Triều Tiên 'tố' Nga, Trung đứng về phía Mỹ?; Nhiều máy bay ném bom Nga đến bán đảo Triều Tiên; Người thân ông Kim Jong-un bị xử tử vì âm mưu đảo chính liên quan Trung Quốc?
Tin thế giới đáng chú ý 26-08-2017
- Cập nhật : 26/08/2017
IS tại Iraq sở hữu Javelin FGM-148 Mỹ
Việc IS sở hữu một trong những loại tên lửa chống tăng hiện đại nhất thế giới, khiến người ta nghi ngờ về thế lực đứng sau lực lượng khủng bố.
Theo SF ngày 24/8, Lữ đoàn 16 của Quân đội Iraq đã bắt giữ một tổ hợp tên lửa chống tăng Javelin FGM-148 do Mỹ sản xuất từ tay lực lượng khủng bố IS gần thành phố Tal Afar (miền bắc Iraq).
Việc IS sở hữu một trong những loại tên lửa chống tăng hiện đại nhất thế giới một lần nữa khiến người ta nghi ngờ về ''bàn tay đen'' đứng đằng sau lực lượng khủng bố.
Javelin được biết đến với tên đầy đủ là FGM-148 Javelin được xếp vào loại tên lửa chống tăng thế hệ thứ 3 đầu tiên trên thế giới với công nghệ dẫn đường tiên tiến.
FGM-148 Javelin thiết kế tấn công tiêu diệt mọi xe tăng, xe bọc thép và kể cả công sự phòng ngự trên mặt đất của đối phương.
Tổ hợp gồm 2 thành phần chính: khối điều khiển CLU và đạn tên lửa. Trong chiến đấu, chỉ cần 2 người để triển khai hệ thống gồm một người bắn và một người vác đạn.
Quân đội Iraq bắt giữ một tổ hợp tên lửa chống tăng Javelin FGM-148 do Mỹ sản xuất từ tay lực lượng khủng bố IS
Đạn tên lửa được lắp đầu đạn kiểu 2 đầu nổ chuyên trị giáp phản ứng nổ (ERA) trang bị trên xe tăng hiện đại (nghĩa là, đầu nổ thứ nhất sẽ kích hoạt khối giáp ERA bên ngoài để lộ ra lớp giáp chính xe tăng để đầu nổ 2 xuyên phá).
Tên lửa dùng cơ cấu phóng ''mềm'', dùng liều phóng phụ đưa quả đạn ra khỏi ống phóng. Ở cự ly an toàn cho xạ thủ, động cơ chính tên lửa mới kích hoạt bay tới mục tiêu.
Với cơ cấu phóng này, luồng phản lực khi quả đạn rời bệ phóng rất nhỏ, đảm bảo an toàn hơn cho xạ thủ và người xung quanh. Tên lửa đạt tầm bắn hiệu quả 75m tới 2.500m, tầm bắn tối đa gần 5.000m.
Điểm nhấn của tên lửa Javelin ở hệ thống dẫn đường, đây là đạn tên lửa chống tăng đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ đầu tự dẫn ảnh nhiệt.
Với công nghệ này, sau khi ấn nút phóng, đạn tên lửa tự động bay tới mục tiêu mà không cần xạ thủ ''theo sát'' (từ khi rời bệ tới khi đánh trúng mục tiêu) như thế hệ tên lửa chống tăng 1,2.
Với công nghệ sử dụng đầu tự dẫn lắp trên quả đạn, xạ thủ sau khi ấn nút phóng kịp rút lui ẩn nấp ở vị trí an toàn tránh địch phản kích.
Khối điều khiển CLU nặng 6,4kg được tích hợp thiết bị để tìm kiếm, phát hiện và khóa mục tiêu. Khối điều khiển này được dùng đi dùng lại nhiều lần.
Trong chiến đấu, xạ thủ sẽ sử dụng hệ thống ngắm hồng ngoại trên khối điều khiển CLU để tìm kiếm, xác định mục tiêu sau đó chuyển sang hệ thống hồng ngoại độc lập của tên lửa để thiết lập khóa mục tiêu.
Đặc biệt, xạ thủ có thể chọn 2 cách bắn gồm: bắn thẳng trực diện mục tiêu hoặc bắn bổ bổ nhào 45 độ tấn công nóc xe tăng – xe bọc thép (đấy là nơi bọc giáp mỏng nhất trên xe tăng).(ĐVO)
---------------------------
Nghi án Bộ trưởng Tài chính Ukraine làm nội gián cho Nga?
Đại biểu quốc hội Ukraine Pashinsky đặt ra nghi vấn người đứng đầu Bộ Tài chính nước này là ông Alexander Danyluk cố tình gây khó khăn trong việc cấp vốn cho lực lượng vũ trang Ukraine, để có lợi cho Nga.
Đại biểu Quốc hội Ukraine, người đứng đầu Ủy ban quốc hội về an ninh quốc gia và Quốc phòng Sergey Pashinsky tuyên bố, rằng Bộ trưởng Tài chính Alexander Danyluk đang làm việc cho Nga.
Phát biểu trên sóng truyền hình Kênh 5 Ukraine, ông Pashinsky cho biết: "Rất nhiều quan chức hiện đang chịu trách nhiệm về nguồn tài chính của quân đội, đã sử dụng những rào cản quan liêu để chặn việc cấp vốn cho một số chương trình ... Tôi cho rằng ông Danyluk đang làm việc cho Nga. Bởi vì tất cả những gì có thể ngăn chặn nguồn tài trợ cho lực lượng vũ trang của Ukraine, thì ông ấy đều làm... Tôi sẽ tìm cách truy tố con người này".
Hôm thứ Tư (23/8), trên trang web của kênh truyền hình "112 Ukraine" đưa tin rằng Tổng Công tố Ukraine Yury Lutsenko đang dự định yêu cầu ông Danyluk từ chức, và cáo buộc ông này khiến mức lương của các công tố viên không được tăng lên vào tháng Chín tới.
Trước đó, một phán quyết được ban hành trên trang web đăng tải các quyết định của tòa án Ukraine, theo đó Văn phòng Tổng Công tố đang điều tra một vụ án hình sự liên quan đến những nghi ngờ trốn thuế của ông Danyluk. Toà án cũng chỉ thị cho cán bộ thuế kiểm tra hoạt động của người đứng đầu Bộ Tài chính. Về phần mình, ông Danilyuk đã phủ nhận cáo buộc của các viên chức thực thi pháp luật và nói rằng ông đã trả tất cả các khoản thuế đúng luật.
Đây không phải lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Ukraine dính đến nghi ngờ trốn thuế. Trước đó, vào năm 2016, cục thuế nước này đã tuyên bố xem xét tài liệu liên quan đến tài sản nước ngoài của Tổng thống Petro Poroshenko trong Hồ sơ Panama do có nghi vấn ông gửi tài sản vào quỹ ủy thác ở nước ngoài để giảm thiểu thuế.
Ông Alexander Danyluk từng là Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, và được bổ nhiệm là người đứng đầu Bộ Tài chính nước này sau khi Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn thành phần Nội các mới với người đứng đầu là Thủ tướng Vladimir Groisman vào tháng 4/2016.(Infonet)
--------------------------------
Nga xát muối nỗi buồn Mỹ ở Campuchia
Theo hãng tin Nga, mối quan hệ giữa Mỹ và Campuchia đang trở nên xấu đi nhanh chóng ngay trong năm 2017.
Hãng tin Ria Novosti của Nga ngày 24/8 cho biết sau mối bất hòa với Philippines, lại xuất hiện thêm một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á chỉ trích gay gắt Mỹ. Chính quyền Campuchia cáo buộc Mỹ áp dụng chính sách "tàn nhẫn'', cũng như "can thiệp vào công việc của nước khác".
Căng thẳng này liên quan tới sự hỗ trợ mà Washington cam kết dành cho phe đối lập Campuchia trước thềm bầu cử.
Theo hãng tin Nga, mối quan hệ giữa Mỹ và Campuchia đang trở nên xấu đi nhanh chóng ngay trong năm 2017. Cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia, được ấn định vào tháng 7/2018, đang đến gần. Chính quyền Campuchia cho rằng Washington đặt hy vọng vào đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) đối lập, vốn đang nhận được sự ủng hộ tại các thành phố.
Các cuộc bầu cử xã, phường tại Campuchia diễn ra cách đây mấy tháng đã mang thành công cho lực lượng đối lập với chính phủ đương nhiệm. Tuy nhiên, đa số cử tri Campuchia lại ủng hộ Thủ tướng Hun Sen.
Hồi những năm 1990 và 2000, tổ chức phi thương mại Viện Dân chủ Quốc gia (NED) do cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright lãnh đạo có ảnh hưởng đặc biệt tại Campuchia. Tuy nhiên, sau đó NED đã bị cấm hoạt động tại Campuchia với lý do chưa được đăng ký.
Cùng với NED, 3 tờ báo liên quan tới Mỹ cũng bị đe dọa. Một trong số đó là tờ báo tiếng Anh Cambodia Daily bị Chính quyền Campuchia yêu cầu thanh toán khoản thuế lên tới 6 triệu USD, nếu không họ phải ra đi.
Ria Novosti cho rằng bước chuyển đột ngột đầy bất ngờ từ lời nói tới hành động trong mối quan hệ giữa Campuchia và Mỹ là kết quả của sự kết hợp các vấn đề trong nước với bối cảnh đối ngoại căng thẳng. Sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang trải qua giai đoạn sóng gió. Washington đang xem xét khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Bắc Kinh.
Các chuyên gia Nga cho rằng Washington đang đặt kỳ vọng và hỗ trợ nhóm quyền uy sẽ lên nắm quyền tại Campuchia để làm phức tạp hóa các mối quan hệ của quốc gia này với các nước láng giềng.
Một cố vấn quân sự Trung Quốc trao quân hàm cho một học viên Campuchia tốt nghiệp Học viện Lục quân ở tỉnh Kampong Speu
Theo Ria Novosti, CNRP đang nhận tiền tài trợ từ Mỹ, còn Thủ tướng Hun Sen với vai trò là nhà lãnh đạo đất nước đã có phản ứng theo cách riêng của mình. Ngõ cụt đang hiện rõ khi hệ thống lưỡng đảng tại Campuchia diễn biến phức tạp. Phe đối lập cáo buộc chính quyền thao túng các cuộc bầu cử song lại tự mình làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn khi thể hiện thái độ bất mãn, vô trách nhiệm liên quan tới chương trình nghị sự của chính mình.
RIA Novosti dẫn lời Giám đốc Trung tâm Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trực thuộc Học viện Ngoại giao Quốc gia Moscow (MGIMO)Victor Sumskiy cho rằng ông Hun Sen đang phát đi tín hiệu với phe đối lập trước thềm bầu cử.
Theo hãng tin Nga, Phnom Penh muốn cho người Mỹ hiểu rõ ràng rằng những người được Washington đỡ đầu ở Campuchia trước thềm bầu cử năm 2018 nếu vượt qua giới hạn đỏ nào đấy thì họ sẽ "không khách sáo".(ĐVO)
------------------------------
Myanmar: Phiến quân đánh đồn cảnh sát, 12 người chết
Ngày 25-8, người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar đã tấn công vào 24 đồn cảnh sát và một căn cứ quân sự ở bang Rakhine, phía tây bắc nước này khiến 5 cảnh sát và 7 tay súng Hồi giáo thiệt mạng
Theo Reuters, các tay súng đã phối hợp tấn công vào 24 đồn cảnh sát ở khắp bang và âm mưu đột nhập vào một căn cứ quân sự.
Đây là vụ việc mới nhất xảy ra trong bối cảnh bạo lực căng thẳng gia tăng giữa lực lượng chính phủ và người thiểu số Hồi giáo Rohingya ở Myanmar. Hồi tháng 10-2016 cũng từng xảy ra một vụ tấn công tương tự khiến 9 cảnh sát thiệt mạng. Chính quyền đã thẳng tay đáp trả, tuy nhiên cũng nhận nhiều chỉ trích vì quân đội chính phủ vi phạm nhân quyền, hãm hiếp và hành quyết người Rohingya.
Quân nổi loạn Myanmar tấn công vào các đồn cảnh sát và căn cứ quân sự khiến 5 cảnh sát thiệt mạng. Ảnh: REUTERS
Chiến dịch phản công này của chính phủ đã khiến 87.000 người Rohingya phải bỏ chạy sang Bangladesh. Chính phủ Myanmar đã đã phủ nhận báo cáo của Liên Hợp Quốc chỉ trích nước này vi phạm nhân quyền hồi tháng 2-2017.
"Thông tin ban đầu cho thấy có ít nhất 5 cảnh sát đã bị giết, hai khẩu súng bị lấy đi và 7 thi thể của các tay súng người Bengali đã bị thu giữ", một tuyên bố của chính phủ cho biết. “Bengali” là từ mà chính phủ Myanmar dùng để nhắc đến người Rohingya.
Trong một vụ tấn công, 150 đối tượng đã tìm cách đột nhập vào một căn cứ quân đội trong khi ném bom vào một căn cứ khác.
Thông báo từ chính phủ cho biết: "Các phần tử cực đoan người Bengali đã tấn công bằng bom vào một đồn cảnh sát ở khu vực Maungdaw, phía bắc bang Rakhine và phối hợp tấn công vào một số đồn cảnh sát khác vào lúc 1 giờ sáng”.
Cảnh sát bảo vệ trật tự khu vực khi cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan đến thăm TP Sittwe, bang Rakhine, Myanmar. Ảnh: SCMP
Vụ tấn công diễn ra một ngày sau khi Ủy ban Cố vấn do cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan lãnh đạo công bố báo cáo cuối cùng về xung đột sắc tộc và tôn giáo ở Myanmar. Báo cáo này cảnh báo việc người Hồi giáo Rohingya có thể trở nên quá khích nếu tình hình diễn ra trầm trọng hơn.
Hàng trăm binh lính đã được điều động tới khu vực này hồi đầu tháng 8 để đàn áp phiến quân nổi loạn và xoa dịu tình hình căng thẳng giữa người Rohingya và cộng đồng Phật giáo trong khu vực.(PLO)