Nhật trang bị tên lửa liên hợp cho không quân; Mỹ đe dọa Syria sẽ ‘trả giá đắt’; Trung Quốc tặng hàng nghìn khẩu súng cho Philippines; Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cáo buộc Tổng thống Nga gây 'bất hòa'
Tin thế giới đáng chú ý trưa 29-06-2017
- Cập nhật : 29/06/2017
Trung Quốc điều tàu sân bay tới Hong Kong
Trung Quốc triển khai tàu sân bay duy nhất tới Hong Kong để kỷ niệm 20 năm thu hồi đặc khu hành chính này.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh
Tàu sân bay Liêu Ninh (CV-16) rời quân cảng Thanh Đảo hôm 27/6 để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Tàu Liêu Ninh dự kiến thăm Hong Kong vào tuần sau, trùng thời điểm với chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới đặc khu hành chính này, Sputnik đưa tin.
Hải quân Trung Quốc dự kiến triển khai ba tàu hộ tống cho chiếc Liêu Ninh, gồm hai tàu khu trục lớp Type-052C/D, một tàu hộ vệ tên lửa lớp Type-054A và một số lượng không xác định tiêm kích hạm J-15 cùng trực thăng các loại.
Biên đội tàu Liêu Ninh cũng dự kiến đi qua eo biển Đài Loan trước khi tới Hong Kong. Cư dân Đài Loan sẽ được mời lên thăm tàu, truyền thông Hong Kong cho rằng đó là động thái nhằm "thể hiện khả năng quốc phòng của Trung Quốc".(Vnexpress)
--------------------------------
Châu Âu tiếp tục gia hạn trừng phạt Nga
Liên minh châu Âu (EU) ngày 28-6 tiếp tục gia hạn lệnh trừng phạt đối với Nga đến ngày 31-1-2018, cấm các công ty Mỹ và châu Âu đầu tư vào năng lượng, quốc phòng và tài chính với Matxcơva.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong hình chụp trước buổi nói chuyện với các em thiếu nhi ở tỉnh Gurzuf, bán đảo Crimea ngày 27-6 - Ảnh: Reuters
Các lãnh đạo EU đã đồng thuận về việc mở rộng lệnh trừng phạt trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) tuần trước. Cho đến hết tháng 1 năm sau, EU vẫn sẽ thực hiện việc hạn chế giao thương ở các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và tài chính đối với Nga.
Dưới lệnh trừng phạt này, các công ty Mỹ và châu Âu bị cấm làm ăn hoặc đầu tư vào những ngành công nghiệp năng lượng, quốc phòng của Nga, trong khi lĩnh vực tài chính thì bị giới hạn đáng kể dù không cấm hoàn toàn.
Các công ty châu Âu, theo lệnh này, cũng không được phép vay hoặc cho vay thời hạn trên 30 ngày, đối với 5 ngân hàng nhà nước của Nga, một bước đi nhằm ngăn không cho phía Nga gây quỹ.
Bất kể các hợp tác, giao dịch nào liên quan tới những công ty năng lượng lớn của Nga hoặc việc xuất khẩu trang thiết bị dính tới công nghệ - năng lượng, đều phải có sự chấp thuận của chính phủ các nước EU.
Lệnh trừng phạt kiểu này được EU áp lên Nga từ năm 2014, thời điểm Brussels phản đối việc sáp nhập bán đảo Crimea cũng như cáo buộc Nga tiếp tay cho quân nổi dậy tại miền đông Ukraine.
Trong khi đó phái Nga bác bỏ việc tiếp tay cho quân nổi dậy.
Vấn đề này khiến quan hệ giữa Nga - EU tiếp tục căng thẳng, và các lệnh trừng phạt kinh tế cứ đều đặn gia hạn 6 tháng một lần tính đến nay.
Mấu chốt trong sự việc này có thể được quy về hiệp định hòa bình cho Ukraine, được các bên đồng thuận tại Minsk, thủ đô của Belarus, bao gồm lãnh đạo của Pháp, Đức, Ukraine và Nga trong năm 2015.
EU nhiều lần nói rằng việc trừng phạt Nga sẽ được dỡ bỏ nếu hiệp định Minsk được các bên tôn trọng và thực hiện. Tuy nhiên, liên tục xuất hiện các cáo buộc nói rằng Nga không cho thấy nỗ lực cho giải pháp hòa bình này.
Cuộc chiến tại miền đông Ukraine giữa quân đội chính phủ và các tay súng nổi dậy ở Donetsk và Luhansk đã làm chết hơn 10.000 người kể từ tháng 4-2014.(Tuoitre)
-----------------------
Trung Quốc giàu lên nhưng 1/3 dân số dính bệnh tiểu đường
Nghiên cứu mới của Mỹ chỉ ra rằng Trung Quốc đang đối mặt với bệnh tiểu đường nhiều nhất thế giới với khoảng 11% dân số mắc bệnh và gần 36% người "tiền đái tháo đường".
Cuộc khảo sát trên 170.287 người được tiến hành vào năm 2013. Chuyên viên Linhong Wang của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung quốc đã giúp đỡ trong khâu phân tích các mẫu thử.
Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) đã đăng tải kết quả nghiên cứu ngày 27-6.
Nhóm nghiên cứu đã đo mức đường huyết lúc đói của những người tham gia khảo sát. Những người có mức đường huyết 126 miligram/ đềxilit (dl) hoặc hơn được xác định bị "tiểu đường". Những người ở mức từ 105 đến 126 mg/dl được gọi là "tiền tiểu đường".
Chứng tăng đường huyết là kết quả của 2 dị thường: rối loạn tại tuyến tụy vốn tạo ra insulin hoặc sự đề kháng của cơ thể đối với hoócmon này.
Hãng tin AFP cho biết trong số những người bị tiểu đường tại Trung Quốc, khoảng 36,5% nhận thức về căn bệnh của họ và 32,2% đang điều trị căn bệnh này. Trong số những người được điều trị, 49,2% kiểm soát đường huyết ổn định.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết tỉ lệ người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường năm 2014 tại Trung Quốc là 10,9% so với Mỹ là 9,3%. Cùng năm, tỉ lệ tiền tiểu đường ở Trung Quốc là 35,7% cho với 37% của Mỹ.
Với khoảng 1,09 tỉ người trưởng thành tại Trung Quốc, khoảng 388,1 triệu người được dự báo sẽ mắc tiền tiểu đường.
Bệnh tiểu đường là một vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Ngày càng có nhiều người trên thế giới mắc căn bệnh này. Tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường tăng nhanh hơn ở những nước có thu nhập thấp và trung bình.
Vì những lý do không rõ, theo báo New York Times, tăng cân dễ dẫn đến tiểu đường tuýp 2 tại các quốc gia châu Á vốn có sinh khối cơ thể thấp hơn so với người da trắng hoặc da đen.
Béo phì đang gia tăng nhanh chóng ở Trung Quốc. Các chuyên gia đổ lỗi cho nhiều yếu tố: sự du nhập của các chế độ ăn kiêng giàu calorie của phương Tây và các loại thức ăn nhanh, đi xe hơi nhiều hơn, làm việc tại chỗ nhiều hơn lao động trong ngành nông nghiệp và các gia đình nuông chiều dẫn đến trẻ dễ béo phì hơn.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết bệnh tiểu đường là nguyên nhân chính gây mù, suy thận, đau tim và cắt bỏ chi dưới.
Năm 2012 ước tính có khoảng 1,5 triệu người chết do bệnh tiểu đường trực tiếp gây ra và 2,2 triệu người chết vì lượng đường trong máu cao.(Tuoitre)
-------------------------
Khủng hoảng Qatar: Không ai chịu ai
Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh tiếp tục đấu khẩu xung quanh yêu sách để giải quyết cuộc khủng hoảng tại khu vực.
Ngoại trưởng Qatar, ông Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani ngày 27.6 tuyên bố yêu sách mà các nước vùng Vịnh đưa ra đòi nước này chấm dứt việc bảo trợ khủng bố là thiếu cơ sở và không thể chấp nhận được, theo Al Jazeera. Qatar trước đó chỉ trích những yêu sách này là nhằm hạn chế chủ quyền của họ.
Trong khi đó, Ả Rập Xê Út cùng ngày khẳng định không nhượng bộ Qatar. Phát biểu trước báo giới tại Mỹ, Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út, ông Adel al-Jubeir nói rằng sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán nào đối với những yêu cầu của các quốc gia Ả Rập trong việc đòi hỏi Qatar ngừng bảo trợ khủng bố.
"Chúng tôi đã làm rõ quan điểm và tiến hành các bước đi của mình và điều này tùy thuộc vào Qatar có thay đổi thái độ của họ hay không. Một khi họ thực hiện thì mọi thứ sẽ được giải quyết, còn không thì họ sẽ vẫn bị cô lập... Nếu Qatar muốn quay lại Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) họ biết họ cần phải làm gì", Reuters dẫn lời ông Adel al-Jubeir nói.
Cũng trong ngày 27.6, Ngoại trưởng Qatar đã gặp người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson. Ngoại trưởng Mỹ cho biết ông hy vọng các nước vùng Vịnh sẽ đưa ra được các đòi hỏi hợp lý và khả thi. Trước đó, ông Tillerson cho rằng một số yêu cầu của 4 nước Ả Rập sẽ rất khó để Qatar có thể đáp ứng được.
Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh đã tiếp diễn tuần thứ ba liên tiếp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Một loạt quốc gia tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar với cáo buộc nước này bảo trợ khủng bố. Tuy nhiên, Doha kiên quyết bác bỏ cáo buộc này. (Thanhnien)