Những quan chức cấp cao quân - chính - đảng này có thể vào tù sau đó, hoặc không bao giờ xuất hiện trên truyền thông nữa.
Tin thế giới đáng chú ý chiều 07-09-2017
- Cập nhật : 07/09/2017
Trung Quốc diễn tập đánh chặn tên lửa thành công
Các chuyên gia nhận định cuộc tập trận như là lời cảnh báo cho Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân mới nhất hôm 3-9.
Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), Trung Quốc đã bắn hạ thành công “các tên lửa đang lao đến” trong cuộc tập trận quân sự diễn ra vào sáng sớm ngày 5-9 tại vùng biển Bột Hải, gần bán đảo Triều Tiên.
Theo báo cáo của trang web tin tức quân sự chính thức 81.cn, cuộc tập trận bắt đầu vào lúc giữa đêm ngày 4-9, rạng sáng ngày 5-9, tức chỉ hai ngày sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân lần sáu. Không quân Trung Quốc đã bắn hạ một tên lửa được mô phỏng bay qua bầu trời vịnh Bột Hải.
Một tên lửa dưới mặt đất được phóng lên để đánh chặn các tên lửa đang bay qua vinh Bột Hải trong cuộc diễn tập của quân đội Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Trong cuộc tấn công đột ngột được mô phỏng này, các tên lửa đã bị lực lượng tên lửa Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bắn hạ chỉ trong nỗ lực đầu tiên. Trang web 81.cn không cung cấp thông tin chi tiết.
Đây là cuộc tập trận thứ ba của quân đội Trung Quốc tại vịnh Bột Hải – vịnh sâu nhất của biển Hoàng Hải nằm giữa Trung Quốc và Triều Tiên - kể từ cuối tháng 7.
Cuộc tập trận đầu tiên là cuộc tập trận hải quân kéo dài ba ngày được tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm thành lập PLA. Cuộc tập trận thứ hai kéo dài bốn ngày, được tiến hành một tuần sau vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ hai của Triều Tiên hôm 28-7.
Chuyên gia quân sự Li Jie nhận định phản ứng nhanh chóng của Trung Quốc trước vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng chính là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy Bắc Kinh lên án các hành vi khiêu khích liên tục của nước láng giềng.
“Điều này cho thấy Trung Quốc đã chuẩn bị và có thể ngăn chặn bất kỳ thế lực nào đe dọa sự ổn định trong khu vực” – ông Li nhấn mạnh.
Dù vậy, ông Li cũng thêm rằng cuộc tập trận cũng là lời cảnh báo cho Mỹ và Tổng thống Donald Trump – người nhiều lần đe dọa tấn công quân sự vào Bình Nhưỡng.
“Vào lúc này, Mỹ cũng đang kiềm chế, song Tổng thống Trump là người khó đoán và ông ấy có thể đưa ra một động thái bất ngờ. Trung Quốc chỉ có thể dựa vào việc tiến hành thêm nhiều cuộc tập trận để phô diễn sức mạnh quân sự trong bối cảnh tình hình trở nên bất ổn hơn” – chuyên gia Li nêu ý kiến.
Với vị trí địa lý gần Bắc Kinh, vịnh Bột Hải là địa điểm chiến lược cho quân đội Trung Quốc, ông Li đánh giá.
Chuyên gia Zhou Chenming làm việc tại Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng Knowfar cho hay vịnh Bột Hải cũng là địa điểm huấn luyện cho các tàu chiến và máy bay mới của Trung Quốc. Theo chuyên gia, đây cũng là lời cảnh báo tiếp theo cho Washington không nên đến quá gần biển Hoàng Hải.
“Cuộc tập trận này diễn ra ngay sau cuộc duyệt binh (tại một căn cứ huấn luyện ở vùng Nội Mông), cho thấy vũ khí của Trung Quốc đã sẵn sàng sử dụng trong chiến tranh” – ông nói.
Ông Zhou cho hay ông dự đoán Bắc Kinh sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc tập trận quân sự trong khu vực trong tương lai gần với mục đích đáp trả vụ thử hạt nhân của Triều Tiên cũng như các cuộc tập trận của Hàn Quốc trong bối cảnh căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên dâng cao.(PLO)
------------------------
Đạn của Spyder-MR Việt Nam có thể thành sát thủ không-đối-không
Việt Nam vừa bắn thử thành công hệ thống Spyder-MR - tổ hợp phòng không được trang bị loại đạn tên lửa có thể trang bị cho chiến đấu cơ.
Theo Đại tá Makar Aksenenko, Phó tiến sĩ khoa học quân sự Nga, đạn tên lửa Python-5 của hệ thống phòng không Spyder-MR hiện được phương Tây trang bị cho tiêm kích F-15 và F-16, cũng như trên tiêm kích Kfir mà Israel phát triển dựa trên mẫu tiêm kích Mirage 5 của Pháp.Vị chuyên gia này cho biết thêm, Python-5 cũng có thể tích hợp được lên tiêm kích Su-30MK2, nhưng để làm được điều đó, máy bay phải tiến hành thay thế một số thiết bị chuẩn vũ khí Nga bằng chuẩn phương Tây.
Mới đây, tờ Thời Đại đã dẫn số liệu từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố cho biết, Việt Nam đã nhận tổng cộng 125 tên lửa Python-5. Vậy số tên lửa này được trang bị cho phương tiện nào?
Theo nguồn tin này, tên lửa Python-5 là 1 trong 2 loại đạn tên lửa nằm trong hệ thống phòng không Spyder-MR Việt Nam đặt mua từ Israel. Ngoài Python-5, hệ thống Spyder-MR Việt Nam còn sử dụng đạn tên lửa có đầu tự dẫn ra đa vô tuyến chủ động Derby.
Những đạn tên lửa này có thể được khí tài trinh sát mục tiêu trên xe chỉ huy hoặc trên xe bệ phóng chỉ thị mục tiêu trước khi phóng (Lock On Before Launch) khi mục tiêu nằm trong tầm bắt bám của đầu tự dẫn trên đạn tên lửa.
Hoặc chúng tự phát hiện mục tiêu được chỉ định sau khi phóng (Lock On After Launch) khi mục tiêu nằm ngoài tầm bắt bám của đầu tự dẫn trên đạn tên lửa.
Spyder ứng dụng công nghệ truyền dữ liệu vô tuyến tự động qua băng sóng VHF/UHF, được mã hoá và kháng nhiễu giữa các xe trong tổ hợp và giữa tổ hợp với các bộ phận khác nhau của hệ thống phòng không hợp nhất từ khoảng cách 100 km.
Đây là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo mạng lưới thông tin chỉ huy kịp thời, chính xác, bí mật và an toàn của tổ hợp trong tác chiến phòng không hiện đại.
Spyder có các tính năng chống chế áp điện tử để đối phó hiệu quả và triệt tiêu ưu thế của địch trong tất cả các khâu của tác chiến phòng không từ trinh sát, phát hiện mục tiêu, đảm bảo thông tin chỉ huy và chỉ huy xạ kích.
Hiện nay, Spyder có 2 biến thể chính gồm MR và SR. Căn cứ theo những thông tin được công khai cho biết, tổ hợp Spyder-MR thích hợp để thay thế cho các hệ thống S-75 đã cũ, sắp hết niên hạn sử dụng và bổ sung, hỗ trợ, phối hợp với các tổ hợp Pechora-2TM đã nâng cấp trong lưới lửa phòng không đa tầng của Việt Nam.
Theo báo QĐND, trong cuộc diễn tập, bắn đạn thật các lực lượng phòng không năm 2017 diễn ra ngày 5/9 nhằm đánh giá thực trạng kết quả công tác huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị phòng không, lần đầu tiên hệ thống tên lửa Spyder-MR Việt Nam khai hỏa.(ĐVO)
-------------------
Nghi vấn Myanmar cài mìn ở biên giới với Bangladesh
Myanmar bị cho đã cài mìn ở gần khu vực biên giới nhằm ngăn chặn người Rohingya trở về.
Reuters ngày 6.9 dẫn nguồn tin chính phủ Bangladesh cho biết Myanmar đang cài mìn dọc theo biên giới giữa hai nước trong 3 ngày qua nhằm ngăn chặn người Hồi giáo Rohingya quay về sau khi vượt biên tránh bạo lực tại Myanmar.
Các nguồn tin này cho biết chính phủ Bangladesh sẽ chính thức phản đối việc cài mìn dọc biên giới ngay trong ngày 6.9.
Trước đó, xung đột giữa nhóm nổi dậy người Rohingya với quân chính phủ tại bang Rakhine của Myanmar đã khiến ít nhất 400 người thiệt mạng. Gần 125.000 người đã lánh nạn sang nước láng giềng Bangladesh.
“Họ đang gài mìn trên khu vực gần biên giới phía bên kia hàng rào thép gai. Các lực lượng của chúng tôi cũng thấy 3 hay 4 nhóm làm việc gần đó và chôn mìn xuống đất”, nguồn tin nói và cho biết chính phủ Bangladesh biết thông tin này qua những tin báo và hình ảnh làm bằng chứng.
Các nguồn tin không nói rõ nhóm cài mìn có mặc quân phục Myanmar không, nhưng xác định họ không phải là người Rohingya.
Sĩ quan biên phòng Bangladesh Manzurul Hassan Khan cho biết ông nghe 2 tiếng nổ phía Myanmar hôm 5.9.
Cùng ngày, một cậu bé mất chân trái được đưa sang biên giới Bangladesh để chữa trị trong khi một em khác bị thương nhẹ nghi do vụ nổ, ông Khan nói.
Một người Rohingya di cư đã đến hiện trường vụ nổ và quay phim lại một mảnh kim loại có đường kính khoảng 1 tấc cắm vào trong bùn. Người này cho rằng còn 2 thiết bị tương tự khác dưới đất. Quân đội Myanmar chưa xác nhận về vụ nổ này.(Thanhnien)
--------------------
Nga mua thêm T-90M dù đã có phiên bản A cực mạnh
Dù đã có trong trang bị chiến tăng T-90A cực mạnh nhưng Nga vẫn quyết định mua thêm phiên bản T-90M. Vậy đâu là nguyên nhân?
Theo Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov, tại triển lãm Quân đội -2017 vừa qua, Moscow đã ký tổng cộng 23 hợp đồng nhà nước và 3 hợp đồng bổ sung trị giá 170 tỷ rúp với 17 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng khác nhau.
Đáng chú ý nhất trong những hợp đồng vừa ký kết, Bộ Quốc phòng Nga và hãng Uralvagonzavod (UVZ) đã đồng ý cung cấp các xe chiến đấu yểm trợ tăng BMPT Terminator, cũng như các hợp đồng đại tu xe tăng Т-72B, Т-80BV. Đặc biệt trong số đó là dòng chiến tăng mới Т-90 phiên bản М.
Theo giới thiệu của nhà sản xuất UVZ, dù T-90A và T-90M có ngoại hình khá giống nhau nhưng chúng lại chứa đựng nhiều khác biệt khẳng định sức mạnh của từng phiên bản.
Khác biệt chính là T-90M được trang bị hệ thống chỉ huy và kiểm soát chiến đấu mới cùng với hệ thống điều khiển hỏa lực Kalina-2, có khả năng bám bắt mục tiêu tự động và máy tính điều khiển hỏa lực thế hệ mới có tốc độ và độ chính xác trong xử lý cao hơn.
Loạt hệ thống thiết bị mới này cho phép tổ lái triệt hạ mục tiêu di động, kể cả khi chính xe tăng cũng đang hành tiến, với xác suất bắn trúng gần như tuyệt đối ngay từ phát bắn đầu tiên, trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào.
Trong phân khúc phòng thủ thụ động, phần thân và cả bên sườn của T-90M được trang bị giáp phức hợp mới cùng các module giáp phản ứng nổ Relikt tích hợp, thay thế phiên bản Kontakt-5 trên T-90A.
Lớp giáp này có thể giảm 50% khả năng xuyên phá của đạn APFSDS, cũng như vô hiệu hóa đầu đạn HEAT nổ kép.
Cùng với đó, mặt trước tháp pháo còn trang bị thêm một lớp giáp lồng để chặn đầu đạn HEAT, tăng hiệu quả chống các loại đầu đạn kép của RPG-29 hay TOW-2A. Với hệ thống phòng thủ chủ động, T-90M vẫn được lắp hệ thống Shtora-1, có khả năng vô hiệu hóa mọi loại ATGM hiện nay.
Bộ đèn hồng ngoại gây nhiễu lắp ở tháp pháo đã được thu gọn đáng kể so với phiên bản T-90A, khiến đối phương khó sử dụng các loai đạn ngu để phá hủy thiết bị này.
Việc Nga vẫn tiếp tục mua thêm phiên bản mới của T-90 khiến phương Tây bất ngờ, tuy nhiên căn cứ vào trang bị hiện tại và kế hoạch tiếp nhận mới việc nhận T-90M hay phiên bản khác là hoàn toàn hợp lý.
Ngay từ năm 2015, Bộ quốc phòng Nga đã công bố kế hoạch nâng cấp khoảng 400 xe tăng T-90A sản xuất từ đầu những năm 2000. Nguyên nhân là do loạt xe tăng này sử dụng những công nghệ cũ, lại đã hoạt động trong 12-15 năm nên cần đươc hiện đại hóa.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia quân sự Nga Alexei Khlopotov nhận định, việc Bộ Quốc phòng Nga nâng cấp tăng T-90 là dấu hiệu cho thấy dòng xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata chưa thể trở thành xương sống của lực lượng tăng-thiết giáp Nga trong thời gian ngắn hạn tới.
Với việc T-14 Armata chỉ được sản xuất loạt vào cuối năm 2017 hoặc đầu 2018, do đó sớm nhất là đến năm 2025 Nga mới trang bị đủ số lượng để thay thế cho hàng trăm xe tăng thuộc các dòng đã cũ như T-72B3. Chính vì vậy, trong khi chờ đợi Armata, Bộ quốc phòng nước này đã quyết định nâng cấp T-90 và mua thêm bản T-90M.(ĐVO)