Đông Nam Á cần cảnh giác với 'vòi bạch tuộc' khủng bố
Hàng loạt vụ đánh bom khủng bố và các vụ bạo động xảy ra gần đây đã tạo ra những lo ngại về việc chủ nghĩa khủng bố lan rộng và ngày càng hiện hữu rõ rệt ở Indonesia, cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Phóng viên TTXVN tại Indonesia đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Arisman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở tại Jakarta về vấn đề này.
Các nước Đông Nam Á cần hết sức cảnh giác trước nguy cơ khủng bố. Ảnh: AFP/TTXVN
Đánh giá về thực trạng khủng bố ở Indonesia so với các nước Đông Nam Á khác trong thời gian gần đây, Tiến sĩ Arisman cho rằng nguy cơ khủng bố ở các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là ở các nước như Indonesia, Malaysia và Philippines là tương tự nhau, bởi các phần tử khủng bố có mạng lưới rộng khắp và liên kết với nhau ở khu vực, cũng như có liên quan đến mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Ông cho rằng "vòi bạch tuộc" của IS đã lan tới Đông Nam Á và đang ngày càng bám rễ sâu tại khu vực này.
Thông qua Internet và các mạng xã hội, các đối tượng khủng bố đang tích cực tuyên truyền, vận động các tín đồ Hồi giáo tiến hành “thánh chiến”, đặc biệt là đối với các tín đồ trẻ tuổi. Indonesia là quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất thế giới. Ông Arisman bày tỏ quan ngại về sự trỗi dậy ngày càng nguy hiểm của chủ nghĩa cực đoan tại quốc gia này, với một thế hệ phiến quân trẻ, trung thành với tư tưởng của IS.
Theo Tiến sĩ Arisman, để đối phó với nạn khủng bố, Indonesia hiện đã thành lập Cơ quan chống khủng bố và đội đặc nhiệm chống khủng bố Densus 88. Các cơ quan này hiện được đánh giá là hoạt động khá hiệu quả trong quá trình truy quét các phần tử khủng bố. Về lâu dài, Chính phủ Indonesia mong muốn thông qua giáo dục, tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt những người trẻ tuổi không tham gia vào các tổ chức cực đoan, phi pháp.
An ninh đã được thắt chặt không chỉ sau vụ tấn công khủng bố vừa qua tại Indonesia. Ông Arisman cho rằng không chỉ riêng Chính phủ Indonesia, mà các cơ quan ban ngành cũng cần tham gia tuyên truyền, giáo dục người dân không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của bọn khủng bố.
Các đối tượng khủng bố ngày càng hoạt động tinh vi, nguy hiểm do đó đây không chỉ là trách nhiệm của chính phủ, các cơ quan chống khủng bố mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội, mọi người dân cũng cần đề cao cảnh giác trước các đối tượng khủng bố, kịp thời phát hiện các dấu hiệu nghi vấn và báo cho cảnh sát.
Tiến sĩ Arisman nhận định chủ nghĩa khủng bố đã trở thành vấn đề mang tầm khu vực, điều này đòi hỏi các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần có sự hợp tác chặt chẽ để đấu tranh, ngăn chặn nạn khủng bố lan rộng. Sự hợp tác này không chỉ là việc hợp tác giữa các cơ quan chống khủng bố, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động mà phải là sự hợp tác toàn diện để đảm bảo cho người dân khu vực được sống trong môi trường hòa bình, ổn định.
Diễn biến ở thành phố Marawi, miền Nam Philippines có thể coi là hồi chuông cảnh báo về sự ổn định của khu vực bởi sau Philippines có thể là Indonesia, Malaysia và các quốc gia khác trong khu vực.(TTXVN)
------------------------
Sau khi bị coi thường, Nga ‘cười nhạo’ chiến hạm của Anh
Nga tỏ ra khinh thường tàu chiến mới của Anh, gọi đây chỉ là "mục tiêu hàng hải to, dễ dàng", theo tin BBC.
Hàng không mẫu hạm mới của Anh, Nữ hoàng Elizabeth. Ảnh EPA
Người phát ngôn của bộ quốc phòng Nga, Igor Konashenkov, khó chịu vì Anh chỉ trích hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuznetsov của Nga.
Hàng không mẫu hạm mới của Anh, Nữ hoàng Elizabeth, vừa mới hạ thủy tuần này.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon sau đó gọi tàu Đô đốc Kuznetsov 26 năm tuổi của Nga là "già nua".
Nay người phát ngôn quốc phòng Nga, Konashenkov, nói bình phẩm của bộ trưởng Anh cho thấy ông này "thiếu kiến thức về khoa học hải quân".
Tàu Nữ hoàng Elizabeth tốn kém tới 3 tỉ bảng, là tàu hiện đại nhất của hải quân Anh.
Bộ trưởng quốc phòng Anh, Michael Fallon, viết trên báo: "Người Nga sẽ nhìn con tàu này với chút ghen tỵ." (Bizlive)
------------------------------
Mỹ “quyết” bán 1,3 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan, ép Trung Quốc
Mỹ quyết định tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan nhằm sử dụng Đài Loan để gây sức ép với Trung Quốc, củng cố vị thế trong khu vực và ngăn chặn các hành động "bành trướng" của Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert. Ảnh: The Times of Israel
Hãng tin AP Mỹ ngày 29/6 dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn phương án bán vũ khí cho Đài Loan đầu tiên sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, trị giá 1,3 tỷ USD. Sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đã xác nhận điều này.
Theo báo chí Hồng Kông, chính quyền Tổng thống Mỹ Doanld Trump đã trình phương án bán vũ khí mới ra Quốc hội Mỹ, nhưng cho biết trị giá vụ mua bán lần này đạt 1,42 tỷ USD. Điều này không làm thay đổi chính sách “một Trung Quốc” dựa trên “3 Thông cáo” và Luật quan hệ với Đài Loan mà Mỹ thực hiện từ lâu.
Quyết định này của Mỹ chắc chắn sẽ gây tức giận cho Trung Quốc. Cũng trong ngày 29/6, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo việc phê chuẩn trên cho Quốc hội Mỹ, các nghị sĩ Quốc hội Mỹ có thời gian 30 ngày để phủ quyết phương án này.
Trong phương án này có 7 hạng mục, bao gồm chỉ đạo kỹ thuật radar cảnh báo sớm, tên lửa chống bức xạ, ngư lôi và linh kiện tên lửa SM-2, nhưng không bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình F-35, loại máy bay mà chính quyền Thái Anh Văn muốn mua.
Đối với việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng lên án, cho biết Trung Quốc kiên quyết phản đối Luật quan hệ với Đài Loan do Mỹ đơn phương đưa ra, yêu cầu Mỹ tuân thủ chính sách “một Trung Quốc” và nguyên tắc 3 Thông cáo chung Trung - Mỹ, chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan, chấm dứt quan hệ chính thức dưới bất cứ hình thức nào và nâng cấp quan hệ thực chất Mỹ - Đài, bảo vệ đại cục quan hệ Trung - Mỹ và hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan bằng hành động thực tế.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng từng tuyên bố rằng vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, liên quan đến “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết phản đối bất cứ nước nào bán vũ khí cho Đài Loan.
Theo các chuyên gia, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan cho thấy Washington sẽ không từ bỏ “đòn bẩy Đài Loan” để gây ảnh hưởng đối với Trung Quốc.
Các nghị sĩ Mỹ cho rằng tăng cường vị thế của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ngăn chặn Trung Quốc là động cơ chính thúc Mỹ cung cấp vũ khí cho nhà cầm quyền Đài Loan. (Viettimes)
----------------------
Nga vẫn là một trong các quốc gia hùng mạnh, gây hấn là chuyện khó
Trong triển vọng trung hạn, Nga sẽ vẫn là một trong những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới về mặt quân sự, việc gây hấn quân sự trực tiếp chống Nga là chuyện khó xảy ra, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược (CSR).
Phi đội tiêm kích biễu diễn của Nga
"Trong trung hạn, Nga sẽ vẫn là một trong những quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới về quân sự, là một cường quốc hạt nhân", báo cáo cho biết.
CSR cho rằng "sự xâm lược quân sự trực tiếp chống Nga là khó xảy ra, dù với các quốc gia láng giềng và các liên minh". "Tuy nhiên, các lực lượng vũ trang cần phải được hiện đại hóa phù hợp với cải tiến kỹ thuật và quản lý hơn nữa", báo cáo đánh giá.
Đồng thời báo cáo cũng lưu ý rằng Nga có khả năng "là trung gian hòa giải trong đối thoại liên văn hóa và liên văn minh, đồng thời tham gia tích cực trong cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan". Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng, cuộc đối đầu với phương Tây trong thời gian dài gây hại cho Nga và đặt nước này trước lựa chọn, một mặt giữa chủ quyền và an ninh và mặt khác, tham gia vào các tương tác xuyên biên giới và toàn cầu.(Viettimes)