Nhân tố Mỹ trong xung đột biên giới Trung - Ấn; Vì sao Triều Tiên ‘vờn’ Mỹ bên bờ vực chiến tranh?; Tổng thống Philippines cho phép oanh kích phiến quân ở Marawi; Chuyên gia nói về kịch bản Mỹ hi sinh Hàn Quốc?
Tin thế giới đáng chú ý sáng 01-09-2017
- Cập nhật : 01/09/2017
Hàng trăm quân IS quỳ gối xin hàng giữa sa mạc
Theo Daily Mail ngày 30-8, đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy các tay súng IS quỳ xuống đầu hàng bên ngoài một thị trấn sa mạc, có thể là thị trấn al-Ayadieh do các binh sĩ lực lượng chính phủ Iraq tuần tra. Các chiến binh IS chạy trốn tới al-Ayadieh sau khi thị trấn chủ chốt Tal Afar - một trong những thành trì cuối cùng của nhóm khủng bố ở Iraq bị thất thủ hồi tuần trước.
Binh sĩ, cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm Iraq đã kiểm soát hoàn toàn TP Tal Afar, cách al-Ayadieh 16 km, hôm 27-8. Theo Andrew A Croft, Phó Tư lệnh đơn vị trên không thuộc liên quân Mỹ, có 150-200 tay súng IS đã cùng gia đình lục tục kéo nhau sang Al-Ayadieh. Lực lượng Iraq cho biết trận chiến trong khu vực tồi tệ gấp bội lần so với trận chiến ở thành cổ Mosul mà họ giành quyền kiểm soát hồi tháng trước.
Hình ảnh trong video cho thấy hàng trăm người được cho là chiến binh IS đầu hàng quân đội Iraq ở thị trấnal-Ayadieh. Ảnh: Daily Mail
Ngày nay, quan chức quân đội Iraq thông báo họ đã tái chiếm thành công một nửa khu vực thị trấn al-Ayadieh ở phía Đông từ tay các phần tử cực đoan. Một sĩ quan Iraq - tướng Kareem al-Lami mô tả việc phá tan tuyến phòng thủ đầu tiên của IS ở al-Ayadieh giống như mở cửa “địa ngục”.
Sự ngoan cố chống cự từ các phần tử khủng bố ở al-Ayadieh đã buộc lực lượng Iraq tăng cường số vụ không kích. Họ cũng đã nhận được viện trợ từ cảnh sát liên bang giúp tăng số đơn vị từ quân đội, không quân, cảnh sát liên bang, Dịch vụ chống khủng bố tinh nhuệ do Mỹ huấn luyện (CTS) và một số đơn vị từ Lực lượng huy động nhân dân (PMF). Theo ghi nhận hồi tuần trước, có tới 2.000 tay súng ngoan cố chống lại khoảng 50.000 binh sĩ chính phủ ở Tal Afar.
Tình báo quân đội cho biết nhiều tay súng đã trốn khỏi Tal Afar tới al-Ayadieh cố thủ tại đây. Nhiều xe mô tô chở theo cờ hiệu của IS được nhìn thấy bị bỏ lại bên vệ đường bên ngoài al-Ayadieh. Mặc dù số lượng chính xác các tay súng ở al-Ayadieh vẫn chưa xác định được, song ông al-Lami ước tính con số này là “hàng trăm”. “Các chiến binh IS với số lượng hàng trăm người đang cố thủ bên trong từng ngôi nhà một ở thị trấn” - ông khẳng định.
Ông al-Lami nói thêm các phát đạn bắn tỉa, súng cối, súng máy hạng nặng được bắn ra từ từng ngôi nhà một. “Chúng tôi nghĩ trận đánh ở Thành cổ (Mosul) đã dữ dội song trận chiến này còn ác liệt hơn” - al-Lami nhấn mạnh.
Hai quan chức quân đội Iraq nói với Reuters rằng họ đang đợi những trận không kích và pháo binh để làm suy yếu năng lực của các chiến binh. Cảnh sát liên bang cho hay đến cuối ngày 29-8, họ đã kiểm soát 50% thị trấn, triển khai lính bắn tỉa tới những tòa nhà cao tầng và tăng cường nã rocket vào các trụ sở của tay khủng bố. Tal Afar đã trở thành mục tiêu mới trong cuộc chiến chống IS do Mỹ hậu thuẫn sau trận Mosul.(PLO)
----------------------
Nhiều nhân vật háo hức tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020
Chỉ 6 tháng sau ngày tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã có nhiều thành viên đảng Dân chủ, diễn viên, doanh nhân thể hiện ý định tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Ngoài những cái tên nổi danh của đảng Dân chủ- gồm 11 thượng nghị sĩ, 6 thống đốc bang và một cựu Phó Thủ tướng được coi là nghiêm túc nhất trong danh sách năm 2020. Tuy nhiên vẫn có những cái tên khác từ đảng Dân chủ đã "giơ tay điểm danh" từ khá sớm.
Theo hãng tin NBC News (Mỹ), hiện chưa rõ những nhân vật này muốn nâng cao lý lịch hay thực sự nghiêm túc về việc tranh cử. Nhiều trong số họ không thể biết được việc “thử lửa” của mình sẽ dẫn tới đâu.
Hạ nghị sĩ John Delaney cũng đã chính thức tuyên bố sẽ tham gia cuộc đua trong năm 2020: “Tôi nói với chính mình, tôi muốn làm điều này và thực hiện đúng cách. Tôi cần nhiều thời gian để làm điều đó đúng đường đi”.
Cựu thống đốc bang Maryland, ông Martin O’Malley đã có nhiều chuyến thăm đến Iowa và New Hampshire trong năm nay, chia sẻ với NBC News rằng ông “có thể” tranh cử.
Trong khi đó, cựu thống đốc bang Rhode Island Lincoln Chafee cũng để ngỏ khả năng tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Ông Chafee nói với NBC News: “Người Mỹ đang trải qua thời gian khó khăn về chính trị. Tôi đã nắm trong tay bản lý lịch được xác thực khi giữ chức vụ Thống đốc, Thượng nghị sĩ và Thị trưởng”.
Theo NBC, đối với nhiều thành viên Dân chủ, câu hỏi về việc tranh cử dường như không còn là “tại sao” mà là “tại sao không”?
Điều thú vị là có một số người ngoài cuộc cũng đã lên tiếng. Chính trường hợp của ông Trump đã được coi là minh chứng cho ngoại lệ của người không có nhiều thâm niên trên chính trường nhưng lại giành chiến thắng.
Nam diễn viên Dwyane "The Rock" Johnson gần đây chia sẻ với tạp chí GQ (Mỹ): “Tôi cho rằng có một khả năng thực sự”.
Bên cạnh đó còn có thông tin CEO của Facebook là Mark Zuckerberg gần đây đã tuyển dụng nhân vật từng đảm nhận vai trò người thăm dò ý kiến trong chiến dịch tranh cử của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
Mark Cuban, chủ sở hữu câu lạc bộ bóng rổ Dallas Mavericks, cũng chia sẻ với phóng viên NBC News: “Đó không phải là giấc mơ của tôi nắm quyền lãnh đạo. Nhưng nếu tôi nghĩ mình có thể kết nối mọi người với nhau, giảm áp lực của họ và giải những vấn đề quan trọng thì sau đó tôi phải xem xét nghiêm túc”.(baotintuc)
----------------------
Nga-Mỹ lập lá chắn sống bảo vệ người Kurd trước Thổ
Cảnh sát quân sự Nga được triển khai ở tây bắc Syria, đặc nhiệm Mỹ triển khai tại đông bắc Syria, nhằm bảo vệ SDF trước sức ép từ Ankara.
Theo Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ngày 30/8, Cảnh sát quân sự Nga đã dừng chân tại các thị trấn Shehba và Afrin ở miền bắc Syria nhằm thiết lập các trạm quan sát quân sự và tăng cường an ninh cho khu vực.
"Sau các cuộc đàm phán giữa YPG, Jaysh al-Thuwar và các lực lượng Nga, đã có quyết định đưa quân đội Nga đóng tại một số địa điểm khác nhau ở Shehba và Afrin.
Nhiệm vụ của các lực lượng Nga là tham gia quan sát quân sự, đồng thời đảm bảo an ninh cho Shehba và Afrin cùng với các chiến binh YPG và Jaysh al-Thuwar", Lãnh đạo YPG tại Afrin nói trong một tuyên bố.
Việc triển khai các đơn vị Cảnh sát quân sự Nga trong khu vực do YPG kiểm soát ở tây bắc Syria cho thấy, ảnh hưởng của Nga ngày càng gia tăng trong khu vực.
Trong khi đó, tại đông bắc Syria, YPG vẫn ghi nhận sự hiện diện của liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Sự hiện diện của cả Nga và Mỹ trên chiến trường miền bắc Syria cho thấy tầm quan trọng của họ trong việc duy trì an ninh tại khu vực do người Kurd kiểm soát.
Với sự hiện diện này, Nga (tây bắc Syria) Mỹ (đông bắc Syria) đã thành lập được lá chắn sống cản bước tiến của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, bảo vệ người Kurd trước sức ép từ Ankara.
Giọt nước tràn ly
Thời gian gần đây, miền bắc Syria luôn trong tình trạng căng thẳng, phía Thổ Nhĩ Kỳ liên tục tăng cường hiện diện quân sự dọc biên giới phía Nam với Syria để thực hiện kế hoạch của mình.
Ngày 26/8, 6 xe kéo pháo và 4 xe thiết giáp chở binh lính đã được Thổ Nhĩ Kỳ điều tới tỉnh biên giới Kilis (miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ) để đối phó với các mối đe dọa từ lực lượng YPG.
Tỉnh Kilis nằm đối diện với khu vực Afrin bên kia biên giới với Syria - là nơi YPG đang nắm quyền kiểm soát.
Cùng với việc kịch liệt phản đối sự hiện diện của YPG tại miền Bắc Syria, khoảng 2 tháng trở lại đây, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục oanh kích vào các vị trí của lực lượng người Kurd ở khu vực này.
Chính sách của Ankara tại đây chủ yếu tập trung vào việc ngăn chặn ảnh hưởng ngày một gia tăng của các nhóm người Kurd, vốn được thành lập tại các khu vực tự trị kể từ khi nổ ra cuộc chiến tại Syria vào năm 2011.
Ankara cho rằng, YPG không chỉ là mối đe dọa an ninh mà còn là sự mở rộng của đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn bị Ankara coi là lực lượng khủng bố.
YPG lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất tại Syria do Mỹ hậu thuẫn. Nhiều tháng qua SDF đã tiến hành chiến dịch nhằm giành lại thành phố Raqqa ở Syria từ IS.
Mỹ coi YPG như một đồng minh trong chiến dịch chống IS tại Raqqa. Tuy nhiên điều này lại ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa Ankara và Washington. Việc Mỹ ủng hộ trang bị vũ khí cho YPG đã làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 30/8, tình hình tại biên giới miền bắc Syria đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát khi lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn bất ngờ tấn công vào căn cứ của liên minh chống khủng bố do Mỹ cầm đầu.
Vụ tấn công không gây thiệt hại về người, liên minh do Mỹ đứng đầu cũng đẩy lùi cuộc tấn công. Tuy nhiên, động thái này khiến sự hiện diện của Mỹ tại bắc Syria bị đe dọa nghiêm trọng.(ĐVO)
---------------------
Nga cảnh cáo Israel không được đánh Iran
Nga vừa lên tiếng cảnh cáo Israel không tấn công các địa điểm quân sự của Iran ở Syria, sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dọa sẽ tấn công nhằm ngăn Iran tăng lực lượng đến biên giới Israel-Syria.
“Nếu bất kỳ nước nào ở Trung Đông hay các nơi khác của thế giới định vi phạm luật pháp quốc tế, hủy hoại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước khác, bao gồm cả ở Trung Đông hay Bắc Phi thì sẽ bị xử phạt” - Washington Examiner dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với báo chí ngày 30-8.
“Bất kể Iran và Syria hợp tác thế nào, quan điểm của tôi là nếu sự hợp tác của họ không vi phạm đến các điều khoản cơ bản của luật quốc tế thì không phải là điều để thắc mắc” - theo ông Lavrov.
Ngoại trưởng Nga Lavrov cảnh cáo Israel không được đánh Iran ở Syria. Ảnh: AP
Mới đây Thủ tướng Netanyahu cảnh báo Iran đang xây dựng các cơ sở quân sự ở Syria. Ông Netanyahu cáo buộc Iran muốn “bao vây Israel” bằng cách tăng cường quân sự đến biên giới Israel.
“Iran đang hối hả biến Syria thành một cứ điểm quân sự, muốn sử dụng Syria và Lebanon như các bình phong chiến tranh nhằm mục đích tiêu diệt Israel” - ông Netanyahu nói trong cuộc gặp với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 28-8 - “Iran cũng đang xây dựng các cơ sở sản xuất tên lửa ở Syria và Lebanon. Đây là điều Israel và LHQ không thể chấp nhận”.
Israel và Mỹ nhiều năm lo ngại Nga và Iran sẽ có được sự thắng thế chiến lược về lâu dài trong xung đột ở Syria. Theo Washington Examiner, từ phát ngôn của ông Lavrov ủng hộ Iran tại Syria có thể thấy lo ngại này hoàn toàn có cơ sở.
Iran với sự giúp sức của lực lượng dân quân người Shitte ở Iraq và Syria đang nóng lòng tạo một hành lang nối Iran đến các nhóm vũ trang ủng hộ mình ở Lebannon như Hezbollah.
Các nghị sĩ Mỹ cũng cho rằng Iran đã cung cấp hàng chục ngàn hỏa tiễn cho nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon để tấn công các địa điểm chính của Israel.
Nói với Washington Examiner hồi tháng 6, nghị sĩ Mỹ Adam Kinzinger nói rằng Mỹ biết Hezbollah có rất nhiều vũ khí chĩa vào Israel, rất có khả năng sẽ xảy ra xung đột Hezbollah và Israel trong tương lai gần. Tuy nhiên, ông Lavrov bác bỏ rằng Nga chẳng có thông tin có bất kỳ nước nào đang định tấn công Israel.(PLO)