Trung Quốc bất ngờ nhập nhiều than Triều Tiên; Mỹ khen Trung Quốc có 'tiến bộ' trong vấn đề Triều Tiên; 4,7 triệu thanh niên Triều Tiên muốn nhập ngũ đánh Mỹ
Tin thế giới đáng chú ý 30-09-2017
- Cập nhật : 30/09/2017
Nóng trên biên giới Ấn Độ - Pakistan
Ấn Độ kéo 100 xe tăng T-72 và thiết giáp của Nga lên biên giới với Pakistan, khi Trung Quốc-Pakistan đang tập trận chung.
Trang Sputnik thông tin, hôm 27/9, Ấn Độ đã triển khai một đơn vị bộ binh cùng các vũ khí hạng nặng tới điểm nóng trên biên giới với Pakistan, nhằm bảo vệ và cảnh báo chống lại bất cứ sự khiêu khích nào từ quốc gia láng giềng nhằm giúp đỡ những phần tử khủng bố vượt qua Đường ranh kiểm soát (LoC).
Ấn Độ triển khai hơn 460 xe tăng chiến đấu chính dọc theo biên giới với Pakistan. Ảnh minh họa: Daily Pakistan
Lực lượng tác chiến được điều tới biên giới với Pakistan được giao nhiệm vụ chống lại bất kỳ hành động nào của quân đội Pakistan trong khu vực Chamb-Jaurian, Tây Nam bang Jammu và Kashmir, nơi xảy ra cuộc chiến năm 1965 và 1971 giữa hai nước.
Lực lượng có kinh nghiệm chiến đấu dày dặn này chính là Sư đoàn Bộ binh số 10 nay đã được cải tổ lại với tên gọi là RAPID, có khả năng tổ chức các cuộc tấn công khốc liệt và ứng phó với cuộc chiến tranh sinh học, hóa học hay hạt nhân.
Lực lượng RAPID cùng 100 xe tăng T-72 và 100 xe thiết giáp do Nga chế tạo đã được điều tới khu vực Akhnoor ở biên giới Ấn Độ - Pakistan.
Động thái mới nhất của Ấn Độ diễn ra khi Pakistan và Trung Quốc đang thực hiện cuộc tập trận chung kéo dài gần hết tháng 9 (từ ngày 5-25/9) ở biên giới hai nước thuộc tỉnh Tân Cương, tỉnh cực Tây của Trung Quốc.
Cuộc tập trận mang tên Shaheen-6 là cuộc tập trận diễn ra hàng năm giữa Không quân Pakistan(PAF) và Không quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF).
Phía Trung Quốc cho hay, cuộc diễn tập này được diễn ra với mục đích đào tạo tấn công các mục tiêu phòng thủ mặt đất cách xa hàng trăm km.
Các máy bay có mặt trong đợt tập trận chung giữa Pakistan- Trung Quốc gồm máy bay phản lực Shenyang J-11 của Thổ Nhĩ Kỳ (Sukhoi Su-27), máy bay ném bom Xian JH-7, máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không KJ-200 của Trung Quốc, máy bay tiêm kích hạng nhẹ JF-17 Thunder.
JF-17 hay Joint Fighter-17 là một mẫu máy bay tiêm kích đa vai trò, được phát triển bởi Trung Quốc và Pakistan.
Đáng chú ý là Phó Tư lệnh Không lực Nam bộ của PAF là Haseeb Paracha đã trực tiếp lái máy bay chiến đấu J-11B của Trung Quốc trong cuộc tập trận này. Đây là lần đầu tiên một phi công Pakistan lái một chiếc máy bay Trung Quốc, một cử chỉ tượng trưng cho mối liên kết chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Islamabad.
Các hoạt động hợp tác và trao đổi quân sự giữa Trung Quốc và Pakistan đã giúp làm sâu sắc quan hệ hợp tác giữa quân đội hai bên.
Song đồng thời nó cũng làm dấy lên các lo ngại từ phía người láng giềng Ấn Độ.
Sputnik nhận định, các cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan đang ngày càng gia tăng khiến khu vực Kashmir dễ bùng nổ chiến tranh.
Hồi đầu năm, Ấn Độ đã lên kế hoạch chuẩn bị triển khai hơn 460 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 đến biên giới với Pakistan nhằm để đề phòng trường hợp xảy ra chiến tranh bất ngờ với Islamabad.
Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ - Tướng Gen Bipin Rawat cảnh báo Islamabad nên ngừng trợ giúp lực lượng khủng bố vượt qua tuyến đường kiểm soát.
Ông cũng cho biết, New Delhi đã chuẩn bị sẵn sàng một loạt các biện pháp để trả đũa Pakistan, bao gồm việc Islamabad tiến hành "tấn công phẫu thuật" đối với New Delhi vào năm ngoái.
"Ấn Độ đã triển khai hoạt động chống khủng bố ở khu vực biên giới, quân đội đã sẵn sàng đánh bại kẻ địch xâm phạm lãnh thổ và chôn vùi chúng dưới lòng đất" - ông Rawat nói.
Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi ngày 20/9 cho biết, Islamabad có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn bất kỳ nỗ lực tấn công của New Delhi vào lãnh thổ Pakistan.
"Chúng tôi đã phát triển các vũ khí hạt nhân tầm ngắn như là một đối trọng với học thuyết Khởi đầu Lạnh (Cold Start) mà Ấn Độ đã phát triển" - Thủ tướng Abbasi nói.
Học thuyết trên là một chiến lược quân sự của Ấn Độ nhằm tấn công Pakistan bằng một cuộc chiến chớp nhoáng nhưng không gây ra rủi ro xung đột hạt nhân.
Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khurram Dastgir Khan cũng đã đưa ra lời buộc tội Ấn Độ, đổ lỗi cho New Delhi về các hoạt động khủng bố và phá hoại hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan.
Trong phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa qua, đại diện hai nước cũng tiếp tục khẩu chiến căng thẳng.
Sau khi Ngoại trưởng Ấn Độ cáo buộc Pakistan là "công xưởng sản xuất khủng bố xuất sắc" thì đại diện thường trực tại Liên hợp quốc của Pakistan đáp trả rằng, Ấn Độ là "khởi nguồn của chủ nghĩa khủng bố Nam Á".(Baodatviet)
---------------------
Ngoại trưởng Mỹ đến Trung Quốc và sứ mệnh ‘giải mã’
Cuối tuần này Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ có chuyến công du thứ hai đến Trung Quốc (TQ) trong gần chín tháng qua, theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hành trang ông Tillerson mang đến TQ sẽ là đối thoại về thương mại hai nước và vấn đề căng thẳng Triều Tiên. Đây cũng là chuyến đi tạo tiền đề cho chuyến thăm chính thức vào tháng 11 tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Tillerson đến TQ trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đang leo thang chưa thấy điểm dừng, khi cuộc khẩu chiến qua lại giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên ngày càng nghiêm trọng. Ông Tillerson chắc chắn sẽ không quên nhắc lại yêu cầu của Mỹ muốn TQ mạnh tay hơn với Triều Tiên. TQ ngày 25-9 cũng đã đón Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross với nỗ lực cải thiện quan hệ thương mại hai nước còn nhiều bất đồng. Tháng trước, Washington tuyên bố sẽ điều tra thương mại Mỹ-Trung. Động thái được xem là để tăng áp lực với Bắc Kinh không được nhân nhượng với Bình Nhưỡng.
Ngoài cuộc gặp với ông Vương Nghị, ông Tillerson sẽ còn gặp Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì. Theo chuyên gia quan hệ đối ngoại TQ Sow Keat Tok, ĐH Melbourne (Úc), chuyến công du lần này của ông Tillerson được theo dõi rất sát sao. Dù Bộ Ngoại giao Mỹ không chính thức đề cập nhưng một nhiệm vụ quan trọng của ông Tillerson khi sang TQ lần này sẽ “giải mã” những diễn biến sắp tới tại kỳ đại hội đảng Cộng sản TQ vào ngày 18-10. Cũng theo chuyên gia Sow Keat Tok, việc ông Trump đến TQ sau sự kiện đại hội đảng rất quan trọng khi tiếp ông Trump bên cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình còn có thêm dàn lãnh đạo mới.
Ở chiều ngược lại, TQ cũng muốn nhân chuyến thăm của ông Tillerson có thể giải mã chính sách đối ngoại của Mỹ. Việc chính phủ ông Trump thiếu sự rõ ràng trong chính sách đối ngoại không phải là điều mới mẻ. Tổng thống Trump nhiều lần lên tiếng ngược quan điểm phát ngôn của các thành viên khác trong chính phủ, kể cả của ông Tillerson. Sự không chắc chắn này khiến nhiều nước, kể cả Triều Tiên cũng cảm thấy mơ hồ. Tờ The Washington Post ngày 26-9 tiết lộ một số quan chức Triều Tiên đã gặp các nhà phân tích liên quan đến đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump để minh định lại quan điểm chính sách đối ngoại Mỹ hiện nay.(PLO)
--------------------
Ông Abe đối đầu "bông hồng thép"
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 28-9 chính thức giải tán Hạ viện, mở đường cho cuộc tổng tuyển cử sớm được ấn định vào ngày 22-10.
Có thời gian lãnh đạo đất nước mặt trời mọc tổng cộng gần 6 năm, vị thủ tướng 63 tuổi chưa bao giờ nắm chắc quyền lực hơn lúc này. Đảng đối lập xào xáo khó lòng cứu vãn và sự ủng hộ gia tăng cho liên minh cầm quyền - do Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông dẫn đầu. Điều này phần nào là lý do cho quyết định được coi là chiến lược của ông Abe nói trên trong khi nhiệm kỳ hiện tại của Hạ viện Nhật Bản lẽ ra phải tới tháng 12-2018 mới kết thúc.
Tuy nhiên, theo trang Quartz, đó là trước khi nữ thị trưởng tiếng tăm của Tokyo Yuriko Koike bước vào cuộc chơi và chính thức thông báo thành lập Đảng Hy vọng để cạnh tranh với LDP hôm 27-9. Từng là thành viên của LDP và là "bóng hồng" đầu tiên đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nữ chính trị gia được mệnh danh "bông hồng thép" của chính trường Nhật Bản trở thành thị trưởng Tokyo hồi năm ngoái, sau khi Đảng Tokyo Citizens First (Công dân Tokyo trước tiên) của bà đánh bại LDP tại cuộc bầu cử Hội đồng TP Tokyo tháng 7-2016.
Đang cầm trịch nền kinh tế thành phố lớn nhất thế giới, bà Koike nay "hy vọng" sẽ nâng sự thành công ở Tokyo của mình lên tầm quốc gia.
Các lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập tại Nhật Bản nói họ sẽ "hoàn toàn ủng hộ" Đảng Hy vọng. Họ sẽ không cử ứng viên và cho phép thành viên Dân chủ tranh cử "dưới ngọn cờ Hy vọng". Thậm chí, còn có một thành viên của LDP cũng "đào thoát" sang đảng mới thành lập được vài ngày của bà Koike.
Bà Yuriko Koike (giữa) chính thức thành lập Đảng Hy vọng hôm 27-9 Ảnh: KYODO
Theo trang Bloomberg, đảng mới của bà Koike muốn hoãn tăng thuế tiêu dùng bởi những rủi ro kinh tế và loại bỏ dần điện hạt nhân, nguồn cơn của những bất an lan rộng ở nước này kể từ thảm họa Fukushima 2011. Ngược lại, LDP chủ trương tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân, đưa năng lượng nguyên tử đạt tới 22% trong tổng nguồn cung cấp điện quốc gia tới năm 2030. Theo một khảo sát của báo Mainichi trong ngày 26 và 27-9, 18% người được hỏi nói rằng họ sẽ bầu cho đảng của bà Koike, xếp thứ 2 sau LDP (29%). Trong khảo sát của tờ Asahi, tỉ lệ này là 13% và 32%.
Giới quan sát nhận định ông Abe đang tìm cách tranh thủ "cú hích" từ việc Triều Tiên phóng tên lửa qua Nhật Bản gần đây - vốn bất ngờ đẩy tăng tỉ lệ ủng hộ đối với đương kim thủ tướng sau khoảng thời gian sụt giảm vì hàng loạt bê bối và sai sót trước đó.
Tuy nhiên, theo ông Amir Anvarzadeh, một chuyên gia của Công ty Dịch vụ tài chính toàn cầu BGC Partners tại Singapore, LDP không thể xem nhẹ khi thị trưởng Tokyo nhân rộng chính sách của bà trên toàn quốc để hình thành phe đối lập hùng mạnh. Vị chuyên gia còn cho rằng ông Abe thậm chí đối mặt với số phận tương tự Thủ tướng Anh Theresa May, người đã không giành được thế đa số tại quốc hội trong cuộc bầu cử sớm hồi tháng 6.
Số ghế tại Hạ viện Nhật Bản sẽ giảm từ 475 xuống còn 465 trong cuộc bầu cử sắp tới. Theo Nikkei, LDP hiện có thế đa số với 287 ghế và liên minh với Đảng Komeito, 35 ghế, để giữ thế "siêu" đa số. Ông Abe đặt mục tiêu liên minh cầm quyền giành ít nhất 233 ghế. Nếu LDP thất bại trong việc duy trì thế đa số và phụ thuộc vào sự ủng hộ từ Komeito, ông Abe có thể bị chính các thành viên LDP kêu gọi từ chức thủ tướng. (NLĐ)