Ngoại trưởng Trung Quốc: Ông Tập coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam; Tổng thống Philippines Duterte gọi Nhật là ‘bạn thân hơn cả anh em’; Iran bắt tay Nga cô lập Mỹ; Mỹ xác định 6 quan chức Nga dính líu tới vụ tấn công mạng bầu cử Tổng thống 2016
Tin thế giới đáng chú ý chiều 02-11-2017
- Cập nhật : 02/11/2017
F-22 diệt Su-30SM khi máy bay Nga chưa kịp phát hiện
Theo chuyên gia quân sự Nga Konstantin Sivkov, tiêm kích Su-30SM sở hữu những tính năng vượt trội so với F-22. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.
Nhận định của chuyên gia Konstantin Sivkov được đưa ra khi trả lời phỏng vấn của Hãng tin 5-tv.ru. Một trong những điểm ưu việt của Su-30SM trước F-22 đó là việc được trang bị đài vô tuyến điện cực tối tân.
Với gói trang bị sẽ này cho phép tiêm kích Su-30SM phát hiện và tấn công mục tiêu ở khoảng cách lớn. Nói cách khác, Su-30SM thực sự có khả năng tiến hành tấn công trước khi bị đối thủ phát hiện.
Ngoài ra, chiến đấu cơ này có thể tiêu diệt được nhiều loại mục tiêu khác nhau. Chuyên gia Konstantin Sivkov lấy ví dụ, Su-30SM có thể phát hiện ra tên lửa hành trình ở khoảng cách 120km, nhưng để phát hiện ra các máy bay ném bom thì khoảng cách này còn ấn tượng hơn khi đạt tới 300km.
Tiêm kích Su-30SM có thể phát hiện ra máy bay đối phương ở khoảng cách 150 – 200km. Rõ ràng, con số này ở các tiêm kích tàng hình của Mỹ là thấp hơn. Vị chuyên gia này khẳng định, F-15 chỉ có thể phát hiện Su-30SM ở cự ly khoảng 120km, chỉ số này đối với F-22 còn thấp hơn nữa.
Tuy nhiên, nhận định của chuyên gia Nga đã không nhận được sự đồng tình của Mỹ. Trang War Is Boring dẫn nguồn tin Không quân Mỹ cho biết, chỉ số của F-22 được chuyên gia Nga nói đến chỉ là trên những chiếc máy bay đời đầu.
Tuy nhiên, phi đội F-22 hiện tại, mọi chuyện đã khác khi chúng được trang bị hệ thống radar nâng cấp sâu. Hệ thổng radar tiêu chuẩn của F-22 hiện tại là AN/APG-77 - một trong những radar AESA tốt nhất thế giới.
Nguồn tin này cho biết, AESA (Active Electronically Scanned Array) là radar quét mảng pha điện tử chủ động. Loại radar này có khả năng phát/thu các sóng vô tuyến riêng biệt từ những module giao thoa trên ăng ten. Các phần tử trên ăng ten radar AESA có thể thay đổi tần số 1.000 lần/giây.
Những chùm tia phát đi không hoạt động ở một tần số cố định nào nên rất khó phát hiện. Đây là một trong những tính năng quan trọng để áp dụng trên máy bay tàng hình. Nhờ các phần tử thu/phát độc lập trên ăng ten nên radar AESA có độ chính xác rất cao trong phát hiện và bám bắt mục tiêu.
Radar AESA phát hiện được mục tiêu có diện tích phản hồi radar (RCS) rất nhỏ. Ngoài ra, nó còn có thể tập trung nguồn phát làm quá tải các hệ thống trinh sát điện từ của đối phương. Điều này khiến radar AESA đảm nhiệm được vai trò của một vũ khí viba.
Các module thu/phát độc lập còn cho phép radar AESA phát hiện và theo dõi đồng thời rất nhiều mục tiêu cùng lúc. Do không tập trung vào một tần số cụ thể nào nên radar AESA rất khó bị gây nhiễu. Radar AESA được nhận định là một chuẩn mực cho máy bay chiến đấu hiện đại.
AESA là một công nghệ hot mà các cường quốc trên thế giới đang đua nhau phát triển. Trong đó, Mỹ và Israel là 2 quốc gia đạt được nhiều thành tựu nhất. Hệ thống radar này có tầm phát hiện mục tiêu từ 250 đến trên 300km.
Và với khoảng cách này, tiêm kích F-22 của Mỹ có thể phát hiện và phát động tấn công Su-30SM khi máy bay Nga chưa kịp hiểu điều gì sẽ đã xảy ra với mình.(Baodatviet)
---------------------
Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thúc đẩy quan hệ Trung-Triều
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trả lời điện chúc mừng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau khi Đại hội toàn quốc đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX (Đại hội XIX) kết thúc và nói rằng ông hy vọng thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Theo KCNA, ông Tập Cận Bình viết trong một thông điệp đề ngày 1/11 rằng: "Tôi mong rằng trong tình hình mới, phía Trung Quốc sẽ nỗ lực cùng với phía Triều Tiên thúc đẩy quan hệ giữa hai đảng và hai nước hướng tới sự vững chắc lâu bền và phát triển ổn định, qua đó góp phần tích cực vào việc bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực cũng như sự thịnh vượng chung".
Trước đó, ngày 26/10, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi một lời chúc mừng hiếm hoi tới Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình, chúc ông Tập Cận Bình "thành công lớn" trong các nhiệm vụ trong tương lai, với tư cách là lãnh đạo quốc gia.
Tại Đại hội XIX, ông Tập Cận Bình đã được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.(TTXVN)
------------------
Mỹ và Nga cùng điều máy bay ném bom chiến lược đến biên giới Triều Tiên
Trong bối cảnh căng thẳng do các mối đe dọa từ “chế độ độc tài Kim Jong-un” đang ngày càng gia tăng, Mỹ và Nga đã cùng điều các máy bay ném bom đến sát lãnh thổ Triều Tiên.
Thông tin trên được tờ The Sun đưa ra, đồng thời tờ báo này cũng trích dẫn lời của Tổng Thư ký NATO Jeans Stoltenberg coi Triều Tiên là “mối đe dọa toàn cầu” và lời của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về việc Mỹ sẽ đưa ra các câu trả lời thích đáng cho bất cứ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào của Triều Tiên.
Theo tờ The Sun, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã ban hành sắc lệnh đưa các máy bay ném bom mang vũ khí hạt nhân B-2 từ sân bay của lực lượng không quân ở Whitemen, bang Missuri đến thực hiện nhiệm vụ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng đưa ra tuyên bố rằng các máy bay quân sự của Mỹ và Nhật Bản đã theo sát may bay ném bom chiến lược mang tên lửa Tu-95MS trong thời gian máy bay này thực hiện các chuyến bay theo kế hoạch trên vùng trời khu vực biển Nhật Bản và khu vực phía Tây Thái Bình Dương.
“Trong những giai đoạn nhất định khi thực hiện hành trình, phi đội TU-95MS bị theo sát bởi cặp máy bay tiêm kích F-18 của Không quân Mỹ và cặp máy bay tiêm kích F-15, F-4 và F-2A của Không quân Nhật Bản”- người phát ngôn bộ Quốc phòng Nga, thiếu tướng Igor Konashenkov, tuyên bố.
Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh rằng, mối đe dọa tấn công hạt nhân tên lửa từ Triều Tiên đã gia tăng thời gian gần đây. Ông James Mattis cũng cáo buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “đang thực hiện các chương trình hạt nhân và tên lửa trái pháp luật và không cần thiết”.
Phát biểu trong cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo tại Seoul, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis khẳng định rằng “Triều Tiên đã gia tăng mối đe dọa đối với các quốc gia láng giềng và thế giới”, đồng thời bổ sung rằng “bất cứ hình thức sử dụng vũ khí hạt nhân nào của Triều Tiên đều sẽ phải gánh chịu các đòn tấn công quân sự ồ ạt của Mỹ”.
The Sun cũng cho biết, thông tin được lan truyền đường hầm tại khu thử hạt nhân của Triều Tiên bị sập cho thấy có thể Triều Tiên lại tiến hành thử hạt nhân và vụ sập đường hầm này có thể gây ra những nguy hiểm do rò rỉ phóng xạ.
Trong khi đó, Triều Tiên khẳng định rằng họ cần vũ khí hạt nhân để chống lại các nỗ lực của Mỹ trong việc cô lập nền kinh tế nước này và lật đổ chế độ của ông Kim Jong-un.
Về phần mình, Tổng Thư ký NATO Jeans Stoltenberg coi Triều Tiên là “mối đe dọa toàn cầu”. Trong chuyến thăm đến Nhật Bản, người đứng đầu NATO cũng tuyên bố rằng NATO ủng hộ việc siết chặt các lệnh cấm vận chống Triều Tiên. Hiện ông Stoltenberg vẫn đang ở Tokyo và tiến hành các cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Bộ trưởng Quốc phòng và các quan chức cấp cao khác của Nhật Bản.(Infonet)
------------------------