Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Nhật - Ấn đã thực sự liên thủ, Trung Quốc hãy dè chừng
Tin thế giới đáng chú ý chiều 14-09-2017
- Cập nhật : 14/09/2017
Lộ tiến trình tranh cử Tổng thống của ông Putin
Tháng 11, Tổng thống Putin sẽ tuyên bố chính thức về việc tranh cử có thể trong cuộc đối thoại với người dân.
Văn phòng Tổng thống Nga vừa tiết lộ kế hoạch tranh cử Tổng thống Nga năm 2018 của Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin, theo Vietnam PLus.
Kế hoạch tranh cử sẽ gồm hai giai đoạn.
Giai đoạn một bắt đầu từ tháng 11 tới, Tổng thống Putin sẽ tuyên bố chính thức về việc tranh cử.
Giai đoạn thứ hai sẽ là các thủ tục pháp lý để ông tranh cử với tư cách là ứng cử viên tự ứng cử trên cơ sở số lượng chữ ký cử tri ủng hộ.
Nguồn tin này còn cho biết thêm hình thức tuyên bố tranh cử chính thức sẽ được tổ chức theo kiểu một buổi giao lưu giữa người dân với tổng thống.
Còn đến giai đoạn hai có khả năng một nhân vật cốt cán của đảng “Nước Nga Thống nhất” sẽ hỗ trợ tổ chức việc lấy chữ ký ủng hộ.
Cùng ngày 12/9, nhật báo kinh tế Kommersant cũng dẫn 2 nguồn tin thân cận với Điện Kremlin tiết lộ một số cuộc họp đặc biệt, thảo luận về cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2018, đã được tổ chức vào tuần trước.
Qua đó, ông Putin sẽ trở thành ứng cử viên ra tranh cử trong hai giai đoạn.
Một là từ tháng 11/2017, ông Putin đồng ý tham gia tranh cử thêm một nhiệm kỳ. Thông báo sẽ được phát trong một sự kiện được truyền hình trực tiếp, tương tự sự kiện trả lời câu hỏi của người dân hàng năm của ông Putin.
Sau đó, nhà lãnh đạo Nga dự kiến tham dự một số sự kiện công cộng vào đầu tháng 11, chẳng hạn như Diễn đàn "Cộng đồng" do Phòng Công cộng Nga (RPC) tổ chức, "Ngày thống nhất dân tộc" (4-11) và "Ngày Cách mạng Bolshevik" (7-11).
Giai đoạn hai sẽ bao gồm các thủ tục liên quan đến việc đề cử ông Putin làm ứng cử viên tổng thống. Những thủ tục này có thể bị trì hoãn càng lâu càng tốt để làm cho cuộc chạy đua của ông Putin ngắn và hiệu quả hơn.
Theo luật pháp Nga, việc ấn định thời hạn bầu cử tổng thống sẽ diễn ra trong khoảng từ ngày 7-17/12, và chậm nhất 20 ngày sau sẽ bắt đầu đăng ký các nhóm sáng kiến với Ủy ban bầu cử trung ương.
Theo nhiều nguồn tin, thời điểm bỏ phiếu bầu tổng thống năm 2018 rất có thể sẽ được lùi lại vào ngày 18/3, tức là ngày Bán đảo Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga.
Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin và Thư ký báo chí của ông, Dmitry Peskov, nhiều lần gặp phải câu hỏi về khả năng Tổng thống Putin ra tái tranh cử vào năm 2018. Tuy nhiên, cả hai đều nói rằng còn quá sớm để thảo luận về vấn đề này.
Hôm 12/9, ông Peskov cũng tuyên bố với các phóng viên rằng thông tin của Kommersant chỉ là phỏng đoán.
Dẫu vậy, tương lai Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục trở thành Tổng thống là niềm mong mỏi của nhiều người dân Nga.
Người Nga mong chờ Tổng thống tiếp theo là Putin
Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Tổng thống Putin đã cho phép thực hiện việc để nhân dân đánh giá hiệu quả công việc của các nhân vật cốt cán trong nhà nước.
Hàng loạt các cuộc điều tra đã được thực hiện hàng tháng, thậm chí hàng tuần để duy trì sự kết nối giữa chính quyền với người dân.
Theo các cuộc khảo sát, Tổng thống Putin luôn dẫn đầu trong sự tín nhiệm của nhân dân Nga.
Kết quả điều tra hồi đầu tháng 9 của Quỹ Dư luận (FOM) cho thấy, nếu giả định rằng cuộc bầu cử Tổng thống Nga sẽ được tổ chức ngay trong Chủ nhật tuần này thì cứ ba người Nga sẽ có hai người bỏ phiếu cho vị tổng thống đương nhiệm là ông Vladimir Putin.
Hãng nghiên cứu độc lập Levada - một tổ chức phi chính phủ của Nga- công bố các số liệu khảo sát trong những năm qua cho thấy, nhà lãnh đạo Nga vượt xa các đối thủ khi nhận được sự tín nhiệm của người dân nước này.
Trong cuộc khảo sát được tổ chức vào ngày 18-22/8, ngoài 83% số người được hỏi ủng hộ Tổng thống Putin, 58% người Nga nói rằng họ tin tưởng vào ông Vladimir Putin.
Con số này không có xê dịch nhiều với khảo sát vào tuần đầu tiên của tháng 8 khi số người ủng hộ Tổng thống Putin là 83,5% và chỉ giảm chút ít so với thống kê hồi giữa tháng 7 cho thấy tỉ lệ ủng hộ là 84,1%.
Không những thế, Tổng thống Putin được lòng cả giới trẻ nước này với hơn 80% sinh viên Nga ủng hộ các chính sách của Tổng thống Putin” - thống kê của Trung tâm Xã hội học Sinh viên Nga ngày 1/8.
Theo giới phân tích, điều ấn tượng không phải nằm ở tỷ lệ tín nhiệm cao dành cho Tổng thống Putin, mà vấn đề nằm ở tỷ lệ giới trẻ dành sự ủng hộ lớn đối với nhà lãnh đạo đương thời của nước Nga.
Bởi lẽ, với lực lượng trẻ tuổi, nhiệt huyết luôn đi kèm với dao động, khát vọng luôn đi kèm với thất vọng nếu điều kiện sống ành hưởng tiêu cực đến hoài bão, ước mơ của họ. Mà hiện nay đời sống xã hội tại nước Nga đang ở “điểm dao động, điểm thất vọng” của giới trẻ Nga.
Tỷ lệ giới trẻ ủng hộ Tổng thống Putin rất cao như vậy đã khiến ông trở thành một thần tượng của giới trẻ đã nâng cao được ảnh hưởng và uy tín của nhà lãnh đạo Nga.
Tổng thống Putin cũng từng giải thích vì sao chưa tuyên bố về kế hoạch tái cử. Ông cho rằng, nếu ông tuyên bố về kế hoạch tái cử, dư luận và người dân sẽ dừng hết mọi công việc của mình lại.
"Mọi người sẽ bắt đầu suy nghĩ về điều sẽ xảy ra sau bầu cử, ai sẽ làm ở đâu. Tuy nhiên, lúc này, chúng ta phải làm việc, ai ở chỗ người đó, phải tích cực và đừng để sự chú ý lạc khỏi lĩnh vực làm việc của mình", Tổng thống Putin nói.
Đầu tháng 8, ông Putin trả lời câu hỏi từ một nhóm dân làng ở Cộng hòa Buryatia thông qua cầu truyền hình. Họ yêu cầu ông Putin trở thành ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới và ông chủ Điện Kremlin hứa sẽ xem xét khả năng đó.(Baodatviet)
-----------------------------------
Nga phóng tên lửa trúng mục tiêu cách xa 6.000 km
Hãng RT ngày 12-9 đưa tin lực lượng tên lửa chiến lược Nga vừa tiến hành phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-24 Yars sử dụng nhiên liệu rắn từ bệ phóng ở trung tâm vũ trụ Plesetsk, miền Bắc Nga, cách bán đảo Kamchatka ở Thái Bình Dương khoảng 6.000 km.
“Mục đích chính của vụ phóng là để đánh giá độ đáng tin cậy của các tên lửa cùng lớp. Các đầu đạn thử nghiệm đã bắn trúng mục tiêu tại thao trường Kura ở bán đảo Kamchatka. Tất cả mục tiêu và nhiệm vụ đều được hoàn thành” – Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một thông cáo.
Tên lửa RS-24 Yars, được trang bị từ 3 tới 6 đầu đạn, có thể tấn công các mục tiêu khác nhau nằm ở khoảng cách xa nhất là 12.000 km. Nga thử nghiệm RS-24 Yars lần đầu tiên cách đây một thập niên và đã đưa loại ICBM này vào biên chế trong các lực lượng chiến lược Nga trong bảy năm qua.
Đây là một biến thể được nâng cấp từ tên lửa đạn đạo Topol-M, loại tên lửa có thể được bắn từ mặt đất hoặc một bệ phóng di động.
Một hệ thống tên lửa RS-24 Yars của Nga. Ảnh: SPUTNIK
Đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Nga công bố kế hoạch tập trận quy mô lớn cho 11 đơn vị chiến lược trên khắp 20 khu vực. Hồi tháng 6, Nga đã thử nghiệm phóng ICBM Bulava từ tàu ngầm thành công, bắn trúng mục tiêu tại vị trí tương tự vụ thử mới nhất ở Kura.
Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, quân đội nước này đang chuyển sang sử dụng các ICBM Yars với tỉ lệ biên chế trong lực lượng tên lửa chiến lược dự kiến chiếm 72% vào cuối năm 2017.
Hãng thông tấn TASS dẫn một nguồn tin quân sự đầu tuần này tiết lộ Nga có thể sẽ thử nghiệm tên lửa mang đầu đạn nhiệt hạch siêu nặng RS-28 Sarmat vào tháng 10 tới. Loại tên lửa này dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng chính thức vào năm 2020.
Trong khi tiến hành các vụ thử nghiệm vũ khí để xây dựng kho vũ khí chiến lược hùng mạnh cho mình, các nước sở hữu vũ khí hạt nhân như Nga, Mỹ và Trung Quốc đã gây ra sự chú ý khi liên tục tiến hành các vụ thử nghiệm tên lửa gần đây giữa bối cảnh Triều Tiên đầu tư mạnh cho chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.(PLO)
---------------------------------------
Nghi vấn nghị sĩ New Zealand gốc Hoa là gián điệp
Cơ quan tình báo an ninh quốc gia New Zealand (SIS) đang điều tra một nghị sĩ gốc Hoa từng học và làm việc tại cơ sở đào tạo hàng đầu dành cho giới tình báo quân sự Trung Quốc.
Ông Dương Kiện (trái) chụp hình cùng một sĩ quan cấp cao quân đội Trung Quốc trong một sự kiện hồi năm 2015 CHỤP MÀN HÌNH FINANCIAL TIMES
Theo thông tin độc quyền của tờ Financial Times ngày 13.9, người bị điều tra là ông Dương Kiện, 55 tuổi, nghị sĩ của đảng Quốc gia New Zealand cầm quyền. Ông được bầu vào quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011.
Ông Dương sinh ra và lớn lên tại miền nam Trung Quốc, sau đó lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ Quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Úc. Đến năm 1999, ông trở thành giảng viên cao cấp ngành Chính trị học tại Đại học Auckland (New Zealand), theo tờ New Zealand Herald. Mặc dù tới năm 32 tuổi mới rời Trung Quốc nhưng hầu như không có thông tin gì về giáo dục cũng như quân sự trong lý lịch khoa học của ông Dương tại trường Đại học Aucklands.
Ông từng là học viên ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện kỹ thuật không quân của quân đội Trung Quốc (PLA) vào năm 1978. Sau khi tốt nghiệp ông ở lại giảng dạy tại trường. Theo tờ Financial Times dẫn lời ông Peter Mattis, chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Quỹ Jamestown (Mỹ) nhận định: “Tôi cho rằng ai đó dạy tại trường trên đều phải là một thành viên của PLA và Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Sau khi rời Học viện kỹ thuật không quân, ông Dương còn học tại Viện ngoại ngữ Lạc Dương – một cơ sở đào tạo hàng đầu dành cho giới tình báo quân sự Trung Quốc. Theo ông Mattis, những người từng tới trường này đều là nhân viên tình báo quân sự hoặc ít nhất có liên quan đến hệ thống đó.
Trong một bài phỏng vấn bằng tiếng Hoa với tờ Financial Times, ông Dương thừa nhận từng đào tạo và làm việc tại hai cơ sở nói trên, nhưng yêu cầu báo chí không đăng tải thông tin này với lý do “không cần phải viết quá nhiều về thông tin cá nhân”.
Sau khi tốt nghiệp ở Lạc Dương, ông còn học tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Mỹ Hopkins – Nam Kinh từ năm 1988 đến năm 1989. Trong giai đoạn này, đa số du học sinh Trung Quốc đều là sĩ quan tình báo quân đội hoặc đặc vụ Trung Quốc, theo 3 nguồn tin tình báo phương Tây.
Theo tờ Financial Times, với lý lịch của ông Dương, phải có sự đồng ý của chính quyền và quân đội Trung Quốc thì ông mới có thể ra nước ngoài sống như vậy.
Kể từ khi được bầu làm nghị sĩ, ông Dương luôn thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh. Ông từng là đại diện của New Zealand trong các chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc, đồng thời tham gia nhiều cuộc họp cấp cao giữa lãnh đạo hai nước.
Ông Dương khẳng định mình luôn trung thành với đất nước New Zealand, và nhấn mạnh rằng những thông tin liên quan đến quá trình đào tạo nói trên là "một chiến dịch bôi nhọ". Chủ tịch đảng Quốc gia, ông Peter Goodfellow thì nói rằng không biết gì về cuộc điều tra của SIS và thông tin lý lịch của ông Dương trước nay đã được công khai đầy đủ, bao gồm một khóa học ở học viện không quân.
Trong khi đó, một số chính trị gia New Zealand đã được SIS báo cáo về “mối quan tâm” của cơ quan này đối với ông Dương. Các đặc vụ SIS cũng tiến hành thẩm vấn một số người có biết về quá trình đào tạo của ông Dương.
Hồi năm 2010, giới lãnh đạo Cơ quan tình báo Canada cảnh báo một số nhân viên chính phủ chịu ảnh hưởng của nước ngoài, bao gồm Trung Quốc. Úc cũng từng lo ngại về hoạt động tình báo của Trung Quốc nhằm tăng ảnh hưởng ở nước này.
“Trong khoảng 5-10 năm qua, các cơ quan tình báo Trung Quốc đã chuyển hướng chiêu mộ một số người bình thường ở bất cứ đâu trên thế giới mà họ nghĩ có thể làm việc cho mình. Với quá trình học đó, ông Dương có thể là mục tiêu chính nếu ông ấy chưa phải là đặc vụ”.
New Zealand là thành viên của một liên minh tình báo với Anh, Canada, Mỹ và Úc. Việc ông Dương làm nghị sĩ của đảng cầm quyền trong 6 năm qua và lý lịch khoa học ít người biết trên càng khiến giới tình báo lo ngại về khả năng sẵn sàng chuẩn bị của liên minh để đối phó nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
“Trung Quốc đã rất chủ động trong những năm gần đây, bao gồm việc cài cắm và bồi dưỡng nhân sự ở cấp cơ sở tại các nước phương Tây và giúp họ có được ảnh hưởng chính trị”, theo ông Christopher Johnson, cựu chuyên gia về Trung Quốc tại Cục tình báo trung ương (CIA) và nay là cố vấn cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS).
Ông Johnson cảnh báo Trung Quốc dường như đã xem New Zealand là một tiêu dễ dàng hơn so với Mỹ hay Anh, nên có thể đang dùng chiêu thức cài cắm người như một căn cứ thử nghiệm để tiến hành chiến dịch tương lai tại các nước khác.(Thanhnien)