Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Nếu Không Bị Kiềm Chế Trung Quốc Sẽ Là Đức Quốc Xã Thứ 2
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 14-09-2017
- Cập nhật : 14/09/2017
Nga hai mặt với Triều Tiên?
Nga bỏ phiếu ủng hộ Liên Hợp Quốc trừng phạt Triều Tiên nhưng các bằng chứng từ Mỹ cho thấy nước này đang âm thầm giúp đỡ Bình Nhưỡng.
Nga bỏ phiếu trừng phạt Triều Tiên
Tờ Sputnik dẫn lời ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin trong buổi làm việc với báo chí hôm 12/9 tiết lộ lý do bỏ phiếu trừng phạt Triều Tiên.
Theo ông Peskov, quan điểm của Nga liên quan đến việc áp dụng nghị quyết này chủ yếu dựa trên lợi ích của quốc gia này. Bởi lẽ hiện nay Nga nằm trong khu vực leo thang căng thẳng nghiêm trọng do các hành động gây hấn của Triều Tiên.
“Các cuộc thảo luận với lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản bên lề Diễn đang Kinh tế phương Đông đã nghiêm túc giúp chúng tôi hiểu liệu các nước trong khu vực có chung một mục tiêu hay không”, ông Peskov nhấn mạnh.
Ông Peskov khẳng định, các nước hiện nay đều có chung mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như không công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.
Trước đó hôm 11/9 khi phát biểu trước các thành viên Hội đồng Bảo an, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzia cũng tuyên bố Moskva không công nhận vai trò hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời ủng hộ việc phi hạt nhân hóa bán đảo này.
“Nga không công nhận tuyên bố của Triều Tiên rằng nước này là một cường quốc hạt nhân. Nga ủng hộ tất cả các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan đến việc yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng chương trình tên lửa nhằm mục đích phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, ông Nebenzia nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Nebenzia cũng đề nghị tất cả các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc nên tiếp tục tìm kiếm những giải pháp ngoại giao phù hợp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên.
Đáng chú ý, các bên cần nghiêm túc xem xét sáng kiến “hai tạm dừng” của Nga – Trung về vấn đề Bình Nhưỡng, đó là Triều Tiên tạm dừng chương trình hạt nhân và tên lửa trong khi phí Mỹ - Hàn tạm dừng các chương trình tập trận.
“Việc đánh giá thấp sáng kiến chung của Nga – Trung Quốc là một sai lầm rất lớn”, ông Nebenzia cảnh báo.
Nga chơi trò 2 mặt?
Tuyên bố của điện Kremlin được đưa ra không lâu sau khi Liên Hợp Quốc thông qua lệnh trừng phạt mạnh nhất từ trước tới nay với Triều Tiên hôm 11/9.
Lệnh trừng phạt cấm mọi hoạt động xuất khẩu khí hóa lỏng và cô đặc cho Triều Tiên đồng thời quy định cấm vận với hàng may mặc xuất khẩu của Triều Tiên.
Khẳng định trên của giới chức Moskva hoàn toàn trái ngược với những gì mà Tổng thống Putin từng tuyên bố trước đó trong cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 6/9.
Ông chủ điện Kremlin khẳng định Nga sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu cho Triều Tiên bất chấp tình hình căng thẳng hiện nay.Theo ông Putin, Mỹ và các quốc gia đồng minh của họ muốn gia tăng trừng phạt Triều Tiên bằng cách đề xuất với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một lệnh cấm xuất khẩu dầu cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên Nga có quyền phủ quyết mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên đề xuất này của Washington khó có thể thông qua.
Tổng thống Putin khẳng định, Nga hiện chỉ xuất khẩu khoảng 40.000 tấn dầu cho Triều Tiên mỗi năm. Hơn nữa việc ngưng xuất khẩu dầu sang Triều Tiên sẽ chỉ làm tổn thương người dân nước này khi làm hủy hoại các cơ sở y tế và cơ sở dân dụng khác.
“Chúng ta không nên hành động theo cảm xúc vì có thể đẩy Triều Tiên vào con đường tạo ra kết thúc thảm khốc. Chúng ta cần bình tĩnh và tránh những bước đi làm tình hình căng thẳng”, ông Putin cảnh báo.
Trong một diễn biến có liên quan, tờ Washington Post dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cáo buộc các doanh nghiệp buôn lậu Nga đã chuyển những lô hàng xăng dầu và các sản phẩm thiết yếu nhằm giúp Triều Tiên lách qua các lệnh trừng phạt kinh tế của Liên Hợp Quốc.
Theo lời vị này, hoạt động của các tàu chở dầu giữa cảng Triều Tiên và thành phố Vladivostok, phía đông Nga vào mùa xuân năm nay có dấu hiệu gia tăng.
Đặc biệt, khi Trung Quốc bắt đầu cắt giảm nguồn cung dầu mỏ và khí đốt thì Triều Tiên lại hướng đến Nga.
Vị quan chức Mỹ cho rằng, việc đẩy mạnh các hoạt động trên có thể đóng vai trò sống còn với Triều Tiên, trong bối cảnh nước này đang tiếp tục nhận thêm nhiều lệnh trừng phạt mới từ Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, ông Anthony Ruggiero, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ nhận định Nga đang là người kiểm soát cuộc chơi trong lĩnh vực dầu mỏ và vấn đề quan trọng là người Nga có chung suy nghĩ với Trung Quốc trong vấn đề trừng phạt Triều Tiên hay không.
“Trung Quốc có thể đã cảm thấy nản với vấn đề Triều Tiên và sẵn sàng hành động để gia tăng áp lực. Tuy nhiên không chắc chắn rằng Nga có lựa chọn theo hướng đi đó hay không”, ông Anthony Ruggiero đặt câu hỏi.
Tờ Straits Times cũng trích dẫn các tài liệu của quan chức thực thi pháp luật Mỹ, trong đó đề cập tới công ty Nga có tên là Velmur.
Đây là công ty quản lý bất động sản do Nga thành lập tại Singapore vào năm 2014 và đã có giao dịch lên tới hàng triệu USD với Triều Tiên trong lĩnh vực mua bán dầu thô. Tuy nhiên điều đáng nói là công ty này không có trụ sở chính thức, không văn phòng cụ thể, thậm chí không có cả website để liên hệ.
Do đó thời gian qua, Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây đã đặt nghi vấn, công ty này nằm trong đường dây rửa tiền cho Triều Tiên khi giao dịch với Triều Tiên bằng tiền mặt và mang khoản tiền này thanh toán cho 1 công ty dầu khí của Nga.
Với những bằng chứng từ Mỹ và phương Tây, dường như Nga đang là quốc gia được hưởng nhiều lợi ích nhất từ việc Liên Hợp Quốc gia tăng các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên.(Baodatviet)
--------------------------
Triều Tiên nói Peru ‘thêm dầu vào lửa’
Đại sứ Triều Tiên tại Peru phản ứng sau khi bị trục xuất khỏi quốc gia Nam Mỹ này, liên quan tới việc Bình Nhưỡng thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ sáu vừa qua.
Hôm 11-9, chính quyền Peru tuyên bố đưa đại sứ của Triều Tiên Kim Hak Chol vào diện "không được hoan nghênh", và ra thời hạn 5 ngày để rời khỏi nước này.
Trong một phát biểu ngày 12-9, đại sứ Triều Tiên cho rằng quyết định của chính quyền Lima trong việc trục xuất ông giống như hành động "đổ thêm dầu vào lửa", đồng thời khẳng định Triều Tiên sẽ "không hề lung lay" trong việc tiếp tục theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân.
"Biện pháp ngoại giao và quan hệ song phương được Chính phủ Peru đưa ra hôm qua vô căn cứ pháp luật và thiếu đạo đức, cũng như không khiến hòa bình và an ninh thế giới tốt lên chút nào. Ngược lại, nó đổ thêm dầu vào lửa như một hành động khiến chúng tôi bày tỏ sự phản đối và đáng tiếc", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Kim Hak Chol.
Triều Tiên đang đối diện với làn sóng cô lập ngày một lớn dần. Peru đã gia nhập nhóm các nước như Mexico và Philippines bày tỏ sự phản đối đối với động thái bị cho là vi phạm nghị quyết của HĐBA Liên Hiệp Quốc của Bình Nhưỡng.
Sau cuộc bỏ phiếu ngày 11-9, HĐBA Liên Hiệp Quốc tuyên bố thêm các biện pháp mới trừng phạt Triều Tiên, có thể đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng toàn diện.
Về phần mình, Triều Tiên tỏ ra bất mãn với sức ép kinh tế và ngoại giao từ các nước.
Tương tự như tại Peru, tuần trước đại sứ Triều Tiên tại Mexico, ông Kim Hyong Gil, cho rằng vấn đề hạt nhân Triều Tiên là chuyện chẳng liên quan gì tới Mexico cả. Phía Triều Tiên không hài lòng với việc mâu thuẫn giữa họ và Mỹ lại lôi các nước khác vào cuộc.
Ông Kim Hak Chol nói thêm: "Đó là vấn đề giữa chúng tôi và Mỹ. Chúng tôi sẽ tiếp tục không lung lay trên con đường của công lý mà chúng tôi đã chọn, bất kể sự vu khống và phỉ báng từ Mỹ, vì cơ bản chúng tôi sẽ kiên định và chiến thắng".(Tuoitre)
-----------------------------
Nga tiết lộ lý do tán thành lệnh trừng phạt Triều Tiên
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov mới đây tiết lộ lý do Nga bỏ phiếu tán thành lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu của nước này hồi đầu tháng 9.
Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Peskov cho hay việc Nga bỏ phiếu thông qua nghị quyết của Liên Hiệp Quốc (LHQ) bắt đầu từ lợi ích của nước này với vai trò là một quốc gia nằm trong khu vực đang leo thang căng thẳng.
“Quan điểm của Nga liên quan đến việc áp dụng nghị quyết này chủ yếu dựa trên lợi ích của Liên bang Nga bởi một thực tế rằng Nga nằm trong khu vực đang diễn ra các sự việc mà chúng tôi coi là sự leo thang căng thẳng nghiêm trọng do các hành động gây hấn của Triều Tiên” - ông Peskov phát biểu trước các phóng viên.
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: REUTERS
“Về các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông), tất nhiên họ đã nghiêm túc giúp chúng tôi hiểu được liệu các nước trong khu vực có chung một mục tiêu hay không” - ông Peskov nói thêm.
Phát ngôn viên điện Kremlin cũng nhấn mạnh rằng quan điểm của các nước có liên quan đến vấn đề Triều Tiên đều giống nhau đối với “việc sử dụng vũ lực, mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như không công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân”.
Những bình luận trên được đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an LHQ hôm 11-9 nhất trí thông qua lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên để đáp trả vụ thử hạt nhân lần sáu hôm 3-9 của nước này. Nghị quyết đã nhận được sự ủng hộ của 15 thành viên Hội đồng Bảo an, đặc biệt trong đó có hai thành viên thường trực Nga, Trung Quốc.
Lệnh trừng phạt do Mỹ soạn thảo bao gồm việc cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng dệt may, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, cấm các nước sử dụng lao động Triều Tiên.
Bình luận về việc thông qua các lệnh trừng phạt mới, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho biết “mối quan hệ vững mạnh” giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đóng vai trò quan trọng trong việc thông qua nghị quyết này.(PLO)