Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Việt Nam và Indonesia tăng cường hợp tác kinh tế quốc phòng
Tin thế giới đáng chú ý trưa 23-07-2017
- Cập nhật : 23/07/2017
Thổ Nhĩ Kỳ công bố danh sách công ty Đức liên quan khủng bố
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 21/7 đã chỉ trích những cảnh báo của Bộ trưởng Kinh tế Đức rằng các công ty không nên đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời thời cho rằng Berlin nên bình tĩnh trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này.
Trước đó, Berlin cảnh báo công dân về những nguy cơ đi kèm khi đi lại và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Sigmar Gabriel ngày 20/7 tuyên bố không đảm bảo an toàn cho các công dân Đức trước nguy cơ bắt giữ hàng loạt "một cách vô cớ", đồng thời nhấn mạnh Berlin sẽ xem xét lại các đảm bảo của nhà nước đối với đầu tư nước ngoài tại Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi các doanh nhân không đổ tiền vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu tại thành phố Istanbul, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh cảnh báo du lịch của Bộ Ngoại giao Đức là "vô căn cứ" và mang tính "hiềm khích". Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Chính phủ Đức nên có lời giải thích về những phần tử khủng bố mà ông cho là Berlin đang chứa chấp. Ông khẳng định Đức không thể khiến Ankara sợ hãi trước các lời đe dọa, đồng thời cho rằng các tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đều "độc lập hơn" ở Đức.
Cùng ngày, một nguồn tin an ninh Đức cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp cho nhà chức trách Đức danh sách gồm hơn 680 công ty Đức bị Ankara nghi ngờ tài trợ cho khủng bố, gấp 10 lần con số ban đầu được truyền thông Đức đưa ra. Báo Thời đại (Die Zeit) của Đức ngày 19/7 đưa tin nhiều công ty lớn của Đức nằm trong danh sách này, trong đó có Daimler và BASF AG. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek đã bác bỏ tin này trên trang mạng xã hội Twitter ngày 20/7.
Trong một động thái nhằm làm dịu căng thẳng, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek ngày 21/7 khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ cam kết cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường pháp trị, cũng như các chuẩn mực dân chủ và hội tụ các tiêu chuẩn của châu Âu. Ông cũng đảm bảo với cộng đồng doanh nghiệp Đức rằng các công ty của nước này sẽ không phải chịu bất cứ một cuộc điều tra tài trợ khủng bố nào của nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 19/7 vừa qua, Đức cảnh báo dừng khoản hỗ trợ trị giá 3 tỷ euro mà Liên minh châu Âu (EU) cam kết dành cho Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp tràn vào châu Âu, sau khi triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Berlin tới để phản đối việc Ankara bắt giữ 6 nhà hoạt động về quyền con người, trong đó có 1 công dân Đức, do tình nghi những người này thuộc một tổ chức khủng bố.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho rằng vụ bắt giữ là "khó hiểu" và "không thể chấp nhận được". Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng những hành động phản đối của giới chức Đức đang can thiệp trực tiếp vào hệ thống tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ, và vượt quá giới hạn cho phép.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yilidrim ngày 21/7 nêu rõ Ankara mong muốn Berlin có những biện pháp chống lại các tay súng của đảng Công nhân người Kurd (PKK) và mạng lưới của Giáo sĩ Hồi giáo sống lưu vong tại Mỹ Fethullah Gulen, người bị cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.(TTXVN)
-------------------------
Tên lửa phòng không Mỹ lần đầu xuất hiện sát Nga
Tổ hợp Patriot PAC-3 của Mỹ lần đầu được triển khai tại Litva, quốc gia nằm sát Nga, để tham gia cuộc diễn tập kéo dài hai tuần.
Tổ hợp Patriot và các lực lượng tham gia diễn tập tại Litva
"Việc triển khai những vũ khí như vậy ở Baltic là điều rất có ý nghĩa. Nó sẽ bảo đảm an ninh tốt hơn cho tất cả chúng ta", Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite phát biểu hôm 20/7, sau khi Mỹ đưa tổ hợp phòng không Patriot PAC-3 tới nước này. Bà Grybauskaite kêu gọi NATO bố trí vũ khí thường trực tại vùng Baltic để đối phó Nga, Reuters đưa tin.
Đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai Patriot tới vùng Baltic. Ba nước trong khu vực, gồm Litva, Latvia và Estonia, chỉ sở hữu tên lửa phòng không tầm ngắn cũ kỹ, không bảo vệ không phận hiệu quả và máy bay Nga sẽ chiếm hoàn toàn ưu thế trong trường hợp xảy ra xung đột.
Triển khai Patriot là bước tiếp theo của NATO nhằm răn đe Nga tại vùng Baltic và Ba Lan. Trước đó, Mỹ và các đồng minh đã đưa nhiều binh lính tới khu vực tiếp giáp Nga này.
Vị trí ba nước Baltic và Nga. Đồ họa: BBC.
Tổ hợp Patriot PAC-3, một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất trong biên chế Mỹ, có tầm bắn 70 km. Patriot được tối ưu cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo và hành trình, cũng như các loại máy bay hiện đại. (Vnexpress)
-----------------------
Singapore hỗ trợ Philippines chống IS
Singapore sẽ điều một máy bay vận tải C-130 để giúp vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo cho người dân Marawi phải đi lánh nạn.
Singapore đã đề nghị cung cấp máy bay không người lái (UAV), máy bay vận tải quân sự và căn cứ huấn luyện quân sự nhằm hỗ trợ Philippines trong cuộc chiến chống lại các tay súng Maute thề trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Theo tờ The Straits Times, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã đưa ra lời đề nghị trên với người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana nhằm giúp tăng cường khả năng tình báo, trinh sát và giám sát của quân đội Philippines nhân chuyến thăm nước này 2 ngày (18 - 19.7).
“Chúng tôi nhận thấy TP.Marawi và các vùng xung quanh rất rộng lớn. Do có nhiều hòn đảo nên việc giám sát thật sự khó khăn”, ông Ng Eng Hen cho biết. Singapore hiện có 2 loại UAV là Heron 1 và Hermes 450. Heron 1 có tầm bay 200 km và có thể bay liên lục trong 24 giờ đồng hồ. Còn Hermes 450 có tầm bay chỉ bằng một nửa so với Heron 1 và bay được trong khoảng 14 giờ.
Theo ông Ng Eng Hen, Singapore cũng sẵn sàng giúp huấn luyện lực lượng an ninh Philippines trong chiến tranh đô thị và chiến đấu ở những vùng đông dân cư. Singapore cũng sẽ điều một máy bay vận tải C-130 để giúp vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo cho người dân Marawi phải đi lánh nạn. (Thanhnien)
-----------------------
Tại sao Mỹ lo ngại khi Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa S-400 Nga?
Trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tuyên bố đàm phán thành công về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, Mỹ có tín hiệu quan ngại về vấn đề này.
Ngày 19/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo các nhà chức trách Ankara rằng các hệ thống tên lửa phòng không của Nga S-400 “Triumph” không phù hợp với các tiêu chuẩn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Câu hỏi đặt ra là tại sao Mỹ quan ngại đến việc Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí của Nga. Bởi vì có nhiều nước NATO cũng mua vũ khí của Nga, đặc biệt là Romania, Bulgaria, Hy Lạp và Đức đang nắm giữ trong tay các hệ thống S-200 và S-300.
Hệ thống S-400 trong cuộc diễu hành Ngày Chiến thắng, 9/5/2016. Ảnh: Reuters
Trả lời câu hỏi phỏng vấn Sputnik về tuyên bố của người đứng đầu Lầu Năm Góc, ông Mesut Hakkı Chashin, sĩ quan Không quân Thổ Nhĩ Kỳ về hưu, Giáo sư Quan hệ Quốc tế của Học viện Không quân và Đại học Ozyegin ở Istanbul nhấn mạnh rằng quan ngại của Mỹ đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các tổ hợp S-400 là vô căn cứ. Ông nói thêm: “Thổ Nhĩ Kỳ đã từng liên hệ với NATO để mua các hệ thống phòng không. Vì lý do chính trị, Đức đã thu hồi các tổ hợp Patriot để gây đòn bẩy áp lực chính trị.
Bên cạnh đó, tổ hợp Patriot không thể bao trùm tất cả các khu vực có thể bị đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ. Hệ thống S-400 có tất cả các thiết lập cực kỳ hiện đại mà Thổ Nhĩ Kỳ cần đến, với tầm xa 400 km, tầm cao lên đến 30 km. Tên lửa SAM có thể đồng thời bắn trúng 36 mục tiêu, nếu cần thiết, có thể bắn trúng 72 mục tiêu với sự hỗ trợ của pin kép. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả điều này là những yếu tố rất quan trọng. Là một quân nhân có kinh nghiệm, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng nhận thức được điều này”.
Theo ông Chashin, vấn đề quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ đã không được giải quyết từ những năm 1990, hệ thống phòng thủ là nhu cầu thiết yếu của nước này. Ông Chashin nói: “Rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ có nhu cầu cấp thiết về các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất. Chúng tôi nhớ trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq 1980-1988, Iraq đã tấn công bằng tên lửa vào Iran. Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và cuộc chiếm đóng Iraq năm 2003, chúng tôi đã chứng kiến tác dụng của tên lửa mà Baghdad sở hữu.
Sau đó, bắt đầu từ năm 2015, dân thường trong khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria đã bắt đầu phải chịu đựng các cuộc tấn công bằng tên lửa của tổ chức khủng bố IS vào Syria. Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với các cuộc tấn công đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, tên lửa đạn đạo xuất phát từ Iran và các nước láng giềng là mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng”.
Chỉ trích tuyên bố của Mattis về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400, ông Chashin nói: “Thổ Nhĩ Kỳ là nước có chủ quyền và độc lập. Là thành viên của NATO, đồng thời Thổ Nhĩ Kỳ có quyền mua từ các nước khác những loại vũ khí cần thiết cho an ninh quốc gia. Sử dụng hay không sử sụng các loại vũ khí mà Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu là công việc của NATO.
Lúc đầu Mỹ đã không chấp nhận các điều khoản của Thổ Nhĩ Kỳ về hệ thống Patriot. Mỹ chống thỏa thuận giữa Ankara và Bắc Kinh về việc cung cấp vũ khí. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa đã tổ chức đấu thầu, đưa ra các điều kiện trước đó, và một lần nữa Mỹ không hài lòng. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ có các hệ thống phòng không mạnh mẽ, điều đó sẽ chỉ là lợi thế đối với Mỹ.
Chúng ta đã có điều kiện chứng kiến điều đó ở Đông Địa Trung Hải. Trong tình huống này, tôi không thể hiểu tại sao vũ khí của các nước NATO khác được mô tả như là loại tương thích, mà các hệ thống S-400 lại bị đề cập là không tương thích với các tiêu chuẩn của NATO. Nếu nói rằng S-400 không thể tích hợp vào hệ thống vũ khí của NATO thì là sai lầm từ quan điểm kỹ thuật. Bất kỳ mọi loại hệ thống vũ khí nào đều có thể tích hợp được với nhau”.(TTXVN)