Thái Lan phanh phui bê bối thết đãi quan chức 'món tráng miệng' là... thiếu nữ; Bahrain cáo buộc Qatar leo thang quân sự ở vùng Vịnh; Myanmar và Thái Lan tiêu hủy số ma túy trị giá 1 tỷ USD; Tàu Trung Quốc tiếp tục xâm nhập vùng biển Nhật Bản
Tin thế giới đáng chú ý tối 26-06-2017
- Cập nhật : 26/06/2017
Cuộc đối mặt chưa từng tiết lộ giữa 2 ông Obama, Putin
Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hồi tháng 8-2016 thu thập được thông tin, theo đó Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh phát động chiến dịch giúp ông Donald Trump thắng cử.
Theo tờ The Washington Post hôm 23-6, cựu Tổng thống Barack Obama đã gặp mặt ông Putin một tháng sau đó tại một hội nghị thượng đỉnh ở Trung Quốc.
Dẫn lời một phụ tá cấp cao, ông Obama đã nói với ông Putin rằng Mỹ biết hành động của Nga và tốt hơn thì Moscow nên dừng lại.
Đáp lại, Tổng thống Putin yêu cầu Mỹ trưng ra chứng cứ, đồng thời cáo buộc Washington can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Nga.
Ông Putin gặp mặt ông Obama tại cuộc họp các lãnh đạo thế giới diễn ra tại Trung Quốc vào ngày 5-9-2016. Ảnh: Sputnik
Thông tin tình báo nêu trên gây rúng động Nhà Trắng. Tuy nhiên, với niềm tin rằng bà Hillary Clinton sẽ đắc cử, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama chỉ cảnh báo Nga chứ không đưa ra các biện pháp đối phó trong suốt mùa bầu cử tổng thống Mỹ 2016, theo Washington Post.
Ít nhất 4 cảnh báo trực tiếp được Mỹ đưa ra: Khi ông Obama cảnh báo ông Putin, giám đốc tình báo Mỹ cảnh báo giám đốc tình báo Nga và 2 lần khác thông qua các kênh ngoại giao cấp cao.
Các quan chức chính quyền cựu Tổng thống Obama khẳng định những lời cảnh báo này khiến Moscow từ bỏ các kế hoạch phá hoại tiến trình bầu cử Mỹ. .
Sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng, giới chức trách chính quyền cựu Tổng thống Obama tỏ ra hối tiếc vì không hành động quyết liệt hơn.
Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 đang diễn ra, chính quyền cựu Tổng thống Obama đã chuẩn bị sẵn các biện pháp trả đũa, bao gồm trừng phạt nặng hơn về kinh tế, rò rỉ thông tin gây bất lợi cho ông Putin hay tấn công mạng những tổ chức tối quan trọng của Nga.
Tuy nhiên, sau chiến thắng của ông Donald Trump, ông Obama chỉ chọn các biện pháp trả đũa "khiêm tốn" nhất, trong đó có việc như trục xuất 35 quan chức ngoại giao Nga.(NLĐ)
-----------------------
Tin tặc tấn công nhiều trang mạng của chính quyền Mỹ tại bang Ohio
Truyền thông Mỹ đưa tin một số trang mạng của chính quyền nước này tại bang Ohio ngày 25/6 dường như đã bị tấn công để phát đi một thông điệp chống chính phủ và ủng hộ tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Theo đó, trang chủ của các website bị tấn công đã được thay thế bằng hình nền toàn một màu đen kèm nhạc, cùng thông điệp do nhóm "Team System Dz" đưa ra với cảnh báo "Tổng thống Donald Trump và người dân Mỹ phải chịu trách nhiệm" về tình hình đổ máu tại các quốc gia Hồi giáo.
Các đơn vị có website bị tin tặc tấn công như Văn phòng Thống đốc bang John Kasich, Sở Điều dưỡng và phục hồi chức năng Ohio, Tổng thanh tra Ohio, Sở Y tế Ohio... đều mất kết nối vào lúc 13h giờ địa phương (24h ngày 25/6 theo giờ Việt Nam).
Người phát ngôn Văn phòng thống đốc bang Ohio chiều cùng ngày cho biết ngay sau khi được thông báo về tình hình, giới chức bang đã bắt đầu khắc phục sự cố an ninh mạng nói trên và sẽ tiếp tục giám sát cho đến khi vấn đề được giải quyết triệt để.
Trong một tuyên bố khác, Sở Dịch vụ Hành chính Ohio khẳng định cơ quan này đang điều tra cách thức tấn công của các đối tượng tin tặc và sẽ phối hợp với lực lượng chức năng để tìm hiểu rõ sự cố nói trên.
Theo báo USA Today, "Team System Dz" là một nhóm gồm các thanh niên Arab chống Israel và tiến hành rất nhiều vụ truy cập trái phép các website một cách ngẫu nhiên, chẳng hạn như vụ tấn công website hội sinh viên của trường Đại học New Brunswick...(TTXVN)
----------------------------------------
Xuất hiện tối hậu thư với Qatar, chuyên gia cảnh báo nguy cơ xung đột vùng Vịnh nghiêm trọng
Sau khi xuất hiện bản tối hậu thư 13 điểm, tình hình căng thẳng ngoại giao ở vùng Vịnh giữa Qatar và một số nước Arab có thể leo thang, gây ra một cuộc xung đột nghiêm trọng.
Ngày 23/6, Saudi Arabia và các nước đồng minh đã gửi tới Qatar bản tối hậu thư bao gồm 13 điều kiện mà Doha cần phải đáp ứng để có thể nối lại mối quan hệ với các quốc gia Arab khác.
Tối hậu thư yêu cầu Qatar cắt đứt quan hệ với Iran, đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên đất của Qatar và đóng cửa hãng truyền hình Al Jazeera.
Ngoài ra, danh sách này còn yêu cầu Qatar cắt mọi quan hệ với các "tổ chức khủng bố", trong đó có tổ chức Anh em Hồi giáo,"Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và phong trào Hezbollah ở Liban.
Hơn thế nữa, Qatar phải trả một khoản bồi thường tài chính, mặc dù vẫn chưa rõ tổng giá trị khoản tiền là bao nhiêu.
Phản ứng trước yêu sách 13 điểm, chính quyền Doha gọi những yêu cầu đó là “không thực tế” và “phi pháp”. Qatar hối thúc các quốc gia vùng Vịnh phải xem xét thay đổi các điều kiện. Theo Bộ Ngoại giao Qatar, các lệnh trừng phạt được áp đặt đang âm mưu tác động đến chủ quyền của Qatar và can thiệp vào chính sách ngoại giao của Doha.
Theo Konstantin Truevtsev – một chuyên gia tại câu lạc bộ bình luận Valdai đồng thời là một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Oriental thuộc Đại học Khoa học Nga, tình hình hiện tại xoay quanh Qatar có thể gây ra một cuộc xung đột.
Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Sputnik, ông Truevtsev nhận định: “Tôi nghĩ rằng việc này có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột nghiêm trọng. Đó là một bản tối hậu thư. Sẽ khó cho Qatar đáp ứng được những yêu cầu đó nếu như Doha muốn gìn giữ chủ quyền. Trong trường hợp này, nó còn hơn cả một sự phong tỏa hoặc tuyệt giao quan hệ. Hiện tại, mọi thứ đang ở bờ vực chiến tranh”.
Ông Truevtsev giải thích: “Ít nhất có 3 yêu cầu không thể đáp ứng được, bao gồm cắt đứt quan hệ với Iran, đóng cửa căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và kênh Al Jazeera”.
Chuyên gia chỉ ra rằng kênh Al Jazeera là một trung tâm thông tin, và việc đóng cửa nó sẽ trở thành “một mối đe dọa to lớn, cả về mặt tài chính lẫn danh tiếng”.
Trước đó, vào 5/6, một số nước vùng Vịnh, bao gồm Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Vương quốc Bahrain, Ai Cập… đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar và đóng cửa không phận, biên giới trên biển và đất liền với Qatar, cáo buộc Doha hỗ trợ các nhóm khủng bố, đặc biệt là phong trào khủng bố Anh em Hồi giáo, cũng như can thiệp các vấn đề nội bộ các quốc gia khác.
Kuwait và Oman là hai thành viên duy nhất trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) không tham gia lần phong tỏa này.
Bộ Ngoại giao Qatar đã phủ nhận mọi lời cáo buộc và bày tỏ sự nuối tiếc trước quyết định trên của các nước.
Khủng hoảng vùng Vịnh bắt đầu từ sự cố hãng thông tấn Qatar đăng một tuyên bố của Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani kêu gọi thiết lập quan hệ với Iran và công khai ủng hộ tới phong trào Anh em Hồi giáo.
Doha sau đó cho biết trang web của hãng thông tấn này bị tấn công và Quốc vương không hề có bất kỳ lời tuyên bố nào như trên. Saudi Arabia, UAE và Bahrain cho rằng lời giải thích đó không hề thuyết phục.(Baotintuc)