Triều Tiên tấn công Mỹ bằng tên lửa hạt nhân ngay bây giờ, chuyện thật hay đùa?; Lầu Năm Góc: Triều Tiên khai hỏa, sẽ có chiến tranh; Mỹ ưu tiên giải pháp ngoại giao với Triều Tiên
Tên lửa do các chiến binh phiến quân Houthi tấn công vào Ả Rập Xê-út dù không đánh chính xác mục tiêu nhưng lại mang hiệu quả truyền thông rất lớn, khiến các tuyên bố của Ả Rập Xê-út về khả năng của các chiến binh này trở nên sai lầm.
Quả thực, hiện nay mối lo về kho tên lửa của Yemen là mối quan tâm hàng đầu của Ả Rập Xê-út và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) kể từ khi Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đồng ý từ bỏ quyền lực vào tháng 11/2011 để đổi lấy quyền miễn trừ truy tố.
Một mục tiêu quan trọng trong thời kỳ chuyển giao ở Yemen là tước bỏ các kho dự trữ tên lửa đạn đạo khỏi tay Lực lượng bảo vệ Cộng hòa Yemen (YRG), một lực lượng tinh nhuệ độc lập thuộc quyền kiểm soát trực tiếp của Saleh cùng con trai ông ta và người thừa kế Ahmed. Khi những nỗ lực này thất bại, Ả Rập Xê-út đã cố tiêu hủy những kho vũ khí này, và động thái trên đã góp phần đáng kể gây ra cuộc xung đột hiện nay.
Kho tên lửa của Yemen
Vào thời điểm Saleh từ chức, phần lớn các hệ thống tên lửa của Yemen đều nằm trong tay các Lữ đoàn tên lửa số 5 và số 6 của YRG, trên núi Faj Attan, một ngọn núi nhìn ra thủ đô Sana'a của Yemen. Lữ đoàn tên lừa- pháo binh số 8 sở hữu các hệ thống tên lửa pháo binh hạng nặng và đóng tại một tỉnh lân cận phía nam thành phố Sana'a.
Theo ước tính, kho tên lửa của Yemen bao gồm các hệ thống thừa hưởng từ kho vũ khí của Bắc và Nam Yemen, trước khi thống nhất Yemen vào năm 1990. Trong số đó quan trọng nhất là tên lửa Scud của Liên Xô mà Cộng hòa Dân chủ Yemen (PDRY), hay Nam Yemen, đã có được trong những năm 1970. Kho vũ khí này cũng bao gồm các tên lửa di động Scarabs SS-21 nhỏ hơn (OTR-21 Tochka), mà cả Cộng hòa dân chủ Yemen và Cộng hòa Ả Rập Yemen (hay Nam Yemen và Bắc Yemen) đã có được từ những năm 1980.
Quân đội trước đây của hai miền Yemen đều triển khai một số tên lửa này trong cuộc nội chiến đất nước vào mùa hè năm 1994. Sau khi cuộc nội chiến kết thúc, tên lửa Scud được chuyển ra khỏi căn cứ tên lửa al-Anad của Nam Yemen gần Aden và cuối cùng được giao cho Lữ đoàn tên lửa số 5 và số 6.
Theo ước tính trong báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, vào năm 2004, quân đội Yemen thống nhất có 24 h thống tên lửa SS-21 và 18 hệ thống tên lửa Scud B SS-1, mỗi loại có chưa đầy 50 bệ phóng. Trong những năm 2000, chính quyền của Saleh đã mua lại tên lửa Hwasongs (tên lửa dựa trên Scud) của Triều Tiên.
Theo ước tính, chính phủ Saleh đã mua 45 tên lửa Hwasong-6 (Scud-C) vào những năm 2000. Ngoài ra còn có tin đồn cho rằng Yemen cũng đã mua lại hệ thống tên lửa Hwasong-10 (BM-25 Musudan) từ Triều Tiên và thông tin này đã được nhắc đến nhiều lần trên các phương tiện truyền thông của Yemen, đặc biệt là từ năm 2015.
Các lữ đoàn tên lửa của Yemen cũng sở hữu các hệ thống tên lửa pháo binh FROG-7 (9K52 Luna-M) đã lỗi thời, trong khi các đơn vị phòng không nước này đã có hệ thống phòng không SA-2 (S-75 Dvina) có thể được chuyển đổi để hoạt động như tên lửa đạn đạo đất đối đất với những đầu đạn nhỏ.
Hầu hết các hệ thống được cho là đang trong tình trạng hết sức yếu kém. Một số tên lửa được cho là mua từ Triều Tiên từ năm 2002 không hoạt động được vì một số bộ phận bị lỗi, trong khi đó các tên lửa Scud và OTR-21 cần được các chuyên gia nước ngoài liên tục bảo trì mới có thể tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên, bất chấp những lý do này, GCC nói chung và Ả-rập Xê-út nói riêng vẫn coi các tên lửa là mối đe dọa tiềm tàng, tuy nhiên các nước này cũng tin rằng bằng cách tước quyền lực khỏi tay Saleh và họ hàng, nhất là những người trong YRG thì mối đe dọa này sẽ bị vô hiệu hóa.
Kiểm soát
Vào tháng 2/2012, cựu đồng minh của Saleh đồng thời là phó Tổng thống Abd Rabbo Mansour Hadi đã trở thành Tổng thống trong thời kỳ chuyển tiếp hai năm do GCC hậu thuẫn. Ngay sau đó, chính phủ lâm thời đã bắt đầu ban hành các nghị định nhằm loại bỏ những người thân cận của Saleh khỏi các vị trí quân sự và an ninh hàng đầu.
Vào giữa tháng 12/2012, chính phủ lâm thời đã ra lệnh cho cả ba lữ đoàn tên lửa YRG - Lữ đoàn tên lửa số 5 và số 6 và lữ đoàn pháo binh số 8 – kết hợp thành một Nhóm lữ đoàn tên lửa mới. Sắc lệnh này ám chỉ rằng YRG sẽ từ bỏ quyền kiểm soát tên lửa đạn đạo.
Cho dù trên giấy tờ, các lữ đoàn mới vẫn trực tiếp dưới quyền của Tổng thống Hadi, nhưng trên thực tế Tổng thống có quyền chỉ huy hết sức hạn chế. Ông Saleh, người trước đây từng kiểm soát lực lượng vũ trang của Yemen, đến lúc này vẫn có ảnh hưởng lớn. Hơn 30 năm cầm quyền của ông đã mang lại cho nhiều chỉ huy quân sự lợi ích to lớn và rất nhiều chỉ huy ngần ngại cắt đứt mọi sợi dây quan hệ với ông và vây cánh của ông.
Ban đầu, các phương tiện truyền thông Yemen cho biết ông Ahmed Saleh đã từ chối bàn giao tên lửa, và những người trung thành với ông Saleh đã giấu nhiều tên lửa ở vùng núi xung quanh thủ đô. Tuy nhiên, vào cuối tháng 12/2012, ông đã bắt đầu bàn giao tên lửa cho các nhà lãnh đạo quân sự trung lập, chỉ có Lữ đoàn pháo binh và tên lửa số 8 không có các hệ thống tên lửa đang hoạt động đã được giao thẳng cho kẻ thù của Saleh. Số phận của các hệ thống tên lửa di động này đến nay vẫn chưa rõ.
Vào tháng 3/2013, chính phủ lâm thời đã cố gắng chuyển tên lửa từ căn cứ của Lữ đoàn 5 và 6 ở Faj Attan tới căn cứ tên lửa ở quê nhà của Tổng thống Hadi, tỉnh. Những nỗ lực này đã bị một số chỉ huy quân đội Yemen phản đối vì không muốn chuyển tên lửa cho chỉ huy của Nam Yemen trước đây.
Chiến dịch Decisive Storm
Vào tháng 4/2013, chính phủ Hadi đã buộc họ hàng thân thích của ông Saleh ra khỏi hàng ngũ quân đội và giải tán YRG, sáp nhập gần 20 lữ đoàn vào các đơn vị mới, một số dưới trướng của các chỉ huy quân đội, một số trực tiếp dưới quyền Tổng thống.
Sự chuyển đổi cơ cấu này đã che đậy một khoảng trống quyền lực đang gia tăng do quá trình chuyển đổi thất bại trong nước, và quá trình này đã chính thức kết thúc vào đầu năm 2014. Trong những tháng tiếp theo, chính phủ lâm thời của Yemen chùn bước trước tình trạng mất khả năng thanh toán và ngày càng không thể quản lý được đất nước. Vào mùa hè năm 2014, nhiều đơn vị YRG trước đây- bao gồm cả các lữ đoàn tên lửa – đã không được thanh toán tiền lương và tiền thưởng.
Cơn suy thoái này đột ngột chấm dứt vào tháng 9/2014, khi phiến quân Houthi tiếp quản thủ đô và thổi một làn gió mới vào lực lượng vũ trang thối nát của Yemen. Chiến đấu với quân đội chính phủ từ năm 2004 đến năm 2010, khi ông Saleh từ chức vào năm 2011, Houthi bắt đầu đẩy mạnh ra khỏi các căn cứ địa của mình.
Vào nửa cuối năm 2013, lực lượng này đã liên kết với các lực lượng trung thành của Tổng thống Saleh chống lại các nhóm do GCC hậu thuẫn và đã khống chế được chính phủ lâm thời. Vào mùa hè năm 2014, các tay súng Houthi đã bắt đầu lập ra các trạm kiểm soát trên đường vào thủ đô. Khi căng thẳng gia tăng, các lực lượng YRG trước đây đang bảo vệ thủ đô tuyên bố trung lập. Tuy nhiên, việc từ chối ngăn quân Houthi tiến vào thành phố cho thấy lực lượng này không hề trung thành với chính phủ lâm thời.
Vào tháng 9/2014, Houthi đã chiếm được thủ đô và tiếp quản thành phố, chấm dứt thời kỳ chuyển giao do GCC lãnh đạo. Theo nguồn tin mật, ưu tiên trước mắt của Houthi là giành quyền kiểm soát lực lượng tinh nhuệ của Yemen cùng vũ khí của họ, đặc biệt là lực lượng YRG.
Vào giữa tháng 12/2014, các phương tiện truyền thông Yemen đưa tin máy bay của phiến quân Houthi đã tiếp cận các cửa của căn cứ Faj Attan, nơi có hệ thống tên lửa đạn đạo cố định của Yemen. Mặc dù chính phủ ban đầu tuyên bố không có lý do gì đáng lo ngại, nhưng vào cuối tháng 1/2015, các phương tiện truyền thông Yemen đã báo cáo rằng Houthi đã tiếp quản căn cứ này.
Ả Rập Xê-út lo sợ rằng nước này sẽ là mục tiêu của các cuộc tấn công tên lửa của phiến quân Houthi vì vào đầu tháng 11/2014, có tuyên bố cho rằng Houthi đã đưa các hệ thống tên lửa di động đến căn cứ tại miền bắc, dọc biên giới và chĩa về hướng Ả Rập Xê-út.
Vào tháng 3/2015, các nước GCC, dẫn đầu bởi Ả Rập Xê-út, đã phát động chiến dịch ném bom trên không mang tên Decisive Storm nhằm chống lại mối đe dọa từ việc Houthi tăng cường trang bị vũ khí bao gồm các vũ khí hạng nặng và tên lửa ở biên giới Ả Rập Xê-út. Các hệ thống tên lửa đạn đạo là mục tiêu chính của chiến dịch này.
Vào tháng 3 và tháng 4/2015, một lượng lớn bom đã được ném xuống núi Faj Attan, nơi kho tên lửa được lưu trữ dưới đất và được bảo vệ bởi một lớp đá dày. Liên quân cũng tuyên bố nhắm mục tiêu vào các hệ thống tên lửa di động.
Chiến dịch ném bom kết thúc vào ngày 21/4 khi Ả Rập Xê-út tuyên bố nước này đã thành công. Và các lãnh đạo quân sự của GCC ước tính 80% trong số 300 tên lửa của Yemen đã bị tiêu diệt, tuy nhiên sau đó ước tính này đã được chỉ là ra hoàn toàn không chính xác.
Houthi trả đũa
Sự vượt trội về công nghệ và không lực của các nước trong Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh khiến hệ thống tên lửa đạn đạo cố định của Yemen trở nên không hiệu quả. Các lực lượng YRG và Houthi đối phó với sự bất tương xứng này bằng cách sử dụng tên lửa di động, nhấn mạnh vào tính cơ động, tất nhiên sẽ giảm tính chính xác và đẩy mạnh tầm quan trọng trong lĩnh vực thông tin.
Lực lượng YRG và Houthi đã phóng tên lửa Scud đầu tiên vào Ả Rập Xê-út vào tháng 6/2015. Trong 18 tháng tiếp theo, lực lượng này tuyên bố đã phóng hơn 20 quả tên lửa vào Ả Rập Xê-út và một số các nước trong GCC và liên quân trên lãnh thổ Yemen. Theo các chuyên gia, trong 18 tháng từ tháng 6/2015, các hệ thống phòng không của Ả Rập Xê-út đã đánh chặn được 24 trong số 33 quả tên lửa tấn công vào lãnh thổ nước này (ngược lại, Houthi tuyên bố nhiều tên lửa của lực lượng này đã xuyên qua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ, gây ra các thiệt hại nặng nề cho A rập Xê út).
Mặc dù khả năng của YRG và Houthi có thể hơi khoa trương nhưng lực lượng này đã sử dụng tên lửa tầm ngắn để tấn công vào các căn cứ của Ả Rập Xê-út dọc biên giới. Phần lớn những tên lửa này đều được lắp ráp tại Yemen nhưng dựa trên thiết kế của Iran. Theo thông tin từ Houthi, tầm bắn của những tên lửa này từ 15-75 km với đầu đạn nặng từ 15 kg tới nửa tấn.
Ba loại tên lửa đã được hiện đại hóa đã tấn công Ả Rập Xê-út gồm tên lửa Qaher-1, tên lửa S-75 (SAM) được chỉnh sửa để thay thế để phù hợp tấn công mục tiêu dưới đất hơn là trên không, lần đầu được sử dụng vào tháng 7/2016; tên lửa Burkan-1, một loại Scud đã được sửa đổi lần đầu tiên được tấn công vào khu vực quan trọng là thánh địa Mecca ở al Taif vào tháng 10/2016; và thứ ba là tên lửa Burkan-2, được phóng thử trong một cuộc tấn công nhằm vào thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê-út tháng 2/2017.
Theo mô hình do Iraq thiết lập trong Chiến tranh Vùng Vịnh, lực lượng YRG và Houthi đã tận dụng địa thế thuận lợi của Yemen để che giấu các thiết bị di động, đồng thời sử dụng các chiến thuật đánh lạc hướng để ngăn chặn Transporter Erector Launchers (TEL) của GCC xác định mục tiêu.
Cũng giống như các lực lượng Iraq 25 năm trước, tên lửa của YRG và Houthi phần lớn không tấn công được mục tiêu, nhưng lực lượng của YRG và Houthi vẫn tập trung thông báo trên các phương tiện truyền thông về các cuộc tấn công này nhằm tô vẽ khả năng tấn công tên lửa giữa lúc GCC đang muốn tước đoạt những khả năng này, điều này sẽ làm giảm uy tín của GCC trong cuộc xung đột.
Vũ khí truyền thông này chủ động công khai các hệ thống mới và tung ra các video về các bệ phóng. Việc hiện đại hóa các tên lửa S-75 và tên lửa loại Scud giúp xây dựng hình ảnh về khả năng tự sản xuất của lực lượng này.
Phía Houthi tuyên bố tên lửa của mình tấn công trúng mục tiêu với độ chính xác cao, khiến liên quân Ả Rập càng phải chứng tỏ khả năng đánh chặn. Dù không xác thực nhưng việc công khai các tên lửa này buộc Ả Rập Xê-út phải triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa đắt tiền, khiến chi phí tăng cao.
Liên quân GCC và các đồng minh của khối này ở Yemen tỏ ra không hiệu quả trong việc vô hiệu hóa mối đe dọa tên lửa của liên minh YRG và Houthi. Các nỗ lực chính trị từ năm 2012 đến 2014 để chuyển giao những tên lửa này sang tay của lực lượng thân thiện đã thất bại vì thiếu sự hậu thuẫn bên trong quân đội Yemen. Trong khi đó những nỗ lực quân sự nhằm tiêu diệt các hệ thống tên lửa từ năm 2015 lại bị lực lượng YRG và Houthi ngăn chặn.
Chiến dịch do Ả Rập Xê-út dẫn đầu ở Yemen vốn được cho là sẽ nhanh gọn và mang tính quyết định, giờ đây đã biến thành một cuộc chiến tàn khốc và không có kết cục rõ ràng. Sau gần hai năm tuyên bố phần lớn các hệ thống tên lửa của Yemen đã bị vô hiệu hóa, Ả Rập Xê-út đang phải đối mặt với một kẻ thù với sức mạnh đang được phục hồi, thể hiện qua các vụ phóng tên lửa ngày càng hiệu quả hơn.(Viettimes)
----------------------
Đệ nhất phu nhân Zimbabwe bị bắt tại Nam Phi
Bà Grace Mugabe, phu nhân của Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, sẽ ra tòa án ở Nam Phi về tội hành hung người khác.Đài BBC hôm 15-8 dẫn lời Bộ trưởng Cảnh sát Nam Phi Fikile Mbalula cho biết bà Mugabe, 52 tuổi, bị bắt vì không chịu hợp tác cũng như không nộp mình cho nhà chức trách.
Trước đó, Bộ trưởng Mbalula nhấn mạnh nếu bà Mugabe tới Nam Phi bằng hộ chiếu ngoại giao thì có thể hưởng quyền miễn trừ nhưng không có nghĩa là bà sẽ không bị bắt. Nguồn tin tình báo của Zimbabwe tiết lộ với Reuters rằng bà Mugabe đi bằng hộ chiếu thông thường.
Đệ nhất phu nhân Zimbabwe bị cáo buộc tấn công cô Gabriella Engels, 20 tuổi, tại khách sạn Capital 20 West ở TP Johannesburg. Nạn nhân tố bà Mugabe đánh vào mặt mình, sau đó đăng tải các hình ảnh lên mạng xã hội. Lúc đó, cô Engels tới thăm hai người con trai Robert và Chatunga của bà Mugabe tại khách sạn.
"Tôi bị chảy máu ở trán. Tôi là người mẫu và kiếm tiền dựa vào ngoại hình của mình. Sự nghiệp của tôi đã bị hủy hoại" – cô Engels chia sẻ với báo chí. Bà Mugabe không bình luận về cáo buộc này.
Gabriella Engels đã nộp đơn khiếu nại tới cảnh sát Nam Phi. Vẫn chưa rõ lý do bà Mugabe hành động như vậy. Theo đài BBC, vụ việc xảy ra vào tối 13-8 (giờ địa phương).
Bộ trưởng Thông tin Zimbabwe Christopher Mushowe nói rằng ông không hề biết về cáo buộc. Các phương tiện truyền thông Zimbabwe đưa tin bà Mugabe đang ở Nam Phi để điều trị chấn thương mắt cá chân sau một vụ tai nạn hồi tháng trước.
Một người phát ngôn của chính phủ Zimbabwe cho biết, bà Mugabe tới Nam Phi vì lý do cá nhân nên họ không thể can thiệp nếu bà phạm tội.
Bà Mugabe kết hôn với nhà lãnh đạo Zimbabwe (hiện đã 93 tuổi) vào năm 1996. Theo Reuters, bà Mugabe là người vợ thứ hai của ông và họ có với nhau 3 đứa con. Bà Mugabe lấy bằng tiến sĩ vào tháng 9-2014, được ca ngợi vì hay làm từ thiện.
Tuy nhiên, hai vợ chồng tổng thống Zimbabwe đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), trong đó có lệnh cấm đi lại.(NLĐ)