Cuộc thử thách ý chí nguy hiểm giữa Nga và NATO trên bầu trời châu Âu; Thổ Nhĩ Kỳ sa thải hơn 7.000 người nghi liên quan đảo chính; Trung Quốc chủ trương tăng cường hợp tác sâu rộng với ASEAN; Liên Hợp Quốc công bố sáng kiến mới chống khủng bố tại Syria
Tin thế giới đáng chú ý trưa 17-07-2017
- Cập nhật : 17/07/2017
Lực lượng phóng lựu Nga diễn tập quy mô lớn
Lực lượng phóng lựu Quân khu miền Đông Nga tổ chức diễn tập quân sự quy mô trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Hơn 2.000 lính phóng lựu thuộc quân khu miền Đông (EMD) Nga tham gia diễn tập quy mô tại khu vực Viễn Đông, bao gồm Cộng hòa Buryatia, tỉnh Khabarovsk, các vùng Primorsky, Zabaikalsky và Sakhalin, Sputnik ngày 13/7 đưa tin.
"Trong thời gian diễn tập, lực lượng phóng lựu học cách trinh sát, xác định và ngắm bắn nhiều mục tiêu trong điều kiện thời tiết bất lợi, bao gồm có gió mạnh", tuyên bố của quân khu miền Đông cho biết.
Lính phóng lựu Nga thường được trang bị các loại vũ khí phóng lựu cỡ nòng lớn để diệt xe cơ giới và bộ binh địch. Trong cuộc diễn tập, họ còn thực hành chiến thuật di chuyển áp sát mục tiêu, phát hiện mục tiêu ngụy trang cũng như kỹ thuật bắn hạ phương tiện cơ giới và lính bắn tỉa của địch.
Ngoài ra, lực lượng tên lửa thuộc EMD đã khai hỏa hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander trong tình huống giả định có sự tấn công gây rối của lực lượng khủng bố.
Cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh 25.000 binh sĩ NATO từ 20 nước đồng minh do Mỹ dẫn đầu cũng đang tiến hành các cuộc tập trận lớn mang tên Saber Guardian 17 ở các nước Đông Âu như Bulgaria, Hungary và Romania. (Vnexpress)
--------------------------------
Tàu Trung Quốc lần đầu đi vào vùng biển quanh đảo Tsushima, Nhật Bản
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) ngày 15/7 cho biết đã phát hiện hai tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc (CCG) xung quanh đảo Okinoshima và một tàu gần đảo Tsushima.
Đây là lần đầu tiên tàu của Chính phủ Trung Quốc được xác nhận đi vào khu vực này.
Đảo Tsushima nằm giữa cực Nam của Bán đảo Triều Tiên và bờ biển phía Tây Bắc của đảo Kyushu, một đảo chính ở cực Tây của Nhật Bản.
Trước đó, JCG từng nhiều lần cáo buộc các tàu hải cảnh của Trung Quốc đi vào vùng biển Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông.
Quần đảo Senkaku là nhóm đảo nhỏ nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa, Nhật Bản, khoảng 400 km về phía Tây hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển này.
Tranh chấp chủ quyền đã gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước suốt thời gian qua, đặc biệt sau khi Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo tại đây hồi tháng 9/2012.(TTXVN)
------------------------
NATO tập trận tại Romania
Ngày 15/7, khoảng 5.000 binh sĩ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các nước đối tác đã bắt đầu tiến hành tập trận ở trường bắn Cincu, miền Tây Bắc Romania.
Các binh sĩ Romania, Mỹ, Ukraine, Armenia và Croatia đã tiến hành diễn tập hỏa lực với sự hỗ trợ của máy bay quân sự Mỹ và Romania. Các bài diễn tập tại Romania nằm trong cuộc tập trận đa quốc gia quy mô lớn của NATO mang tên Kỵ binh bảo vệ 17.
Diễn ra tại Bulgaria, Romania, và Hungary từ ngày 11 - 20/7, cuộc tập trận Kỵ binh bảo vệ 17 quy tụ 25.000 binh sĩ và trên 2.000 phương tiện chiến đấu từ 22 nước đồng minh NATO và các nước đối tác. (VTV)
------------------
Biểu tình đòi điều tra cáo buộc Thủ tướng Singapore lạm quyền
Khoảng 400 người tham gia biểu tình ở Singapore ngày 15.7, kêu gọi tiến hành cuộc điều tra độc lập về cáo buộc Thủ tướng Lý Hiển Long lạm quyền sau vụ bất đồng với 2 người em về căn nhà của người cha quá cố.
Ba người con của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu (từ trần hồi năm 2015) bất đồng quan điểm về việc phá dỡ căn nhà tại số 38 đường Oxley hay để chính phủ quyết định đây là khu di sản.
"Singapore thuộc về người dân Singapore chứ không phải gia đình nhà họ Lý", theo biểu ngữ lớn của người biểu tình tập trung tại khu Speakers' Corner. Người biểu tình yêu cầu tiến hành cuộc điều tra độc lập về cáo buộc Thủ tướng Lý Hiển Long lạm quyền.
"Vụ việc gần đây giữa Thủ tướng Lý Hiển Long và 2 người em không chỉ đơn giản là vấn đề di chúc của ông Lý Quang Diệu. Có cáo buộc Thủ tướng lạm quyền, không xuất phát từ người dân mà là từ chính 2 người em của ông", Osman Sulaiman, doanh nhân-nhà hoạt động chính trị, phát biểu trước đám đông người biểu tình.
Trước đó, 2 người em là ông Lý Hiển Dương và bà Lý Vĩ Linh công bố tâm thư tố ông Lý Hiển Long lạm quyền vì mục đích cá nhân.
Cả hai công bố một phần bản di chúc của cha họ là cố Thủ tướng Lý Quang Diệu với nội dung cho rằng ngôi nhà của gia đình ở phố Oxley cần được tháo dỡ sau khi ông qua đời. Họ cũng cho rằng ông Lý Hiển Long đi ngược lại nguyện vọng của cha họ khi muốn bảo tồn ngôi nhà nhằm khai thác di sản của người cha, bao gồm tham vọng dọn đường cho con trai lên làm lãnh đạo thế hệ thứ 3 của đất nước.
Tuy nhiên, ông Lý Hiển Long đã bác bỏ cáo buộc trên. Ông nói rằng điều khoản phá dỡ ngôi nhà đã được thêm vội vào di chúc của cha mình trong hoàn cảnh không rõ ràng, sau khi từng bị xóa bỏ trong hai phiên bản trước đó, theo AFP. Sau phiên chất vấn đặc biệt kéo dài 2 ngày, quốc hội Singapore hôm 4.7 kết luận không tìm thấy bằng chứng Thủ tướng Lý Hiển Long lạm quyền.
Hiện tại, Thủ tướng Lý Hiển Long và 2 người em đạt được thỏa thuận nhằm giải quyết vấn đề trong nội bộ gia đình. Tuy nhiên, 2 người em vẫn tuyên bố sẽ cung cấp thêm chứng cứ về cáo buộc ông Lý Hiển Long lạm quyền nếu có một cuộc điều tra độc lập.(Thanhnien)