Phô diễn sức mạnh hải quân ở biển Baltic: Nga – Trung sắp lập liên minh quân sự?
Cuộc tập trận chung trên biển Baltic của hải quân Nga - Trung cho thấy, quan hệ chiến lược ngày càng mở rộng của hai nước và trở thành thách thức đối với vị thế số 1 thế giới của Mỹ. Nhưng Moscow - Bắc Kinh lập quan hệ đồng minh lại là chuyện khác.
Theo tờ National Interest, cuộc diễn tập chung của lực lượng hải quân Nga – Trung trên biển Baltic đã chứng minh mối quan hệ chiến lược ngày càng được mở rộng giữa hai nước. Cụ thể, đối với hải quân Trung Quốc, cuộc tập trận "Hợp tác Hàng hải 2017" là cơ hội để khẳng định vị thế năng lực quân sự trên thế giới cũng như thể hiện sự ủng hộ đối với đối tác chiến lược là Nga. Còn đối với Moscow, cuộc tập trận chung hải quân với Trung Quốc giúp Nga truyền đi thông điệp Moscow vẫn có bạn bè dù bị phương Tây cô lập.
Chia sẻ với hãng tin TASS, ông Roman Martov, một quan chức thuộc Hạm đội Baltic của Nga cho hay: "Giai đoạn đầu của cuộc tập trận hải quân Nga – Trung mang tên 'Hợp tác Hàng hải 2017' diễn ra từ ngày 21 – 28/7. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử mối quan hệ giữa hai nước, các tàu chiến của Trung Quốc tới thăm Baltiysk".
Hải quân Nga - Trung cùng diễn tập.
Theo đó, Trung Quốc đã điều động 3 tàu chiến tới biển Baltic là tàu khu trục Type 052D Hefei, tàu hộ vệ Type 054A Yuncheng và tàu cung ứng Type 903A Luoma Lake. Trong khi đó, hải quân Nga đã triển khai các tàu hộ tống hiện đại Project 20380 lớp Steregushchy và Boiky. Ngoài ra, Nga còn điều động các trực thăng chống ngầm (ASW) Kamov Ka-27 Helix và máy bay ném bom Sukhoi Su-24 Fencer tới tham gia tập trận chung với hải quân Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia Nga và Mỹ, cuộc tập trận chung hải quân giữa Nga – Trung chỉ thể hiện mối quan hệ đối tác thân thiết giữa hai nước nhưng chưa thể đạt tới mức thiết lập quan hệ đồng minh quân sự chính thức.
"Một liên minh đúng nghĩa cần đưa ra những cam kết bằng văn bản trong việc hỗ trợ quân sự lẫn nhau. Nhưng chúng tôi cho rằng thỏa thuận này giữa Nga – Trung sẽ chưa thể được ký kết trong tương lai gần. Tuy nhiên mức độ hợp tác quốc phòng và chính trị hiện tại cũng là một phần trong mối quan hệ liên minh", ông Vasily Kashin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Kinh tế Moscow chia sẻ với National Interest.
Cựu Đô đốc Mike McDevitt, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ cũng cho rằng, việc Bắc Kinh và Moscow xích lại gần nhau như hiện tại không đồng nghĩa với việc hai nước sẽ thiết lập mối quan hệ liên minh chiến lược mới.
"Hai nước đang ngày càng thân thiết. Nhưng tôi cho rằng, họ sẽ chưa tiến tới quan hệ đồng minh chính thức. Bởi cả hai quốc gia đều chưa chuẩn bị cho mối quan hệ vượt ngoài mức đối tác chiến lược", ông McDevitt chia sẻ.
Còn theo National Interest, quan điểm của Nga là khi Mỹ và phương Tây can thiệp vào việc lập đổ chính phủ tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng như hạn chế Moscow mở rộng tầm ảnh hưởng, sẽ chỉ đẩy Kremlin và Bắc Kinh tiến tới hợp tác quy mô lớn hơn.
"Tiến trình quan hệ Nga – Trung chịu tác động từ việc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một tăng ở Thái Bình Dương và với Nga ở châu Âu. Tiến trình này cũng đã diễn ra trong một khoảng thời gian dài và tăng tốc dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nếu như không chịu áp lực từ phía Mỹ, Nga – Trung vẫn sẽ chỉ duy trì mối quan hệ ở mức thân thiết chứ không thân thiết hơn", ông Kashin nhận định.
Đây chính là lý do cựu Đô đốc McDevitt cho hay, trong các cuộc diễn tập phòng không và ASW, quân đội Nga và Trung Quốc không quá chú trọng tới việc tạo ra các tình huống cùng phối hợp để đảm bảo an toàn cho hai bên cũng như tránh để lộ năng lực và thông tin hoạt động mỗi bên. Ngoài ra, rào cản ngôn ngữ cũng đã tác động không nhỏ tới cuộc diễn tập của quân đội Nga – Trung.
Bên cạnh việc thể hiện năng lực quân sự, cuộc tập trận hải quân lần này giữa Nga – Trung còn ngầm truyền đi thông điệp địa chính trị tới phương Tây.
Trong đó, thông điệp mà Moscow và Bắc Kinh muốn truyền tải tới các nước phương Tây mà cụ thể là Mỹ là thời kỳ thống trị của hải quân phương Tây sắp kết thúc. Song câu hỏi đặt ra là quan hệ đối tác giữa hai cường quốc Âu - Á này sẽ duy trì được bao lâu. Bởi trong hàng thập niên, quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh đã vướng phải không vấn đề. Thậm chí trong thời kỳ Liên Xô cũ, căng thẳng còn gần như bị đẩy lên thành một cuộc chiến công khai giữa hai bên.
Chính sách đối ngoại của Mỹ đã "vô tình" đẩy Nga - Trung xích lại gần nhau.
Ông Olga Oliker, Giám đốc chương trình Nga và Âu - Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế nhận định, thông qua cuộc tập trận, Moscow và Bắc Kinh còn muốn truyền tải những tín hiệu của riêng mình.
Điển hình, việc Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung với Nga trên biển Baltic là điều đáng quan tâm bởi Bắc Kinh đã không còn là quốc gia không thể tiến hành diễn tập chung với các nước khác. Bên cạnh đó, Trung Quốc muốn thể hiện sự ủng hộ đối với Nga cũng như quyền bảo vệ chủ quyền và các vùng biển nằm gần lãnh thổ quốc gia. Nói cách khác, Trung Quốc muốn thể hiện vị thế trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo ông Oliker, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ tham gia vào bất cứ cuộc phiêu lưu nào của Nga ở châu Âu.
Còn hiện tại, điều quan trọng nhất với Mỹ là việc Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn sẽ trở thành thách thức đối với vị thế bá chủ toàn cầu của Washington. Trong quá khứ, Mỹ đã tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của quyền lãnh đạo khu vực hoặc liên minh thống trị vùng đất Á - Âu rộng lớn. Nhưng không may là chính sách đối ngoại mà Mỹ thi hành trong 25 năm qua đã "vô tình" để Nga – Trung mở rộng hợp tác. (Infonet)
------------------------
Nga cảnh báo Mỹ về ý định gửi vũ khí cho Ukraine
Ngày 25.7, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo bất kỳ quyết định nào của Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ cản trở nỗ lực tìm kiếm hòa bình và làm leo thang căng thẳng.
Một máy bay chở trang thiết bị quân sự Mỹ đến Kiev năm 2015. Ảnh tư liệu. REUTERS
Ông Peskov tuyên bố khả năng Washington cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể càng làm xấu đi tình hình dọc chiến tuyến ở miền đông nước này.
Moscow đưa ra phản ứng mới sau khi đặc phái viên Mỹ về vấn đề Ukraine Kurt Volker cho BBC hay Washington đang cân nhắc khả năng cung cấp vũ khí giúp Kiev chống lại phe nổi dậy ở miền đông Ukraine.
Ông Volker khẳng định viện trợ vũ khí phòng vệ cho lực lượng chính phủ Ukraine không phải là hành động gây hấn. Mặt khác, ông Volker cho rằng cần phải đối thoại chiến lược với Nga mới có thể thiết lập hòa bình ở miền đông Ukraine. (Thanhnien)
-----------------------
2.000 chuyên viên hàng không Ukraine sẽ làm việc cho... Trung Quốc
Trung Quốc đã tận dụng thời cơ Ukraine gặp khủng hoảng để thúc đẩy hợp tác, nhận được giấy phép chuyển nhượng nhiều công nghệ quan trọng, trong đó có công nghệ động cơ. Trung Quốc đã xây dựng xong Khu phát triển ngành nghề hiện đại ở Thiểm Tây, 2.000 chuyên viên thuộc Cục thiết kế Antonov Ukraine cùng người thân của họ sẽ an cư lạc nghiệp ở đó.
Máy bay vận tải An-225 là máy bay vận tải lớn nhất thế giới. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.
Tờ “Người đưa tin công nghiệp quốc phòng” Nga ngày 25/7 cho hay các doanh nghiệp Trung Quốc và Ukraine đang tăng cường hợp tác trong chế tạo trang bị hàng không hiện đại.
Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) đã thử nghiệm máy bay cảnh báo sớm KJ-600 ở sân bay Diêm Lương, Tây An. Loại máy bay này dùng để trang bị cho tàu sân bay tương lai, nó hầu như đã sử dụng động cơ D-27 do Công ty MotorSich, Ukraine sản xuất. Động cơ này nổi tiếng với máy bay vận tải An-70.
Động cơ trang bị cho máy bay KJ-600 sẽ nâng cao hiệu suất cất cánh cự ly ngắn trên tàu sân bay lắp máy phóng. Khoang máy bay có thể chứa 5 nhân viên điều khiển radar, phạm vi dò tìm đạt 600 km.
Xét đến những tiến bộ rõ rệt của Trung Quốc trong phát triển máy bay cảnh báo sớm, hợp tác giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và Ukraine về trang bị hàng không hiện đại là điều đáng chú ý xem xét, nghiên cứu.
Để rút ngắn khoảng cách giữa các nhà chế tạo máy bay trong nước với phương Tây và Nga, Bắc Kinh phê chuẩn thiết lập 2 trung tâm ngành nghề ở Tây An và Thành Đô, các chuyên gia Ukraine sẽ làm việc ở đó.
Huyện Bồ Thành, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đã xây dựng xong Khu phát triển ngành nghề hiện đại Lỗ Dương Hồ, 2.000 nhân viên thuộc Cục thiết kế Antonov Ukraine cùng người thân của họ sẽ an cư lạc nghiệp ở đó. Máy bay vận tải An-225 Ukraine. Ảnh: Cankao.
Đây là kết quả hợp tác giữa AVIC Trung Quốc và Cục thiết kế Antonov, nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng dây chuyền sản xuất, thử nghiệm máy bay vận tải siêu nặng An-225. Nghe nói, loại máy bay này có thể điều 1.500 quân đến bất cứ địa phương nào ở Trung Quốc – một nước có lãnh thổ rộng lớn.
Nhiệm vụ thứ hai là xây dựng dây chuyền sản xuất máy bay vận tải An-124-100 Ruslan, giúp Trung Quốc bổ sung thiếu hụt máy bay vận tải hạng nặng. Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển binh sĩ và vật tư cho các quân binh chủng, Trung Quốc ít nhất cần 200 máy bay vận tải hạng nặng và hạng trung.
Ngoài ra, Quân đội Trung Quốc còn bày tỏ quan tâm nhất định đến máy bay vận tải An-70, tính năng của nó tốt hơn so với máy bay vận tải Y-30 tương lai của Trung Quốc.
Chuyên gia vấn đề không quân Trung Quốc cho rằng trang bị máy bay vận tải An-70, loại máy bay có thể chở 300 binh sĩ hoặc 200 thương binh là sự lựa chọn tốt nhất của quân đội Trung Quốc.
Ngoài các loại máy bay kể trên, Trung Quốc còn dự định hợp tác với Ukraine sản xuất các máy bay An-74, An-132, An-158 và An-178.
Rõ ràng, sản xuất hàng loạt những máy bay này cần có động cơ mạnh và tin cậy. Để giải quyết vấn đề này, Công ty động cơ máy bay Thiên Kiêu, Trùng Khánh, Trung Quốc và Công ty MotorSich, Ukraine đã hợp tác thành lập một công ty mới với vốn đăng ký là 4 tỷ nhân dân tệ tại Trung Quốc – tên công ty là Công ty động cơ máy bay Thiên Kiêu Trùng Khánh - MotorSich.
Chính quyền thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc sẽ chi tiền để xây dựng tất cả những công trình hạ tầng cơ sở cần thiết để phục vụ cho hoạt động của công ty mới này. Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 Trung Quốc tại Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Trung Quốc lần thứ 11. Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về động cơ, nhưng ngành công nghiệp trong nước không đáp ứng được nhu cầu này. Ảnh: Cankao
Có nguồn tin từ Trung Quốc tiết lộ, công ty này có kế hoạch xây dựng dây chuyền để sản xuất nhiều loại động cơ để lắp cho cả máy bay quân dụng và dân dụng.
Trước hết là động cơ D-18T sử dụng cho máy bay vận tải hạng nặng Trung Quốc, loại máy bay này có thể đưa 171 tấn hàng đến khu vực trong phạm vi 15.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu.
Thứ hai là các động cơ AI-225K-25F và AI-25TLK, bởi vì không quân và hải quân Trung Quốc cần hoạt động cung ứng hàng hóa ổn định của chúng để duy trì hoạt động của các máy bay huấn luyện và chiến đấu như JL-8, JL-9 và JL-10, đồng thời cung cấp động cơ để máy bay huấn luyện L-15 chiếm lĩnh thị trường vũ khí quốc tế.
Tiếp theo là động cơ D-27 và động cơ D-436. Trong đó, động cơ D-27 sử dụng cho máy bay vận tải quân dụng hạng trung Y-30, còn D-436 được lắp cho máy bay An-178 hoặc sản phẩm cùng loại của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng hy vọng dưới sự giúp đỡ của Ukraine, tiến hành sản xuất hàng loạt các động cơ D-136, AI-136T, TV3-117VMA-SBM1V và MS-500V. Điều này có lợi cho loại bỏ hoàn toàn sự lệ thuộc của Trung Quốc vào động cơ Nga.
Thiết bị máy bay trực thăng cũng đang được nghiên cứu chế tạo. Công ty MotorSich còn có thể giúp các nhà thiết kế Trung Quốc nghiên cứu chế tạo động cơ tua-bin phản lực cỡ nhỏ sử dụng cho tên lửa hành trình và tên lửa chống hạm. Hình ảnh này được cho là mô hình máy bay cảnh báo sớm KJ-600 Trung Quốc. Ảnh: Sohu
Trùng Khánh có thể sẽ còn xây dựng khu sản xuất, sinh hoạt cho nhân viên của Cục thiết kế Phương Nam, Ukraine. Cục thiết kế này đã có một bước đi lớn hướng tới ngành chế tạo tên lửa Trung Quốc, đã cung cấp các tài liệu kỹ thuật và hàng mẫu của các động cơ RD-170, RD-120 và RD-9.
Như vậy, từ sau khi khủng hoảng Ukraine nổ ra, mối quan hệ giữa Nga và Ukraine đã xấu đi nghiêm trọng và hầu như cắt đứt mọi mối quan hệ về quân sự, trong đó có hợp tác kỹ thuật quân sự. Ngành công nghiệp hàng không Ukraine mất đi khách hàng lớn như Nga, buộc họ phải tìm cách vượt qua khó khăn và chuyển hướng hợp tác.
Trung Quốc đã tận dụng tốt thời cơ này, tích cực đẩy mạnh hợp tác với Ukraine và đến nay đã đạt được thành quả như vậy. Rõ ràng, hợp tác Trung Quốc - Ukraine trong công nghiệp hàng không sẽ trở thành bài học cho nhiều nước.(Viettimes)
---------------------------