Ông Trump thay đổi luật chơi; Tương lai Trung-Ấn sau thỏa thuận lui quân; Israel: Nga không đủ tầm ảnh hưởng tại Syria…
Tin thế giới đáng chú ý trưa 30-08-2017
- Cập nhật : 30/08/2017
2 chỉ huy SDF đầu quân SAA: Mỹ 'thanh lý môn hộ'?
Ibrahim al-Banawi và Fayad al-Ghanem, được biết đến với vai trò lãnh đạo Lữ đoàn Jund al-Haramayn của SDF.
Theo Al - Masdar News ngày 28/8, quân đội Ả rập Syria (SAA) cho biết, có 2 thủ lĩnh, chủ huy lực lượng đối lập ở nước này đã bất ngờ đào tẩu và gia nhập vào quân đội của Tổng thống Assad.
Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Syria, 2 chỉ huy vừa đào tẩu thành công sang SAA thuộc đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Lực lượng dân chủ Syria (SDF).
Hai người này có danh tính lần lượt là Ibrahim al-Banawi và Fayad al-Ghanem, được biết đến với vai trò lãnh đạo Lữ đoàn Jund al-Haramayn của SDF.
2 thủ lĩnh này gia nhập vào quân đội Syria từ khu vực phía Bắc Alleppo và Nam Raqqa.
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - liên minh người Kurd-Arab do Mỹ hậu thuẫn là lực lượng đối lập chiến đấu hiệu quả nhất tại Syria. Hiện SDF đang kiểm soát phần lớn phía đông Syria.
Thông tin về mâu thuẫn nội bộ của SDF đã được giới truyền thông Syria đề cập đến trong thời gian gần đây.
Hoa Kỳ đã phải đau đầu trong việc hòa giải giữa các thành viên người Ả rập và người Kurd trong SDF. Tuy nhiên, với số lượng áp đảo, người Kurd vẫn giữ vai trò cốt lõi của SDF, họ có quyền đưa ra những quyết định mang tính chiến lược cho SDF.
Trong khi người Ả rập có xu hướng hợp tác với quân đội Syria thì người Kurd lại mong muốn xây dựng một đất nước mới của riêng họ tại đông Syria.
Điều này khiến cho mâu thuẫn giữa người Kurd và người Ả rập trong SDF âm thầm nhen nhóm.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 28/8, SF đưa tin, các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), là cốt lõi của Lực lượng Dân chủ Syria, đã bắt giữ một số thành viên của Liwaa Suqour al-Raqqa. Đây là một trong số ít nhóm chiến binh Ả rập trong SDF.
YPG đã bắt giữ 15 thành viên của Liwaa Suqour al-Raqqa, trong đó có Fayyad al-Ghanim - chỉ huy của nhóm, đồng thời tịch thu vũ khí của họ.
Vụ việc xảy ra ở khu phố Al-Ghanim tại thành phố Raqqa vào tối 26/8.
Nguyên nhân căng thẳng giữa YPG và Liwaa Suqour al-Raqqa được cho là do chỉ huy Fayyad al-Ghanim đã có sự hợp tác với Quân đội Syria tại Raqqa.
Nếu các thông tin trên được xác nhận, một lần nữa chứng tỏ dân quân người Kurd là lực lượng chủ đạo trong SDF. Hiện người Kurd đang ra sức nhằm củng cố ảnh hưởng chính trị và quân sự trong SDF.
Có lẽ đây cũng chính là nguyên nhân khiến 2 chỉ huy cấp cao của SDF đầu quân cho SAA.
Giới quan sát cho rằng, việc người Kurd ''thanh lọc'' tổ chức có liên quan đến chiến lược của Mỹ tại Syria. Washington sẽ khó có thể điều khiển được SDF nếu như bên trong tổ chức này vẫn còn lực lượng chiến binh Ả rập (có xu hướng hợp tác với quân đội Syria).
Cuộc chiến tại đông Syria đang đi đến hồi kết, quyền lợi giữa các lực lượng của SDF bắt đầu có sự phân hóa. Khi đạt được mục đích, nhiều khả năng người Kurd sẽ tìm cách loại người Ả rập ra khỏi SDF. Do vậy những vụ bắt bớ tương tự sẽ còn xảy ra trong tương lai gần.
Trước đó hồi tháng 7, đã có 2 chỉ huy phiến quân được Mỹ hậu thuẫn tại miền nam Syria cũng đào tẩu khỏi tổ chức và đầu quân cho quân đội Syria. Những chỉ huy này còn đưa thêm một số binh lính và phương tiện quân sự đi cùng.(Baodatviet)
-----------------------------------
Hàn Quốc bàn giao tàu ngầm cho Indonesia
Hải quân Hàn Quốc ngày 29.8 thông báo đã bàn giao một tàu ngầm do nước này sản xuất cho Indonesia.
Tàu ngầm KRI Nagapasa 403 cập cảng ở Indonesia vào ngày 28.8 sau 16 ngày di chuyển từ Hàn Quốc, theo hãng tin Yonhap.
Tập đoàn đóng tàu Daewoo (Hàn Quốc) đã ký kết văn bản bàn giao chính thức tàu ngầm 1.400 tấn cho Hải quân Indonesia vào ngày 2.8.
Trong buổi lễ tiếp nhận ngày 29.8, Đô đốc Hải quân Indonesia Ade Supandi tuyên bố tàu ngầm mới sẽ giúp nước này tăng cường khả năng phòng thủ trên biển.
Đây là một trong số ba tàu ngầm Indonesia đặt hàng Hàn Quốc trong thỏa thuận trị giá 1,1 tỉ USD (25 nghìn tỉ đồng) được ký kết hồi năm 2011.
Theo thỏa thuận chuyển giao công nghệ, tàu ngầm chạy bằng điện-diesel thứ hai được đóng tại Hàn Quốc và phía Indonesia sẽ đóng chiếc thứ ba.
Tàu ngầm lớp Chang Bogo có tầm hoạt động 18.500 km với thủy thủ đoàn 40 người.
Hải quân Indonesia lên kế hoạch triển khai tàu ngầm mới vào năm 2018 sau khi trang bị ngư lôi Black Shark do Ý sản xuất.(Thanhnien)
-------------------------------
Trung Quốc lớn tiếng nói Ấn Độ tự rút ra bài học
Hôm 28-8, Bộ Ngoại giao Ấn Độ trong một thông cáo cho hay New Delhi và Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận “khẩn trương rút quân” khỏi cao nguyên Dokalam sau căng thẳng kéo dài hơn hai tháng qua ở khu vực này.
Một ngày sau đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói: “Quân đội Trung Quốc sẽ vẫn duy trì cảnh giác và kiên quyết bảo vệ lãnh thổ cùng chủ quyền quốc gia sau căng thẳng quân sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ”.
Trong tuyên bố ngày 29-8, ông Ngô nói rằng: “Chúng tôi nhắc nhở Ấn Độ hãy rút ra bài học từ vụ việc, tuân thủ các hiệp ước đã có và những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, đồng thời hợp tác cùng Trung Quốc để đảm bảo hòa bình và ổn định dọc khu vực biên giới cũng như thúc đẩy sự phát triển có lợi cho quân đội hai nước”.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm. Ảnh: SCMP
Ấn Độ ngày 28-8 xác nhận cả hai bên đang rút quân khỏi cao nguyên Dokalam. Trung Quốc nói rằng phản ứng với động thái của Ấn Độ và để “phù hợp với những thay đổi của tình hình trên thực địa, Trung Quốc sẽ có những điều chỉnh và triển khai phù hợp với những thay đổi đó”.
Trung Quốc xác nhận Ấn Độ đã rút hết quân. Trong khi đó, các nguồn tin Ấn Độ cho biết Trung Quốc đã di chuyển các xe ủi đất và thiết bị dùng để xây đường ra khỏi cao nguyên Dokalam. Động thái cho thấy Bắc Kinh đã đồng ý dừng các kế hoạch xây một con đường ở khu vực này.
Khi công binh Trung Quốc tiến vào cao nguyên Dokalam để xây đường hồi giữa tháng 6, Ấn Độ đã điều binh sĩ tới đây để ngăn chặn theo yêu cầu trợ giúp của Bhutan. Động thái đã châm ngòi cho căng thẳng kéo dài hơn hai tháng qua giữa Bắc Kinh và New Delhi. Cao nguyên Dokalam hiện là đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan.
Thỏa thuận cùng rút quân đạt được giữa bối cảnh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sắp tới TP Hạ Môn, Trung Quốc để tham dự hội nghị thượng đỉnh khối các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, TQ và Nam Phi) từ ngày 3 đến 5-9 tới.(PLO)
----------------------------
Ukraine hết giá trị trong mắt Mỹ?
Cánh cửa vào NATO của Ukraine ngày càng trở nên chông chênh hơn nhiều nhiều chính khách Mỹ tỏ rõ thái độ không ủng hộ.
Ukraine chưa đủ sẵn sàng để gia nhập NATO
Trong khuôn khổ chuyến thăm Ukraine của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Ukraine - Kurt Volker cho biết chính quyền Tổng thống Poroshenko chưa sẵn sàng để gia nhập NATO vào lúc này.
“Tôi rất tôn trọng Ukraine. Tuy nhiên hiện nay tôi chưa thấy rằng Ukraine đã đủ sẵn sàng để gia nhập NATO, cả từ góc độ an ninh”, ông Volker nhấn mạnh.
Theo ông Volker, quyết định gia nhập NATO vẫn thuộc về phía Ukraine. Tuy nhiên chu trình chuẩn bị để Kiev gia nhập khối liên minh quân sự này sẽ mất nhiều thời gian.Đặc biệt, cả Mỹ, EU và Nga đều cần phải hiểu rằng Ukraine là một quốc gia độc lập. Do đó trên thực tế không ai có thể nói khi nào thì Ukraine sẽ là thành viên của NATO.
“Điều đó hoàn toàn là quyết định của Ukraine, nhưng như vậy không có nghĩa là Ukraine hiện đã gần tới chỗ để nhận lời mời vào NATO. Trên thực tế, việc đó phải mất thời gian rất dài”, ông Volker khẳng định.
Lời tuyên bố trên của ông Volker dường như là gáo nước lạnh vào những nỗ lực mà chính quyền Ukraine đang cố gắng, nỗ lực suốt thời gian qua.
Còn nhớ hôm 10/7, khi phát biểu trước đông đảo người dân và báo chí, Tổng thống Poroshenko đã tuyên bố, Ukraine sẽ tập trung vào các hoạt động cải cách an ninh, quốc phòng theo tiêu chuẩn NATO và tạm thời chưa sốt sắng với tư cách thành viên của tổ chức này.
Ông Poroshenko khẳng định, Ukraine rõ ràng vạch ra tương lai chính trị và tương lai an ninh của mình như một thành viên của liên minh xuyên Đại Tây Dương.
“Việc đưa Ukraine gia nhập NATO đã được quy định rõ ràng trong chính sách của chính phủ. Những nỗ lực chủ động nhằm cải tổ lĩnh vực an ninh và quốc phòng sẽ đều tập trung vào vấn đề này”, ông Poroshenko nhấn mạnh.
Ukraine hết giá trị trong mắt Mỹ?
Đây không phải là lần đầu tiên Washington tỏ thái độ thờ ơ với nguyện vọng vào NATO của chính quyền Tổng thống Poroshenko.
Từ thời cựu Tổng thống Obama đến thời điểm ông Donald Trump nắm quyền Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, cánh cửa vào NATO của Ukraine chưa lúc nào dễ dàng.
Một điều dễ hiểu là hiện nay Kiev vẫn đang phải đối mặt với quá nhiều những vấn đề khủng hoảng về kinh tế, chính trị chưa có cách nào giải quyết triệt để. Rõ ràng Ukraine không còn quá nhiều giá trị trong mắt Mỹ để quốc gia này phải tìm cách níu kéo, thắp lửa niềm tin.Cụ thể nhất, hôm 24/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong một cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Poroshenko đã nói rằng, Mỹ đánh giá cao nổ lực thay đổi các tiêu chuẩn quốc phòng của Ukraine theo tiêu chuẩn của NATO.
Tuy nhiên ông Mattis mong muốn sự thay đổi trên của Kiev ngày càng thiết thực hơn. Với những thay đổi hiện tại là chưa đủ để Ukraine có thể nhận được một cam kết nào đó từ Washington về khả năng gia nhập NATO.
Trên tờ Forbes, chuyên gia Doug Bandow cho rằng việc NATO kết nạp Ukraine là một ý tưởng không tốt, do đó Mỹ cần khẩn trương bác bỏ kế hoạch này.
“Về mặt an ninh, Ukraine là một hố đen. Nếu kết nạp nước này vào NATO thì cũng sẽ không giúp tăng cường sự bảo vệ đối với người Mỹ. Vì vậy, đối với Liên minh sẽ tốt hơn nếu kiên quyết đóng cửa đối với Ukriane và xua tan mọi ảo tưởng của nước này…”, ông Doug Bandow khẳng định.
Thậm chí, ông Bandow còn nhấn mạnh, NATO cần kết nạp các thành viên mới chỉ khi thành viên đó có khả năng làm tăng sự an toàn của toàn Liên minh. Đối với Ukraine, ông Bandow cho rằng quốc gia này còn xa mới đạt được các tiêu chuẩn dân chủ nhất định của NATO.
“Ukraine là ứng cử viên rất xấu để làm thành viên với những lý do chính trị cũng như an ninh”, Bandow khẳng định.
Ông Barack Obama trong thời gian đương nhiệm cũng tuyên bố, NATO cần giúp Ukraine, cũng như tất cả các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, sự hỗ trợ nhiều nhất có thể.
“NATO phải thực hiện các cam kết cụ thể nhằm trợ giúp Ukraine hiện đại hóa và tăng cường các lực lượng an ninh. Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để trợ giúp các đối tác khác của NATO, trong đó có Gruzia và Moldova, đồng thời thúc đẩy phòng thủ của các nước này”, ông Obama nhấn mạnh.
Tuy nhiên sau rất nhiều nỗ lực, kể cả những lời hứa có cánh của Mỹ, con đường gia nhập NATO của Ukraine vẫn đầy chông gai.(Baodatviet)