Trung Quốc tuyên bố 'bảo vệ chủ quyền bằng mọi giá' ở biên giới Ấn Độ; Uy tín tân tổng thống Pháp giảm sút; Cựu bí thư Trùng Khánh bị cáo buộc 'vi phạm kỷ luật nghiêm trọng'; Hải quân Mỹ tiếp nhận siêu tàu sân bay
Biển Đen đóng một vai trò quan trọng trong chính sách phía tây nam của Nga trong nhiều thập kỷ qua . Trong cuộc chiến Nga-Thổ (1768-1774), Nga đã chớp lấy cơ hội gây dựng lực lượng hải quân tại Crimea. Và trong những cuộc chiến tiếp theo với đế chế Ottoman, đế chế Nga đã chuyển tới vùng Bessarabia, vùng Caucasus và Balkans. Năm 1791, biển Azov trở thành tuyến đường thủy nội địa của Nga, và Nga sau đó đã nỗ lực tăng cường vị thế dọc theo phía tây bắc Biển Đen.
Khu vực quan trọng này kết nối với các con sông Danube, Dnipro và Nam Bug; các tuyến đường bộ và đường biển đến Balkans; cũng như các cơ sở đóng tàu ở Odesa và trung tâm cảng-công nghiệp-nông nghiệp của thành phố này. Hơn nữa, ở phía tây bắc Biển Đen còn có các tài nguyên thiên nhiên có giá trị và là lối đi đến vùng đất nối liền với Ukraine của bán đảo Crimea.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã để mất các vùng lãnh thổ ở Biển Đen mà nước này đã chiếm giữ hay sáp nhập trong các thế kỷ XVIII, XIX, XX vì các nước Cộng hòa Xô Viết trước đây đều trở thành các quốc gia độc lập. Các căn cứ hải quân Nga, đặc biệt là căn cứ Sevastopol, vẫn tồn tại ở Crimea nhưng tình trạng ra sao thì không rõ. Năm 1997, Hiệp ước phân vùng về tình trạng và các điều kiện của Hạm đội Biển Đen đã cho hải quân Nga cơ hội ở lại Crimea đến năm 2017. Vào năm 2010, Hiệp định này đã được gia hạn đến năm 2042.
Việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 đã mở ra cánh cửa triển khai các tham vọng của Kremlin theo hướng tây nam. Khả năng tấn công của Hạm đội Biển Đen đã tăng gấp đôi kể từ năm 2014. Hạm đội này được bổ sung với tàu khu trục lớp Krivak V mới và tàu ngầm lớp Kilo cải tiến. Trong những năm tới, Nga dự định sẽ tăng cường số lượng các thiết bị này và mua thêm các tàu hộ tống lớp Buyan-M. Các tổ hợp tên lửa mới Bastion và Bal-E di động trên bờ biển đã được triển khai ở Crimea. Những hệ thống trên biển và trên bờ biển này đều được trang bị tên lửa hành trình Kalibr-NK, cũng như tên lửa chống tàu Yakhont và Onyx.
Hơn nữa, các thiết bị quân sự của Nga ở Crimea đã được tăng lên đáng kể. Lực lượng bộ binh, phòng không, không quân, tác chiến điện tử và các hệ thống cảnh báo sớm của Nga ở Crimea cũng được tăng cường. Hạm đội Biển Đen vẫn duy trì lực lượng đổ bộ ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Như vậy, các cuộc diễn tập tấn công đổ bộ của Nga ở gần Theodosia, Crimea vào mùa xuân năm 2016 khiến phương Tây lo ngại.
Tuy nhiên, nên lưu ý rằng kinh tế của Crimea phụ thuộc rất nhiều vào Ukraine, đặc biệt là nguồn nước của sông Dnipro để tưới tiêu và sử dụng trong nước. Đồng thời Ukraine cũng là nơi cung cấp điện và khí đốt tự nhiên cho bán đảo này. Sau khi sát nhập với Crimea, Nga cũng đã tiếp quản các mỏ khí đốt Odeske và Holitsynske.
Kể từ đó, Mátxcơva cũng đã bắt đầu đưa các đường ống dẫn khí từ Nga tới Crimea qua eo biển Kerch và khởi động giai đoạn đầu của "Cầu Năng Lượng" để kết nối lưới điện của Crimea với Nga. Ngoài ra, Nga đã có 15 trạm điện di động chạy bằng tua bin gas đắt tiền. Bất chấp những nỗ lực này của Nga, Crimea vẫn phải đối mặt với vấn đề về nước, khí đốt và điện. Do đó, mối đe dọa vẫn còn cao và Mỹ-NATO lo sợ Nga có thể sẽ cố gắng tạo ra một "hành lang đất liền tới Crimea" qua khu vực lãnh thổ phía đông nam Ukraine.
Có một thành phố chiến lược đứng chắn đường, đó là Mariupol - một trung tâm công nghiệp luyện kim của Ukraine trên bờ biển Azov. Điều quan trọng là, Mariupol là một điểm quan trọng nằm giữa biên giới Nga- Ukraine và sông Dnipro, nơi cung cấp nguồn nước cho Kênh nước Bắc Crimea. Và thành phố này chỉ cách nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia 200 km, nhà máy này cung cấp điện cho Crimea cho đến năm 2014.
Đội quân cảnh vệ số 8 của Nga đã được triển khai gần biên giới Ukraine, cách Mariupol không xa. Nhóm quân này không chỉ là một đơn vị chiến đấu mà còn bao gồm đơn vị hỗ trợ hậu cần và là các bệnh viện quân đội. Không chỉ vậy, phương Tây cho rằng lực lượng do Mátxcơva hậu thuẫn ở Donetsk đang cố gắng kiếm những chiến hạm của Nga để củng cố lực lượng.
Gần các mỏ khí đốt Odeske và Holitsynske, Nga đã tạo ra khu vực chống tiếp cận. Tàu chiến của Hạm đội Biển Đen và các thiết bị khác hoạt động xung quanh khu vực này. Biên đội tàu tên lửa số 41 của Nga (gồm 12 tàu hộ tống với 68 tên lửa hành trình và tên lửa chống hạm) trực thuộc Căn cứ hải quân Crimea, đóng ở Donuzlav cho phép Hạm đội Biển Đen có khả năng tấn công chính xác vào các mỏ khí đốt ở phía tây bắc Biển Đen. Với tầm bắn của tên lửa trên tàu hộ tống của Nga, căn cứ Donuzlav có thể đe dọa hầu hết các cảng công nghiệp và nông nghiệp quan trọng nhất của Ukraine bao gồm Odesa, Yuzhnyi, Chernomorske, Mykolaiv và Kherson.
Theo giới quân sự phương Tây, các thành phố cảng có tầm quan trọng chiến lược của Ukraine là Mariupol và Odesa nằm trên các tuyến đường sắt, đường hàng hải và các điểm nối tiếp sông hết sức phát triển. Nhưng cả hai cảng này đều dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa từ biển. Vào năm 2014, Lực lượng Hải quân Ukraine (UNF) đã mất 70% các thiết bị ở Crimea. Ukraine chỉ có hai tàu pháo nhỏ lớp Giurza được xây dựng trong vòng 3 năm qua nhưng năng lực tác chiến lẫn khu vực hoạt động và tốc độ hoạt động đều bị hạn chế.
Tàu khu trục Hetman Sahaydachniy của Ukraine đã hoạt động được 25 năm và cần phải được hiện đại hóa và sửa chữa. Các thiết bị hải quân khác cũng đã quá cũ và quá yếu: Tàu tên lửa lớp Matka đã 37 năm tuổi và thiếu tên lửa. Tàu đổ bộ lớp Polnocny-C và tàu hộ tống lớp Grisha đều hơn 40 năm tuổi. Một số tàu nhỏ hơn từ thời Xô Viết đều có tầm bắn và tốc độ thấp, hơn nữa lại rất yếu về mặt vũ khí trang bị. UNF cũng không có cơ sở hải quân ở Biển Azov.
Ngày 20/2/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết: "Hạm đội Biển Đen đang bảo vệ lợi ích của Nga ở hướng tây nam, nơi tập trụng hầu hết các mối đe dọa nghiêm trọng tới lợi ích quốc gia Nga". Ông Shoigu gọi Địa Trung Hải là một khu vực quan trọng với lợi ích quốc gia của Nga. Sau đó, vào tháng 5/2017, ông Shoigu cũng nói rằng Ukraine là “khu vực quan trọng chiến lược với Nga".
Trong bối cảnh khủng hoảng như hiện nay, giới quân sự phương Tây đánh giá Ukraine rất cần nâng cấp năng lực hải quân, bao gồm phát triển các biện pháp đối phó bất đối xứng, xây dựng các thiết bị hải quân nhanh và hiệu quả, phát triển lực lượng đổ bộ hoặc các biện pháp đối phó với ngư lôi.(Viettimes)
----------------------------