Lá chắn diệt tên lửa đạn đạo Mỹ gây ngờ vực; Ông Putin cảnh báo đáp trả lá chắn tên lửa Mỹ; Thị trưởng Mỹ quyết kháng lại ông Trump về thỏa thuận Paris
Tin thế giới đáng chú ý trưa 02-06-2017
- Cập nhật : 02/06/2017
Singapore thắt chặt an ninh mọi ngả đường tới khách sạn Shangri-La
Singapore đã siết chặt an ninh tại mọi ngả đường dẫn tới khách sạn Shangri-La - địa điểm diễn ra Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 (SLD 16), dự kiến khai mạc vào tối 2/6 với sự tham dự của bộ trưởng và quan chức quốc phòng của hơn 50 nước.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, người dân được khuyến cáo về những ảnh hưởng đối với hoạt động giao thông và những người đi xe máy tuyệt đối không được phép đi vào các tuyến đường xung quanh khách sạn Shangri-La trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. Cảnh sát cũng yêu cầu người dân tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn của nhân viên an ninh tại các trạm kiểm soát.
Trong khi đó, khách tới khách sạn Shangri-La trong thời gian này được khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng hoặc đi chung xe do bãi đỗ xe của khách sạn sẽ bị hạn chế và kiểm soát an ninh nghiêm ngặt. Các hoạt động như sử dụng máy bay không người lái, thả diều… đều bị cấm tuyệt đối.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Australia Malcom Turnbull sẽ là người phát biểu dẫn đề trong phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La 16 và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis dự kiến sẽ có bài phát biểu tổng quát về chính sách của Washington đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại phiên thảo luận đầu tiên sáng ngày 3/6.
Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức SLD, cho biết SLD 16 sẽ có năm phiên thảo luận chính thức, thay vì sáu phiên như dự kiến ban đầu, bao gồm: Mỹ và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Duy trì trật tự trong khu vực dựa trên các quy định; Thách thức mới đối với quản lý khủng hoảng ở châu Á-Thái Bình Dương; Xây dựng nền tảng an ninh khu vực chung; Các mối đe dọa toàn cầu và an ninh khu vực.
Ngoài ra, diễn đàn cũng sẽ bàn đến các vấn đề vốn đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay liên quan đến hiểm họa hạt nhân đe dọa châu Á-Thái Bình Dương, các hình thức hợp tác an ninh mới, tác động của các công nghệ mới đối với lĩnh vực quốc phòng hay các biện pháp mang tính thực tế để tránh xung đột trên biển...(TTXVN)
-------------------
Brazil chính thức nộp đơn xin gia nhập OECD
Ngày 1/6, Tổng thống Brazil Michel Temer đã chính thức nộp đơn của Brazil xin gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bất chấp cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, thông cáo của Văn phòng Phủ Tổng thống Brazil cho biết nước này mong muốn trở thành thành viên OECD cùng với 35 quốc gia khác nhằm tăng cường hội nhập kinh tế với các nước công nghiệp phát triển. Chính phủ Brazil hy vọng việc gia nhập OECD sẽ giúp thu hút đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái trầm trọng 2 năm gần đây.
Quyết định về việc chấp thuận một quốc gia trở thành thành viên của OECD có thể mất vài năm và phụ thuộc vào những yêu cầu và đòi hỏi quy định và cần được Quốc hội Brazil thông qua trong trường hợp nước này gia nhập. Một quan chức Chính phủ Brazil cho biết có thể mất 3 năm để nước này được chấp thuận.
Cùng ngày, các chuyên gia nhận định Ngân hàng trung ương Brazil đang xem xét kế hoạch tiếp tục cắt giảm đáng kể lãi suất ngân hàng, mặc dù cuộc khủng hoảng chính trị đang đe dọa đà hồi phục chậm chạp của nền kinh tế số một Mỹ Latinh. Nhiều khả năng ngân hàng này sẽ cắt giảm lãi suất xuống chỉ còn 8,5% từ nay tới cuối năm so với mức 11,25% hiện nay.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Brazil Ilan Goldfajn khẳng định khủng hoảng chính trị không ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của nước này. Ngân hàng trung ương Brazil dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2017 sẽ ở mức 0,49%, với lạm phát là 4,36%. Nếu đạt được mức tăng trưởng dự kiến, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh sẽ thoát khỏi suy thoái sau hai năm liên tiếp tăng trưởng âm, lần lượt là -3,8% và -3,5% trong hai năm 2015 và 2016. Năm 2015, lạm phát tại Brazil vượt 10%, mức cao nhất kể từ năm 2002, và năm ngoái ở mức 6,29%.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Brazil có thể chỉ tăng trưởng 0,2% trong năm nay và tăng 1,5% trong năm 2018. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết quốc gia Nam Mỹ này dẫn đầu danh sách về tỷ lệ thất nghiệp cao nhất khu vực trong năm nay và ước tính trong năm tới, con số này ở mức 13,8 triệu người, chiếm 12,8% dân số.(TTXVN)
---------------------------
“Mưa tên lửa” Nga đang hủy diệt IS tại Syria
Hãng tin Sputnik dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Hải quân Nga vừa phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo xuống phía Đông thành phố Palmyra, nơi có các kho chứa khí tài quân sự hạng nặng và các khu tập trung của phiến quân IS được điều động từ Raqqa (Syria), nơi được coi là “kinh đô” của IS.
“Tàu khu trục Đô đốc Esen và tàu ngầm Krasnodar của Hải quân Nga đã tiến hành phóng bốn tên lửa hành trình Kalibr từ phía Đông Địa Trung Hải nhằm vào các phần tử khủng bố IS tại khu vực Palmyra”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết. “Tất cả các mục tiêu đều đã bị tiêu diệt”.
Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đều đã được thông báo trước về cuộc tấn công “một cách kịp thời” qua các kênh liên lạc.
Thành phố Palmyra là nơi quân chính phủ Syria và IS đang tranh giành lẫn nhau kể từ khi tổ chức khủng bố đã chiếm thành phố này vào năm 2015.
Vào tháng 3 vừa qua, quân đội Syria với sự hỗ trợ của máy bay Nga đã giành lại thành phố từ tay các phiến quân IS. Theo Bộ Quốc phòng Nga, đã có ít nhất 1.000 phiến quân IS bị giết hoặc bị thương trong chiến dịch tấn công này.
Thành phố Palmyra, vốn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, được cả chính phủ Syria và tổ chức IS coi là một địa điểm chiến lược trong cuộc chiến. Nằm tại tỉnh Homs, thuộc miền trung Syria, Palmyra nằm cách thành phố Raqqa 225km và được coi là một cửa ngõ để đánh vào “thủ đô” của IS.(Infonet)
-------------------------------
Mục đích Mỹ thành lập cơ quan tình báo mới tại châu Âu
Trước thông tin truyền thông rằng, Mỹ đang thành lập một đơn vị tình báo mới tại châu Âu, chuyên gia quân sự Vladimir Kozin lưu ý rằng trong những năm gần đây, các hoạt động của Hoa Kỳ và NATO gần biên giới Nga đã tăng gấp nhiều lần.
Sau khi tham chiếu các hợp đồng mua sắm của chính phủ Mỹ được đăng tải trên cổng thông tin điện tử, hãng tin RT của Nga cho biết, chính phủ Mỹ đang có kế hoạch thành lập một cơ quan tình báo mới, với nhiệm vụ tiến hành các hoạt động tại lãnh thổ khu vực Balkan và Đông Âu.
Nhóm tình báo mới này sẽ được bố trí tại căn cứ quân sự Camp Bondsteel, nằm gần thị trấn Urosevac, phía đông Kosovo. Đây cũng là căn cứ của lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia "Phương Đông" dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ - một phần của lực lượng quốc tế NATO.
Nhân viên của đơn vị này sẽ tham gia vào việc phân tích các dữ liệu, lên kế hoạch và tổ chức hoạt động tình báo và an ninh.
Bài báo cho biết: "Các hoạt động trên sẽ được thực hiện ở một số quốc gia, bao gồm các địa điểm triển khai lâu dài tại Trung Âu (Đức và Ý), các địa điểm tiềm năng cho việc triển khai lâu dài ở Đông Âu (ví dụ như Bulgaria, Romania và Ba Lan), cũng như một số địa điểm dành cho các chiến dịch khẩn cấp, trong đó có khu vực Balkan và các khu vực khác".
Giáo sư của Học viện Khoa học Quân sự, chuyên gia quân sự Vladimir Kozin nhận định rằng, Mỹ và NATO cần duy trì hình ảnh của Nga như là "đại diện cho kẻ thù".
Phát biểu trên đài Sputnik, ông Kozin phân tích: "Để biện minh cho việc chi tiêu quân sự và chuẩn bị chiến tranh của mình, họ cần phải đưa ra một kẻ thù tiềm năng. Và Nga được các cơ quan tình báo chỉ ra như một hình ảnh đại diện cho kẻ thù này. Ví dụ, nếu nhìn vào các hoạt động của Mỹ và NATO trên không, có thể thấy sau năm 2014 nó đã tăng gần gấp 10 lần. Máy bay trinh sát không quân Mỹ và NATO đang liên tục hiện diện trên biển Baltic và biển Đen. Hoạt động quân sự gần biên giới với Liên bang Nga đã tăng gấp 5 lần. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên với tổ chức mới này, bởi vấn đề này đã được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây. Mục tiêu của nó là khá đơn giản - tạo ra hình ảnh kẻ thù và do đó NATO phải tham gia vào các hoạt động quân sự tương ứng".(Infonet)