Việt Nam và Trung Quốc hôm nay ra thông cáo chung, nhất trí kiểm soát tốt bất đồng trên biển, gìn giữ hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Tin thế giới đáng chú ý chiều 15-05-2017
- Cập nhật : 15/05/2017
Scotland muốn tách khỏi Anh, gia nhập EU
Ngày 14/5, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho biết nếu tách khỏi Anh, bà muốn vùng lãnh thổ này là thành viên đầy đủ của Liên minh châu Âu (EU), nhưng không sử dụng đồng tiền chung Euro.
Phát biểu với hãng BBC, bà Sturgeon cho biết Scotland sẽ phải đề ra tiến trình tiếp cận EU theo từng giai đoạn, với giai đoạn đầu tiên là gia nhập Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu cùng với Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.
Theo Thủ hiến xứ Scotland, bà sẽ kêu gọi cử tri lựa chọn đảng Dân tộc Scotland của bà trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 6 tới để giúp vùng lãnh thổ này có tiếng nói có trọng lượng trong các cuộc đàm phán sắp tới về vấn đề Anh rời EU (còn gọi là Brexit) cũng như cơ hội tìm kiếm vị thế cho Scotland tại thị trường chung châu Âu duy nhất này.
Thủ hiến Sturgeon đã kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý lần thứ 2 về độc lập của Scotland sau Chính phủ Anh bác đề nghị của bà cho Scotland được hưởng miễn trừ đặc biệt là tiếp tục ở lại EU. Theo Thủ tướng Anh Theresa May, cả nước Anh đang rút khỏi EU để có thể hạn chế số người di cư từ các nước khác trong EU đến nước này. Tuy nhiên, Anh vẫn muốn duy trì quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nước thành viên EU.
Scotland có khoảng 5,3 triệu dân và có lịch sử 300 năm nằm trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 năm ngoái về Brexit, 52% người dân trên khắp Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ủng hộ việc này. Tuy nhiên, riêng tại Scotland, có đến 62% người dân xứ này lựa chọn ở lại EU. Sau đó, Thủ hiến Sturgeon nhiều lần khẳng định Scotland không muốn rời khỏi EU và quyết tâm ở lại liên minh này.
Trong các cuộc thăm dò mới, số người ủng hộ Scotland độc lập đã tăng lên, song phần lớn người dân vẫn phản đối việc tổ chức lại một cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập trước khi Anh rời khỏi mái nhà chung EU.(TTXVN)
--------------------------------
Microsoft cáo buộc Mỹ liên quan vụ tấn công mạng toàn cầu
Ngày 14/5, Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Brad Smith đã cáo buộc Chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm một phần về vụ tấn công mạng quy mô toàn cầu hôm 12/5 vừa qua.
Ông Smith, người cũng là trưởng tư vấn pháp lý của Microsoft, đã chỉ trích các cơ quan tình báo Mỹ, trong đó có Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), "tích trữ" các mã mềm có thể bị tin tặc lợi dụng. Ông kêu gọi các chính phủ cần thông báo cho các công ty phần mềm về những lỗ hổng an ninh mà họ phát hiện được, thay vì "tích trữ, bán lại hoặc khai thác sử dụng chúng". Theo ông Smith, một kịch bản tương tự với trường hợp vũ khí thông thường là việc quân đội Mỹ bị đánh cắp một số tên lửa Tomahawk.
Trong khi đó, các chính phủ và chuyên gia máy tính đã lên phương án chuẩn bị sẵn sàng đối phó với nguy cơ tồi tệ hơn khi bắt đầu tuần làm việc mới. Các cơ quan an ninh châu Âu nhấn mạnh tác động từ vụ tấn công "tống tiền bằng mã độc", vốn đã làm tê liệt hơn 200.000 máy tính trên khắp thế giới hồi cuối tuần qua, có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa vào ngày 15/5, thời điểm mọi người trở lại công việc của tuần mới.
Dự kiến, số máy tính bị nhiễm mã độc sẽ tiếp tục tăng. Theo các chuyên gia an ninh mạng, tốc độ lan truyền mã độc WannaCry có giảm, song đây có thể chỉ là tạm thời và những phiên bản mới của loại virus tống tiền này có thể xuất hiện với mức độ nguy hiểm hơn rất nhiều và chưa thể lường hết quy mô thiệt hại, đặc biệt về mặt kinh tế, của vụ tấn công bắt đầu từ hôm 12/5.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã chỉ thị cho Cố vấn An ninh nội địa Tom Bossert triệu tập cuộc họp khẩn cấp để đánh giá các nguy cơ của vụ tấn công mạng toàn cầu này. Các quan chức an ninh cấp cao Mỹ trước đó cũng đã tiến hành họp khẩn tại Phòng Tình huống ở Nhà Trắng, trong khi Cục Điều tra liên bang (FBI) và NSA đang phối hợp nhằm hạn chế thiệt hại cũng như xác định thủ phạm đứng sau vụ tấn công.
Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng những tin tặc không rõ danh tính phát động vụ tấn công mạng quy mô lớn hồi cuối tuần qua đã lợi dụng một công cụ tấn công mạng do NSA phát triển, vốn bị rò rỉ trên mạng hồi tháng 4/2017, làm xúc tác để thực hiện vụ tấn công. Vụ tấn công mạng đang lan rộng ở khoảng hơn 150 nước trên toàn thế giới, trong đó có Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Nga, Bồ Đào Nha và nhiều quốc gia khác, làm tê tiệt hệ thống máy tính của các ngân hàng, bệnh viện, trường học... Theo đó, người sử dụng mạng sẽ không thể truy cập dữ liệu trừ phi họ trả cho tin tặc một khoản tiền ảo Bitcoin.
Ngay sau các vụ tấn công, các công ty an ninh mạng xác định virus gây ra vụ tấn công là loại mã độc WannaCry - có khả năng tự phát tán trên quy mô lớn bằng cách lợi dụng một lỗi phần mềm trong hệ điều hành Windows XP của Microsoft Corp. Các chuyên gia khuyến cáo cần nâng cấp hệ thống càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ bị tấn công mạng, trong khi Microsoft cũng thông báo cung cấp phần mềm vá lỗi của mình.(Baotintuc)
-----------------------------------
Tập Cận Bình muốn tăng quan hệ với Nga 'trong mọi hoàn cảnh'
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn cùng Nga nhất trí với nhau về các vấn đề quan trọng toàn cầu khi gặp Tổng thống Putin.
"Bất kể tình hình quốc tế thay đổi thế nào, hai chúng tôi sẽ cố hết sức để phát triển và bảo vệ quan hệ song phương. Phát triển và làm sâu sắc quan hệ Trung - Nga là lựa chọn chiến lược cho cả hai nước", South China Morning Post hôm qua dẫn lời ông Tập nói sau cuộc gặp với ông Putin.
Chủ tịch Trung Quốc đã nhấn mạnh định hướng thúc đẩy quan hệ mạnh mẽ hơn với Nga trong mọi hoàn cảnh, khi hai nước theo quan điểm thống nhất với các vấn đề chủ chốt trên toàn cầu.
Cuộc trao đổi giữa ông Tập và ông Putin diễn ra bên lề Diễn đàn quốc tế Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh.
Về phía mình, ông Putin nêu bật bối cảnh chính trị quốc tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với Trung Quốc và khẳng định sự ủng hộ của Moscow với sáng kiến thương mại "Vành đai, con đường".
"Thời điểm diễn ra diễn đàn này khá tốt, xét về những diễn biến phức tạp trên thế giới nói chung và trong nền kinh tế toàn cầu nói riêng. Hơn thế, chúng ta cần cơ chế mới để mở ra những cánh cửa với nhau, loại bỏ các rào cản và trở ngại trong hợp tác của chúng ta, chủ yếu là trong kinh tế", ông Putin nói.
Diễn đàn quốc tế Vành đai và Con đường được tổ chức trong hai ngày 14/5 và 15/5, có sự tham dự của 28 lãnh đạo các nước. (Vnexpresss)
-----------------------------------------
Philippines và Mỹ tiến hành diễn tập ứng phó thảm họa trên biển
Theo trang Philstar.com, trong khuôn khổ các cuộc tập trận với Mỹ mang tên Balikatan 2017, không quân Philippines sáng 15/5 đã điều máy bay tới thị trấn Casiguran để tham gia một cuộc diễn tập giả định ứng phó với tình huống khu vực này bị cô lập do một trận bão lớn.
Thiếu tá Celeste Frank Sayson thuộc Văn phòng các vấn đề công cộng Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) cho biết các máy bay trực thăng UH-1D (Huey) mới nhất của AFP đã tiến hành trinh sát trên không để khảo sát các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất và tìm khu vực đổ bộ gần nhất cho các đội cứu hộ.
Bên cạnh đó, hải quân Philippines đã điều đội tàu hải vận chiến lược đầu tiên BRP Tarlac phối hợp với lực lượng lục quân của nước này tại cảng Casiguran để đưa hàng tiếp tế tới những trung tâm sơ tán.
Cũng theo Thiếu tá Sayson, các cố vấn Mỹ đã tham gia cuộc diễn tập này để chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động hải vận và ứng phó thảm họa.
Các cuộc diễn tập Balikatan năm nay sẽ tập trung vào hỗ trợ nhân đạo và ứng phỏ thảm họa, thay vì diễn tập bắn đạn thật như những năm trước(Vietnam+)