Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 06-09-2017:
Cập nhật : 06/09/2017
Nơm nớp trước tên lửa Triều Tiên, Nhật Bản muốn bắt tay Mỹ chế vũ khí laser
Do Triều Tiên thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, Nhật Bản đang nghiên cứu phát triển hệ thống mới đánh chặn tên lửa đạn đạo - đó là thiết bị laser công suất cao. Nhật Bản có thể được Mỹ giúp.
Mỹ đã cung cấp thông tin thành quả nghiên cứu vũ khí laser cho Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: Cankao.
Tờ Yomiuri Shimbun Nhật Bản ngày 3/9 cho hay do Triều Tiên thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, Chính phủ Nhật Bản đang thảo luận phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo mới. Việc sử dụng thiết bị laser công suất cao (năng lượng cao) chiếu vào tên lửa đạn đạo vừa phóng không lâu sẽ có thể đạt được hiệu quả phá hoại tên lửa và làm cho tên lửa không thể phát huy tác dụng. Nhật Bản khó có thể sử dụng các công nghệ hiện có để đánh chặn tên lửa của Triều Tiên, vì vậy Nhật Bản quyết định nghiên cứu phát triển công nghệ mới để tiến hành ứng phó. Công nghệ mà Nhật Bản mong muốn nghiên cứu phát triển là trong "giai đoạn bay lên" không lâu sau khi tên lửa đạn đạo phóng đi, sử dụng thiết bị laser công suất cao trên máy bay và tàu chiến để tiến hành chiếu xạ, sức nóng từ đó sẽ làm cho tên lửa biến dạng. Chi phí cho phát triển thiết bị laser sẽ rẻ hơn so với chi phí chế tạo tên lửa đánh chặn. Nếu thực hiện được thì có thể ứng phó với nhiều loại tên lửa của Triều Tiên. Trong yêu cầu ngân sách năm tài khóa 2018, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất kinh phí nghiên cứu hệ thống laser công suất cao là 8,7 tỷ Yên (khoảng 79 triệu USD). Hệ thống laser chủ yếu dùng để đánh chặn đạn súng cối và máy bay không người lái cỡ nhỏ.
Pháo laser trang bị cho tàu USS Ponce, Hải quân Mỹ.
Nghiên cứu cơ bản về thiết bị laser công suất cao đã bắt đầu được tiến hành từ năm tài khóa 2010. Trong 5 năm tính từ năm tài khóa 2018, Nhật Bản sẽ chuyển sáng tiến hành nghiên cứu phát triển trang bị laser. Do có các ưu thế như giá thành thấp hơn chi phí chế tạo tên lửa đánh chặn, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cân nhắc đưa thiết bị laser công suất cao vào hệ thống phòng thủ tên lửa. Điểm hạn chế của thiết bị laser công suất cao là khoảng cách càng xa thì nhiệt lượng càng ít, tầm bắn khá ngắn, cần phải để máy bay và tàu chiến tiếp cận địa điểm phóng tên lửa. Vấn đề về mặt công nghệ là cách thức bảo đảm cho thiết bị laser có thể tiếp tục chiếu xạ chính xác tên lửa đạn đạo có tốc độ bay cao. Các nước như Mỹ và Trung Quốc cũng đang phát triển vũ khí laser. Quân đội Mỹ đã bắt đầu triển khai chiến đấu thực tế. Mỹ cũng đang thảo luận việc sử dụng có hiệu quả vũ khí laser để tiến hành phòng thủ tên lửa, đồng thời cung cấp các thông tin liên quan đến thành quả nghiên cứu vũ khí laser cho Bộ Quốc phòng Nhật Bản.(Viettimes) ---------------------
Israel: Nên hủy diệt tiềm lực hạt nhân Triều Tiên-Iran?
Trang mạng DEBKAfile của Israel nhận định rằng, nếu không có biện pháp mạnh, Triều Tiên sẽ ở "cửa trên" so với Mỹ-Nhật-Hàn, sau thành công của ICBM, bom H.
Triều Tiên thành công với ICBM, bom H
Hôm 3/9, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã công khai tuyên bố trước thế giới về việc nước này đã thử thành công bom nhiệt hạch có sức công phá tương đương 150 kiloton và đã sở hữu khả năng lắp nó vào một đầu đạn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên được các chuyên gia ước tính có sức mạnh gấp hàng chục lần so với quả bom Mỹ đã phá huỷ Nagasaki. Các nhà khoa học thuộc Tổ chức Hiệp ước cấm thử nghiệm vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Vienna cho biết đây là bằng chứng cho thấy chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đang tiến rất nhanh.
Cho đến nay, các cường quốc thế giới, đặc biệt là Mỹ-Hàn vẫn không có quyết định gì mạnh mẽ hơn là những lời lên án và đe dọa trừng phạt mạnh tay hơn đối với chính quyền Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi Triều Tiên là một quốc gia thù địch mà lời nói và hành động của họ là "nguy hiểm đối với Hoa Kỳ", đồng thời triệu tập một cuộc họp với đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia của ông.
Nhưng tất cả những biện pháp được chính quyền Washington đưa ra chỉ là các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn, bao gồm cả việc chấm dứt thương mại với tất cả các nước đang có hoạt động kinh tế với Triều Tiên.
Chính quyền của ông Shinzo Abe thì tuyên bố, thử nghiệm hạt nhân mới nhất, mạnh mẽ nhất của Triều Tiên từ trước đến nay là "hoàn toàn không thể chấp nhận được và chúng ta phải có một cuộc phản kháng mạnh mẽ".Còn chính quyền Hàn Quốc nhấn mạnh, thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 của nửa lãnh thổ phía Bắc bán đảo Triều Tiên sẽ phải gánh chịu những "phản ứng mạnh mẽ hơn", bao gồm các biện pháp trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để "cô lập hoàn toàn" chính quyền Bình Nhưỡng.
Triều Tiên dường như đã thành công với ICBM và bom H
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 3/9 đã thống nhất "một số biện pháp khẩn cấp" để "đối phó một cách thích đáng" với cuộc thử nghiệm hạt nhân mới nhất của Triều Tiên.
Tân Hoa Xã cho biết, hai nhà lãnh đạo Nga-Trung nhất trí kiên trì với mục tiêu "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên" và cam kết giới lãnh đạo hai nước sẽ giữ liên lạc và điều phối chặt chẽ để đối phó với tình hình mới.
Thế nhưng, tất cả chỉ là những tuyên bố rời rạc, không liên kết, không tương hỗ với nhau. Cộng đồng quốc tế chưa nhận thấy có bất cứ dấu hiệu nào về việc "tất cả các quyền lực của thế giới cùng hợp tác, hữu hiệu và có hiệu quả về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên".
Dùng vũ lực là biện pháp duy nhất chặn tay Triều Tiên?
Kể từ cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của Bình Nhưỡng vào ngày 9 tháng 10 năm 2006, hầu như mọi hình phạt và sự kiềm tỏa mang tính khả thi đều đã được đưa ra để cố gắng ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân của quốc gia trên bán đảo Triều Tiên này, trừ việc đưa ra các hành động quân sự.
Theo các nhà phân tích, các biện pháp này không hiệu quả chủ yếu là vì chúng được áp đặt từng phần, không mang tính hệ thống toàn diện. Nhưng trên hết, điều này là do các cường quốc không bao giờ thống nhất về ý tưởng và phối hợp triển khai đồng loạt tất cả các biện pháp của họ.
Một bài bình luận trên trang mạng DEBKAfile của Israel cho biết, bao vây, cô lập và xử phạt không bao giờ là một biện pháp toàn diện và do đó, nó không thể trở thành một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Phải chăng ở đây cần một hành động quân sự cứng rắn?
Lần duy nhất hành động quân sự được áp dụng đối với cơ sở hạt nhân của Triều Tiên là vào ngày 6 tháng 9 năm 2007, khi Lực lượng Không quân Israel và các lực lượng đặc biệt của tình báo nước này đã tiến hành "Chiến dịch Orchard" (Operation Orchard) trên lãnh thổ Syria.
Theo đó, lực lượng vũ trang Israel đã cho nổ tung lò phản ứng plutoni đang được Triều Tiên xây dựng ở tỉnh Deir ez-Zour (Deir Ezzor) của Syria. Nhà máy này được dự định là cơ sở cung cấp plutoni chính cho Iran và nếu nó hoàn thành, sẽ giúp chính quyền Tehran đẩy nhanh tiến độ chế tạo thành công một quả bom hydro tương tự như Triều Tiên hiện nay.
Hoạt động cứng rắn này của Israel là đơn lẻ và đã từ rất lâu, chủ yếu vì sau này họ đã bị kiềm chế bởi chính sách hòa dịu với Iran của ông Obama. Các liên nhiệm kỳ chính phủ Israel do ông Benjamin Netanyahu lãnh đạo cũng không dám chấp thuận ý kiến của một số chính trị gia và tướng lĩnh Israel muốn tấn công phá hủy chương trình hạt nhân của Iran trước khi nó trưởng thành.
Đối với việc ngăn chặn Triều Tiên sở hữu vũ khí hàng đầu thế giới này chỉ có hành động vũ lực là đúng đắn nhất. Nhưng bởi một cuộc tấn công quân sự được coi là một lựa chọn tồi tệ nên chính phủ các cường quốc dường như đang sử dụng con đường hòa giải để sống chung với vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Mỹ-Hàn sẽ phải buộc phải thỏa thuận với Triều Tiên
Trước Iran, sáu cường quốc thế giới, gồm 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp) và Đức (còn gọi là nhóm P5+1) đã hợp sức và đạt được thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran. Thế nhưng, thỏa thuận này có lỗ hổng là còn để lại nguyên vẹn các chương trình tên lửa và vũ khí của Iran, mà không có cơ chế giám sát hiệu quả.Giả sử như 6 cường quốc trên hợp sức lại, đưa ra cho Triều Tiên một tối hậu thư trong bảy ngày phải hủy bỏ các chương trình đó, nếu không chính quyền Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với sự tàn phá của chiến tranh, người ta tin rằng, Kim Jong-un sẽ quyết định ngồi xuống và nói chuyện.
Cộng đồng quốc tế đang kêu gọi Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo
Nhưng ngày nay, Triều Tiên được tự do phóng tên lửa đạn đạo qua Nhật Bản và dễ dàng nổ thử một quả bom hydro giống như trò chơi bắn pháo hoa của một đứa trẻ, trong khi thế giới “năn nỉ ỉ ôi” với Bình Nhưỡng là cần thảo luận về việc đóng băng các chương trình hiếu chiến của ông ta trên mô hình Iran.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ muốn nhiều hơn là thỏa thuận giành được của Tehran, cho một lệnh cấm vận 10 năm và một cam kết trị giá 150 tỷ USD và nhiều phần thưởng khác để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển ICBM và vũ khí hạt nhân.
Kim Jong-un có kho vũ khí lớn hơn nhiều, chắc chắn những đòi hỏi của nước này sẽ cao hơn rất nhiều, bởi nhà lãnh đạo Triều Tiên tin rằng, “đòn bẩy tống tiền” của ông ta sẽ không bao giờ mất đi hiệu quả.
Bình Nhưỡng sẽ yêu cầu Mỹ chất lên bán đảo Triều Tiên “một núi tiền” để chấp nhận ngồi vào bàn thương lượng hoặc tiếp tục phóng tên lửa qua lãnh thổ các nước láng giềng ra Thái Bình Dương hoặc đe dọa tấn công Hoa Kỳ với ICBM tiên tiến mang đầu đạn hạt nhân.
Sau đó, ông Kim sẽ tiếp tục trung thành với di sản của cha mình là Kim Jong-Il, người tuyên bố vào năm 1995 rằng: “Chương trình hạt nhân là vật bảo đảm duy nhất cho sự tồn tại của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”.
Có thể nói rằng, nếu không có những biện pháp chế áp bằng hành động quân sự cứng rắn trong thời điểm hiện nay, cả Tehran và Bình Nhưỡng đều đang ở “thế thượng phong” so với Mỹ-Nhật-Hàn trong chương trình phát triển năng lực tấn công hạt nhân tầm xa của họ. (Huy Bình - ĐVO) ------------------------
Nhật Bản đánh giá bất ngờ về sức công phá bom nhiệt hạch Triều Tiên
Bộ trưởng Bộ quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera vào ngày 5/9 cho biết Ủy ban trù bị cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) có thể sẽ thay đổi ước tính của mình về sức mạnh của vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên thử nghiệm ngày 3/9. Theo ủy ban này, quả bom của Triều Tiên có thể có sức công phá lớn hơn so với ước tính ban đầu.
“Hiện nay có khả năng là ủy ban sẽ thay đổi mức đánh giá từ 5,9 sang 6,0. Điều này có nghĩa là sức công phá và sức mạnh của vụ thử nghiệm lớn hơn so với dự đoán của chúng ta trước đó. Không còn nghi ngờ gì nữa, sức công phá của quả bom này vượt qua những quả bom thả xuống Hiroshima và Nagasaki”, bộ trưởng Onodera phát biểu.
Ngày 3/9, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch có thể tích hợp vào tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Theo những tính toán ban đầu, CTBTO ước tính mức độ của cơn địa chấn do vụ nổ gây ra là 5,8. Nhưng theo bộ trưởng Bộ quốc phòng Nhật Bản, quả bom này có sức công phá lên tới 70 kiloton.
Bình luận về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng những hành động của Bình Nhưỡng là thù địch và nguy hiểm, đồng thời nhấn mạnh rằng việc nói chuyện trấn an sẽ không có tác dụng.
Ông Trump cũng khẳng định Mỹ sẵn sàng tự vệ và bảo vệ các đồng minh của mình với các biện pháp ngoại giao, chiến tranh và cả vũ khí hạt nhân.(VTC)
Mỹ đe sẵn sàng phản ứng quân sự quy mô lớn với Triều Tiên; Nhật sơ tán 60.000 dân ở Hàn Quốc, Trung Quốc bình chân; Ông Putin: Nếu cảm thấy bị đe dọa, Triều Tiên vẫn phát triển vũ khí bất chấp lệnh trừng phạt
Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông.Bao giờ người Việt chạm tay vào giấc mơ ô tô?