Mỹ hết tiền
Mật vụ Mỹ không còn tiền để trả lương nhân viên do phải chi những khoản lớn để bảo vệ gia đình đông người với nhiều dinh cơ của Tổng thống Donald Trump - theo tờ USA Today.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo trên vào ngày 21/8, Giám đốc Mật vụ Mỹ Randolph “Tex” Alles, nói rằng cơ quan này đã sử dụng hết số tiền lẽ ra phải dùng để trả lương và phụ cấp làm thêm giờ cho hơn 1.000 nhân viên trong cả năm 2017.
Mật vụ Mỹ - lực lượng được giao nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho Tổng thống nước này và người thân - đã phải gánh vác một khối lượng công việc “khủng” kể từ giai đoạn đỉnh điểm của cuộc bầu cử năm 2016. Trong suốt 7 tháng cầm quyền đầu tiên của ông Trump, khối lượng công việc của Mật vụ vẫn không hề giảm đi.
Một nhân viên Mật vụ đứng gác trước chiếc xe limousine của Tổng thống Trump khi ông Trump tới thăm trường Waukesha County Technical College ở bang Wisconsin, hôm 13/6/2017
Các nhân viên Mật vụ luôn phải theo sát Tổng thống Trump, người hầu như cuối tuần nào cũng di chuyển giữa các dinh thự của ông ở Florida, New Jersey, và Virginia. Ngoài ra, họ cũng phải bảo vệ những người con đã trưởng thành của ông Trump - những người luôn có những chuyến công cán và đi nghỉ trên khắp nước Mỹ và ở nước ngoài.
“Tổng thống có một gia đình lớn, và trách nhiệm của chúng tôi đã được quy định trong luật”, ông Alles nói. “Tôi không thể thay đổi điều đó. Chúng tôi không có được sự linh hoạt”.
Vị Giám đốc Mật vụ nói lực lượng này đang phải chật vật với số người cần được bảo vệ lớn chưa từng có ở Nhà Trắng. Dưới thời ông Trump, Mật vụ phải bảo vệ 42 người, bao gồm 18 thành viên gia đình ông, so với con số chỉ 31 người thời Tổng thống Barack Obama.
Công việc quá tải và thường xuyên phải đi lại đã khiến hàng loạt nhân viên Mật vụ bỏ việc trong thời gian gần đây. Nếu Quốc hội Mỹ không can thiệp để bổ sung ngân sách, Mật vụ sẽ không thể tiếp tục trả lương cho nhân viên, thậm chí là cho những công việc mà họ đã làm.
Do khối lượng công việc tăng, ông Alles đã bàn với một số nghị sỹ chủ chốt về tăng trần lương và phụ cấp làm thêm giờ cho nhân viên mật vụ từ 160.000 USD/năm lên 187.000 USD/năm ít nhất trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Nhưng cho dù đề xuất này có được thông qua, thì khoảng 130 nhân viên mật vụ kỳ cựu vẫn sẽ không được trả đủ cho số giờ làm thêm của họ.
Nếu không có ngân sách bổ sung, thì 1.100 nhân viên mật vụ Mỹ sẽ không được trả tiền làm thêm giờ khi thực hiện một nhiệm vụ lớn vào tháng tới. Đó là khi gần 150 nguyên thủ quốc gia tới thành phố New York để dự kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
Mật vụ Mỹ từng hy vọng khối lượng công việc của họ sẽ trở lại mức bình thường sau khi ông Trump nhậm chức. Tuy nhiên, những chuyến đi nghỉ cuối tuần và công tác liên miên của nhà Trump, cùng số thành viên đông đúc của gia đình này đã dập tắt hy vọng của họ.
Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã 7 lần lui tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở Florida, 5 lần tới câu lạc bộ golf Bedminster của ông ở New Jersey, và một lần quay về cao ốc Trump Tower của ông ở Manhattan. Những chuyến đi này gây không ít thách thức cho lực lượng Mật vụ, bởi họ sẽ phải duy trì thường xuyên hạ tầng an ninh ở những nơi ông Trump hay lui đến.
Theo một số ước tính, mỗi chuyến đi tới Mar-a-Lago của ông Trump tiêu tốn ít nhất 3 triệu USD chi phí an ninh. Năm nay, Mật vụ đã phải chi ít nhất 60.000 USD để thuê xe cart nhằm bảo vệ ông Trump trên các sân golf ở Mar-a-Lago và Bedminster.
Ông Trump, đệ nhất phu nhân Melania Trump, và con trai út của họ là Barron không phải là những người duy nhất luôn có lực lượng an ninh đi kèm 24/24. Hai người con trai lớn của ông Trump là Donald Jr. và Eric, sống ở New York, cũng có vệ sỹ Mật vụ đi kèm, trong khi họ thường xuyên di chuyển giữa các cơ sở kinh doanh của nhà Trump ở nhiều quốc gia.
Chẳng hạn, đầu năm nay, chuyến công tác của Eric Trump tới Uruguay đã tiêu tốn của Mật vụ 100.000 USD chỉ riêng cho việc thuê phòng khách sạn.
Hồi tháng 3, Mật vụ phải đi theo để bảo vệ con gái lớn của ông Trump là Ivanka và chồng của cô này là Jared Kushner khi họ có kỳ nghỉ trượt tuyết ở Aspen, Colorado. Khi con gái út của ông Trump là Tiffany đi nghỉ ở Đức và Hungary cùng bạn trai, Mật vụ cũng phải theo để bảo vệ.
Ông Alles cho biết, vấn đề trọng tâm của ông lúc này là đảm bảo rằng tất cả nhân viên Mật vụ sẽ được trả đầy đủ cho phần công việc họ đã làm. “Họ phải làm việc suốt đêm, luôn luôn phải di chuyển”, Giám đốc Mật vụ nói. “Trước mắt thì vấn đề chưa thể được khắc phục, nhưng trong dài hạn, tôi sẽ cố gắng giúp họ cân bằng tốt hơn giữa cuộc sống và công việc”.(Vneconomy)
Ukraine sắp tung quân tấn công Donbass?; Lebanon chặn âm mưu đánh bom máy bay bằng búp bê Barbie; Nỗi lo cực đoan hóa ở giới trẻ châu Âu; Chính khách 31 tuổi chạy đua ghế thủ tướng Áo
Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Việt Nam Đơn Độc Trong Khi Trung Quốc ra sức Ve Vãn Các Nước Asean
Triều Tiên cảnh báo sẵn sàng 'đáp trả không thương tiếc' tập trận Mỹ-Hàn; Triều Tiên cảnh báo Australia nếu giúp đỡ Mỹ; LHQ: Triều Tiên chở hàng cho cơ quan vũ khí hóa học Syria