Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Guam chuẩn bị hơn 800 ngàn quả bom để đối phó Triều Tiên
Tin thế giới đáng chú ý 23-10-2017
- Cập nhật : 22/10/2017
Trung Quốc lập đơn vị cứu hộ tàu ngầm mới
Đơn vị cứu hộ tàu ngầm tại hạm đội Nam Hải sẽ hỗ trợ hoạt động rộng hơn trong khi Trung Quốc đang triển khai nhiều tàu ngầm và nỗ lực tăng cường năng lực chiến đấu của lực lượng hải quân.
Trung Quốc triển khai nhiều tàu ngầm ở Biển Đông thời gian qua REUTERS
Theo tờ South China Morning Post ngày 22.10, hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã bổ sung một đơn vị cứu hộ tàu ngầm mới vào lực lượng. Giới quan sát nhận định đơn vị này sẽ củng cố năng lực tiến hành các sứ mệnh thực địa của hải quân Trung Quốc.
Ông Nghê Nhạc Hùng, một nhà bình luận quân sự tại Thượng Hải cho rằng hạm đội Nam Hải có nhu cầu lập đơn vị cứu hộ khi họ đang tiến hành nhiều sứ mệnh hơn. “Đây là dấu hiệu cho thấy hạm đội này đang chuẩn bị khả năng chiến đấu. Khi quân đội tập trung vào năng lực sẵn sàng tác chiến, làm sao một hạm đội hải quân có thể thiếu đơn vị cứu hộ. Đội cứu hộ mang tính quyết định trong chiến tranh”, ông Nghê nói.
Trung Quốc đã lập một đội cứu hộ tàu ngầm tại hạm đội Bắc Hải vào năm 2011 nhằm giảm thiểu mất mát trong các sự cố tàu ngầm. Trong khi đó, hạm đội Nam Hải trước giờ chưa có.
Theo những hình ảnh vệ tinh được các tổ chức quan sát nước ngoài công bố, Trung Quốc đã triển khai phần lớn tàu ngầm hạt nhân tiên tiến của mình tại Biển Đông, nơi hạm đội Nam Hải hoạt động. Việc gia tăng số lượng tàu ngầm tại khu vực đồng thời cũng tăng nguy cơ sự cố.
Chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh tại Singapore cho biết: “Khi sự cố xảy ra, các tàu ngầm không thể trông chờ vào đội cứu hộ ở hạm đội Bắc Hải”. Theo ông, trong tương lai hải quân Trung Quốc sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của mình và việc tăng cường khả năng cứu hộ là phù hợp với nhu cầu này.(Thanhnien)
-----------------------------
Chuyên gia khẳng định Triều Tiên đủ sức đánh chìm tàu sân bay Mỹ
Mặc dù nhiều chuyên gia nhận định rằng Triều Tiên đã có phần phóng đại khi tuyên bố nước này có khả năng quân sự gần bằng Mỹ, song chuyên gia Evgeny Kim cho rằng lời tuyên bố này vẫn có tính hợp lý và Triều Tiên đủ sức đánh chìm tàu sân bay Mỹ.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố nước này gần như đã cân bằng với Mỹ, mặc dù theo các quan sát viên Nga điều này mang tính phóng đại nhiều hơn. Song chính các quan sát viên này cho rằng Bình Nhưỡng đã đủ năng lực để phóng tên lửa tới Mỹ như nước này tuyên bố.
Phát biểu tại buổi hội thảo về việc cấm phổ biến vũ khí hạt nhân tại Matxcơva, Nga, người đứng đầu bộ phận Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui đã tuyên bố Triều Tiên đang sắp đuổi kịp Mỹ về năng lực hạt nhân.
“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là đạt thế cân bằng với Mỹ, để họ không thể có ý định bàn luận về bất cứ hành động quân sự nào chống Triều Tiên”, nhà ngoại giao Triều Tiên này tuyên bố. Bà Choe một lần nữa khẳng định rằng vũ khí hạt nhân là vấn đề sống còn của Triều Tiên và quốc gia này không có kế hoạch đàm phán với Washington ở vị thế hiện tại.
Bà Choe nhấn mạnh: “Tình hình hiện tại càng củng cố nhận định của chúng tôi rằng chúng tôi cần vũ khí hạt nhân để chống lại 1 cuộc tấn công tiềm tàng”. Nhà ngoại giao này cũng nói thêm, hiện Triều Tiên đang nằm dưới mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ và chỉ có duy nhất Mỹ liên tục nhắm vào năng lực hạt nhân của Triều Tiên.
Bình luận về phát biểu của bà Choe, nhà nghiên cứu Evgeny Kim thuộc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng Bình Nhưỡng có thể phóng đại về sức mạnh quân sự của mình khi tuyên bố đã gần theo kịp sức mạnh quân sự của Mỹ, cũng như có thể gây ra thiệt hại nặng nề cho siêu cường này trong trường hợp chiến tranh nổ ra.
“Đương nhiên, có một số sự phóng đại ở đây, bởi lẽ Triều Tiên khó có thể đạt được vị trí ngang bằng với Mỹ trong công nghệ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, ở thời điểm hiện tại cũng như thập kỷ tới”, ông Kim nói.
Chuyên gia này giải thích, “thứ nhất họ chưa có hệ thống mang đầu đạn hạt nhân như Mỹ đang sở hữu... Thứ hai, họ không sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân như Mỹ. Triều Tiên đã thử đầu đạn hạt nhân, nhưng chưa sản xuất hàng loạt. Họ chỉ có thể sản xuất hàng loạt sau khoảng từ 2 đến 3 năm nữa”.
Tuy nhiên, ông Kim khẳng định rằng “về khía cạnh nào đó họ vẫn có lý khi nói rằng họ có thể gây thiệt hại cho quân đội Mỹ. Ví dụ, biên đội tàu sân bay USS Ronald Reagan đóng quân tại biển Nhật Bản. Triều Tiên hoàn toàn có thể sử dụng toàn bộ công nghệ tên lửa hiện có để tiêu diệt tàu sân bay này”.
Hải quân Mỹ triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng khu trục hạm lớp Arleigh Burke USS Stethem, cùng nhiều chiến hạm của Hải quân Hàn Quốc tại bờ biển phía đông bán đảo Triều Tiên từ ngày 18/10/2017. Cuộc tập trận chung giữa Hải quân Mỹ và Hàn Quốc, cùng các hoạt động khác của quân đội 2 nước này đã bị Triều Tiên phản ứng rất dữ dội trong thời gian qua.(VTC)
-------------------------
NATO hoảng trước động thái tăng quân của Nga
Việc Nga không giấu giếm kế hoạch tăng quân hàng chục lần tại sườn Tây đã buộc phương Tây phải có biện pháp phòng vệ cần thiết.
Lo thất thủ
Ngày 20/10, tờ Der Spiegel của Đức dẫn bản báo cáo nội bộ của NATO nêu rõ, nếu không có biện pháp kịp thời, khối quân sự này sẽ không hành động kịp và không có biện pháp thích hợp trước một cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga.
Bản báo cáo có đoạn viết: "Kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, NATO đã bị suy yếu về khả năng hỗ trợ hậu cần cho việc nhanh chóng triển khai quân tiếp viện tới phần lãnh thổ mở rộng thuộc phạm vi trách nhiệm của các chỉ huy châu Âu".
Ngoài ra, bản báo cáo còn chỉ ra rằng, ngay cả việc tăng cường Lực lượng Phản ứng nhanh NATO (NRF) cũng không thể đảm bảo rằng lực lượng này có thể ứng phó nhanh chóng và lâu dài trong trường hợp cần thiết.
Và để sẵn sàng đối phó với "sự xâm lược từ Nga", theo tờ Global Research, ngay từ đầu năm 2017, Mỹ đã bắt đầu triển khai cả ngàn chiếc xe tăng thiết giáp đến châu Âu. Phó Tư lệnh Mỹ tại châu Âu, Trung tướng Tim Ray đã cho biết rằng, mục đích của hành động này nhằm đối phó với sự manh động của Nga.
Theo nguồn tin này, người ta đã thấy tại cảng Bremerhaven của Đức hàng trăm xe tăng, pháo tự hành và xe quân sự khác được bốc dỡ từ các tàu vận tải. Sau đó các thiết bị quân sự này đã được vận chuyển bằng đường sắt và chuyển đến các đơn vị đóng quân ở Ba Lan.
Tại đây chúng đã được trang bị cho các đơn vị thuộc các lực lượng khác nhau của quân đội Mỹ. Ngoài các thiết bị quân sự, ở Ba Lan sẽ được bổ sung thêm 3500 binh sĩ thuộc các đơn vị khác nhau.
Ngoài Ba Lan, Mỹ sẽ tiếp tục triển khai lực lượng quân đội với số lượng lớn ở Romania, Bulgaria và các nước vùng Baltic. Các lực lượng thuộc các đơn vị này sẽ được luân phiên thay đổi, sau 9 tháng họ sẽ được thay thế bởi đơn vị khác. Ở thủ đô của Estonia đã thành lập trung tâm chỉ huy của NATO.
Mỹ và NATO cũng đang có kết hoạch thành lập 6 trung tâm chỉ huy ở các nước Đông Âu. Nhiệm vụ của chúng là giúp triển khai nhanh chóng lực lượng quân đội trong khu vực. Ngoài ra, chúng sẽ góp phần xây dựng hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các đơn vị quân sự lớn.
Theo Tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga: "Lợi dụng tâm lý lo ngại về cuộc tập trận Zapad-2017, Mỹ đã lặng lẽ điều toàn bộ lực lượng của Sư đoàn thiết giáp số hai đến Ba Lan, trong khi vẫn duy trì trang bị của lữ đoàn thiết giáp số 3 tại nước này và các quốc gia vùng Baltic".
Bất chấp động thái tăng quân của Mỹ tại Đông Âu, Nga đã thẳng thắn tuyên bố, với những lực lượng đã triển khai cùng một sư đoàn Mỹ ém tại Baltic là chưa đủ trong cuộc đối đầu tiềm tàng với Nga tại khu vực này.
Nga tăng quân vì Mỹ
Việc Mỹ lấy lý do đề phòng Nga để đổ quân vào Đông Âu đã buộc Moscow phải có hành động tương tự. Cụ thể, ngay từ khi Mỹ bắt đầu rục rịch với kế hoạch của mình, Nga đã không hề giấu giếm kế hoạch đáp trả.
Trên cổng thống tin của Bộ Quốc phòng Nga đã xuất hiện các gói thầu lớn, bao gồm: khoảng 5265 toa tàu để vận chuyển các thiết bị quân sự trong năm 2017, 4126 toa tàu sẽ được chuyển đến khu vực Belarus... So với năm 2016 thì năm 2017 số lượng đã tăng lên hơn 83 lần.
Trong trường hợp cần thiết, trên lãnh thổ của Belarus sẽ nhanh chóng bố trí các đơn vị tăng thiết giáp (ưu tiên khu vực phía tây) và lực lượng này có thể liên kết với lực lượng quân đội Nga tại căn cứ Kaliningrad. Từ biên giới phía tây của Belarus đến biên giới phía đông của khu vực Kaliningrad chỉ 70 km, và từ biên giới phía tây của Liên bang Nga - khoảng 700 km.
Vì vậy, để bảo đảm lợi ích của mình, Nga sẽ triển khai lực lượng không giới hạn, bao gồm: xe tăng, xe bọc thép, pháo binh hạng nặng, máy bay và pháo và tổ hợp phòng không trong lãnh thổ của Belarus (dự kiến triển khai ở khu vực Grodno).
Hiện nay ở Belarus có hai căn cứ quân sự Nga, bao gồm: trạm radar cảnh báo sớm về các cuộc tấn công tên lửa ở Gantsevichi và trung tâm thông tin liên lạc với tàu ngầm ở Vileyka. Hiện nay Nga cũng đang có kế hoạch triển khai thêm căn cứ không quân ở khu vực này.
Một số chuyên gia dự đoán rằng, hành động của NATO sẽ buộc Nga hay nói cách khác là tạo điều kiện cho Nga xây dựng tăng cường lực lượng ở Belarus đồng thời hình thành tuyến phòng thủ vững chắc từ Kaliningrad đến Belarus.
Một số chuyên gia cũng lưu ý rằng, việc Nga mong muốn triển khai lực lượng lâu dài gồm các lữ đoàn xe tăng, xe bọc thép, các căn cứ không quân cũng như các tổ hợp hệ thống phòng thủ tên lửa...ở Belarus để chống lại các mối đe dọa trong tương lai gần là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, chắc chắn các nhà lãnh đạo Belarus sẽ không dễ dàng đồng ý việc Nga tăng cường lực lượng trên đất nước của họ, và có thể giá năng lượng sẽ là điều kiện để đi đến thỏa thuận này. Do đó, các nhà lãnh đạo chính trị của Liên bang Nga và Belarus sẽ lựa chọn phương pháp giải quyết trên cơ sở cùng có lợi.(Baodatviet)