Mỹ tuyên bố bắn hạ ngay lập tức tên lửa Triều Tiên; Thông điệp rõ ràng Kim Jong Un gửi Mỹ; Triều Tiên cảnh báo Mỹ, Hàn tập trận sẽ dẫn đến thảm họa
Tin thế giới đáng chú ý sáng 19-08-2017
- Cập nhật : 19/08/2017
Nhật Bản ủng hộ Ấn Độ trong căng thẳng Trung-Ấn
Tờ NDTV ngày 18-8 cho hay Nhật Bản mới đây đã lên tiếng ủng hộ Ấn Độ trong căng thẳng biên giới kéo dài hai tháng qua giữa New Delhi và Bắc Kinh ở cao nguyên Dokalam.
“Chúng tôi hiểu rằng khu vực Dokalam là đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan, đồng thời cả hai đã công nhận sự tồn tại của một cuộc tranh chấp. Tuy nhiên, điều quan trọng ở các khu vực tranh chấp là rằng những bên liên quan không được có các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, và cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình” – Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ Kenji Hiramatsu trả lời báo giới ngày 17-8.
Vị đại sứ Nhật Bản cho biết Tokyo đang theo dõi tình hình “rất chặt chẽ” vì nó “có thể ảnh hưởng tới sự ổn định của toàn khu vực”.
Liên quan tới vai trò Ấn Độ, Đại sứ Hiramatsu nói rằng: “Chúng tôi hiểu được Ấn Độ dính vào vấn đề này do có các thỏa thuận song phương với Bhutan. Ngoại trưởng Ấn Độ Swaraj đã nói rõ rằng Ấn Độ sẽ tiếp tục theo đuổi đối thoại thông qua các kênh ngoại giao để tìm ra một giải pháp có thể cùng chấp nhận. Chúng tôi đánh giá thái độ tìm tới giải pháp hòa bình này là quan trọng”.
Tuyên bố của ông Hiramatsu được đưa ra một tháng trước khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới thăm Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên một quốc gia lớn cho thấy sự ủng hộ công khai đối với Ấn Độ trong căng thẳng biên giới, theo NDTV.
Căng thẳng ở cao nguyên Dokalam bắt đầu tăng nhiệt hồi tháng 6 năm nay sau khi các binh sĩ Trung Quốc đơn phương tiến vào khu vực, phá bỏ các lô cốt của Bhutan và xây dựng một con đường chạy qua cao nguyên này. Cả Ấn Độ và Bhutan đều yêu cầu Trung Quốc trả lại hiện trạng tại khu vực.
New Delhi đề nghị cả hai bên cùng rút quân để tiến tới giải quyết căng thẳng. Tuy nhiên, Bắc Kinh một mực khăng khăng binh sĩ Ấn Độ phải rút ra khỏi khu vực trước thì mới có đối thoại. Trung Quốc thậm chí cảnh báo nếu Ấn Độ không muốn chiến tranh thì nước này hãy mau rút hết quân ra khỏi Dokalam.(PLO)
------------------------
Tấn công bằng kiếm Nhật trước dinh lãnh đạo Đài Loan
Một người đàn ông đã bị bắt khi cầm kiếm Nhật tấn công và làm bị thương một cảnh vệ trước dinh lãnh đạo Đài Loan ngày 18.8.
Cảnh sát cho biết kẻ tấn công là người Đài Loan họ Lỗ (51 tuổi) dùng búa đập vỡ một tủ kính trưng bày ở bảo tàng Các lực lượng vũ trang gần dinh lãnh đạo Đài Loan tại thủ phủ Đài Bắc. Tiếp đó, người này lấy trộm cây kiếm rồi xông về phía cửa phụ của dinh thự để “bày tỏ quan điểm chính trị”, theo AFP.
Ông Lỗ sau đó tấn công làm một cảnh vệ bị thương ở cổ, nạn nhân đã được đưa đi bệnh viện và đang trong tình trạng ổn định. Sau khi bắt giữ hung thủ, cảnh sát tìm thấy trong ba lô của người này một lá cờ Trung Quốc đại lục. Theo nhà chức trách, ông Lỗ đang thất nghiệp và chưa từng có tiền án, tiền sự.
Người đứng đầu Cơ quan phòng vệ Đài Loan Phùng Thế Khoan lên án hành động của Lỗ và tuyên dương người cảnh vệ vì đã dũng cảm ngăn chặn kẻ tấn công.
Ngoài ra, ông Phùng cho hay vụ việc xảy ra khi dinh lãnh đạo đang tổ chức một sự kiện dành cho gia đình các nhân viên, trong đó có nhiều trẻ em tham gia. Tuy nhiên, ông không nói rõ lúc đó, lãnh đạo Thái Anh Văn có mặt trong dinh hay không.
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra.(Thanhnien)
-------------------------
Tổng thống Mỹ kêu gọi sử dụng mọi biện pháp để chống khủng bố
Ngày 18/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng thế giới phải sử dụng "mọi biện pháp cần thiết" để ngăn chặn "chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan", sau khi xảy ra loạt vụ tấn công kinh hoàng ở Barcelona của Tây Ban Nha khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và hơn 130 người bị thương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ở New York, Mỹ, ngày 15/8. Ảnh: AFP/TTXVN
Trên trang mạng Twitter cá nhân, Tổng thống Trump nêu rõ cần đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Nhà lãnh đạo thuộc đảng Cộng hòa cũng đổ lỗi cho các nghị sĩ đảng Dân chủ đã khiến tình hình an ninh tại Mỹ ngày càng phức tạp khi viện đến các tòa án liên bang nhằm trì hoãn và ngăn cản việc triển khai sắc lệnh hạn chế nhập cảnh gây tranh cãi của ông một cách toàn diện. Ông nhấn mạnh tình trạng này cần phải chấm dứt, đồng thời khẳng định lực lượng an ninh nội địa và thực thi luật pháp hiện đang đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ và sẽ theo dõi chặt chẽ bất cứ dấu hiệu đe dọa nào.
Sắc lệnh hạn chế nhập cảnh được Tổng thống Trump ký hôm 6/3 vừa qua cấm công dân 6 nước có người Hồi giáo chiếm đa số gồm Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày và đình chỉ việc cho phép người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày.
Giới chức tư pháp các bang của Mỹ cho rằng văn kiện này là một thách thức đối với nền tảng Hiến pháp khi có sự phân biệt đối với một tôn giáo. Nhiều tòa án tại Mỹ đã liên tiếp ra phán quyết ngăn chặn việc triển khai sắc lệnh trên, gây ra một "cuộc chiến tư pháp" trên diện rộng và kéo dài tại Mỹ.
Tổng thống Mỹ đưa ra tuyên bố trên sau khi xảy ra loạt vụ tấn công đẫm máu ở Tây Ban Nha. Theo đó, một kẻ thánh chiến Hồi giáo thuộc tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ngày 17/8 đã lái xe tải lao vào đám đông trên phố đi bộ Las Ramblas nổi tiếng ở Barcelona làm 13 người thiệt mạng và hơn 130 người khác bị thương.
Ít giờ sau đó, một vụ đâm xe khác xảy ra tại thị trấn Cambrils làm 6 dân thường và 1 cảnh sát bị thương. Cảnh sát đã tiêu diệt 5 kẻ đeo đai bom giả tại Cambrils. Hai vụ tấn công liên tiếp này đã làm chấn động Tây Ban Nha và thế giới.(TTXVN)
-------------------------------
Nhật giúp các nước châu Á-TBD tăng cường an ninh biển
Nhật Bản sẽ viện trợ 500 triệu USD cho các nước ven biển khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng cường năng lực an ninh hàng hải.
Kế hoạch này được Ngoại trưởng Nhật Taro Kono thông báo trong cuộc họp báo chung sau cuộc đối thoại an ninh 2+2 giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ và Nhật Bãn tại Washington D.C ngày 17.8, theo đài NHK.
Ngoại trưởng Kono cho biết khoản viện trợ khoảng 500 triệu USD sẽ được chi từ năm nay đến năm 2019. Việt Nam cũng nằm trong danh sách các nước nhận viện trợ khi Tokyo dự kiến trao tổng cộng 16 tàu tuần tra cho cảnh sát biển Việt Nam. Phía lực lượng tuần duyên Philippines cũng sẽ nhận được tàu tuần tra theo kế hoạch viện trợ.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định kế hoạch viện trợ này không nhằm chống lại hoạt động của bất kỳ nước cụ thể nào mà chỉ để giúp các nước được hỗ trợ cải thiện khả năng tuần tra giám sát và hành pháp.
Ngoại trưởng Kono nhấn mạnh sẽ mở rộng hợp tác với Mỹ trong việc xây dựng năng lực cho các nước châu Á đang phát triển, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Tokyo cũng gia tăng hợp tác an ninh quốc phòng với Ấn Độ, Hàn Quốc , Úc và các nước Đông Nam Á.(Thanhnien)