Nhiều chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên biển tại Hội thảo "Hướng đến những vùng biển mở và tự do tại châu Á" ngày 11/9 tại Hà Nội.
Tin thế giới đáng chú ý tối 12-09-2017
- Cập nhật : 12/09/2017
Hệ thống Utes không giúp Nga bảo vệ được Crimea
Lực lượng tên lửa bờ của Nga tại Crimea vừa thử nghiệm hệ thống Utes - loại vũ khí mang lại an toàn cho Nga tại bán đảo này từ hướng biển.
Khó mang lại an toàn
Thông tin về cuộc thử nghiệm này được Sputnik dẫn lời Đại úy Vyacheslav Trukhachev, phát ngôn viên của Hạm đội biển Đen cho biết, hệ thống tên lửa phòng vệ bờ biển Utes vừa phóng 2 tên lửa hành trình trong bài tập trận quy mô lớn hôm 9/9.
Theo ông Vyacheslav Trukhachev: "Hệ thống tên lửa bờ Utes đã phóng 2 tên lửa hành trình trong bài tập trận ở hạm đội biển Đen. Cuộc tập trận này nhằm mục đích diễn tập khả năng phòng thủ cho một nhóm tàu mặt nước đang hoạt động gần bờ".
Vị phát ngôn viên này cho biết thêm, hiện nay Hạm đội biển Đen Nga đang có 2 hệ thống tên lửa Utes với thành phần chiến đấu là những đạn tên lửa P-35B - vũ khí này có thể giúp Nga chặn đứng những cuộc tấn công đổ bộ từ hướng biển của kẻ thù vào bán đảo Crimea.
Dù Nga khá tự tin về sức mạnh của P-35B nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, nếu chỉ dựa vào hệ thống tên lửa bờ này, Nga sẽ không thể tự bảo vệ được mình bởi P35B cùng những thành phần của nó đã trở nên lạc hậu trong chiến tranh hiện đại.
Với đầu đạn nặng gần 1 tấn, đạn tên lửa P-35B được đánh giá là sát thủ với tàu sân bay, chiến hạm cỡ lớn của đối phương. Tuy nhiên, do được sản xuất từ thời Liên Xô nên vũ khí này không tránh khỏi kém linh hoạt trong chiến tranh đại.
Giống như phần lớn các tên lửa chống hạm được sản xuất dưới thời Liên Xô, tên lửa P-35B có kích thước khá đồ sộ, cùng với độ cao hành trình tương đối cao. Tên lửa dễ dàng bị phát hiện từ xa bởi các hệ thống radar trên các chiến hạm đối phương.
Dù tên lửa có tốc độ khá nhanh Mach 1.4, tuy nhiên do kích thước lớn, tên lửa cũng dễ dàng bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng không hiện đại. Thời gian triển khai và thu hồi của hệ thống tương đối chậm.
Một nhược điểm khá lớn nữa là, trong suốt quá trình bay đến mục tiêu, tên lửa được dẫn hướng với sự hỗ trợ của máy bay trinh sát hoặc radar của một trong các tên lửa thông qua một liên kết dữ liệu video.
Tuy nhiên, kiểu liên kết dữ liệu này rất dễ bị tổn thương trong môi trường tác chiến điện tử mạnh. Radar của tên lửa cũng rất dễ bị đánh lừa bởi các biện pháp đối phó điện tử. Đây cũng là nhược điểm cơ bản của các hệ thống vũ khí được sản xuất dưới thời Liên Xô.
Lấp lỗ hổng
Dù vẫn tung hô sức mạnh của P-35B nhưng nhận thấy nhược điểm của vũ khí này, Nga quyết định trang bị tại Crimea hệ thống phòng thủ biển cực độc Bastion-P dưới lòng đất. Theo nguồn tin này, Nga sẽ bắt đầu triển khai các tổ hợp tên lửa chống hạm Bastion-P đầu tiên đến bán đảo Crimea vào năm 2020.
Đây là một phần trong kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ của chính phủ Nga tại Biển Đen. Theo một nguồn tin từ Hải quân Nga tiết lộ với Interfax cho biết, Nga sẽ tiến hành triển các tổ hợp tên lửa chống hạm Bastion-P đầu tiên tới Crimea trong vòng 5 năm tới hoặc có thể sớm hơn.
Bên cạnh các tổ hợp tên lửa chống hạm Bastion-P di động, Hải quân Nga cũng sẽ xây dựng các tổ hợp hầm phóng tên lửa ngầm bên dưới lòng dành cho Bastion-P nhằm tăng cường khả năng tác chiến của hệ thống phòng vệ của Nga tại Crimea.
Bastion-P được thiết kế để tấn công tiêu diệt mọi mục tiêu trên biển bao gồm cả tàu sân bay. Một hệ thống Bastion-P gồm: 4 xe mang phóng tự hành K340P (mỗi xe chở 2 đạn tên lửa P-800); xe chở đạn dự trữ; hệ thống radar điều khiển hỏa lực Monolit-B; xe chỉ huy cùng các phương tiện hậu cần, hỗ trợ kỹ thuật.
P-800 Yakhont nặng khoảng 3 tấn, dài 8,9m, đường kính thân 0,7m, sải cánh 1,7m. Đạn tên lửa P-800 trang bị động cơ phản lực tĩnh dòng thẳng siêu âm cho phép đạt tốc độ Mach 2. Với vận tốc cực lớn như vậy, đối phương rất khó phản ứng kịp thời và bị tiêu diệt bởi đầu đạn thuốc nổ phân mảnh nặng 200-250kg.
Theo đánh giá của chuyên gia thế giới, với đầu đạn đó P-800 có khả năng tiêu diệt tàu chiến cỡ lớn chỉ bằng một phát bắn duy nhất. Tầm bắn của tên lửa P-800 phụ thuộc vào chế độ bay: bay quỹ đạo cao – thấp hỗn hợp cho phép đạt tầm bắn 300km; bay quỹ đạo thấp – đạt tầm bắn 120km.(ĐVO)
----------------------
Con trai cựu Thủ tướng Thaksin sẽ bị khởi tố về tội rửa tiền
Con trai của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, ông Panthongtae Shinawatra sẽ bị khởi tố về tội rửa tiền trong một vụ án liên quan đến ngân hàng Krung Thai (KTB).
Con trai cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, ông Panthongtae Shinawatra (phải) tại sân bay Suvarnabhumi, Bangkok năm 2008. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, truyền thông Thái Lan ngày 10/9 đưa tin, Cục Điều tra đặc biệt (DSI) nước này đã nắm giữ “nhiều chứng cứ liên quan đến hành vi rửa tiền” của ông Panthongtae Shinawatra trong quá trình điều tra nghi án tham nhũng ở KTB. DSI cho biết sẽ đưa ra tuyên bố chính thức về vụ án này trong tuần tới cùng với việc khởi tố ông Panthongtae.
Phản ứng trước thông tin này, đảng Pheu Thai cáo buộc chính quyền quân sự Thái Lan cố tình lái vụ án của KTB theo chiều hướng rửa tiền nhằm triệt hạ con trai cựu Thủ tướng Thaksin.
Hồi tháng 9/2015, ông Panthongtae nằm trong số 4 người bị cảnh sát thẩm vấn liên quan vụ bê bối nhận khoản vay gần 10 tỉ baht (277 triệu USD) của KTB. Ngoài ông Panthongtae, những người bị thẩm vấn còn lại gồm nữ thư ký của vợ cũ ông Thaksin là Kanchanapha Honghern cùng chồng là Wanchai, ngoài ra còn có ông Manop Divari, cha của một cựu nghị sĩ đảng Pheu Thai.
Trước đó một tháng, Tòa án tối cao Thái Lan đã kết tội 24 người về hành vi phê duyệt trái phép khoản vay gần 10 tỉ baht cho các chi nhánh của công ty Krisdamahanakorn từ năm 2003 đến 2004 dưới thời cựu Thủ tướng Thaksin.(TTXVN)
-----------------------------
Pháo ZU-23-2 Việt Nam diệt mục tiêu xa trên 5km
Với phương án trang bị tên lửa cho pháo phòng không tự hành ZU-23-2, sức mạnh và tầm bắn của những vũ khí không còn mới sẽ tăng lên rất nhiều.
Theo Kênh QPVN, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự đang thực hiện đề tài nghiên cứu chế tạo xe cơ sở để lắp đặt tổ hợp pháo - tên lửa phòng không tầm thấp. Đây là đề tài có tính ứng dụng cao, dễ vận hành, nâng cao tính cơ động cho pháo, giảm tối đa sức lực của bộ đội khi triển khai và thu hồi pháo, công trình này đã tiết giảm được đáng kể ngân sách quốc phòng.
Cấu hình vũ khí do Việt Nam sản xuất về cơ bản không khác biệt nhiều so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Theo những hình ảnh được công bố, hệ thống pháo tự hành ZU-23-2 của Việt Nam sẽ được trang bị tên lửa Igla - dòng tên lửa Việt Nam đã tự chủ sản xuất.
Với cách trang bị vũ khí này, pháo phòng không tự hành ZU-23-2 sẽ có tầm tác chiến cực ấn tượng bởi đạn tên lửa tổ hợp Igla có thể hạ mục tiêu ở cự ly đến 5,2km, độ cao 3,5-4km. Để tăng khả năng diệt mục tiêu, khẩu pháo tự hành này đã được nâng cấp với khối điều khiển xác định mục tiêu và lấy phần tử bắn tự động.
Hệ thống gồm một máy đo xa laser, kính ngắm quang-điện tử có khả năng hoạt động ngày/đêm. Lắp bộ phận nạp đạn tự động giúp nâng cao tốc độ bắn. Bộ phận điều khiển hỏa lực sẽ tự động điều chỉnh góc nâng của pháo theo tham số mục tiêu từ hệ thống cảm biến.
Khối điều khiển hoạt động bằng điện với khả năng quay 360 độ cho phép quan sát tốt hơn. Hệ thống cảm biến, điều khiển hỏa lực và pháo kết nối với nhau tạo thành một khối thống nhất giúp nâng cao hiệu suất chiến đấu.
Các thông tin về mục tiêu được hiển thị lên màn hình để pháo thủ quan sát và điều khiển pháo sao cho đường ngắm nằm ở trung tâm mục tiêu trong chế độ bám sát cũng như thực hành bắn. Việc điều khiển pháo và hệ thống cảm biến khá dễ dàng bằng cần kiển khiển cầm tay.
Trước đây khi chưa cải tiến, pháo ZU-23-2 được vận hành bằng tay hoàn toàn nên cần rất nhiều người, do đó rất không phù hợp để triển khai ở các khu vực biển đảo. Sau nâng cấp, người chỉ huy bắn và toàn bộ ê kíp của ZU-23-2 được giảm chỉ còn một pháo thủy duy nhất.
Việc tự động hóa toàn bộ quá trình xác định mục tiêu, tính toán phần tử bắn và điều khiển hỏa lực của pháo ZU-23-2 vừa tinh gọn biên chế trong khi lại nâng cao hiệu suất tác chiến. Tầm bắn sau cải tiến vẫn duy trì như trước.
Ngoài ra, cơ cấu điều chỉnh cự ly mục tiêu bằng tay trước đây bằng hệ thống đo xa laser và ảnh hồng ngoại. Với cơ cấu cũ, pháo thủ mất khá nhiều thời gian để xác định cự ly, nhưng tọa độ mục tiêu chỉ ở mức tương đối không được chính xác như hệ thống mới.(ĐVO)
--------------------------
Nga chuyển giao công nghệ sản xuất S-400 cho Thổ: Biếu NATO?
Theo giới chức lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga không chỉ bán mà còn sẵn sàng chuyển giao công nghệ chế tạo tên lửa S-400 cho nước này.
Gần đây, giới chức lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng, nước này quyết tâm bỏ ra khoảng 400 triệu USD để mua sắm các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 Triump của Nga, cùng với việc đề xuất thêm điều khoản được chuyển giao công nghệ tên lửa.
Giáo sư Mesut Hakki Chashin, Khoa Quan hệ Quốc tế của Học viện Không quân và trường Đại học Özyeğin ở Istanbul, cựu sĩ quan Không quân Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Nga không chỉ bán các hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho nước này mà còn chia sẻ cả công nghệ chế tạo.
Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ đang rất cần hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến S-400. Có nó, hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia sẽ bảo vệ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ hiệu quả hơn, ngay cả trong trường hợp đối phương sở hữu các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.
Vị Giáo sư này cho rằng, rất có thể Moscow và Ankara đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về việc cung cấp các hệ thống S-400 Triumph cho Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như về hợp tác sản xuất chúng trên lãnh thổ nước này. Hiện hai bên chỉ còn chốt những điều khoản cuối cùng.
Nếu thương vụ này thành công, đây sẽ là một bước đi mới tiến đến sự hợp tác mẫu mực tuyệt vời giữa Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO - và Nga, mở ra giai đoạn hợp tác thực chất trong quan hệ giữa hai nước.
Tuy nhiên, tờ Cumhuriyet của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết rằng, trong mấy ngày qua, giữa các nước thành viên NATO đang nổi lên quan điểm chiếm ưu thế cho rằng, cuộc đàm phán giữa Moscow với Ankara về hệ thống phòng không S-400 không chỉ là một "cuộc thương thảo thị trường".
Theo đó, các chuyên gia quân sự của khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tin rằng, Nga sẽ không mạo hiểm mà chuyển giao các hệ thống S-400 cùng với công nghệ chế tạo của mình cho Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia nằm trong khối NATO.
"Nói chung, đối với tất cả các đối tác và đồng minh mà NATO đang làm việc, trong đó có cả Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi luôn quan tâm đến những gì họ đang mua. Chúng tôi muốn họ mua những gì có thể góp phần đóng góp cho liên minh của chúng tôi.Nếu điều này không xảy ra, thì sẽ gây ra mối quan ngại rằng những khoản mua hàng này sẽ không góp phần vào sự tương thích của chúng tôi” - ấn phẩm trích lời phát ngôn viên chính thức của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Các nước NATO tin tưởng rằng, cuối cùng thì Nga sẽ không bàn giao tổ hợp S-400 với công nghệ này cho chính quyền Ankara, bởi xét cho cùng, Moscow biết rằng, trước sau gì thì những công nghệ này cũng sẽ bị liên minh này nắm lấy để sử dụng chống lại Nga.
Một nhà ngoại giao cấp cao của một nước phương Tây trong một cuộc trò chuyện với Cumhuriyet nói rằng, Moscow cũng thừa biết điều đó, bởi vậy, Moscow thương thảo với Thổ Nhĩ Kỳ về S-400 cũng chỉ nhằm mục đích tạo ra “vết rạn nứt” trong Liên minh NATO.
Ý kiến của vị quan chức phương Tây cũng là một vấn đề đáng lưu ý, bởi trong thời gian qua cũng có không ít những e ngại từ các chuyên gia Nga đối với hợp đồng mua sắm S-400 với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thời gian qua, một số quan chức quốc phòng Nga bày tỏ sự hài lòng vào sự hợp tác giữa hai nước, trong bối cảnh quan hệ giữa Ankara và Washington đang nguội lạnh và quan hệ với Moscow đang ngày càng nồng ấm. Do đó, có thể tin tưởng vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Họ cho rằng, rút kinh nghiệm từ những vố đau trong các hợp đồng bán vũ khí-trang bị cho Trung Quốc, sau đó bị nước này làm nhái hàng loạt; Nga sẽ đưa ra những điều kiện với Thổ Nhĩ Kỳ, bên cạnh đó còn áp dụng những biện pháp bảo vệ bí mật công nghệ. Do đó, có thể tiết lộ cho Ankara một phần công nghệ không phải thuộc dạng tối mật.
Mặc dù các chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và một số quan chức Nga bày tỏ sự hào hứng với thương vụ hợp tác S-400 giữa Moscow và Ankara, nhưng một số chuyên gia quân sự nước ngoài và một số chuyên gia Nga đang đưa ra những lo ngại về hợp đồng này.
Họ cho rằng, Moscow có thể bán các hệ thống phòng không S-400 nhưng không nên chia sẻ những công nghệ tối mật cho Ankara, bởi dù có bảo vệ thế nào thì Nga cũng sẽ phải chia sẻ những công nghệ nhất định để Thổ Nhĩ Kỳ tự sản xuất các yếu tố cấu thành hệ thống S-400.
Dù quan hệ giữa hai nước có tốt đẹp đến đâu thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng vẫn quốc gia NATO, hơn nữa đường lối đối ngoại của nước này rất khó lường và không đáng tin cậy, mà ví dụ điển hình là vụ Su-24, nên việc để nước này nắm được những kỹ thuật quân sự tiên tiến nhất của Nga là điều không nên.
Mặc dù có thể chính quyền Erdogan không có ý tiết lộ những bí mật quân sự của Nga nhưng họ không thể quản lý nổi giới sĩ quan mà rất nhiều người trong số họ làm việc cho NATO. Do đó, trước sau gì công nghệ đỉnh cao của Nga cũng sẽ lọt vào tay giới tình báo phương Tây, mà điều này sẽ khiến hệ thống phòng không quốc gia của Nga dễ dàng bị xuyên thủng.(Baodatviet)