Mông Cổ đề nghị giúp Nhật và Triều Tiên đàm phán; Tên lửa Triều Tiên suýt trúng máy bay Pháp; Mỹ bất ngờ xuống nước với Triều Tiên, Trung Quốc
Tin thế giới đáng chú ý chiều 02-08-2017
- Cập nhật : 02/08/2017
Hiện đại hóa, quân đội Trung Quốc vẫn khó đủ sức đọ với Nga, Mỹ
Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc đang hiện đại hóa mạnh mẽ quân đội, nhưng chưa thể sánh ngang các cường quốc quân sự hàng đầu.
Quân đội Trung Quốc duyệt binh quy mô lớn hôm 30/7 để kỷ niệm 90 năm ngày thành lập, với sự tham gia của 12.000 binh sĩ và những khí tài hiện đại nhất trong biên chế. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng dù đã đầu tư nhiều tiền của trong công cuộc hiện đại hóa, quân đội Trung Quốc vẫn chưa thể sánh được với các đối thủ lớn về năng lực tác chiến, theo SCMP.
Các chiến lược gia Trung Quốc đang tiến hành hiện đại hóa quân đội, tập trung vào phát triển năng lực để vô hiệu hóa ưu thế chiến trường của Mỹ, cũng như khai thác điểm yếu của nước này. Bắc Kinh đặc biệt chú ý đến lực lượng không quân và hải quân, nhằm thực hiện tham vọng vươn ra biển lớn, cạnh tranh sức mạnh với hải quân Mỹ.
Dù vẫn đầu tư cho các hệ thống vũ khí chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD), quân đội Trung Quốc đã mở rộng phạm vi hoạt động, từ phòng thủ bờ biển sang tác chiến ngoài khơi, giúp họ bảo vệ tuyến liên lạc và giao thương hải hải.
Tuy nhiên, giới quân sự đánh giá Trung Quốc vẫn đang trong quá trình phát triển thành lực lượng quy mô toàn cầu, còn mất nhiều thời gian mới có thể thách thức sự thống trị trên biển của Mỹ.
Theo đó, khi đánh giá năng lực quân sự một quốc gia, bên cạnh số lượng máy bay, tàu chiến, xe tăng và binh sĩ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, học thuyết tác chiến, biên chế, lãnh đạo, nhân sự và cơ sở vật chất là những thước đo quan trọng để đánh giá khả năng chiến đấu tổng thể.
Theo tiêu chí này, quân đội Trung Quốc đã đạt nhiều bước tiến đáng kể về cơ sở vật chất, binh sĩ chuyển từ lực lượng đông đảo với trình độ kém thành đội quân tinh gọn, được đào tạo bài bản như phương Tây. Tuy nhiên, bình luận viên Cary Huang cho rằng học thuyết, cách tổ chức, huấn luyện và khả năng chỉ huy của Trung Quốc vẫn kém xa Mỹ và các đối thủ.(Vnexpress)
---------------------------
Ấn Độ sợ bị Trung Quốc 'cắt cổ gà' trên mái nhà của thế giới
Chủ Nhật 30/07 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến căn cứ Chu Nhật Hòa (Zhurihe), ở Khu tự trị Nội Mông để chứng kiến lễ duyệt binh và diễn tập quân sự lớn nhất từ nhiều năm, theo BBC.
Dù cuộc duyệt binh có trình diễn phi cơ và thiết giáp đời mới để đánh dấu 90 năm ngày Bát Nhất, ngày thành lập Quân Giải phóng, các báo quốc tế nói đây là dịp để Trung Quốc "thể hiện sức mạnh".
Sự kiện này diễn ra khi Trung Quốc đang cùng lúc dính líu vào ít nhất hai điểm nóng: Biển Đông và Himalayas.
Ông Tập Cận Bình không nói đến xung đột nào cụ thể nhưng cảnh cáo "kẻ xâm lăng" và nói Quân Giải phóng "có đủ sự tự tin cùng khả năng đánh bại kẻ thù nào dám xúc phạm" Trung Quốc, theo các hãng thông tấn.
Trang Global Times thì cảnh cáo Ấn Độ rằng "Quân đội Trung Quốc không biết lùi bước".
Đối mặt trên mái nhà của thế giới
Nếu như tranh chấp Biển Đông đã là vấn đề có từ mấy năm nay, xung đột ở biên giới Trung Quốc - Bhutan - Ấn Độ chỉ bùng lên từ tháng 6 năm nay.
Theo phóng viên BBC Soutik Biswas từ Dehli từ vấn đề nảy sinh vào giữa tháng 6 sau khi Trung Quốc nới một đoạn đường bộ ở biên giới lên cao nguyên mà Ấn Độ gọi là Doklam và Trung Quốc gọi là Đồng Lãng.
Đây là điểm ba biên giới giữa Tây Tạng thuộc Trung Quốc, bang Sikkim của Ấn Độ và Vương quốc Bhutan.
Cả bình nguyên này là vùng còn tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan về đường biên trên bộ.
Lý do là hai bên diễn giải hoàn toàn khác nhau bản thỏa thuận biên giới Anh Quốc ký với nhà Thanh vào cuối thế kỷ 19.
Từ năm 1984 đã có rất nhiều vòng đàm phán nhưng Trung Quốc và Bhutan không đồng ý được với nhau.
Bhutan cũng bác bỏ một đề nghị của Trung Quốc đổi các mảnh đất núi cao khác nhau.
Ấn Độ thì luôn ủng hộ Bhutan trong các vấn đề khu vực.
Dấu ấn chiến tranh và cuộc xung đột mới
Vùng núi này cũng là nơi xảy ra cuộc chiến Trung - Ấn năm 1962, làm chết vài trăm lính Ấn.
Trong tháng 6 vừa qua, sau khi có tin Trung Quốc đưa quân đội và các nhóm làm đường lên xây tuyến đường bộ tại cao nguyên này, Ấn Độ đã đưa quân lính lên chặn lại.
Cho đến tháng 7 vừa qua, chừng 300 quân mỗi bên đối mặt nhau ở điểm cách nhau chừng 130 mét.
Ấn Độ lo ngại rằng một khi xây xong con đường, Trung Quốc sẽ có thể có lối vào chặn Hành lang Siliguri, còn gọi là Cổ Gà (Chicken's Neck).
Dải đất dài 200 km này có chỗ chỉ rộng 17 km, nối Tây Bengal của Ấn Độ với vùng Đông Bắc (Sikkim, Assam, Arunachal Pradesh) và là trục giao thông duy nhất từ Ấn Độ sang Bhutan và Bangladesh trên bộ.
Nay, như một quan chức ngoại giao Ấn Độ nói với báo Anh, tờ Sunday Times hôm 30/07, Ấn Độ lo ngại Trung Quốc xây các con đường nối dài này là cách để "cắt cổ gà" và gây sức ép tiếp tục lên Bhutan về lãnh thổ.
Theo ông Tenzing Lamsang, chủ biên báo The Bhutanese ở Thimphu, Bhutan, vương quốc này đã nhiều lần bác bỏ các đề nghị của Trung Quốc.
Trung thành với quyền lợi an ninh của đồng minh Ấn Độ và dù có 477 km biên giới với Trung Quốc, Bhutan đã từng kiên quyết bác bỏ đề nghị gói đầu tư khổng lồ từ Bắc Kinh.
Cả Bhutan và Ấn Độ bác bỏ sáng kiến Một Vành đai Một Con đường của ông Tập Cận Bình.
Kể từ cuộc chiến Trung - Ấn năm 1962, Trung Quốc chưa bao giờ dám đưa quân vào biên giới Bhutan.
Nhưng tình hình có thể thay đổi.
Viết trên báo India Times, tác giả Shaurya Karanbir Gurung cho rằng cộng với tuyến xe lửa từ Lhasa đến Yalong, Trung Quốc xây các con đường bộ để tạo vị thế chiến lược kiểm soát Hành lang "Cổ Gà".
"Nếu con đường bộ ở Doklam được nối với Yadong thì cơ hội Trung Quốc chặn họng hành lang này tăng lên nhiều."
Nhưng Shaurya Karanbir Gurung cũng chỉ ra rằng việc cơi nới tuyến giao thông trên vùng núi Himalayas không hẳn đã làm cho Trung Quốc an toàn hơn nếu có xung đột quân sự.
"Các tuyến xe lửa và đường bộ của Trung Quốc ở Thung lũng Chumbi là mục tiêu dễ dàng cho pháo kích hoặc không kích từ bang Sikkim hay từ Bhutan..."
Và nếu chiếm giữ cung đường tại đây, việc duy trì và tiếp liệu cho quân lính về lâu dài sẽ làm tăng chi phí cho Trung Quốc, tác giả Ấn Độ nhận xét.
Hiện chưa rõ căng thẳng này sẽ được giải quyết ra sao và trong khi quân đội Trung - Ấn đối mặt ở độ cao 11 nghìn mét, người ta chờ đợi các giải pháp ngoại giao.
Dự kiến Bắc Kinh và Dehli sẽ tận dụng cuộc họp khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vào tháng 9 này để nói chuyện.
Nhưng theo Sunday Times, ngôn từ của Trung Quốc ngày càng ít ngoại giao.
Câu nói của Bộ trưởng Vương Nghị rằng "Ấn Độ biết điều thì hãy tự ứng xử và rút lui đi" hẳn không được đón nhận tốt ở Dehli, nơi Thủ tướng Narendra Modi luôn nhấn mạnh tinh thần dân tộc.(bizlive)
--------------------------
Qatar khiếu nại lên WTO về việc bị tẩy chay
Qatar đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc bị các nước Ả Rập Xê Út, Bahrain và UAE tẩy chay thương mại.
Khiếu nại này được đại diện Qatar tại WTO Ali Alwaleed al-Thani thông báo ngày 31.7, theo Reuters. Ba nước trên sẽ có thời hạn 60 ngày để bàn bạc giải quyết mâu thuẫn hoặc sẽ phải đối mặt với việc bị kiện tại WTO hoặc bị Qatar trừng phạt trả đũa.
Trong khiếu nại, Qatar viết về hành nỗ lực gây cô lập của 3 nước được nêu tên và cho rằng những nước này ngăn cản quyền trao đổi hàng hóa, dịch vụ và sở hữu trí tuệ của Qatar.
Trước đó, các nước trên đã viện dẫn lý do an ninh quốc gia, cáo buộc Qatar tài trợ khủng bố và thông báo với WTO về việc tẩy chay hợp tác thương mại với Doha, bao gồm cấm vận đường bộ, đường biển lẫn đường hàng không.
Đơn khiếu nại không nêu rõ các biện pháp trừng phạt tra đũa tiềm tàng của Qatar. Tuy nhiên, ông al-Thani nhấn mạnh mong muốn các nước trên sẽ bàn bạc và tìm ra cách giải quyết mâu thuẫn.
Ai Cập không bị nhắc tên trong khiếu nại này dù cũng là nước tẩy chay Qatar. Ông al-Thani không giải thích lý do của việc này nhưng khẳng định mọi lựa chọn đều có thể xảy ra.(Thanhnien)
-------------------------
Nhật phản đối Trung Quốc hoạt động tại mỏ khí đốt ở Hoa Đông
Nhật trao công hàm phản đối Trung Quốc về hoạt động khả nghi tại vùng biển giàu khí đốt ở biển Hoa Đông.
"Chúng tôi xác nhận Trung Quốc đang tham gia một số hoạt động khi có các tàu khoan dầu di động dừng lại" gần đường trung bình phân chia vùng đặc quyền kinh tế của hai nước tại khu vực, AFP dẫn lời Yoshihide Suga, Chánh văn phòng Nội các Nhật, hôm nay cho biết. "Thật hết sức đáng tiếc khi Trung Quốc đơn phương tiếp tục hoạt động khai thác của mình".
Ngoại trưởng Fumio Kishida cho hay Nhật trao công hàm phản đối hồi tháng trước, sau khi phát hiện hoạt động, nhưng không nói rõ tàu Trung Quốc có hành động cụ thể gì. Đây là lần đầu tiên tàu khoan dầu di động của Trung Quốc được nhìn thấy gần đường trung bình kể từ tháng 10/2016.
Đến nay, Trung Quốc đã lập 16 giàn khoan ở phần của nước này gần đường trung bình, Asahi Shimbun đưa tin. Tokyo lo ngại Trung Quốc có thể khai thác tài nguyên bên dưới phần của Nhật phía bên kia đường trung bình.
Ông Suga hối thúc Trung Quốc nhanh chóng nối lại cuộc đàm phán đã bị đình chỉ, dựa trên thoả thuận song phương 2008 về khai thác chung khí đốt tại khu vực.
Hai nước từ lâu tranh chấp xung quanh chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Chuỗi đảo hiện do Nhật quản lý.
Tokyo và Bắc Kinh hồi tháng 6/2008 nhất trí hợp tác về các nguồn dầu khí trong khu vực, nhưng đàm phán bị dừng hai năm sau đó trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, và đến nay chưa được nối lại.
Mỏ khí đốt trong thoả thuận khai thác chung nằm tại khu vực hai vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn. Nhật cho rằng đường trung bình giữa hai nước nên là đường đánh dấu giới hạn của các vùng đặc quyền kinh tế. Nhưng Trung Quốc khăng khăng đường ranh giới phải được vẽ gần Nhật hơn, khi xét đến thềm lục địa và các thực thể khác trên biển. (Vnexpress)
-------------------------------