Theo Tân Hoa Xã, khoảng 100 tàu cá được sự bảo vệ của tàu cảnh sát biển Trung Quốc vào chiều 16.8 đã rời tỉnh Hải Nam mở màn hoạt động đánh cá ở Biển Đông.
Tin thế giới đáng chú ý tối 17-08-2017
- Cập nhật : 17/08/2017
Hàn Quốc muốn đối thoại với Mỹ, Trung Quốc về tên lửa THAAD
Seoul đề xuất tổ chức đối thoại với Washington và Bắc Kinh để giải quyết bất đồng liên quan đến hệ thống tên lửa THAAD triển khai ở Hàn Quốc.
Đề xuất được đưa ra trong cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức, hồi đầu tháng 7, Yonhap dẫn một nguồn tin cho biết hôm nay. Ông Tập không đưa ra câu trả lời và Trung Quốc vẫn giữ im lặng.
Văn phòng tổng thống Hàn Quốc từ chối xác nhận thông tin, cho rằng công bố chi tiết nội dung trao đổi giữa ông Moon với nguyên thủ nước khác là "không phù hợp".
Quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh căng thẳng sau khi Hàn Quốc năm ngoái đồng ý để Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại nước này. Quá trình bố trí THAAD bắt đầu hồi đầu năm.
Trung Quốc phản đối động thái trên, nói THAAD sẽ ảnh hưởng đến an ninh khu vực. Trung Quốc đáp trả bằng cách cấm nhập khẩu nhiều sản phẩm của Hàn Quốc, hạn chế tổ chức du lịch tới Hàn Quốc.
Mỹ và Hàn Quốc khẳng định THAAD chỉ là hệ thống phòng thủ, cần thiết cho nỗ lực đối phó chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Triều Tiên đã phóng thử tên lửa 7 lần từ khi ông Moon nhậm chức hồi tháng 5. Hai tên lửa được phóng gần đây nhất là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), có tầm bắn, về lý thuyết, tới Mỹ.(Vnexpress)
-------------------------
LHQ cảnh báo về những thách thức đối với khu vực Sahel
Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) El-Ghassim Wane ngày 15/8 nhấn mạnh các mối đe dọa khủng bố xuyên quốc gia tại khu vực Sahel rất nghiêm trọng trong khi lực lượng chung của khu vực đang phải đương đầu với quá nhiều thách thức.
Các nước Sahel thống nhất sớm thành lập lực lượng chung chống khủng bố. Ảnh: AFP/ TTXVN
Báo cáo với Hội đồng Bảo an (HĐBA) về hoạt động của lực lượng quân sự đa quốc gia G5 Sahel (gồm Mali, CH Chad, Mauritania, Niger và Burkina Faso), Trợ lý TTK LHQ phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình cảnh báo tình trạng ở Sahel rất "thảm khốc" trong khi thời gian để xác định giải pháp đang cạn dần.
Theo ông Wane, lực lượng G5 Sahel là một một cơ hội đặc biệt để giải quyết các thách thức khu vực với cách tiếp cận mang tính toàn khu vực. Tuy nhiên, G5 Sahel phải đương đầu với quá nhiều thách thức liên quan đến ngân sách, thiết lập lực lượng, đào tạo, trang bị bên cạnh rất nhiều vấn đề khác.
Trợ lý TTK nêu rõ chỉ nắm giữ được cơ hội này nếu nguồn gốc tình trạng bất ổn ở Mali và khu vực được giải quyết cùng lúc với các thách thức nêu trên. Theo ông Wane, việc giải quyết các vấn đề trong quản lý đất nước, đói nghèo, thất nghiệp và biến đổi khí hậu cần đi trước các hành động quân sự. Ngoài ra, phải có một những chiến lược chính trị chỉ dẫn các hoạt động của lực lượng chung.
Cũng trong buổi họp, đại diện cho 5 quốc gia đóng góp lực lượng cho G5 Sahel, Đại sứ Mali Issa Konfourou kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp các tư liệu quân sự và viện trợ tài chính cho lực lượng chung mới này.
Theo ông, đã có những tiến bộ kể từ khi lực lượng này được thành lập hồi đầu tháng 7. Ông Konfourou cũng cho biết đơn vị đầu tiên của lực lượng này sẽ được triển khai vào tháng 10 tới và tất cả các đơn vị sẽ hoàn thiện vào tháng 3/2018.
Cuộc họp diễn ra sau vụ tấn công đẫm máu tại Burkina Faso và Mali. Các quốc gia tham dự cuộc họp nhận định các mối đe dọa khủng bố xuyên biên giới tại khu vực Sahel vẫn rất nghiêm trọng.
Liên quan đến vụ khủng bố tại Burkina Faso, Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita nhân chuyến thăm Burkina Faso đã khẳng định lại quyết tâm thống nhất chống những đối tượng Hồi giáo cực đoan.
Trong một thông điệp chia buồn gửi tới Tổng thống Burkina Faso, Quốc vương Maroc Mohammed VI cũng bày tỏ sự đoàn kết và ủng hộ đối với Burkina Faso đồng thời bày tỏ hy vọng người dân nước này sẽ sớm phục hồi sau vụ tấn công.
G5 Sahel được thành lập với nhiệm vụ chính là đấu tranh chống các nhóm Hồi giáo cực đoan và tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đang hoành hành tại khu vực sa mạc Sahara rộng lớn. Biên chế ban đầu của lực lượng này là 5.000 binh sĩ.
Đây là lần đầu tiên các quốc gia Trung và Tây Phi thuộc khu vực sa mạc Sahara thiết lập một lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố và chống tội phạm xuyên quốc gia. Tuy nhiên, ngân sách dành cho lực lượng này, ước tính khoảng 496 triệu USD, hiện mới chỉ đạt được 127 triệu USD.
Vụ tấn công ở Burkina Faso xảy ra tối 13/8, một nhóm gồm 3 hoặc 4 tay súng chưa rõ danh tính đã xả súng vào các thực khách trong quán cà phê Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Istanbul ở thủ đô Ouagadougou, làm ít nhất 18 người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 8 người nước ngoài.(TTXVN)
---------------------------
Tổng thống Indonesia kêu gọi đoàn kết trước mối đe dọa cực đoan
Ngày 16/8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới này cần đoàn kết để đối phó với mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan, đồng thời bảo vệ hiến pháp vốn coi trọng sự đa dạng và tự do tôn giáo.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong bài phát biểu tại Jakarta ngày 7/3. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong bài phát biểu tại Quốc hội nhân Ngày độc lập 17/8, Tổng thống Widodo đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này và đối phó với mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan.
Nhà lãnh đạo Indonesia nhấn mạnh rằng tình đoàn kết không những tạo ra một nền kinh tế công bằng, mà còn góp phần vào sự phát triển hệ tư tưởng, chính trị, xã hội và văn hóa của Indonesia.
Về vấn đề hệ tư tưởng, ông Widodo cho rằng Indonesia cần thúc đẩy sự đồng thuận dân tộc để bảo vệ Hiến pháp Pancasila năm 1945, sự đoàn kết của Cộng hòa Indonesia và sự thống nhất trong đa dạng”.
Tổng thống Indonesia khẳng định chính phủ cần đảm bảo tất cả các cơ quan nhà nước “giành được sự tin tưởng cao nhất từ nhân dân".
Phát biểu của Tổng thống Widodo được đưa ra một ngày sau khi cảnh sát Indonesia bắt giữ 5 đối tượng tình nghi phiến quân Hồi giáo và thu giữ các chất hóa học được cho là để chế tạo bom tấn công Phủ tổng thống cuối tháng 8 này.
Căng thẳng tôn giáo tại Indonesia gia tăng kể từ cuối năm ngoái, sau khi nổ ra các cuộc biểu tình yêu cầu Thị trưởng Jakarta thuộc nhóm thiểu số người gốc Hoa theo đạo Cơ đốc, ông Basuki Tjahaja Purnama, từ chức xung quanh cáo buộc phỉ báng kinh Koran.(Baotintuc)
------------------------
Trung Quốc phạt tù chung thân một nguyên đại biểu quốc hội
Toà án Nhân dân cấp trung thẩm tại thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 15/8 đã tuyên phạt tù chung thân đối với ông Lương Diệu Huy vì tội tổ chức mại dâm, thông đồng đấu thầu và đưa hối lộ.
Ông Lương Diệu Huy. Ảnh: Telegraph
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, ông Lương Diệu Huy nguyên là đại biểu Nhân đại Toàn quốc (Quốc hội) Khoá XII của tỉnh Quảng Đông, đồng thời cũng là chủ khách sạn 5 sao mang tên Thái Tử tại thành phố Đông Quản. Bên cạnh án phạt tù, tất cả tài sản của Lương Diệu Huy đều bị tịch thu để sung vào công quỹ.
Theo cáo trạng, Khách sạn Thái Tử do Lương Diệu Huy nắm cổ phần lớn nhất và trực tiếp điều hành đã bắt đầu nhúng tay vào hoạt động kinh doanh dịch vụ mại dâm kể từ năm 2004, và thu khoản lợi nhuận bất chính lên đến gần 40 triệu Nhân dân tệ (khoảng 6 triệu USD) vào năm 2013.
Ngoài ra, ông Lương Diệu Huy còn bị kết tội thông đồng đấu thầu khiến ngân sách nhà nước bị thiệt hại rất lớn, và hối lộ Phó Giám đốc Công ty Cung cấp điện Hoàng Giang Hoàng Mỗ Bình 1,56 triệu đô-la Hong Kong (gần 200.000 USD) để hạ giá điện bán cho Khách sạn Thái Tử trong giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2004.
Hoạt động mại tổ chức mại dâm của Khách sạn Thái Tử đã bị cảnh sát triệt phá trong chiến dịch truy quét hoạt động mại dâm trên quy mô lớn tại thành phố Đông Quản vào năm 2014.(TTXVN)